-
Moderator
A - Ai sẽ ngồi chiếc ghế ấy đây?
Chúa Nhật 25 thường niên B
Ai sẽ ngồi chiếc ghế ấy đây?
Ngày ấy Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi hay nói đùa với tôi: “Con thấy không, người ta bảo làm chi cũng chẳng làm chi, dẫu có thế nào cũng chẳng làm sao”. Lúc đó tôi còn quá trẻ chưa hiểu hết nghĩa sâu xa của sự nhận định về phù vân trong mấy câu ấy. Rồi có lần ngài nhận được thư mời của một cộng đoàn nọ, ngài đưa cho tôi xem mấy từ “kính mời Đức Cha quang lâm…” và ngài cười bảo: “lại là quang lâm!”. Đức Cha muốn nói việc ngài đến không nên diễn tả quá mức như thế, và ngài dạy cho mọi người điều mà Đức Giêsu nói với các môn đệ: những vinh quang và quyền lực trên cõi đời này chẳng là gì cả. Giá trị thật còn nằm ở nơi xa hơn.
Các môn đệ đi theo Chúa Giêsu, nghe Người giảng và kết hiệp mật thiết với Người, nhưng lại đòi những điều có vẻ nhỏ nhặt: ai sẽ có chức vị cao hơn. Nghe thì thấy lạ thật, và dường như ai đọc đoạn Tin Mừng này cũng đều ngạc nhiên hỏi “Sao lại thế?”. Tuy nhiên, ngày hôm nay, khi con người đã được mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm về Đấng Thiên Sai và về Vương quốc vĩnh cửu, họ vẫn bị cám dỗ cứ phải băn khoăn và khắc khoải về chỗ đứng của mình bây giờ và mai sau.
Thật ra nhu cầu được khẳng định vị trí là nhu cầu lành mạnh và căn bản của con người xét trong tương quan với xã hội. Và giáo huấn của Hội Thánh cũng dạy rằng con người là nhân vị, và hơn nữa, nhân vị ấy hướng về siêu việt và đã được chính Con Thiên Chúa cứu chuộc. Cao quí lắm, vĩ đại lắm chứ. Chúa Giêsu không dạy con người huỷ bỏ địa vị cao quí và cao sang ấy.
Nhưng bi kịch của kiếp người là ở chỗ khi nhận thấy mình được Chúa ban cho một địa vị, thì họ lại muốn đòi chỗ cao hơn, không phải để phục vụ anh em mà là để hưởng thụ và để tỏ uy quyền. Địa vị tự nó là tốt, nhưng lòng người và cách hành xử làm cho địa vị bị hỏng đi. Chúa không lên án người có quyền hành, Chúa còn bảo “nếu ai muốn làm người đứng đầu”. Điều Chúa muốn dạy cho con cái Người là phục vụ khiêm hạ.
Ngày Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh chọn khẩu hiệu giám mục “khiêm tốn phục vụ” thì có một cha, học trò của ngài, nói đùa “phục vụ mà hơi tốn”. Tôi ngẫm lại thấy cũng hay. Làm mục tử, làm người đứng đầu là để phục vụ, mà phục vụ là phải hao đi, phải cho đi, phải chịu thua thiệt, thậm chí còn bị kết án nặng nề. Tôi không có ý đề cao Đức Tổng Giám Mục Giuse của Hà nội, nhưng mỗi lần nghĩ đến sự phục vụ và hy sinh, hình ảnh của ngài cứ hiện ra trong tôi như một khích lệ và dạy bảo có ảnh hưởng rất đáng kể.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ để diễn tả mầu nhiệm Nước Trời. Nơi trẻ nhỏ, người ta “đọc” thấy sự hồn nhiên, vô vị lợi và sống hết mình. Không một trẻ em nào tính toán sẽ được gì khi bước ra sân chơi hay ngồi vào ghế với bạn bè. Chiếc ghế được đặt giữa nhà, chẳng có em nhỏ nào nghĩ tới việc giành ngồi lên đó. Cho nên những thái độ nhắm chỗ, chuẩn bị địa vị… đều xa lạ và mâu thuẫn với giáo huấn của Đức Kytô, Chúa chúng ta.
Đức Maria, Mẹ chúng ta là mẫu gương tuyệt vời của tinh thần phục vụ không đòi hỏi. Địa vị cao sang của Mẹ Thiên Chúa là nơi máng cỏ, hang lừa, là nơi âm thầm lặng lẽ chẳng ai nhìn đến và là nơi khổ đau dưới chân Thánh Giá. Và chính nhờ phục vụ quên mình khiêm hạ nhất, Mẹ được Chúa Trời tôn phong làm Nữ Vương muôn đời. Xin Mẹ dạy con bài học về cuộc đời của Mẹ, Mẹ ơi.
Gioan Lê Quang Vinh
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules