Nụ Cười Trong Cung Lòng Thiên Chúa



Theo lời yêu cầu của các đệ tử, một vị linh sư Ấn Ðộ đã kể lại kinh nghiệm về các giai đoạn đời tu của ông như sau:

- Giai đoạn đầu tiên của ta là được Thiên Chúa cầm tay dẫn đến xứ sở của hoạt động. Ta đã ở lại đây nhiều năm.

Tiếp đó Ngài đã trở lại và đưa ta đến xứ sở của niềm đau. Tại đây trái tim của ta đã được thanh tẩy khỏi mọi dính bén với của cải trần thế.

Sau đấy Ngài dẫn ta đến miền đất của cô đơn. Ở đấy mọi ti tiện nhỏ bé của bản thân ta đều bị thiêu hủy hết, và ta đã có thể đi vào xứ sở của thinh lặng. Trước mắt ta, mầu nhiệm của sự sống và của sự chết đều được tỏ bày.

Nghe thế các môn đệ bèn hỏi:

- Phải chăng thầy đã đạt tới giai đoạn cuối cùng trong cuộc tìm kiếm của thầy?

Vị linh sư bình thản trả lời:

- Chưa đâu. Một ngày nọ Thiên Chúa đã nói với ta như sau:

"Lần này Ta đưa con vào thăm cung của đền thánh để con được đi vào cung lòng của Ta".

Thế là ta đã đến xứ sở của nụ cười.

*

* *

Người Tây Phương thường nói: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn".

Niềm hoan lạc, sự vui tươi phải chăng không là nét cốt yếu trên khuôn mặt vị thánh?

Kinh Thánh đã nói: "Thiên Chúa là đấng làm hoan lạc tuổi xuân con". Thiên Chúa làm cho con những hoan lạc bởi vì Ngài chính là niềm vui. Ði vào cung lòng Thiên Chúa là tìm được nụ cười muôn thủa của niềm hân hoan đó.

Nụ cười không chỉ là biểu hiệu của niềm vui. Nó còn là một thách thức trong một hoàn cảnh bi đát. Ðó là nụ cười của bà Sara, bật lên giữa cảnh già nua son sẻ. Thực tế, khi Thiên Chúa cho bà biết sẽ thụ thai mặc dầu đã già lão, thì bà Sara đã bật cười.

Thiên Chúa thường khơi dậy những nụ cười như thế. Tư tưởng của Ngài, hành động của Ngài đều là những nghịch lý đối với con người.

Là lời của Thiên Chúa, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng là sự nghịch lý nhập thể. Cả cuộc sống, lời rao giảng, nhất là cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là một chuỗi những nghịch lý trước con mắt của người đời.

Người đời chạy theo tiền của, danh vọng quyền bính, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: "Phúc cho những ai nghèo khó".

Người đời thích gây bạo động và hận thù, Chúa Giêsu lại dậy: "Phúc cho những ai hiền lành và xây dựng hòa bình".

Người đời cho rằng cái chết là một bất hạnh tột cùng, là tận điểm của cuộc sống, là kết liễu của tất cả. Chúa Giêsu lại dậy: đó là khởi đầu của hạnh phúc, là cửa ngõ đưa tới sự sống lâu dài.

Thánh Phaolô đã diễn tả cái nghịch lý cao vời ấy của Thiên Chúa bằng lời khẳng định sau đây:

"Ðiều mà thế gian cho là yếu hèn, thì đó lại chính là sức mạnh của Thiên Chúa... Những gì người đời cho là điên dại, thì đó chính là lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa".

Ðấy cũng phải là xác tín của chúng ta. Với niềm xác tín ấy chúng ta sẽ vượt qua được con đường đầy nghịch lý giữa cuộc sống trần gian này để đạt tới cung lòng của Thiên Chúa, ở đó chúng ta sẽ gặp được nụ cười muôn thủa diễn tả niềm hạnh phúc vô biên của Ngài dành sẵn cho chúng ta.


Của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu