Mừng mùa Xuân mới Kỷ Sửu


Tập tục văn hóa Việtnam xưa nay dành ba ngày đầu tháng Giêng năm mới mừng Tết Nguyên Đán, còn gọi là mừng mùa Xuân mới.

Người Công giáo Việtnam không chỉ đón mừng ba ngày đầu Xuân năm mới theo phong tục nếp sống văn hóa xã hội, nhưng còn lồng khung vào ba ngày Tết Nguyên Đán tập tục đạo đức theo cung cách sống đức tin vào Thiên Chúa, theo lễ phép đạo đức làm người nhớ đến tổ tiên Ông bà cha mẹ và theo nề nếp sống trong công việc làm ăn sinh sống ở đời.

Đó là nếp sống đạo đức gì vậy ?

1. Ngày Mùng Một Tết Nguyên Đán

Hầu như nơi mọi dân tộc xưa nay, tùy theo nếp sống phong tục văn hóa, ngày Mùng Một tháng Giêng năm mới là ngày thánh thiêng khởi đầu một khúc quãng thời gian tương lai mới.

Trong quãng thời gian năm mới này nào ai có thể biết trước những gì sẽ xảy ra cho bản thân, cho gia đình hay rộng hơn nữa cho xã hội đất nước! Nên với lòng hân hoan đón chào năm mới con người cũng còn có tâm tình cầu mong nguyện chúc sao cho năm mới được sống bình an khỏe mạnh.

Tập tục hái lộc đầu Xuân ngày Mùng Một Tết bên xã hội Việtnam không chỉ phản ảnh nếp sống văn hóa dân gian, mà còn nói lên tâm tình ý nghĩa nếp sống tâm linh nữa. Ngày Mồng Một Tết cũng còn là ngày đoàn tụ gia đình.

Tâm tình này thể hiện rất khác biệt nhau tùy theo cung cách sống đức tin của mỗi tôn gíao, mỗi dân tộc, mỗi người, cùng hòan cảnh thời đại nữa.

Lời cầu xin nguyện chúc chúng ta trao cho nhau. Nhưng ai cũng biết, trong đó gói kém trọn cả tâm tình lời cầu nguyện xin chúc lành của Trời Cao xuống trên con người, xuống cho thời gian năm mới.

Điều này nói lên sự giới hạn của con người. Và đồng thời cũng là niềm hy vọng trông mong cậy nhờ vào Đấng là chủ đời sống, là chủ thời gian trong không gian vũ trụ. Và đây là cung cách sống của người biết nhìn thẳng vào sự thật trước mắt, cùng sống lòng khiêm nhượng.

Tân Tổng Thống Back Obama, dù không phải là người theo đức tin Công giáo, nhưng Ông đã biểu lộ cung cách nếp sống lòng cầu xin nguyện ước đó lên Thượng Đế, trong bài diễn văn đầu tiên ngày nhậm chức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Thống hôm 20.01.2009 trước quốc dân Hoa Kỳ cùng toàn thế giới:

„Giữa những nguy hiểm chung, trong mùa đông gian khó của chúng ta, hãy nhớ những lời bất tử này. Với hy vọng và nghị lực, chúng ta hãy một lần nữa can đảm vượt qua dòng nước băng giá và chịu đựng bất cứ cơn bão nào sẽ đến. Hãy để con cháu chúng ta nhắc lại rằng khi chúng ta bị thử thách, chúng ta đã chối từ không để cuộc hành trình phải ngừng lại, rằng chúng ta không quay lui hay ngập ngừng, và với con mắt chăm chú nhìn vào chân trời và với ân phước của Thượng Đế ban cho, chúng ta mang theo món quà của tự do và chuyển lại bình an cho các thế hệ sau.

Xin cám ơn quý vị. Xin Thượng đế ban phước lành cho quý vị. Cùng xin Thượng đế ban phước lành cho nước Mỹ.“

Người Công gíao Việtnam chúng ta vui mừng đón mừng ngày đầu Xuân năm Mới, năm nay là năm Kỷ Sửu, nhưng cũng dành thời giờ trong ngày này dâng lời kinh Lạy Cha lên Thiên Chúa, xin Ngài chúc lành cho thời gian năm mới, cho gia đình, cho bản thân, cho xã hội quê hương đất nước được sống trong bình an.

Vì con người chúng ta biết rằng, tự mình không thể chúc lành ban bình an cho mình cùng cho người khác được. Nhưng con người chỉ có thể cầu xin nguyện ước, cùng đón nhận ơn bình an từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn bình an cho con người, cho quê hương đất nước hôm qua, hôm nay cùng ngày mai.

2. Ngày Mùng Hai Tết Nguyên Đán

Những anh chị em họ hàng ở xa nhau, nhất là những đôi vợ chồng mới cưới, dành ngày mùng Hai Tết đi đến thăm nhau, Tết chúc tuổi nhau.

Sống trong dòng văn hóa tập tục đầy ý nghĩa đạo đức tình người như thế, người Công Giáo Việt Nam không chỉ dành ngày đó đến thăm hỏi chúc mừng tuổi mới cha mẹ, anh chị em cậu cô, chú bác mợ dì, họ hàng xóm ngõ còn đang sinh sống trên trần gian, mà còn dành tâm tình lòng thảo hiếu nhớ đến cầu nguyện cho Tổ tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, vợ chồng con cháu, họ hàng, những người xưa kia đã làm ơn cho đời sống mình, mà nay đã khuất núi.

Lời cầu kinh, nén hương, ngọn nến đốt thắp lên cho người đã khuất núi trong ngày đầu năm mới, vừa linh thiêng thánh đức vừa là cung cách lối sống văn hóa lòng biết ơn nhớ đến cội nguồn của mình.

Lối sống này thể hiện tình liên đới tương quan ràng buộc nối kết nhau từ dòng sông qúa khứ với dòng sông hiện tại sang tới ngày mai.

„Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,

cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.

Có những người không còn ai nhớ nữa,

họ qua đi như chẳng bao giờ có,

họ sinh ra mà như chẳng chào đời, con cháu của họ cũng thế thôi!

Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh,

công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.

Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu

đó là lũ cháu đàn con.

Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước;

nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.

Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.

Các ngài được mồ yên mả đẹp

và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.“ ( Sách Huấn ca 44, 1.9-14)


3. Ngày Mùng Ba Tết Nguyên Đán

Ngày xưa hồi còn tuổi thanh thiếu niên, mấy năm liền được cha mẹ sắm cho một cân đường hay một cái bánh chưng, dục bảo đi tết Thầy giáo dậy học lúc còn ở trường tiểu học. Bạn trẻ chúng tôi mặc quần áo mới rủ nhau đến nhà Thầy Cô tết và cùng ăn Tết.

Tập tục ý nghĩa tốt đẹp này đã có thời ăn sâu trong nếp sống tập tục xã hội Việt Nam. Và tôi tin vẫn còn sống động dưới nhiều hình thức sắc thái khác nhau. Tuy nó không còn, vì hòan cảnh cuộc sống ngày càng có nhiều thay đổi biến chuyển, phổ thông như xưa nữa.

Nhớ đến Tết mừng tuổi Thầy Cô đã khai tâm mở trí cho lúc tuổi thanh thiếu niên về đường học vấn lễ giáo sống làm người, có khác gì nhớ đến với lòng vui mừng biết ơn người đã khai hoang vun trồng thửa đất tâm trí trở thành mầu mỡ cho vụ mùa gieo trồng văn hóa được phát đạt sinh hoa kết trái tươi tốt hôm nay cùng mai sau!

Nhớ đến Thầy Cô đến tết họ ngày đầu năm mới còn ẩn chứa tâm tình muốn mang đến cho họ lời cầu chúc niềm vui sức khoẻ tinh thần cũng như thể xác, cùng xin họ giúp sửa dọn khai hoang tiếp mảnh vườn thửa đất tâm trí ngày thêm sáng sủa về đường học hành trí thức và đức dục.

Dựa theo tâm tình nếp sống văn hóa đó, những bậc cha ông tổ tiên người Công giáo Việt Nam đã rửa tội sáng lập nên tập tục nếp sống Cầu Mùa vào ngày Mùng Ba Tết hằng năm.

Dâng Thánh Lễ Misa, đọc kinh Cầu các Thánh, kinh Lạy Cha cầu xin cho Mùa màng dịp ngày đầu năm mới linh thiêng là muốn nói lên tâm tình lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban ơn lành cho mùa màng năm cũ đã qua, cùng xin Ngài rộng tay chúc lành cho vụ mùa năm mới sắp tới được mưa thuận gío hòa, cây cối nẩy sinh tươi tốt cùng sinh hoa kết trái đúng thời hạn phong phú.

Và hơn khi nào hết, cầu xin khấn nguyện Thiên Chúa ban cho con người sức khoẻ thể xác cũng như tinh thần, cần mẫn cầy cấy phát triển chăm sóc mùa màng cho có thức ăn nuôi dưỡng đời sống làm người.

*********************

Tập tục đạo đức này ăn sâu trong tâm tình nếp sống người Công Giáo Việt nam trong ba ngày Tết Nguyên đán xưa nay.

Và đó là cung cách sống đức tin với Trời Cao, với con người và với đất mẹ trên trần gian.


Chúc mừng mùa Xuân mới Kỷ Sửu
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long