Cha sở tôi!

Số phận Hai Tôm tôi đây cũng thay đổi theo cuộc đời. Mẹ Hai Tôm kể lại trước ngày 30 tháng 4 năm ấy gia đình Hai Tôm cũng không đến nỗi nào. Thế nhưng sau cái ngày 30 tháng 4 năm ấy gia đình đã lụn bại. Bôn ba đủ nơi đủ chổ để tìm kế sinh nhai. Chẳng hiểu cuộc đời đưa đẩy thế nào đấy để rồi giờ trú ngụ ở mảnh đất Cần Giờ.

Về với mảnh đất này khá lâu mới biết được bà con ở đây toàn là “đạo mới”. Trước đây, họ không biết gì về Chúa cả nhưng nghe người này mách, người kia bảo nên một số kha khá đã “trở lại đạo”. Lân la lâu ngày mỗi khi có dịp Hai Tôm tranh thủ tiếp cận với Cha Sở vùng truyền giáo nơi Hai Tôm cư ngụ. Cha Sở ở đâu cũng có những khó khăn ở đó cả nhưng phải nói là Cha Sở ở cái vùng truyền giáo này có cái khó khăn đặc biệt của vùng truyền giáo.

Nhìn vẻ bề ngoài của Cha thì Cha có thân hình gầy guộc nhỏ, chẳng biết do phải thiếu ăn hay là do lo lắng cho bà con giáo nhiều quá !

Hình như cả hai lý do trên đều đúng vì chẳng thấy Cha có “bà bếp”. Gần đến giờ ăn thấy Cha lục đục cái gì đó ở trong bếp chút xíu và xong mọi việc. Có hôm tò mò vào thì thấy thật đơn giản: dĩa khổ qua xào chưa kịp chín và tô canh chua với vài cái lá “mía màu”. Khổ qua và lá “mía màu” là “cây nhà lá vườn” do chính tay Ngài vun xới. (Phải nói thêm là Cha Sở của Hai Tôm rất thích làm vườn, lúc nào rảnh là Ngài ôm cây cuốc ra sau vườn đào đào bới bới. Cũng nhờ đào đào bới bới mà Cha phụ tá có những trái khổ qua, lá mía màu, trái bí và những trái đu đủ chín cây thật ngon). Hôm nào sang hơn một chút thì có chén súp với vài cục xương và vài củ cà rốt, khoai tây. Thế đấy ! Bữa ăn của cha Sở Hai Tôm đạm bạc là như thế.

Lý do lo cho bà con giáo dân nhiều đến độ mệt thì cũng chẳng sai. Cứ phải chạy chỗ này, xin chỗ kia để có một chút gì đó lo cho bà con giáo dân nghèo. Mà đâu phải chỉ có giáo dân, cả những người chưa “trở lại” khi ngõ lời thì Cha Sở cũng đâu có nỡ lòng nào mà từ chối.

Sáng, vừa về phòng chưa kịp ăn sáng thì “cóc ! cóc !”:

- “Cha ơi ! Cho con xin tiền đóng tiền học cho con của con”
- “Cha ơi ! Cho con xin học bổng cho con của con”


Mới ngồi chưa kịp nóng ghế thì “cóc !, cóc !”

- “Cha ơi ! Cho con xin đăng ký đi mổ mắt miễn phí”
- “Cha cho con xin viên thuốc cảm, chồng con đau quá !”
- “Cha cho con gởi hai đứa cháu nội, nó bị bệnh chậm phát triển không đi học ngoài trường được !”


Chiều tối, vừa dâng Lễ xong cũng “cóc ! cóc !”

- “Cha ơi ! Cha cho con xin chai dầu nóng !”
- “Cha ơi ! Cha cho con xin bịch cá khô !”
- “Cha ơi ! Cho con xin mấy cuốn tập !”
- “Cha ơi ! Cha cho con xin cái cặp-táp”
- “Cha ơi ! Nhà con 4 đứa đi học, xin gởi Cha 2 đứa nuôi dùm !?”


Chuyện “cóc, cóc” gõ cửa xin cái này cái kia không còn là chuyện thi thoảng nữa mà là chuyện “thường ngày ở huyện” ở cái giáo điểm truyền giáo nghèo này.

Thật sự ra mà nói, chẳng ai muốn xin, chẳng ai muốn làm phiền Cha Sở của mình như vậy đâu nhưng ngặt nỗi gia đình nghèo quá biết sao giờ. Gõ cửa xin Cha Sở cũng là điều chẳng đặng đừng chứ có ai muốn đâu. Người xin thì cũng chẳng muốn mà người cho cũng chẳng ham. Người cho không ham vì lẽ có đâu để mà cho ? Thấy con cái mình còn nghèo và đời sống còn thiếu trước hụt sau nên Cha Sở cầm lòng sao đặng ?

Với Cha Sở của Hai Tôm, Ngài chỉ biết làm sao cho bà con giáo dân đủ ăn đủ mặc chứ chẳng thiết tha gì cho cái phận của mình cả.

Dù phải chạy tới chạy lui để lo cho con cái hay là phải đi dâng lễ ở một giáo điểm xa giáo điểm mẹ hay đi đọc kinh gia đình nhưng phương tiện đi lại của Cha thật đơn giản. Hiện tại Cha chỉ sử dụng cho mình “con ngựa sắt” già nua tuổi tác lại thêm nhiều tiếng “cọc cà cọc cạch” mỗi khi đề máy. Không phải khả năng gia đình Ngài không mua nổi con ngựa khác mới hơn, tốt hơn nhưng với Cha Sở, Ngài chỉ dùng con ngựa như thế là đủ rồi.

Một lần nọ, cái điện thoại “cùi bắp” của Ngài ngưng hoạt động do “tuổi già sức yếu” nhưng Ngài cũng cố đi sửa cho bằng được. Sửa hoài cũng bằng cái mua mới để rồi có một người thấy thế bèn tặng Ngài cái khác. Không đơn giản để tặng cho Ngài dẫu cái điện thoại hết sức đơn giản vì Ngài chẳng bao giờ mở miệng xin cho riêng mình điều chi cả. Cứ vào phòng của Cha Sở thì sẽ biết Cha Sở nhưng chả có sở hữu thứ gì đáng giá và quý giá cả.

Mới đây, cái TV trong phòng của Cha Sở cũng đã phai màu theo năm tháng nhưng cứ mãi dùng nó. Bí lắm, Cha Sở bèn lấy cái TV cũ khác đem về thay thế cho cái TV mất hình tắt tiếng mà Ngài đang sử dụng. Hết sức nài nỉ để Cha dùng cái TV mới nhưng Ngài không chịu là không chịu …

Ai nào đó vô phòng Cha Sở của Hai Tôm sẽ không khỏi ngạc nhiên vì trên nóc tủ của Ngài có 5 cái thau nhựa. Chẳng cần hỏi thì đều biết đó là 5 cái thau hứng nước mưa. Phòng Cha Sở có cái đặc biệt là ở ngoài trời mưa thì ở trong biết liền ! Biết vì lẽ nước mưa ở đâu nó cứ tỏn tỏn xuống mấy cái thau trên nóc tủ của Ngài.

Thế đấy ! Hình ảnh Cha Sở của Hai Tôm là hình ảnh một mục tử hết sức đơn giản.

Điều đậm nét nơi Cha Sở đó chính là lòng thương người nghèo ! Với Cha, Cha sao cũng được cả. Bất cứ người nghèo nào đến “nhỏ to tâm sự” Ngài đều lo lắng cả. Tấm lòng bao dung và quãng đại của Ngài đôi khi bị lợi dụng. Có những người không phải vì nghèo nhưng vì tham là chính nên cứ mãi lợi dụng tấm lòng bao dung đó. Có những lúc không còn tiền trong túi nhưng Ngài cũng cố vay mượn để lo cho người nghèo.

Nhiều lúc Hai Tôm cũng cảm thấy tức vì những người chuyên gia lợi dụng lòng tốt của Cha Sở nhưng Ngài có tấm lòng bao dung, đại lượng như vậy Hai Tôm đây cũng đành chịu.

Phải thật sự mà nói nhiều lúc Hai Tôm cảm thấy bực Ngài ở cái điểm Ngài lo cho người nghèo như vậy. Giá như cái sự lo của Ngài được bù đắp bằng một chút gì đó thì cũng cho cam. Nhưng không, những người vui vẻ đến đòi hỏi nơi Ngài nhưng ít khi nào thấy họ hiện diện trong các Thánh Lễ cũng như trong các giờ kinh nguyện. Dù biết như thế nhưng Ngài vẫn vô tư và vui vẻ sống nơi vùng truyền giáo nghèo này. Ngài vẫn kiên nhẫn, kiên nhẫn chờ đợi sự trở lại của họ.

Dẫu biết rằng con người linh mục vẫn còn đó những ngổn ngang do phận người mỏng dòn và yếu đuối nhưng cũng cần ghi nhận, cần trân trọng những nỗ lực, những cố gắng hết sức của vị mục tử.

Hai Tôm tôi đây chẳng là thánh hay cũng chẳng có quyền gì để mà xét đoán nhưng có cái quyền nhận định. Điều gì tốt thì ta cần nhân rộng và phát huy, điều gì chưa tốt thì ta nên giảm thiểu và dẹp bỏ.

Cha Sở Hai Tôm chắc chắn không phải là người hoàn thiện, Cha Sở Hai Tôm không phải là tốt nhất, Ngài vẫn còn đó những yếu đuối, những thiếu sót của phận người. Những thiếu sót, những yếu đuối của phận người cần uốn nắn, cần cân chỉnh nhưng nét đẹp của lòng chạnh thương người nghèo phải được ghi nhận, phải được nhân rộng.

Năm nay là năm linh mục, cùng với dòng chảy của Giáo Hội là cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục thì Hai Tôm tôi đây cũng chỉ biết thêm lời cầu nguyện cho các linh mục, cách riêng cầu nguyện thật nhiều cho cái ông Cha Sở dễ thương của Hai Tôm đang ở cái vùng biển mặn này.

Tạ ơn Chúa đã ban cho Hai Tôm hạnh phúc và may mắn ở cái vùng truyền giáo nghèo này. Ở đây nghèo thì nghèo thật nhưng tấm lòng của vị mục tử đang chăm lo cho đoàn chiên không hề nghèo. Vị mục tử ở đây sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình cho đoàn chiên và vì đoàn chiên.

Bài học tuyệt vời và sâu sắc mà Hai Tôm học được đó chính là bài học về tình thương đối với người nghèo và lòng bao dung với tất cả mọi người.

Nguyện xin Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tối Cao ban nhiều ơn lành trên Cha Sở của Hai Tôm, của cộng đoàn giáo điểm truyền giáo nghèo này để tình thương, lòng nhân hậu của Chúa cứ toả hương, cứ thơm ngát nơi cái vùng biển mặn này.


Hai Tôm Cần Giờ