CHƯƠNG TRÌNH/SINH HOẠT
THĂNG TIẾN GIA ĐÌNH
2009-2010
GIỚI THIỆU
CHƯƠNG TRÌNH/SINH HOẠT
« THĂNG TIẾN GIA ĐÌNH »
2009-2010
I. LÝ DO/NGUYÊN NHÂN CỦA CHƯƠNG TRÌNH/ SINH HOẠT «THĂNG TIẾN GIA ĐÌNH 2009-2010»
Có 5 lý do hay nguyên nhân tạo nên Chương Trình hay Sinh Hoạt THĂNG TIẾN GIA ĐÌNH này:
1.1 Tự bản chất, gia đình là một cơ chế/cộng đoàn hết sức quan trọng chẳng những đối với xã hội mà còn đối với Giáo Hội nữa.
1.2 Các gia đình Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều khó khăn thử thách to lớn do sự thay đổi nhanh chóng và sâu rộng trong suy nghĩ, cách sống, cách chọn lựa các giá trị và các ưu tiên trong cuộc sống.
1.3 Các gia đình Kitô hữu Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì một không gian đầm ấm và thực thi trách nhiệm giáo dục con cái nên người (giáo dục nhân bản) và nên người Kitô hữu (giáo dục đức tin). Ở nông thôn có khó khăn của nông thôn, ở thành thị có khó khăn riêng của thành thị.
1.4 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã lấy Năm 2009-2010 là Năm Giáo Dục Kitô giáo trong Gia Đình.
«Tiếp nối tinh thần Thư Chung 2007 về giáo dục Kitô giáo, năm nay chúng tôi mời gọi anh chị em hãy cùng với chúng tôi suy tư và hành động để góp phần chấn chỉnh môi trường giáo dục tại gia đình (x. Thư Chung 2007, số 38). Giáo dục tại gia đình là vấn đề quan trọng và cần thiết, tạo tiền đề cho việc phát triển nền giáo dục nói chung, vì gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Nếu nền tảng gia đình được củng cố chắc chắn, Giáo Hội và xã hội tương lai sẽ phồn thịnh và phát triển. Qua Thư Mục vụ này, chúng tôi muốn bày tỏ mối ưu tư đối với hiện trạng gia đình Việt Nam và nêu lên những đề nghị cụ thể để góp phần canh tân mục vụ trong lãnh vực này, một lãnh vực căn bản của đời sống con người và đời sống Giáo Hội.»
1.5 Giáo Hội Việt Nam sắp bước vào Năm Thánh 2010 với mục đích:
«(1o) Nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ:
- 126 năm Bảo Hộ (1533-1659),
- 300 năm Tông Toà (1659-1960), và
- 050 năm Chánh Toà (1960-2010),
(2o) Nhìn lại đặc biệt thời kỳ 50 năm Chánh Tòa và thẩm định đời sống yêu thương và phục vụ của Giáo Hội trong chức vụ ngôn sứ, tư tế, mục tử hôm nay,
(3o) Đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hóa xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III.»
Tất cả 5 lý do quan trọng trên đều thúc đẩy chúng ta chúng ta thực hiện một điều gì đó để củng cố và phát triển đời sống đức tin của gia đình. Chính vì thế mà chương trình hay sinh hoạt THĂNG TIẾN GIA ĐÌNH này được hình thành và được giới thiệu với các linh mục và với các giáo xứ, các hội đoàn.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH / SINH HOẠT « THĂNG TIẾN GIA ĐÌNH» 2009-2010
2.1 Chương Trình hay Sinh Hoạt THĂNG TIẾN GIA ĐÌNH sẽ lần lượt đề cập đến tất cả các vấn đề/chiều kích/lãnh vực liên quan tới đời sống gia đình: đức tin/tâm linh/cầu nguyện, nhân bản, giáo dục, bác ái, chứng nhân…
2.2 Vấn đề nào có nhu cầu cấp bách hơn sẽ được học hỏi, trao đổi trước. Vấn đề nào có nhu cầu ít cấp bách hơn, sẽ được học hỏi, trao đổi sau.
2.3 Việc xác định nhu cầu nào cấp bách tức cần thiết trước sẽ do chính các anh chị em giáo dân là các hiền mẫu và gia trưởng trong giáo xứ, hội đoàn đề xuất, yêu cầu. Cũng có thể do cha chính xứ và người hướng dẫn đề nghị với những người tham dự Chương Trình hay Sinh Hoạt THĂNG TIẾN GIA ĐÌNH.
III. CÁC BUỔI SINH HOẠT «THĂNG TIẾN GIA ĐÌNH» 2009-2010
Mỗi tháng một lần,
vào chiều thứ 5 cuối tháng,
sau thánh lễ dành riêng cho các bậc hiền mẫu và gia trưởng của giáo xứ,
từ 18 giờ 00 đến 19 giờ 30,
tại Hội trường giáo xứ,
do linh mục chính xứ ....................................................
và ................................................................ hướng dẫn.
[Ghi chú: Mỗi giáo xứ sẽ quyết định ngày giờ của buổi Sinh Hoạt của mình.]
NGÀY SINH HOẠT THỨ I
______________________________________________________________________ _____
ĐỀ TÀI I
“THĂNG TIẾN TƯƠNG QUAN VỢ CHỒNG”
A. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Gia đình được thiết lập trên cơ sở Tình Yêu thì phải được xây dựng trên Tình Yêu và cho Tình Yêu. Không chỉ trên tình yêu tự nhiên mà trên cả tình yêu thương bác ái Ki-tô giáo nữa. Nói đến Tình Yêu là nói đến các mối tương quan: tương quan của mỗi người và của cả gia đình với Thiên Chúa; tương quan của mỗi người với những người ruột thịt khác trong gia đình; tương quan của mỗi người và cả gia đình với những người xung quanh, với xã hội; tương quan của mỗi người và của cả gia đình với giáo xứ và Hội Thánh. Chúng ta hãy bắt đầu bằng mối tương quan quan trọng nhất là tương quan vợ chồng. Nếu mối tương quan này có chất lượng (nhân bản và đức tin) thì sẽ tác động cách tích cực trên các mối tương quan khác.
B. GIỚI THIẾU LÀM QUEN:
- Cha chính xứ giới thiệu Chương Trình/Sinh Hoạt «THĂNG TIẾN GIA ĐÌNH và người hướng dẫn.
- Người hướng dẫn ngỏ lời với các hiền mẫu gia trưởng.
- Đại diện hiền mẫu gia trưởng phát biểu tâm tình và mong đợi.
C. NỘI DUNG BUỔI SINH HOẠT
I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU
- Gợi ý của người hướng dẫn: Hôm nay chúng ta mở đầu một Chương Trình/Sinh Hoạt mới trong giáo xứ, không ngoài mục đích làm thăng tiến đời sống đức tin của giáo dân nói chung và của các bậc làm cha (gia trưởng) làm mẹ (hiền mẫu) nói riêng của giáo xứ. Để Sinh Hoạt/Chương Trình này đem lại những lợi ich thiêng liêng cho mỗi người và cho cộng đoàn thì không thể không có những hy sinh, cố gắng của từng cá nhân cũng như của cả cộng đoàn giáo xứ. Mong quý hiền mẫu và gia trưởng hãy rộng lòng với Chúa và với Hội Thánh, cũng là rộng lòng với chính gia đình mình để kiên trì và tích cực tham dự tất cả các buổi gặp gỡ. Thật ra mỗi tháng thì có một lần cũng chẳng phải là điều to tát lớn lao gì đối với những người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng với đại đa số thì có lẽ đó là một hy sinh to lớn! Chúng ta hãy hát bài ca CHÚA LÀ TÌNH YÊU để cảm tạ ơn Người đã thương chúng ta và xin Người thăng tiến tương quan tình yêu vợ chồng của chúng ta.
- Cùng hát: CHÚA LÀ TÌNH YÊU
ĐK: Chúa là Tình Yêu, Ngài đã đến cứu thế giới khỏi chốn lưu đầy. Chúa là Tình Yêu, Ngài đã thương ban Con Một cho trần thế. Để đem muôn ơn lành, để loan tin vui mừng, khắp thế giới cho mọi người, Ngài đã chết trong đau thương để ta sống bình an.
PK 1: Còn tình yêu nào cao vời vợi bằng tình Chúa đã thương ta. Dù rằng đất trời mãi đổi thay, nhưng tình Chúa vẫn yêu ta đến muôn muôn đời.
PK 2: Ngài hằng mong chờ luôn mời gọi người người sống yêu thương nhau. Để tình yêu Ngài mãi tràn lan trong tình chúng ta yêu nhau sống vui an bình.
II. HỌC HỎI VÀ TRAO ĐỔI: HAI MỐI TƯƠNG QUAN/CHIỀU KÍCH CỦA/TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG KI-TÔ HỮU.
[Ghi chú: Vì còn là Năm Thánh Phao-lô nên các đoạn Thánh Kinh được lấy từ các Thư của Ngài.]
2.1 Tương quan/chiều kích yêu thương, bác ái trong đời sống vợ chồng Ki-tô hữu.
2.1.1 Thánh Phao-lô dậy về tương quan/chiều kích yêu thương bác ái giữa vợ chồng Ki-tô hữu:
«22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, 23 vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. 24 Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. 25 Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; 26 như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, 27 để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. 28 Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. 29 Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, 30 vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. 31 Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. 32 Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. 33 Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.» (Ep 5,22-32).
2.1.2 Phản ứng và cảm nhận của các hiền mẫu và các gia trưởng khi nghe/đọc bản văn trên của Thánh Phao-lô.
* Câu nào làm cho anh chị thích thú nhất? Tại sao? Anh chị có hiểu đúng ý Thánh Phao-lô không ?
* Câu nào làm cho anh chị khó chịu nhất? Tại sao? Anh chị có hiểu đúng ý Thánh Phao-lô không ?
2.1.3 Ứng dụng cho các bà vợ và các ông chồng Ki-tô hữu sống yêu thương bác ái với người bạn đời của mình:
1°) Nhất phu nhất phụ (xem Rm 7,2-3).
2°) Thủy chung và bất khả phân ly (1 Cr 7, 4-5.10-11.39).
3°) Bình đẳng về phẩm giá (1 Cr 7,3-5.10-11).
4°) Tôn trọng yêu thương nhau theo gương Chúa Ki-tô (Ep 5,22-32).
2.2 Tương quan/Chiều kích tính dục trong đời sống vợ chồng Ki-tô hữu.
2.2.1 Thánh Phao-lô dậy về tương quan/chiều kích tính dục trong đời sống vợ chồng Ki-tô hữu:
«2 Nhưng để tránh hiểm họa dâm ô, thì mỗi người hãy có vợ có chồng. 3 Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. 4 Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. 5 Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xa-tan lợi dụng để cám dỗ. 6 Điều tôi nói đó là một sự nhân nhượng chứ không phải là một mệnh lệnh. 7 Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. 8 Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ. 9 Nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt. 10 Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, 11 mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.» (1 Cr 7,2-11).
2.2.2 Phản ứng và cảm nhận của các hiền mẫu và các gia trưởng khi nghe/đọc bản văn trên của Thánh Phao-lô.
* Câu nào làm cho anh chị thích thú nhất? Tại sao? Anh chị có hiểu đúng ý Thánh Phao-lô không ?
* Câu nào làm cho anh chị khó chịu nhất? Tại sao? Anh chị có hiểu đúng ý Thánh Phao-lô không ?
2.3 Giá trị của thân xác theo Giáo lý Ki-tô giáo.
2.3.1 Giáo huấn của Thánh Phao-lô về ý nghĩa và mục đích của thân xác:
1°) Thân xác con người là để phụng sự Thiên Chúa: «Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác.» (1 Cr 6,13).
2°) Thân xác con người là thân thể Chúa Ki-tô: «15 Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Ki-tô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! 16 Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. 17 Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.» (1 Cr 6,15-17).
3°) Thân xác con người là Đền thờ Chúa Thánh Thần: «19 Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, 20 vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em.» (1 Cr 6,19-20).
4°) Thân xác con người là để chờ ngày được phục sinh: «14 Thiên Chúa đã làm cho Chúa Ki-tô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại.» (1 Cr 6,14).
2.3.2 Phản ứng và cảm nhận của các hiền mẫu và các gia trưởng khi nghe/đọc bản văn trên của Thánh Phao-lô.
* Câu nào làm cho anh chị thích thú nhất? Tại sao? Anh chị có hiểu đúng ý Thánh Phao-lô không ?
* Câu nào làm cho anh chị khó chịu nhất? Tại sao? Anh chị có hiểu đúng ý Thánh Phao-lô không ?
2.3.3 Ứng dụng cho các bà vợ và các ông chồng Ki-tô hữu sống giáo huấn về ý nghĩa và mục đích của thân xác trong đời sống vợ chồng:
1°) Làm vinh danh Thiên Chúa bằng/nơi thân xác: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.» (1 Cr 6,20).
2°) Tránh tội gian dâm làm hoen ố thân xác: «Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.» (1 Cr 6,18).
3°) Tránh gương mù gương xấu: Phải đau buồn về tình trạng tội lỗi trong cộng đoàn và loại trừ người phạm tội loạn luân ra khỏi cộng đoàn, để tránh gây gương mù gương xấu cho người khác (1 Cr 5,2).
III. KẾT LUẬN: THĂNG TIẾN TƯƠNG QUAN VỢ CHỒNG.
3.1 Nhận khuyết điểm, thiếu sót trong cách sống yêu thương bác ái và trong đời sống chăn gối và rộng lòng tha thứ cho nhau.
3.2 Tăng cường và làm mới tình yêu vợ chồng trong cả hai chiều kích tính dục và bác ái yêu thương.
IV. TRAO ĐỔI/CHIA SẺ.
4.1 Anh chị có cảm tưởng, suy nghĩ, ý kiến gì về buổi sinh hoạt đầu tiên này ? Xin mời phát biểu !
4.2 Làm thế nào để tăng cường và làm mới tình yêu thương bác ái giữa vợ chồng?
4.3 Làm thế nào để tăng thêm hạnh phúc trong đời sống ái ân giữa vợ chồng?
4.4 Theo anh chị thì tháng sau chúng ta nên học hỏi trao đổi về đề tài gì?
Ghi chú: Các đề tài được đề nghị cho có tính liên tục là :
- Thăng tiến tương quan cá nhân và gia đình với họ hàng và giáo xứ.
- Thăng tiến tương quan cá nhân và gia đình với Thiên Chúa.
- Thăng tiến tương quan giữa cha mẹ và con cái.
- Thăng tiến việc giáo dục con cái (nhân bản, đức tin).
V. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
- Gợi ý của người hướng dẫn: Chúng ta vừa học hỏi thảo luận và chia sẻ về đề tài THĂNG TIẾN TƯƠNG QUAN VỢ CHỒNG. Trong buổi sinh hoạt chắc có nhiều điều thật khó nói giữa đám đông, nhưng giữa vợ và chồng thì không có gì là khó nói cả. Chúng ta hãy cầu nguyện cho người bạn đời của mình và hãy dành cho người ấy một nụ cười, một cử chỉ hay lời nói âu yếm, yêu thương khi chúng ta trở về sau buổi sinh hoạt này. Nhưng để lời nói, việc làm của chúng ta tròn đầy ý nghĩa và phúc lành của Chúa, chúng ta hãy cảm tạ ơn Người đã ban cho chúng ta một người chồng, một người vợ và những đứa con để chúng ta yêu thương và được những người ấy yêu thương.
- Cùng cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha của con, con cảm tạ Cha đã cho con biết Cha là Tình Yêu và mọi việc Cha làm là đều do Tình Yêu. Con cảm tạ Cha đã ban cho con một người bạn đời và một gia đình. Nhưng nhiều lúc nhiều khi con không cảm nhận được tình yêu của Cha nên không biết trân trọng người bạn đời và gia đình của con. Tối nay con tha thiết cầu xin Cha chúc phúc cho người bạn đời và gia đình của con. Con xin hứa với Cha là lát nữa đây, khi trở lại mái ấm gia đình, con sẽ dành cho người bạn đời và con cái của con một nụ cười, một lời nói ngọt ngào, một cử chỉ yêu thương âu yếm vì họ chính là gia tài quý giá nhất mà Cha ban cho con trong cuộc đời này.
- Cùng hát: CẢM MẾN TÌNH CHA.
ĐK: Hãy hát lên đi người ơi bài ca tri ân nhiều ý. Cảm mến Gia - vê Chúa Trời đã thương tạo tác muôn loài. Hãy tấu lên cung đàn vui mừng khen danh Chúa cao vời vì đã khấn ban cho đời Người Con duy nhất Ngài yêu.
PK 1: Con van xin xin Ngài hãy xuống ơn thiêng dạt dào. Cho yêu thương dâng trào tình người liên kết nơi nơi. Luôn yêu thương nhau hoài, người người chung tiếng hát. Hát khen muôn đời Chúa Cha đã thương loài hư vô.
PK 2: Ai yêu anh em mình là sống tuân theo luật Ngài. Ai không yêu chân tình là người gian dối điêu ngoa. Ai thương tha cho người được Người thương tha thứ. Xoá tan bao lầm lỗi cho hưởng ân tình như xưa.
- Có thể cùng nhau đọc thêm kinh cầu cho gia đình
KINH CẦU CHO GIA ĐÌNH
(của Đức Gioan Phaolô II)
Lạy Chúa là Nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất,
Chúa là Cha, là Tình Yêu và là Sự Sống,
nhờ Con Cha, Đức Giêsu Kitô “sinh ra bởi một phụ nữ”
và nhờ Thánh Thần, Nguồn mạch Tình yêu Cha,
Xin làm cho mọi gia đình trên trái đất này,
trở nên đền thánh đích thực của sự sống và tình yêu
cho các thế hệ không ngừng tiếp nối.
*****
Xin ân sủng Cha luôn hướng dẫn tư tưởng
và hành động của các đôi bạn,
biết hướng tới lợi ích lớn lao của gia đình họ,
và của mọi gia đình trên thế giới.
*****
Xin cho các thế hệ trẻ
gặp được trong các gia đình sự đỡ nâng vững mạnh
giúp họ mỗi ngàysống nhân bản hơn
và làm cho họ lớn lên trong chân lý và tình yêu,
Xin cho tình yêu, được ân sủng bí tích
hôn nhân củng cố,
trở nên mãnh liệt hơn mọi yếu đuối, mọi khủng hoảng
thường xẩy đến trong gia đình chúng con.
****
Sau hết, chúng con nài xin Cha
nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gia Nadarét,
Hội thánh có thể chu toàn cách kết quả sứ mệnh của mình
trong gia đình và nhờ gia đình
tại tất cả các quốc gia trên trái đất.
****
Cha là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống
Trong sự hiệp nhất của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Amen.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
biên soạn và giới thiệu