QUẢ BOM CHƯA NỔ (2)



Bác sĩ tâm lý nói với bệnh nhân:

- “Mười năm lại đây, tôi vẫn có một cảm giác tội lỗi khi giúp cho anh, cho đến hôm nay rõ ràng là anh vẫn cứ vì những chuyện rất nhỏ mà cảm thấy tội lỗi quá nặng. Thực tế mà nói anh nên cảm thấy hổ thẹn.”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Có những người tự cho mình là thức thời có trí thức, nên thường hay chê bai những người Ki-tô hữu đi xưng tội rằng: nếu có bệnh thì đi khám bác sĩ, nếu có bệnh về tâm lý thì đi bác sĩ tâm lý chữa bệnh, nếu có tội thì ăn năn tội Chúa cũng tha thứ, cần gì phải đến mấy ông linh mục mà xưng tội.v.v...đơn giản là họ -những người trí thức ấy- không hiểu biết tí gì về Giáo Hội và về giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Tội, không phải là một thứ bệnh tâm lý để mà đi bác sĩ tâm lý, bởi vì có nhiều người không có vấn đề tâm lý mà vẫn cứ đi xưng tội với linh mục khi họ phạm họ phạm tội; Tội, cũng không phải là một thứ bệnh nơi thân xác, bởi vì có nhiều người mạnh khỏe vẫn cứ đi xưng tội khi họ phạm tội mất lòng Chúa và tha nhân; và khi phạm tội mà chỉ ăn năn tội thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải bày tỏ tấm lòng sám hối qua việc đi xưng tội với linh mục, bởi vì qua bí tích Giải Tội họ mới thấy rõ lòng yêu thương và nhân từ của Thiên Chúa.

Bác sĩ tâm lý cảm thấy tội lỗi khi giúp cho bệnh nhân mắc bệnh tâm lý của mình, bởi vì đã mười năm qua mà bệnh nhân của ông cũng vẫn cảm thấy áy náy khi chỉ một việc nho nhỏ mà cảm thấy là có tội rất nặng. Bởi vì bác sĩ tâm lý không hiểu rõ “lương tâm bối rối” thì khác với “tâm lý bất thường” của thân chủ mình.

“Lương tâm bối rối” là tâm hồn không được bình an, người có lương tâm bối rối chỉ được bình an khi tìm đến với Chúa Giê-su, vị bác sĩ vĩ đại của mọi bệnh nhân dù là bệnh nơi tâm hồn hoặc thân xác, và là vị bác sĩ vượt qua mọi thời gian và không gian...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.