-
Moderator
C - Chị Thánh Têrêxa Hà Đồng Giêsu và ''Con Đường Thơ Ấu''
Chị Thánh Têrêxa Hà Đồng Giêsu và "Con Đường Thơ Ấu"
Từ xưa đến nay, Giáo Hội chúng ta đã có rất nhiều những vị thánh; những con người đã anh dũng sống một cuộc đời lý tưởng bằng đời sống hy sinh nhiệm nhặt phi thường, ăn chay, hãm mình, đánh tội phạt xác… và còn rất nhiều phương thế khác để nên thánh. Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, chắc có lẽ chỉ có chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã chọn một phương thức nên thánh bình thường; đó là chị đã chọn sống “con đường thơ ấu”. Quả vậy, “con đường thơ ấu” của chị tuy bình thường đã trở nên rất khác thường.
“Đường thơ ấu” theo lẽ thường của cuộc đời nghe cứ nghịch tai sao ấy. Ấy vậy mà lại là con đường được chính Chúa Giêsu phổ biến đấy; Ngài nói: “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” Mà theo cách nói bình dân, “đường thơ ấu” cũng đồng nghĩa với con đường của “trẻ con”, mà trẻ thơ thì có gì đặc biệt để mà nói đến cơ chứ. Có chăng cũng chỉ là dựa dẫm, là cần đến sự nâng đỡ, dìu dắt của người lớn, thế thì có gì hay chăng để mà bàn, mà kể. Thế đấy, chân lý của Nước Thiên Chúa lại nằm ngay trong chính những điều bé mọn, những điều tưởng chừng như “điên dại so với sự khôn ngoan của loài người”.
“Đường thơ ấu”, hay nói khác đi là trở nên như trẻ nhỏ thật không phải chuyện dễ dàng, nhất là khi chúng ta đã lỡ thành người lớn mất rồi. Vì khi làm người lớn, người trưởng thành, chúng ta phải đương đầu với nhiều chuyện, mà khi đương đầu với những toan tính mưu sinh như thế, có mấy ai còn giữ được một tinh thần trẻ thơ thật sự. Tuy người lớn có lắm điều hay mà cũng thật nhiều điều giở, nếu không muốn nói là tệ hại. Người lớn thường lập ra thế giới của riêng mình, biến họ thành những nhà lập luật và đôi khi thành những quan tòa độc đoán…chẳng thế mà con người ta lắm lúc nhìn đứa trẻ chơi đùa vui vẻ mà cứ ước ao về một thế giới hòa bình của trẻ thơ. Trong thế giới của người lớn, Thiên Chúa cũng khó lòng mà có thể chen chân vào được huống chi là trẻ nhỏ. Vì nếu Ngài chen chân vào, họ bảo mất tự do; nếu Ngài dùng điều răn mà giáo huấn họ, họ bảo không dân chủ. Chả thế mà Nước Thiên Chúa khó mà ngự trị được nơi thế giới của những người lớn lắm toan tính và nhiều mưu mô. Mà hỡi ôi, cái chân lý đơn giản để Nước Thiên Chúa có thể ngự trị lại là trở nên như trẻ thơ, yêu thương như trẻ thơ, và phó thác như trẻ thơ.
“Trở nên như trẻ thơ” là một điều mà khi lỡ làm người lớn rồi ta mới ước ao. Vì trẻ con thì không phức tạp như người lớn; chúng cũng có những suy nghĩ, những toan tính đấy, nhưng cứ nhìn cách chúng diễn tả tình yêu là người lớn chúng ta có mơ cũng chẳng thể nào đạt được. Chúng cứ gọi “cha ơi” hay “mẹ ơi” một tiếng rối cứ thế mà buông mình vào lòng cha mẹ, giao phó hết mọi sự vào tay cha mẹ. Trẻ nhỏ càng không tranh đấu, chẳng đòi thiệt hơn với cha mẹ mình. Lắm khi sự vòi vĩnh của chúng cũng chỉ là trong chốc lát, nhưng ý cha mẹ vẫn là tốt nhất.
Vì thế mà chị nhỏ Têrêsa của chúng ta đã đi ngược lại với dòng đời, đã chọn “con đường trẻ thơ”. Nói thế không có nghĩa là chị thánh lúc nào cũng như trẻ nít, trái lại chị rất người lớn và rất có trách nhiệm trong đời sống. Điều duy nhất chị đã làm là bắt chước Chúa, trở nên tình yêu, mém mình vào vòng tay yêu thương từ ái của Cha Trên Trời. Chị đã chọn diễn tả “ơn gọi tình yêu” của mình bằng cách sống “con đường thơ ấu,” chọn yêu thương như trẻ thơ, và tập gọi tiếng “cha ơi” bằng tinh thần trẻ thơ. Vì khi yêu hết mình và đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa, điều đó cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ ý riêng, không toan tính thiệt hơn trong tình yêu, chẳng đòi điều kiện nào ngoài điều kiện xây đắp tình yêu bằng lòng tin tưởng và phó thác.
Chúng ta được sinh vào cuộc đời bằng tác động của tình yêu và ân sủng. Để rồi đến lượt mình, chúng ta cũng được mời gọi để sống ơn gọi yêu thương đó trong tương quan với tha nhân, gia đình, bè bạn. Nhưng làm sao có thể diễn tả tương quan tình yêu như trẻ thơ, một khi chúng ta đã lỡ làm người lớn mất rồi? Thiết nghĩ, cách duy nhất để chúng ta có thể sống ơn gọi tình yêu như chị Thánh Têrêsa là yêu như trẻ thơ và sống tình yêu một cách phong phú, đơn sơ như trẻ thơ – tin tưởng tất cả, phó thác tất cả, và nhường nhịn tất cả.
Nhất là những ai đang sống “ơn gọi hôn nhân”, chính họ được mời gọi để nói với mọi người rằng “ơn gọi của tôi là tình yêu”. Chính họ đang được mời gọi để “cải lão hoàn đồng” tình yêu hôn nhân của họ, bằng cách yêu thương hết mình, không tranh đấu, không toan tính thiệt hơn, nhẫn nhịn, và hòa giải bằng một tình yêu tin tưởng và phó thác cho nhau. Vì nếu như mỗi gia đình biết lấy câu châm ngôn của Thánh Têrêsa, “ơn gọi của tôi là tình yêu”, mà áp dụng cho tình yêu của họ; và nếu mỗi người trong gia đình mà biết sống tinh thần trẻ thơ như Tin Mừng mời gọi, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào một tương lai hạnh phúc.
Nói như thế không có nghĩa loại trừ những người sống ơn gọi thánh hiến. Hơn ai hết, nếu muốn nên nghĩa thiết với Chúa Kitô, họ cũng đang được mời gọi “cải lão hoàn đồng” ơn gọi của mình mỗi ngày; bằng cách sống yêu thương, đơn sơ và phó thác trong mỗi phút giây của cuộc sống. Có như thế chúng ta mới có quyền hy vọng vào một ngày mai tương sáng, khi “nước Cha trị đến”.
“Nên như trẻ nhỏ” vì thế đòi hỏi phải hoán cải. Hoán cải là bỏ đi con người cũ và mặc lấy con người mới, sống tinh thần trẻ thơ trong đơn sơ, phó thác, và nguyện cầu. Dĩ nhiên điều này đòi hỏi một nổ lực không ngừng của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghe lời của Thánh Phaolô: “anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài món nợ tương thân tương ái”, thì chúng ta sẽ thấy được rằng ơn gọi tình yêu của chúng ta cũng dễ dàng và khả thi lắm. Bởi lẽ, ai trong cuộc đời mà không mắc cái “món nợ ân tình” đấy cơ chứ. Cứ nhìn tóc bạc trên đầu mẹ, mồ hôi trên trán cha, nét nhăn trên mặt vợ, vẻ tưu tư lo lắng trên mặt chồng, là chúng ta biết được chúng ta mắc nợ nhau nhiều lắm. Những món nợ ấy cứ bồi đắp bằng ngày tháng yêu thương và lo lắng cho nhau. Nhưng những món nợ ân tình này lại chỉ có thể được trả cách thỏa đáng bằng chính ân tình mà thôi. Mà còn cách nào tốt đẹp hơn để trả nếu không phải là “cải lão hoàn đồng” tình yêu của mình mỗi ngày, bằng yêu thương hết mình, hết tình, và không toan tính thiệt hơn.
Nhân dịp lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ước mong mỗi người chúng ta biết sống ơn gọi tình yêu của mình với tất cả tâm hồn đơn sơ và phó thác như chị, để rồi chúng ta cũng có quyền tin tưởng rằng phần thưởng Nước Trời đang nở rộ ngay trong lòng cuộc sống yêu thương của mình.
Cầu chúc mỗi người chúng ta sẽ là “tình yêu trong cung lòng hội thánh tình yêu”, và trở nên nhân chứng cho Nước Thiên Chúa giữa dòng đời. Chúc mừng bổn mạng đến quý vị có tên thánh Têrêsa!
LM Joseph Trung, O.Carm.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules