BẠN ĐÃ GIỚI THIỆU ĐỨC KITÔ CHO NGƯỜI KHÁC CHƯA?


Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su” (Ga 12:20-21). Bạn thấy có gì lạ trong đoạn Tin Mừng này không? Tôi thấy lạ lắm! Phúc Âm ghi lại rằng, lúc bấy giờ Chúa Giêsu ở trong Đền Thờ, ở trong các Hội Đường, Ngài ở ngay trên các đường phố để giảng dạy, để chữa bệnh, để trừ quỷ và an ủi những người nghèo đói và bệnh tật … Gặp được Ngài đâu có khó? Vậy tại sao mấy người Hy Lạp này lại phải đi nhờ ông Phi-líp-phê, rồi Ông Phi-líp-phê [phải] đi nói với ông An-rê. [Rồi] ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su như vậy? Bạn có biết tại sao không? Có người đưa ra ba giả thiết này, bạn xem thử có hợp lý không nhé!

  • Thứ nhất, là bởi vì mấy người Hy Lạp này là những Do Thái ngoại kiều sống ngoài vùng Palestine, họ không nói được tiếng Aramaic, là tiếng địa phương, cho nên họ mới phải nhờ đến Phi-líp-phê, như là một thông dịch viên cho họ bởi vì họ biết ông Phi-líp-phê là người Galilê, nói thông thạo hai thứ tiếng Armaic và tiếng Hy Lạp. Giả thiết này nghe cũng có lý đấy chứ! Bởi vì ở miền Galilê thời bấy giờ, theo linh mục giáo sư thần học Massimo Pazzini, OFM, đa số dân chúng nói được hai thứ tiếng, Aramaic và Hy Lạp. Thế nhưng! Xem lại lý lịch của Chúa Giêsu, tôi thấy lý luận này không ổn, là bởi vì Chúa Giêsu cũng xuất thân từ miền Galilê kia mà (xem Lc 2:39-40). Bộ Ngài không nói được hai thứ tiếng Aramaic và Hy Lạp giống như Phi-líp-phê sao? Ngài đâu có dở ngoại ngữ quá như vậy?
  • Thứ hai, là bởi vì những người Hy Lạp này rất có thể là những thương gia, họ đã quen cái kiểu trung gian và môi giới, phải có trung gian và môi giới thì công việc làm ăn mới được xuông sẻ, mới thuận buồm xuôi gió, mới xuôi chèo mát mái … Cho nên họ mới đến gặp ông Phi-líp-phê, biếu vài chục cam, vài chục xoài, hay vài chục bạc … là sau đó ông Phi-líp-phê sẽ mau mắn đưa họ đến gặp Chúa Giêsu. Đỡ không phải tốn giờ, không phải tốn sức chờ đợi! Phẻ re! Humh! Giả thiết này chẳng có tí gì gọi là thuyết phục cả, bởi vì Tin Mừng thánh Mát-thêu và Luca tường thuật lại rằng Chúa Giêsu là người rất … nghèo, nghèo te tua, nghèo thê thảm, nghèo không thể tưởng tượng nổi, nghèo đến độ con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu (Mt 8:20). Ngay cả chỗ tựa đầu, ngay một chỗ để ngủ nghỉ thôi mà còn chưa có, thì Ngài làm gì có tiền mà mướn văn phòng, mướn thư ký riêng, mướn bảo vệ … và nếu chung quanh Chúa Giêsu chẳng có một ai làm kỳ đà cản mũi, chẳng có chướng ngại vật nào cả, thì làm gì có chuyện phải đút lót hay chạy chọt để gặp được Ngài? Vô lý!
  • Thứ ba, là bởi vì họ biết rằng Phi-líp-phê là người có biệt tài giới thiệu Đức Kitô cho người khác, “Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét” (Ga 1:45) cho nên mấy người Hy Lạp này mới nhờ vả đến ông! Có lý! Giả thiết này có sức thuyết phục nhất, là bởi vì ông Phi-líp-phê là một trong những người đi theo và ở lại với Chúa Giêsu. Nhờ ở lại và gần gũi với Ngài cho nên ông là người BIẾT Đức Kitô rất rõ. Vì BIẾT rõ về Chúa Giêsu cho nên ông Phi-líp-phê mới khẳng định với ông Na-tha-na-en, người cùng quê quán rằng: "Chúng tôi đã gặp [Đấng Cứu Thế]: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét” (Ga 1:45) và vì ông BIẾT CHÚA GIÊSU cho nên mấy người Hy Lạp mới đến nhờ ông giới thiệu họ với Ngài.


Bạn thân mến, sau khi chịu phép Rửa Tội, chúng mình đã trở thành những môn đệ của Chúa Kitô, mỗi người trong chúng ta đều mang một trách nhiệm y như ông Phi-líp-phê, đó là phải GIỚI THIỆU CHÚA GIÊSU đến cho những anh chị em chưa nhận BIẾT Ngài. Để nhấn mạnh thêm về trách nhiệm GIỚI THIỆU CHÚA GIÊSU của tất cả mọi Kitô hữu, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (Lumen Gentium) dạy rằng: “Mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ qua việc lãnh nhận phép Rửa và Thêm Sức… Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội được hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh, mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian… Giáo dân vừa là chứng nhân, vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh của Giáo Hội… Mọi Kitô Hữu được mời gọi góp phần trực tiếp hơn và bằng nhiều cách vào công việc tông đồ của hàng giáo phẩm …”

Thế nhưng tôi hỏi thật, bạn đã giới thiệu Chúa Giêsu đến cho tha nhân lần nào chưa vậy?
  • Nếu bạn chưa giới thiệu Chúa Giêsu đến cho ai cả vì bạn nghĩ rằng, chuyện giới thiệu Chúa đến cho những người chưa biết Chúa Kitô là việc của Đức Giáo Hoàng, của các Đức Giám Mục, của các linh mục, của các tu sĩ nam nữ, và của các nhà truyền giáo … không can chi đến bạn thì bạn lầm to! Đó là công việc của bạn nữa đấy!
  • Nếu bạn chưa giới thiệu Chúa Giêsu đến cho những người xung quanh vì bạn xấu hổ, sợ người ta chê cười thì căng đấy! Là bởi vì Chúa Giêsu đã nói: “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Lc 9:26).
  • Nếu bạn chưa giới thiệu Chúa Giêsu đến cho những người xung quanh là vì bạn sợ bị thiệt thòi, sợ bị mất những quyền lợi vật chất, sợ mất việc, sợ bị kỳ thị … thì thật đáng tiếc cho bạn bởi vì bạn được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì lợi ích gì? (Mt 16:26).


Còn nếu bạn chưa giới thiệu Chúa Giêsu Kitô đến cho những người xung quanh vì lý do bạn chưa biết nhiều về Ngài, hay bạn ngại vì chỉ biết sơ sơ, biết đại khái về Chúa Giêsu Kitô … thì tôi xin đề nghị với bạn hãy mau mau thực hiện ba việc sau đây:

  • Việc thứ nhất, hãy mua một cuốn Kinh Thánh, phải có cuốn Kinh Thánh ở trong tay thì bạn mới có thể làm được công việc thứ hai.
  • Việc thứ hai đòi hỏi sự trung thành, kiên nhẫn, mỗi ngày trước khi đi ngủ, bạn hãy dành ra 5-10 phút để ĐỌC KINH THÁNH, dần dần sau này đọc nhiều hơn. Trước khi đọc, bạn hãy cầu xin xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho bạn. Nếu có gì không hiểu, bạn hãy ghi xuống giấy và gửi đến cho các cha trong xứ xin các ngài giải thích hộ. Nhưng xin bạn hãy hỏi trong tinh thần hiếu học và với thái độ khiêm tốn chứ không phải là để thử tài các ngài
  • Việc thứ ba, ghi nhớ một câu, hoặc một đoạn Kinh Thánh mà mình đã đọc và cố gắng sống câu Kinh Thánh ấy trong ngày hay trong suốt cả tuần. Ví dụ khi đọc đến câu “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44) thì bạn hãy học thuộc lòng và đem ra thực hành, tha thứ và bỏ qua những khuyết điểm, những yếu đuối và lỗi lầm của chồng, của vợ, của con cái; nhịn nhục khi người khác chế diễu hay chơi xỏ lá mình, hoặc chọc ghẹo và làm cho mình bực bội …


Thánh Jerome đã tuyên bố: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô. Ignorance of Scriptures is ignorance of Christ.” Tôi và bạn cần phải BIẾT Chúa Kitô thật nhiều, thật kỹ và thật sâu sắc thì lúc đó chúng mình mới có thể GIỚI THIỆU CHÚA đến cho những người xung quanh được. Nếu không biết gì về Ngài mà chúng mình lại đi giới thiệu Ngài cho thiên hạ thì làm sao người ta tin cho được? Nói như vậy nà nói niều, nói nếu nói náo đấy nhá! Không ổn đâu!

Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD