ĂN NÓI SAO VỚI THẾ HỆ MAI SAU ?

Kính gửi: Đức Cha Tô-ma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Giáo phận Vĩnh Long
(Nhờ VietCatholic kính chuyển. Đạ tạ)

Kính thưa Đức Cha,

Bé cái lầm

Lá thư Đức Cha gửi các linh mục, tu sĩ và giáo dân giáo phận Vĩnh Long đề ngày 18-12-2008 được đưa lên mạng VietCatholic kèm theo hình ảnh của Đức Cha suốt hai ba ngày liền. Con không đọc ngay, vì cứ nghĩ chung quy thì Đức Cha cũng chỉ ghi lại vài sự việc với mấy lời an ủi các Nữ Tu Dòng Thánh Phao-lô. Nhưng đến khi đọc hết lá thư của Đức Cha, con biết con đã lầm.

Nỗi đau không tình cờ

Trước hết, lá thư của Đức Cha cho thấy Đức Cha cảm thông sâu sắc với các Nữ Tu không chỉ mất nhà mất cửa, mà còn mất cả danh dự nữa vì bị kết tội là đã góp phần đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành lực lượng chống đối cách mạng giải phóng dân tộc (sic). Chuyện này thì chẳng có gì lạ. Con còn nhớ được nghe các Cha Dòng Châu Sơn kể chuyện trước 1975, ban đêm, thỉnh thoảng các anh du kích vào đan viện xin thuốc, xin gạo: không cho vì lòng bác ái thì cũng phải cho để được yên thân. Nhưng đừng tưởng cách mạng đến, các cha sẽ được đền ơn đáp nghĩa. Sau 1975, khi nhà dòng thấy cứ bị canh chừng, bị hạch hỏi, bị làm khó dễ đủ điều và đặt câu hỏi tại sao, thì được nghe trả lời: “Ngày xưa các anh giúp chúng tôi được, thì hôm nay các anh cũng giúp Fulrô được.” Ơn nghĩa như vậy đó !

Niềm vui bất ngờ

Nhưng khi đọc tiếp lá thư của Đức Cha, con đã được một niềm vui bất ngờ. Đức Cha viết: Có thể tiếng nói của tôi hôm nay cũng sẽ là “tiếng kêu trong sa mạc” (Mát-thêu 3,3). Xem ra tiếng nói quyền lực đã lấn át tiếng nói của công lý, của lương tâm, nhất là trong thời đại mà người ta coi trọng vật chất hơn đạo đức, hơn nhân nghĩa. Nhưng tôi cần phải nói lên, để các thế hệ mai sau được biết và không cười nhạo chúng tôi là hạng người có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có miệng mà không nói” . Những lời lẽ của Đức Cha cho thấy Đức Cha không thể ngậm miệng làm thinh trước bao nhiêu bất công, gian dối. Đức Cha cũng không còn ngán thứ quyền lực chỉ bô bô “Vì dân, cho dân”, nhưng cuối cùng chỉ là những lời nói ở đầu môi chót lưỡi. Đức Cha mạnh mẽ lên tiếng, có thể Đức Cha sẽ gặp khó khăn: không được đi nước ngoài (đồng nghĩa với không có tiền viện trợ), không được cấp phép xây dựng, không được tổ chức những cuộc lễ linh đình… Nhưng nếu đó là cái giá phải trả để ta được hoàn toàn tự do phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh, để ta được thật sự đồng hành với dân tộc, thì con nghĩ cái giá đó đáng cho chúng ta chấp nhận. Với lại suy cho cùng: có những cuộc rước xách linh đình, rầm rộ, có những cơ sở tổ chảng chưa hẳn đã đáng cho ta mừng vui, nếu thay vì đào tạo được những mục tử theo tinh thần Chúa Ki-tô, ta chỉ sản xuất ra được những quan chức thạo việc hành chính.

Sợ cái đáng sợ

Nhưng cái đáng sợ là trả lời sao đây cho các thế hệ mai sau khi họ nhìn lại lịch sử để thấy lãnh đạo của mình, như lời Đức Cha nói: có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có miệng mà không nói. Đâu phải tình cờ mà trong mỗi năm phụng vụ, trong Giờ Kinh Sách, ròng rã suốt 2 tuần lễ (tuần XXIV và XXV Thường Niên), Hội Thánh mời chúng ta suy gẫm những đoạn sách Ê-dê-ki-en trong đó có một đoạn cảnh cáo các mục tử (tuần XXV, Thứ Hai, Bài đọc 1, Ed 34,1-6.11-16.23-31). Có vẻ như phụng vụ dùng cơ hội này để bắt ta đọc suốt 2 tuần lễ những đoạn trích thư thánh Âu-tinh về các mục tử. Con xin phép trích ra mấy câu mà con nghĩ là đáng đặc biệt lưu ý:

– Anh em thấy không, im lặng nguy hiểm biết chừng nào !... Bởi thế nhiệm vụ của chúng tôi là không được im lặng (Tuần XXV, Thứ Tư, cuốn 2, trang 573-574).

– Xét theo bản thân họ (mục tử) thì họ cũng chỉ là con người thôi. Nhưng khi trọng kính họ hơn người khác, thì chẳng qua cũng như bạn che phủ cái yếu đuối của họ (Tuần XXIV, Thứ Tư, cuốn 2, trang 545).

– Vậy tất cả các mục tử hãy ở trong Vị Mục Tử duy nhất, hãy nói lên một tiếng nói duy nhất của Vị Mục Tử đó, để đàn chiên nghe và đi theo Vị Mục Tử của mình. Ước gì nơi Vị Mục Tử duy nhất này, mọi người chỉ nói một tiếng nói, chứ không nói những tiếng khác nhau (Tuần XXV, Thứ Sáu, cuốn 2, trang 581-582).


Con không còn nhớ ở một chỗ nào đó, khi nói đến mục tử làm thinh không lên tiếng lúc cần phải lên tiếng, thánh Âu-tinh đã gọi các mục tử là những con chó câm.

Cỗ máy chưa vận hành

Khi Đức Cha tự ví mình như tiếng kêu trong sa mạc, con cảm nhận được nỗi cô đơn của Đức Cha. Có điều con nhớ cách đây một hai năm gì đó, Uỷ Ban Truyền Thông của HĐGM ra mắt khá rầm rộ. Nhưng xem ra đây chỉ là một cỗ máy có thể rất tốt, nhưng coi như chưa vận hành. Giá mà tiếng nói của Đức Cha được Uỷ Ban này tiếp sức, để đến được với cộng đồng dân Chúa không những trong nước nhưng còn ở nước ngoài, chắc chắn Đức Cha sẽ được một sự hỗ trợ rất lớn.

Chia để trị

Ngày xưa người ta hay nói đến sách lược “chia để trị” của thực dân Pháp. Xem ra sách lược đó đang được Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam sử dụng cách tuyệt vời. Về phía các Dòng Tu, thì chẳng hạn Dòng Phan-xi-cô ở Thủ Đức, Dòng Đa-minh ở đường Nguyễn Thông, và mới đây nhất là Dòng Tên ở đường Lý Chính Thắng: các cơ sở nhà dòng đã được trả lại toàn bộ hay một phần. Và “bánh ít đi, bánh quy lại”, các Dòng đó có lẽ cảm thấy mang ơn Nhà Nước rồi, nên cũng phải ứng xử với đối tác sao cho coi được, có thể cũng vì vậy mà không muốn dây mình vào việc của người khác. Và thế là đất đai tài sản các dòng cứ từ từ bị gặm nhắm: Hết Thiên An ở Huế, đến Saint Paul Sài Gòn, rồi Saint Paul Vĩnh Long, và hôm nay đến các chị Nữ Tử Bác Ái Sài Gòn. Đất đai các giáo phận cũng chung một cảnh ngộ như thế.

Tiếng nói chung: Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình

Câu hỏi đặt ra là tại sao đến giờ này, Giáo Hội Việt Nam không có được một tiếng nói chung. Ta đang hướng đến việc phong chân phước cho đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Uỷ Ban Công Lý & Hoà Bình của Toà Thánh. Tất cả các HĐGM trên thế giới và hình như tất cả các Dòng lớn đều có Uỷ Ban này, chỉ trừ Việt Nam. Cách đây mươi mười lăm năm, không ai dám nghĩ đến chuyện này. Nhưng thời thế đã thay đổi. Nếu hôm nay Giáo Hội Việt Nam không đặt vấn đề thì đâu có lý do để đổ lỗi cho Nhà Nước. Còn nếu đặt vấn đề mà Nhà Nước từ chối không cho lặp Uỷ Ban Công Lý & Hoà Bình, thì thế giới sẽ thấy, mọi người sẽ thấy. Và khi đó, câu hỏi đặt ra, không riêng gì cho người Công Giáo, nhưng là cho hết mọi người Việt Nam: Một chính quyền sợ công lý, không muốn có công lý, không muốn thực thi công lý, liệu chính quyền đó có còn đáng tồn tại nữa không.

Kính thưa Đức Cha,

Con vốn quê Nghệ An, không phải là người khéo ăn khéo nói, có thể đã có điều làm Đức Cha phiền lòng, xin Đức Cha tha lỗi. Mong khi thư này đến với Đức Cha nơi sa mạc, Đức Cha bớt cảm thấy cô đơn, và trong cuộc đấu tranh đòi công lý, con mong được làm một đồng minh của Đức Cha, một đồng minh trung thành.

Kính thư,

Sài-gòn, ngày 22 tháng 12 năm 2008
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
pascaltinh@gmail.com

LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm