-
Moderator
N - Một người nông dân ra đi gieo giống
Chúa Nhật XV Thường Niên/A:
Một người nông dân ra đi gieo giống
(Mt 13, 3-9)
Trong cuộc sống hằng ngày có không biết bao nhiêu chuyện để kể. Chẳng hạn: Một người nông dân đang sinh sống hạnh phúc với cả gia đình trong một nông trại rộng lớn. Bỗng nhiên có tin nhà nước sẽ mở một con đường nhựa liên tỉnh đi qua ngay giữa nông trại của ông ta. Với tất mọi phương tiện người nông dân đã cương quyết phản đối và chống lại. Tất cả đều vô hiệu quả! Những hình ảnh tương phản hiện lên trong trí người nông dân đáng thương: Thay vào những cây ăn quả xanh tốt, nặng chĩu hoa trái, dãy nhà cửa khang trang, mái ấm gia đình, những tiếng cười nói, các cuộc lễ, và cả đời sống, v.v… nay mai sẽ được thay thế bằng con đường cao tốc với nào là nhựa đường, đá sỏi, dầu hắc ín, đoàn xe cộ qua lại ầm ĩ ngày đêm.
Hay: Một thầy giáo từng đem hết mọi nỗ lực giúp cho lớp học ông phụ trách: Ông đầu tư thời gian, các khả năng và sức lực vào đó. Tuy nhiên ông cảm thấy không mang lại hiệu quả, ông thấy công lao mình không được ghi nhận. Ông trở nên chán nản, mất hết can đảm. Tất cả mọi sự đều trở nên công cốc?
Hay: Hai toán người bàn cãi với nhau về những quan điểm đối lập nhau. Người nói đi kẻ nói lại, nhiều luận cứ được nêu lên, người ta đưa ra những suy tư của mình. Nhưng mọi người đều chủ quan, bảo thủ lấy ý kiến mình, chứ không khách quan suy nghĩ và tìm hiểu quan điểm của người đối thoại với mình, hoặc ít ra tôn trọng và lắng nghe ý kiến họ trình bày. Không phải tất cả đều vô ích hay sao?
Hay: Cha mẹ đã cố gắng tìm mọi cách để giáo dục con họ cái một cách cởi mở thông thoáng và với ý thức trách nhiệm. Họ đã hết lòng kiên nhẫn chịu đựng và rất thông cảm với con cái. Tuy nhiên đứa con trai vẫn bỏ nhà ra đi, nó cảm thấy xa lạ đối với cha mẹ, nó quyết trút bỏ hết quá khứ. Phải chăng tất cả mọi cố gắng đã không trở thành vô ích?
Chính chúng ta, những người đang tham dự Thánh Lễ hôm nay, nhiều lần cũng đã không mệt mỏi, bất động và cam phận? Phải chăng những quãng «đường nhựa đá sỏi» của sự cam phận và bất lực ngạo nghễ chiếm đoạt «mảnh vườn» phì nhiêu nơi tâm hồn chúng ta?
Chúa nhật hôm nay đã đối chiếu thực tại cuộc sống chúng ta với sứ điệp trong dụ ngôn về «Người gieo giống và hạt giống», về thửa đất xấu và tốt, về tình trạng «toi công» và tình trạng phát triển gấp trăm lần của hạt giống.
Người nông dân đang gieo lúa vào ruộng
Tất cả chúng ta đều được mời gọi lắng nghe và tìm hiểu. Qua dụ ngôn này, hình ảnh về hoàn cảnh đầy căm go thử thách và vất vả của cộng đồng các Kitô hữu tiên khởi cũng như của từng cộng đoàn nhỏ của họ, đã hiện rõ trước mắt chúng ta:
Chúng tôi rao giảng và công bố, chúng tôi mang đến cho nhân loại sứ điệp quan trọng, nhưng đã có ai tin chúng tôi? Chúng tôi cảm thấy lẻ loi, bị theo dõi và bị bỏ rơi. Trong khi đó những kẻ gieo cỏ lùng vực lại vô số, và Thiên Chúa không can thiệp, cứ để mặc họ tự do tác oai tác quái. Ðiều gì rồi sẽ xảy ra đây?
Thế nhưng, chúng ta đừng quên rằng số phận Chúa Cứu Thế cũng không may mắn hơn: Người đã đến với dân Người, đã loan báo và đã nói trước cho họ biết và đã được chứng thực bởi Trời Cao, nhưng dân Người đã không tiếp nhận Người. Người đã giảng dạy dân chúng, đã chữa lành bệnh tật cho họ, đã an ủi họ, nhưng đáp trả lại: Người chỉ gặp phải sự cứng lòng không tin, sự chống đối, khước từ và sự hận thù. Trong khi Ðức Giêsu báo tin cho dân Người biết là Nước Thiên Chúa đang đến gần, thì các giáo chức, các nhà thần học và các nhà chính trị của dân Người lại bàn bạc với nhau: phải làm thế nào để có thể tiêu diệt được Người.
Qua mọi thời đại, Lời hằng sống của Thiên Chúa đã được gieo vãi ra khắp nơi. Và bài dụ ngôn cho chúng ta thấy rằng: Tất cả chúng ta đều được nói đến, đều được nhắc tới và được ẩn thân trong sự chăm lo săn sóc của người gieo giống vĩ đại. Lời Chúa luôn vang động mạnh mẽ trong các tâm hồn. Nhưng không phải do công sức chúng ta tạo ra, do những tính toán và dàn xếp sắp đặt của chúng ta. Chính Thiên Chúa tự định liệu các việc của Người.
Nhờ sức mạnh và dựa theo ý muốn của Người Gieo Giống Giêsu Kitô, bao nhiêu người gieo giống khác đã lên đường ra «ruộng» công tác: Các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo lý viên, các nam nữ tu sĩ, các vị linh mục, những người giáo dân già trẻ.
Nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn «Người gieo giống» như thế và ý thức được mình là người trong cuộc, là người được kêu mời tham gia, bấy giờ chúng ta sẽ cảm nhận được ngọn lửa nóng ấm và cháy sáng của những lời Ðức Giêsu đã phán. Những lời đó không đưa ra một giải pháp dễ dàng, nhưng chúng chỉ cho chúng ta một con đường. Chúng trợ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của hoàn cảnh và cuộc sống chúng ta, chúng an ủi và động viên chúng ta bằng sự chắc chắn đầy hy vọng của mình; chúng kêu gọi chúng ta nhập hàng ngũ của các người gieo giống và cầu mong cho chúng ta có được đức điềm tĩnh và lòng hăng hái tận tâm của các vị đó.
Nói tóm lại, dụ ngôn mà hôm nay chúng ta đã được nghe trong bài Tin Mừng, quả thực là một dụ ngôn tạo nên lòng can đảm, loại bỏ sự tự ti mặc cảm và sự cam phận, vạch ra một lối đi và thức tỉnh niềm hân hoan. «Một người gieo giống đi ra gieo giống trong ruộng mình. Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba mươi!» (Mt 13,4-9)
Và tất cả chúng ta vừa là những người gieo giống cần mẫn, vừa là thửa ruộng phì nhiều mầu mỡ cho lời Thiên Chúa
Lm Nguyễn Hữu Thy
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules