CSVN không thể tiếp tục nói dối và chối tội mãi!

1/ BBC: Nam Phi tố cáo sứ quán Việt Nam buôn lậu sừng tê giác

Đài truyền hình quốc gia Nam Phi vào ngày 17.11 đã cho phát sóng bộ phim tài liệu điều tra về nạn buôn bán sừng tê giác lậu ở Nam Phi, với cáo buộc về sự dính líu của nhân viên sứ quán Việt Nam.


Bắt quả tang nhân viên Đại sứ Bà Mộc Anh bị quay phim

Trước đó, Sứ quán Việt Nam nói với BBC rằng không có nhân viên nào nhận có hành vi tham gia buôn lậu.

Bộ phim tài liệu của chương trình tự nhiên 50/50 hiện đã có thể xem được tại trang web của chương trình này.

Nó ngầm quay được cảnh một tay buôn lậu đưa sừng tê giác cho một người có vẻ là nữ nhân viên sứ quán Việt Nam.

Sau đó, đoàn làm phim đến sứ quán, vặn hỏi người phụ nữ rất giống với người trong phim, nhưng bà phủ nhận.

Chương trình 50/50, chuyên bàn về quan hệ giữa con người và tự nhiên, so sánh việc buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi đem lại lợi nhuận tương tự buôn ma túy, kim cương và buôn người.

Nhu cầu lớn tới mức có những kẻ thậm chí đột nhập vào bảo tàng để ăn cắp sừng, như vụ trộm ở Pretoria năm 2002.

Mới hồi tháng Tư năm nay, bọn trộm đã vác hai sừng ra khỏi một bảo tàng ở Cape Town.

Theo bộ phim tài liệu, cái gọi là tác dụng cường dương của sừng tê giác chỉ là huyền thoại không thực, nhưng một số nơi, gồm cả châu Á, vẫn tin vào chuyện này.

Jaap Pienaar là nhân viên thanh tra thuộc Sở Kinh Tế, Môi Trường và Du Lịch ở Eastern Cape.

Theo Jaap, những tay buôn lậu đã lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống cấp phép săn bắn tê giác của Nam Phi để đưa sừng tê giác mua lậu ra khỏi đất nước.

Hồi tháng Tư năm nay, tại sòng bạc Kimberley, một công dân Việt Nam bị bắt giữ về tội tàng trữ sừng tê giác.

Bộ phim nói tuy không xác định được đây có phải là nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi hay không, nhưng ông ta lái một chiếc xe của tòa đại sứ.

Hai công dân Việt Nam khác cũng đã bị bắt giữ tại Sân bay quốc tế OR Tambo hồi tháng Bảy 2007 cùng bốn sừng tê giác. Hồi đầu năm nay, 18 kg sừng từ Nam Phi đã bị thu giữ khi được vận chuyển từ Nam Phi về tới Hà Nội.


Theo dõi và quay phim

Khi nhận được tin báo là có người từ Toà Đại Sứ Việt Nam lại dính dáng vào các vụ buôn bán sừng tê giác, nhóm làm phim Nam Phi lên kế hoạch theo dõi.

Nghi ngờ về một đơn nộp tại Eastern Cape, xin bán sừng tê giác cho một công dân Việt Nam tại Pretoria, nhóm làm phim đã lần theo dấu vết một người đàn ông Nam Phi, người bị tình nghi là kẻ môi giới.

Họ có mặt bên ngoài tòa sứ quán Việt Nam ở Pretoria và chứng kiến vụ trao đổi.


Nhan viên Tòa Đại sứ CSVN bỏ sừng tê giáo và xe

Trong phim, sau khi trao đổi chút ít, người phụ nữ kéo một người đàn ông từ trong sứ quán ra. Hai người kiểm tra những chiếc sừng tê giác.

Sau khi đàm phán thêm, người phụ nữ quay vào sứ quán và trở ra với một thứ trông giống như túi đựng quà, nhưng nhóm điều tra cho rằng đó là tiền thanh toán cho vụ mua bán.

Phóng viên điều tra Johann Botha sau đó đi tới sứ quán và gặp người phụ nữ ở quầy lễ tân, tự xưng tên là Dung.

Đoàn phim nhận xét bà Dung trông rất giống với người phụ nữ đã mua sừng tê giác.

Bà được cho xem đoạn phim, nhưng bác bỏ, nói rằng đó không phải là bà trong đoạn phim.

Đoàn phim yêu cầu được gặp cấp trên, nhưng bà Dung nói ông đại sứ đi vắng và yêu cầu họ ra về.

Im lặng

Phóng viên Johann Botha nói trong vài tuần tiếp theo, họ viết nhiều lá thư, gọi nhiều cuộc điện thoại tới cả Bộ Ngoại giao Nam Phi lẫn Toà đại sứ Việt Nam để lấy phản ứng.

Toà đại sứ Việt Nam nói họ ủng hộ luật chống buôn bán tê giác, nhưng đề nghị có cuộc phỏng vấn không ghi hình.

Khi chương trình nói họ cần có phản ứng chính thức, phía Việt Nam im lặng.

Ngay cả giới chức ngoại giao Nam Phi, theo chương trình 50/50, cũng lấy đủ lý do từ chối và rồi thôi không trả lời điện thoại.

Bình luận của độc giả BBC:

Sam, TPHCM: Tiêu rùi, làm sao mà cãi được đây? Đề nghị đảng ta yêu cầu BBC không nên đưa tin tầm bậy để tránh mối bất hòa với NAM PHI, phải bắt mấy tay quay phim lén và mấy nhà báo nước ngoài đăng tin bỏ tù mới được.

Phi SG: Nếu đúng là bà Dung có liên quan đến mua bán sừng Tê giác thì cũng không phải là điều gì ghê gớm lắm. Ở VN, một ông thanh tra Chính Phủ khi bị phát hiện trong cặp có nhiều phong bì tiền đã thản nhiên thừa nhận đó là tiền dùng để mua sừng tê giác mà. Trong suy nghĩ của ông ta mua bán sừng tê giác chẳng có gì quan trọng nó bình thường hơn việc ông nhận phong bì biếu của quan chức địa phương. Bình thường thôi sừng tê giác ơi!

Hai SG: Nước ta còn nghèo, quỹ đồng lương còn hạn hẹp nên tranh thủ kiếm tý mang về nuôi vợ con, làm giảm gánh nặng cho xã hội, có sao đâu mà mọi nguời lại lên án dữ vậy? Ở địa vị các bạn, các bạn có làm như vậy không?

Dinh Tran, Nam Định : Tôi đã xem đoạn video rồi, kẹt cho nhân viên này quá. Người của Đảng CS Việt Nam đâu có quen nhận lỗi đâu. Lỡ chối rồi thì bây giờ phải chữa làm sao đây. Điều này thì người trong nước dễ thông cảm hơn người nước ngoài.

Quang: Xem phim, bằng chứng rõ ràng như vậy mà còn chối cãi, chưa đủ nhục sao? Đến bao giờ những công dân VN "thượng đẳng" nầy mới mới có lòng tự trọng? Cũng giống như ông Sỹ trong vụ PCI, bà Dung có thể chỉ là người đứng ra nhận hàng thôi. Đằng sau bà Dung có thể có cả một tổ chức buôn lậu. Nếu cá nhân bà Dung làm chuyện nầy, chắc bà không dễ dàng sử dụng tòa sứ làm điểm giao dịch.

---------------------

2/ BBC: Xác định danh tính nhân viên sứ quán

Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Trần Duy Thi nói đã xác định được danh tính người của đại sứ quán trong đoạn băng được coi là quay cảnh buôn lậu sừng tê giác.

Ông Thi nói với BBC rằng người trong băng video được xác định là bà Vũ Mộc Anh, Bí thư thứ nhất nhưng "đương sự chưa chịu nhận".

"Người ta (bà Anh) thừa nhận đã đứng ở đó nhưng không buôn bán gì cả. Nhưng khi đã vi phạm thì người ta cố tình bao che và chối cãi thôi."

Trước đó, chương trình truyền hình 50/50 của Nam Phi công bố đoạn băng nhân viên đại sứ quán đang nhận sừng tê giác từ một tay buôn lậu ngay trước cửa cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở thủ đô Pretoria.

Đại sứ Trần Duy Thi nói rằng việc làm như vậy "chắc chắn làm mất uy tín của đại sứ quán".

"Cô ấy thực hiện việc đó ngay trước cửa sứ quán nên người ta nghĩ sứ quán liên quan. Nhưng đây chỉ là hành vi của cá nhân."

'Nhục nhã'

Được biết, sau một sự cố cách đây hai năm, các nhân viên sứ quán Việt Nam ở Nam Phi đã thường được nhắc nhở trong các cuộc họp về chuyện không được tham gia buôn lậu sừng tê giác.

Ông Thi nói "sẽ phải làm rõ mọi chuyện để bảo vệ uy tín của sứ quán và nhà nước Việt Nam".

"Chuyện này rất nghiêm trọng. Người ta quay hình cả lá cờ Việt Nam như thế. Quá nhục nhã."

Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Nam Phi cũng cho biết thêm rằng biện pháp xử lý trước mắt đối với nhân viên ngoại giao vi phạm "có thể là gọi về nước sớm".

Cũng theo ông Thi, hồi năm 2006, một tùy viên thương mại cũng liên quan tới một vụ tương tự và đã bị gọi về nước ngay.

Hồi tháng Bảy 2007, hai công dân Việt Nam khác cũng đã bị bắt giữ tại Sân bay quốc tế OR Tambo cùng bốn chiếc sừng tê giác.

Đầu năm 2008, 18 kg sừng đã bị thu giữ khi được vận chuyển từ Nam Phi về tới Hà Nội.

50/50 là chương trình truyền hình chuyên về quan hệ giữa con người và tự nhiên.

Những người làm chương trình cho rằng việc buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi đem lại lợi nhuận tương tự buôn ma túy, kim cương và buôn người.

Dưới đây là phần bình luận của độc giả BBC:

quenhoai: Chuyện bà Anh có đúng là buôn lậu hay không? Gái Việt làm dâu ĐL, đòi hối lộ... Rõ ràng đó là một việc làm của một số cá nhân cá biệt, đáng buồn là những việc làm đó đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh nước VN ta. Nhưng từ những việc đó để suy diễn đến việc đòi đất ở HN, phát ngôn cẩu thả của ông gì gì tổng giám mục (tổng giám mục không viết hoa nhé, và tôi cũng không quan tâm là người đó có phát biểu những câu như vậy hay không) cũng là một sự việc làm cho hình ảnh nước VIET hoen ố thêm thôi.

Không nêu tên: Qua những sự việc gần đây như nhận hối lộ trong dự án đại lộ Đông tây TP. HCM, buôn lậu sừng tê giác của nhân viên sứ quán VN ở Nam Phi và vụ việc ngưng cấp Visa cho người Việt ở Cộng hòa Séc, thì chúng ta mới thấy rằng lời nói của TGM Ngô Quang Kiệt là sự thật, là lời nói của người trăn trở với nỗi đau của dân tộc, lời nói của người yêu nước muốn cảnh tỉnh mọi người nhưng tiếc thay đã bị người ta bóp méo. Tôi nghĩ sẽ còn rất nhiều vụ việc khác nữa. Ôi thật nhục nhã thay những kẻ vô luân đã làm nhục quốc thể.

ShinRa, Hà Nội: Tôi cảm thấy rất là nhục nhã khi cầm tờ hộ chiếu Việt Nam.

VNV: Cần nghiêm trị những kẻ làm nhục quốc gia, dân tộc. Bảo sao dân Việt mình đi qua hải quan nước nào cũng bị soi mói rất kỹ.

Dinh Tran, Nam Định : Thương quá Việt Nam ơi. Một người dân yêu đất nước thì không ai muốn làm cho hình ảnh của tổ quốc mình xấu đi trong mắt bạn bè như vậy. Liệu đánh giá là người Việt Nam chúng ta không tự hào về dân tộc mình hay vì "nghèo quá làm liều". Nghèo thì tội ai vậy?

Hien VN: Ông Thi nói "... Chuyện này rất nghiêm trọng. Người ta quay hình cả lá cờ Việt Nam như thế. Quá nhục nhã." Lời phát biểu này xuất phát từ chính đại diện nhà nước Việt Nam chứ không phải do những người chống đối. Điều này chứng minh rằng: Lời nói của ĐTGM Kiệt ngày 20/9/08 tại UBND Hà Nội thật chính xác. Không biết những nhà lãnh đạo trong nước có cảm thấy như vậy không?

Conan Sài Gòn: Ông Thi cũng nói Người ta quay hình cả lá cờ Việt Nam như thế. "Quá nhục nhã." Đảng CS VN hãy đấu tố ông Thi trên các báo đài giống như Cha Kiệt đi.

Poorman VN: Mấy hôm trước cứ tưởng nhân viên lễ tân ĐSQ VN buôn lậu sừng tê giác, bây giờ rõ ra là "bà lớn thứ thiệt" (bí thư thứ nhất!) chớ không phải một "tay xoàng" nào! "Đi đêm có ngày gặp ma!", chắc đây không phải là lần đầu tiên của Bà Anh, quả là xui xẻo cho năm mới Tết sắp đến! Các ĐSQ VN khác trên thế giới nên lấy đó làm gương!

Nobody: Việc nhân viên đại sứ quán Việt Nam đi buôn lậu không chỉ làm mất uy tín của riêng đại sứ quán mà nó còn làm mất đi uy tín và danh dự của nước Việt Nam trong công đồng quốc tế. Tốt nhất nên công khia nhận lỗi trước đồng bào Việt Nam và xin tự xử.

haythacmac TP HCM: Qua các sự kiện như tuyển chọn cô dâu VN cho ĐL, HQ; đòi hối hộ tại dự án đại lộ Đông Tây TPHCM; CH Séc ngưng cấp visa và buôn lậu tại sứ quán ở CH Nam Phi thì có lẽ lời phát biểu của ĐTGM Ngô Quang Kiệt xuất phát từ cảm nhận buồn đến xót xa của một người yêu nước, lo cho tương lai đất nước và đã nói lên sự thật. Tôi đang ở trong nước cũng đã cảm thấy xấu hổ với những chuyện như vậy chứ đừng nói đi ra nước ngoài.

(Nguồn: BBC.co.uk/vietnamese 19 Tháng 11 2008 - Cập nhật 10h32 GMT)

-------------------

3/ Vietnam.net: Triệu hồi cán bộ ngoại giao mua bán sừng tê giác

Ngày 19/11, Bộ Ngoại giao cho biết, bà Vũ Mộc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, người liên quan đến thông tin đã tham gia giao dịch mua bán sừng tê giác, bị triệu hồi về nước.

Bộ Ngoại giao cho biết: Ngay sau khi báo chí Nam Phi đưa tin truyền hình nước này ghi được hình nhân viên Đại sứ quán Việt Nam giao dịch mua bán sừng tê giác, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi xác minh ngay thông tin và báo cáo về nước.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã quyết định triệu hồi bà Vũ Mộc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, người có liên quan đến tin đã đưa, về nước để tường trình và làm rõ sự việc.

Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Chủ trương nhất quán của Việt Nam là tích cực bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, nghiêm cấm các hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Chủ trương của Bộ Ngoại giao là nghiêm khắc xử lý mọi hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và các hành vi tiêu cực khác theo đúng các quy định của luật pháp Việt Nam và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

(Nguồn: Xuân Linh, Vietnamnet.vn 20:47' 19/11/2008 (GMT+7)
BBC