ĐẠI SƯ VÀ CÁI BÁT VÀNG



Phật môn đại sư, thân khoác da thú vân du bốn phương, nhưng cái không tương xứng là nơi tay ôm một cái bát bằng vàng lấp lánh, đó là cái bát mà đệ tự của ông ta là một vị vua tặng.

Một đêm nọ, đại sư đang ngủ trong một cái chùa miếu đã bị hư hại, thì phát hiện có người lén lút núp sau cái cột nhà.

- “Cầm lấy nè”, đại sư cầm cái bát vàng đưa qua, “Như thế sau khi ta ngủ dậy thì sẽ không bị giựt mình.”

Tên trộm đưa tay ra lấy cái bát vàng và nghênh ngang bỏ đi. Nhưng, sáng sớm hôm sau nó trở lại, trong tay cầm cái bát vàng, tiện thể đòi thêm một yêu cầu: “Tối hôm qua ông cầm cái bát vàng đưa cho tôi một cách tự tại như thế, khiến cho tôi cảm thấy mình thật là quá nghèo. Xin ngài chỉ giáo cho tôi phải làm thế nào để được sự giàu có, để có thể bất cứ lúc nào từ bỏ nó mà hoàn toàn không lấy làm khó chịu.”

(Trích: Bài ca của loài ếch, phần tu đức)

Suy tư:

Cầm cái bát vàng cho kẻ trộm mà không chút tiếc nuối thì Phật môn đại sư quả là người đã dứt khoác với vật chất của trần gian, và khi đã dứt khoác được như thế thì là lúc có sức mạnh để cảm hóa được người khác.

Có những cái không xứng hợp với tinh thần Phúc Âm của người đã dâng mình làm tôi Chúa, đó là vẫn còn bon chen danh vọng với anh em chị em, đó là vẫn còn lòng dạ ích kỷ ghen ghét với tha nhân, đó là vẫn còn chia bè kết cánh để đạt mục đích cá nhân của mình...

Phật môn đại sư không giảng đạo cho tên trộm, ngài chỉ dùng hành động khảng khái để cảm hóa nó.

Bài giảng có sức lôi cuốn nhất của linh mục là cách sống phù hợp với thiên chức linh mục của ngài; bài giáo lý hấp dẫn nhất của các tu sĩ chính là cung cách phục vụ khiêm tốn và đầy yêu thương của họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.