XA TRÁNH DỊP TỘI, KHÔNG SA CHƯỚC CÁM DỖ


========================= Mc 9:38-43. 45. 47-48



Vào thế kỷ XVI, vương quốc Anh được trị vì bởi Vua Henri VIII, một bậc quân vương nổi tiếng Hoàng Gia. Theo truyền thống thời ấy tại các quốc gia kitô giáo, mỗi lần có một Tân Vương lên ngôi, họ thường mời vị Giáo Hoàng Rôma đến chúc lành, xức dầu tấn phong Nhà Vua hoặc cử hành hôn lễ cho Vua và Hoàng Hậu. Hôn lễ vì thế thường được tổ chức long trọng, tạo niềm vui cho khắp vương quốc.

Bất ngờ năm 1526, do đời sống hôn ước gặp nhiều điểm bất hoà trầm trọng, Vua Henri VIII cương quyết đòi ly dị Hoàng Hậu để cưới một người phụ nữ khác mà Vua say đắm. Đức Giáo Hoàng lên tiếng phản đối vì Vua đã làm điều trái luật Chúa. Triều đình xôn xao trước sự kiện Vua phá bỏ luật truyền thống. Quá tức giận, Nhà Vua ép buộc các quan tướng nước Anh phải ký tên vào một văn bản soạn sẵn, trong đó xác nhận Hôn Nhân giữa Henri VIII và Tân Hoàng Hậu là hợp pháp. Nhà Vua còn bướng bỉnh dùng uy quyền tách rời Giáo Hội Anh ra khỏi Giáo Hội Công Giáo toàn cầu và tuyên bố từ nay về sau Vua nước Anh là Giáo Chủ Anh Giáo, không thuộc quyền Giáo Hoàng Rôma nữa.

Nhiều quan tướng Hoàng Gia không đồng ý với thái độ ngang ngược của Vua Henri VIII. Vua liền đe doạ: vị quan nào không chịu ký vào văn bản, đồng ý xác nhận Hôn Nhận Mới của Vua, sẽ bị kết án là phản loạn, phải tống giam vào ngục thất. Lúc ấy, Thomas More đang giữ một địa vị quan trọng trong Hoàng Triều. Nhà Vua rất vị nể và yêu mến Thomas More cách đặc biệt. Tuy nhiên lương tâm chân chính của một Kitô hữu trong Thomas More thôi thúc ngài cương quyết từ chối ký vào văn bản thuận ý của nhà Vua. Bằng sự nghiêm nghị và cương trực, Thomas More mạnh dạn biểu lộ sự trung thành với luật Chúa hơn là mù quáng nhắm mắt tuân theo sự sai lầm của Nhà Vua.

Cuối cùng, Thomas More đã bị kết án và chịu xử trảm ngày 06/6/1535. Trên đoạn đầu đài, Ngài từ tốn hôn lên gò má tên đao phủ, biểu lộ lòng tha thứ. Ngài vui miệng tuyên bố hàm râu Ngài sẽ không bị chém vì nó đâu có làm điều gì sai trái. Thomas More chấp nhận hy sinh mạng sống mình để trung tín với chân lý đạo Chúa, chịu thiệt con người mình ở đời này để được vào cõi sống ngàn thu.

Ngài không muốn để mình sa vào mưu chước của Vua Henri VIII
cũng như không muốn là gương mù nên cớ vấp phạm cho nhiều sĩ quan trong triều.

A. Có được phép tự hủy thân xác mình chăng?

Thật lạ thường, khi ta nghe lời Chúa Giêsu phán với dân chúng hôm nay: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi…Nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi…Nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi” . Và ta tự hỏi: Chúa có mâu thuẫn với chính mình chăng?

Vì trong thập giới, Chúa đã từng truyền dạy con người: chớ giết người, không được tự sát (Xh 20:13).

Trong khi đó, ở đây Chúa lại đề nghị ta: hãy chặt tay, chặt chân, móc mắt mình nếu chúng nên cớ gây dịp tội cho mình.

Chuyện xưa đã kể: Có một đoàn tàu thám hiểm Âu Châu gồm 20 chiếc đổ xô lên đường đi
tìm những vùng đất mới để chiếm làm thuộc địa sở hữu. Họ tiến về đất Ireland (Ái Nhĩ
Lan) khi ấy còn là một hòn đảo vô danh, ít người định cư sinh sống. Theo qui luật định
ước: bất cứ ai chạm tay đặt chân của mình đến hòn đảo trước nhất, thì người ấy sẽ được
quyền làm chủ vùng đất đó.
O’Neil là một người trong nhóm thảo khấu, nuôi tham vọng cao quyết
tâm bằng mọi cách chiếm cho được vùng đất mơ ước. Ông ra sức chèo thuyền tối đa để
đạt ưu thế. Ông càng chèo, thuyền những kẻ đối phương càng qua mặt đi trước ông.
Miền đất hứa hiện ra trước mắt, các thuyền không còn xa bờ bao nhiêu. Biết mình yếu
thế, O’Neil bất thình lình làm một việc mạo hiểm: tay phải cầm gươm chặt đứt ngay bàn
tay trái của mình, đoạn ông rướn sức ném mạnh bàn tay trái ấy lên bờ trước.
Lẽ tất nhiên, bàn tay O’Neil đã chạm đất đầu tiên, dù thuyền ông đến
bờ muộn hơn các thuyền khác. Vì tham vọng muốn làm chủ vùng đất hứa, ông đã không
ngại hy sinh cánh tay mình để đạt niềm mơ ước.

Nhớ lại lời Chúa phán ở trên, phải chăng Chúa cũng khuyến khích ta hành động tương tựnhư O’Neil: sẵn sàng chặt tay mình đi, nếu nó là nguyên cớ làm cho ta phạm tội xấu xa ư? Thực tế, chưa từng có ai điên khùng dám chặt tay, chặt chân, móc mắt mình…để khỏi phạm tội.

+ Các bậc thánh hiền xưa: khi hồi tâm xét thấy mình tội lỗi quá, chỉ quấn dây thừng làm
roi, tự đánh vào lưng để phạt mình, đền bù tội đã phạm. Tội càng nặng càng nhiều, các
Ngài càng quất mạnh, cho thân xác càng đau, càng nhớ mà chừa bỏ tật xấu.

+ Ông Mahatma Gandhi, người Cha chung của Ấn Độ, khi còn trẻ đã một lần phạm tội
nói dối nặng nề. Mẹ hiền la mắng, ông hối hận vào bếp, lấy đồ gắp than hồng nung đỏ
đặt trên lòng bàn tay mình, khiến phỏng da, sau thành vết thẹo: Gandhi suốt đời nhìn
vết thẹo ấy mà cương quyết không dám dối trá nữa.

Cho nên, ta không thể hiểu lời Chúa nói trên đây theo nghĩa đen, nghĩa mặt chữ.
Rất nhiều lần trong Phúc Âm, Chúa đã từng nói những lời xem ra có vẻ “chói tai” tương
tự như thế ( Mt 5:39-42.44./ Mt 8:22 / Lc 9:48 ;12:51 / Ga 6:51.54-55 ). Điều quan trọng, ta cần khám phá điểm nhấn mạnh chủ yếu mà Chúa muốn nói đến hơn là suy tư theo nghĩa tự nhiên bên ngoài.

B. Đâu là vấn đề Chúa muốn nhấn mạnh?

Suy nghĩ sâu xa lời Phúc Âm: “móc mắt, chặt tay, chặt chân” một chút, ta nhận thức được điều Chúa muốn dạy ta rằng:

+ cần xa tránh tội trọng bằng bất cứ giá nào.
+ phải hy sinh những gì cần thiết để giữ mình khỏi phạm tội.
+ luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể làm được để loại trừ sự xấu ấy.

1. Gương thánh trẻ Đaminh Saviô: thà chết còn hơn phạm tội mất lòng Chúa.
2. Gương đời sống tốt lành của trinh nữ Maria Goretti: thà bảo toàn sự thanh khiết trinh
trong đẹp lòng Chúa còn hơn buông mình theo sự xấu để kẻ khác làm nhục mình.
3. Gương đại pháp quan Thomas More: thà hy sinh chịu bắt bớ xử tử còn hơn ký vào văn
bản phi lý, làm việc trái lương tâm trước mặt Chúa.

C. Xa tránh dịp tội, khỏi sa chước cám dỗ.

Làm việc trong một thế giới văn minh hiện đại, đôi lúc đầu óc con người thích hưởng thụ những thú vui cao cấp. Nền văn hoá sự chết thống trị và chi phối: những trò chơi phi luân lý luôn là cớ vấp phạm, luôn là các dịp tội đưa con người đến hư vong, làm mất lòng Chúa.
+ những cuốn phim đồi trụy xuất hiện thường xuyên trên Internet.
+ lối ăn mặc hở hang không ngừng phô bày khắp phố phường, nơi đô hội.
+ một con tàu Casino sắp cặp bến đóng đô dài hạn ở thành phố ta đang cư ngụ.
+ một điếu thuốc thơm của bạn bè mời mọc, quyến rũ mình đã cai nghiện thuốc lâu nay.

Những dịp tội như thế luôn là chuỗi cám dỗ lúc nào cũng khiêu khích, thách thức ta. Chúng có sức thu hút mạnh mẽ, dễ làm ta sa ngã mắc vào cạm bẫy trớ trêu. Phải “đào vi thượng sách” , tìm mọi cách xa tránh dịp tội là phương thức tiên phong.

Bình thường, người có lương tâm tốt, bao giờ cũng hướng thượng và không muốn phạm tội. Thế nhưng, trái tim ta bằng thịt, rất mỏng manh yếu đuối, dễ bị cuốn hút vào sự tội từng giờ. Miệng ê a kinh nguyện “con dốc lòng chừa cải và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ lánh xa dịp tội” nhưng lòng trí cứ vởn vơ sự xấu trong đầu, đứng ngồi không yên. Lời Chúa khi ấy thật thiết thực: “Nếu mắt con phạm tội, hãy móc mắt đó đi: thà con chột mắt mà được vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt phải ném xuống hoả ngục”. Đúng vậy, Chúa mời gọi ta phải hy sinh dứt bỏ chính mình để khỏi sa chước cám dỗ triền miên.

+ Ta nghiện rượu bia nặng, đến phòng mạch khám, bác sĩ cho biết gan, phổi rất xấu: cái
chết đe doạ. Nghe lời khuyên của Bác Sĩ, tôi dứt khoát không đụng đến chai bia, ly rượu
nữa, vì sự sinh tồn của bản thân.

+ Ta nghiện thuốc lá trường kỳ, phổi có vấn đề nguy hiểm. Vất vả lắm để cai thuốc, tôi bắt
đầu ngậm kẹo B’min cho đỡ thèm. Thỉnh thoảng ngáp dài, tìm cách ăn uống bù trừ cho
khỏi nhớ thuốc lá.

Để khỏi tái phạm tội cũ, bắt buộc ta phải cương quyết xa tránh, từ bỏ. Không thành công nào
mà không có mồ hôi và nước mắt, không vinh quang nào lại không trải qua thập giá và hy sinh.

C. Lời Nguyện kết.
Lạy Chúa! Một cành nho cần được cắt tiả, mới sinh hoa quả sai trái.
Đôi khi con cần từ bỏ chính mình, mới lớn lên trong ân sủng Chúa.
Xin Thần Khí Chúa trợ giúp con đêm ngày, Chúa ơi !!1


Rev. Dominic Dieu Tran, SDD.