NỮ BÁC SĨ CỦA NGƯỜI NGHÈO

Nữ bác sĩ trẻ Patricia Saraux hành nghề tại thành phố Brest, vùng Bretagne, miền Tây nước Pháp. Thoạt nhìn người phụ nữ nhanh nhẹn, duyên dáng trong y phục hợp thời trang, khó ai có thể đoán bà là bác sĩ của người nghèo, người thất nghiệp và những kẻ không nhà không cửa.

Nữ bác sĩ Saraux đã lập gia đình và có 3 cô con gái xinh xắn. Sau khi ra trường - cứ sự thường - bà dự định mở phòng mạch như phương kế sinh nhai. Tuy nhiên, sau sứ vụ nhân đạo tại Rwanda (Phi Châu) trong vòng một năm, cuộc đời sự nghiệp của nữ bác sĩ Patricia Saraux thay đổi hẳn chiều hướng. Bà không coi nghề bác sĩ như phương tiện làm giàu, nhưng như phương cách đi đến với người bất hạnh, kém may mắn.

THIÊN CHÚA Quan Phòng định liệu tất cả. Vào năm 1993, tình cờ bà Patricia khám phá ra ”Trung Tâm Săn Sóc Sức Khoẻ” dành cho người nghèo tại thành phố Brest, quê sinh của bà. Trung Tâm do các bác sĩ thiện nguyện trông coi. Thế nhưng Trung Tâm không hoạt động đều đặn vì các bác sĩ làm việc không tôn trọng giờ giấc. Khi hay tin vị phụ trách Trung Tâm - bác sĩ Ronan Le Reun - muốn điều chỉnh lại các hoạt động, nữ bác sĩ Patricia Saraux nắm ngay cơ hội. Bà sẵn sàng cộng tác với Trung Tâm nửa ngày. Nửa ngày còn lại bà dành cho việc chăm sóc cửa nhà và chồng con. Như thế, bà dung hòa được hai lý tưởng: làm mẹ làm vợ và làm bác sĩ!

Tuy nhiên, trong trường hợp của bà Patricia thì có lẽ làm vợ và làm mẹ dễ hơn làm bác sĩ cho người lang thang không nhà không cửa! Bà tâm sự:

- Bệnh nhân thuộc nhóm người này không phải là chú bé giúp lễ ngoan đạo. . Họ thường là kẻ nghiện rượu hoặc nghiện ma túy và từng vào tù ra khám. Tiếp xúc ban đầu bao giờ cũng khó. Sau đó liên hệ giữa chúng tôi dần dần trở nên tin tưởng và dễ dàng hơn.

Nữ bác sĩ Patricia đặc biệt chăm sóc sức khoẻ cho những bệnh nhân ly thân ly dị, những cặp rối vợ rối chồng. Bà cũng săn sóc người cô đơn già yếu, không đồng lương cũng không tiền trợ cấp xã hội, những người không còn hưởng quy chế thất nghiệp hoặc người bị nợ phủ ngập đầu! Chưa hết, nữ bác sĩ Patricia dấn thân giúp đỡ những gia đình ở trong tình trạng bất hợp pháp. Bà kể:

- Tôi nhớ rõ một người đàn ông bị bệnh lao phổi ở thời kỳ trầm trọng. Ông phải chống nạng và thường đi men theo bờ tường. Không một ai muốn giúp đỡ ông. Cứ mỗi buổi tối, cảnh sát ”hốt” ông ngoài đường và mang ông vào nhà thương. Nhưng không nhà thương nào muốn giữ ông. Sau cùng, tôi tìm được cho ông một chỗ trong Viện Dưỡng Lão và ông bằng lòng ở lại nơi đó, cũng như nơi đó bằng lòng giữ ông lại!

Một đức tính nổi bật nơi nữ bác sĩ Patricia là lòng kính trọng con người. Bất cứ bệnh nhân nào, sang cũng như hèn, giàu cũng như nghèo, lớn cũng như nhỏ, đều được bà tiếp rước và chăm sóc với cùng cung cách và tâm tình như nhau.

Một thân chủ nghèo của nữ bác sĩ Patricia Saraux làm chứng:

- Điều chúng tôi ngưỡng mộ nhất, chính ở điểm bà trả lại trọn nhân phẩm cao quý của chúng tôi. Bà không coi chúng tôi như kẻ ăn bám xã hội, người quấy rầy, hay như ”con vật kỳ quái”! KHÔNG! Trái lại, bà kính trọng và yêu thương chúng tôi.

... ”Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo. Đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi. Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi. Đừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo. Một tâm hồn đang bực bội, con đừng làm khổ thêm. Đừng bắt kẻ túng thiếu đợi lâu mới được con giúp đỡ. Kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối. Gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi. Đừng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu thốn, kẻo nên cớ cho người ta nguyền rủa con.. Ai cay đắng trong lòng mà nguyền rủa con, thì Đấng Tạo Thành ra nó, sẽ nghe lời nó thỉnh nguyện.. Hãy lắng nghe kẻ nghèo và nhã nhặn chào lại họ. Đối với trẻ mồ côi, con hãy xử như một người cha, và với mẹ của chúng, hãy xử như một người chồng. Được vậy, con sẽ nên như người con của Đấng Tối Cao, và Người sẽ thương con hơn cả mẹ của con nữa” (Sách Huấn Ca 4,1-10).

(”Reader's Digest Sélection”, 7/1995, trang 76-79)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt