Lama Zopa Rinpoche gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Deer Park, USA. July 2008. / Lama Zopa Rinpoche met His Holiness in Deer Park, USA. July 2008.
NGUỒN GỐC BỊNH SIDA, TỰ TỬ & HÀNG TRĂM VẤN ĐỀ: THAM MUỐN
[SCROLL DOWN TO SEE THE ENGLISH VERSION]
Theo đuổi ham muốn nhưng rồi không tìm thấy sự mãn nguyện, đó là vấn đề then chốt của cõi luân hồi. Bị bệnh ung thư hay bệnh sida chẳng hạn cũng không phải là vấn đề lớn. Nếu so sánh với vấn đề “theo đuổi ham muốn và không thấy mãn nguyện” thì bệnh ung thư hay sida chẳng thấm vào đâu; các bệnh nan y này không kéo dài từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu bạn không làm gì để giải quyết vấn đề ham muốn ngay trong đời này khi bạn có được thân người hoàn chỉnh, thì vấn đề đó sẽ nối tiếp từ đời này sang đời khác.
Việc theo đuổi ham muốn sẽ luôn cột chặt bạn trong luân hồi và bạn phải chịu đựng đau khổ không ngừng trong sáu cõi. Tái diễn hoài, không dứt. Tiếp tục theo đuổi ham muốn thì sẽ không có được sự mãn nguyện thật sự, không có bình an thật sự. Theo đuổi ham muốn chỉ đưa đến bất mãn và sẽ chịu đựng đau khổ liên tục ở một trong sáu cõi luân hồi.
Chính sự suy nghĩ bát phong [Bát phong, tám ngọn gió: Được và mất, khen và chê, vinh và nhục, buồn và vui] sẽ không ngừng mang bệnh tật đến đe doạ chúng ta rất nhiều. Kiếp này sang kiếp khác, nó luôn mang lại các vấn đề nghiêm trọng mà con người phải chịu đựng; nó tái tạo nghiệp để rồi chúng ta phải liên tục kinh qua các vấn đề đó. Suy nghĩ đến bát phong, ham muốn bám chặt cuộc đời này chính là bệnh nghiêm trọng nhất. So sánh với bát phong, các vấn đề khác như bệnh tật chẳng thấm vào đâu.
Nếu không nghĩ đến bát phong (chúng đang cột bạn vào luân hồi), thì ngay cả khi nếu bạn bị giết, việc này chẳng qua là bạn thay một thân khác. Tâm thức bạn đến với một thân người hoàn chỉnh khác hay đi vào cõi tịnh độ. Như vậy việc bạn bị giết đích thị là một điều kiện để thay một thân khác. Nhưng nếu bạn nghĩ đến bát phong và không tu tập Pháp thì dù không bị ai giết và sống được trăm tuổi, bạn chẳng qua là liên tục sử dụng thân người hoàn chỉnh để tạo nhân cho việc tái sinh vào các cõi thấp; bạn sử dụng kiếp làm người may mắn này để tạo nhân cho những kiếp sau không may mắn và lúc đó bạn sẽ không có cơ hội tu tập Pháp. Càng sống lâu càng tạo nhiều nghiệp xấu, điều này khiến cho bạn tiếp tục đi vào cõi thấp và chịu đựng nhiều khổ đau. Do vậy, sự suy nghĩ đến bát phong gây nguy hại hơn nhiều so với kẻ thù giết bạn.
Lời dạy của Ngài Lama Tsong Khapa về việc theo đuổi ham muốn được tiếp tục như sau:
Ham muốn mang đến nhiều vấn đề khác nữa. Vì theo đuổi ham muốn, tâm bị nhiễu loạn, bất an.
Hàng trăm vấn đề đến từ sự bất mãn. Chẳng hạn, khi có ham muốn mãnh liệt, rất dễ dàng nổi giận. Càng bám chặt vào ham muốn, cơn giận nổi lên càng mạnh. Nếu không bám chặt nhiều, bạn sẽ không khó chịu khi có ai đó quấy rầy bạn. Có thể bạn vẫn bị phiền muộn nhưng ít hơn. Giận dữ, ganh tị và những thứ khác nữa nổi lên đều có liên quan đến sự bám chặt vào ham muốn. Vì bám chặt nên các suy nghĩ bất thiện này nổi lên. Khi có bất kỳ suy nghĩ bất thiện nào nổi lên bạn sẽ tạo ra nghiệp bất thiện, nhân của đọa xứ.
Khi tâm bạn tràn ngập ham muốn, hoàn toàn bị che lấp bởi ham muốn, bạn không thể thiền định. Ngay cả nếu bạn có một ý tưởng nào đó về tánh Không, bạn sẽ rất khó cảm nhận được nó. Có những lúc khi tâm bạn tĩnh lặng và bình an bạn có thể có một cảm nhận nào đó về tánh Không nhưng khi tâm bạn bị loạn động– một đám sương mù của ham muốn che mờ mọi sự – thì bạn không thể nào thiền định tánh Không. Bạn cũng không thể phát hiện được những nhược điểm của ham muốn.
Khi ham muốn mãnh liệt về một đối tượng, bạn trở nên rất khổ sở nếu không có được nó. Bạn không thoải mái; thân sẽ không thư giãn bởi vì tâm không thư giãn. Mặc dù không phải làm việc nặng nhọc nhưng vì có ham muốn nên tâm không thoải mái, do vậy, thân cũng không thoải mái.
Có rất nhiều thí dụ về nhược điểm của ham muốn. Hãy lấy ví dụ về những người nghiện rượu, những người nghiện ma túy. Họ sống rất khổ sở, không tự kiềm chế, đến nỗi họ không thể làm gì được. Họ còn hủy hoại trí nhớ, mất tỉnh táo.
Bệnh tật đến từ những suy nghĩ tồi tệ của bát phong, từ sự bất mãn vì muốn mà không được; sự bất mãn này tạo nên những điều kiện của bệnh tật. Bạn có thể bị đau ốm nhiều năm tiêu tốn rất nhiều tiền mà lẽ ra không đáng phải tiêu. Khi không thể kiếm tiền đàng hoàng thì phải ăn cắp. Tâm bị rối loạn, thần kinh suy sụp, bạn bị điên. Rồi bạn lại phải tiêu tốn thời gian tiền bạc chữa bệnh tâm thần, thậm chí phải vào nhà thương.
Và nguồn gốc của mọi thứ này là gì? Là một khoảnh khắc của ham muốn không kiềm chế được. Chính khoảnh khắc khi bạn đã không tự bảo vệ mình chống lại bát phong, khi bạn đã không tu tập Pháp, khoảnh khắc đó mang đến nhiều vấn đề. Các vấn đề đó liên tục kéo dài nhiều năm, tốn nhiều tiền và khiến cho bạn gặp nhiều khó khăn phức tạp không cần thiết. Tất cả phiền muộn lo âu tốn kém này được phát sinh bởi suy nghĩ về bát phong. Nếu ngay từ ban đầu bạn giữ mình tránh khỏi bát phong thì tất cả những vấn đề không muốn có và những tiêu tốn đó trong bao năm đã không xảy ra. Bạn cần phải đừng bao giờ kinh qua những sự việc đó.
Rất rõ ràng, đây là nguồn gốc của bệnh Sida, nó đến khi một người bị bát phong kiềm chế. Khi gặp người bị sida truyền do tình dục, tôi hỏi họ về trạng thái tinh thần như thế nào khi họ bắt đầu có triệu chứng bị bệnh, một số người trả lời rằng họ có ham muốn tình dục mãnh liệt. Trong suốt thời gian có trạng thái tinh thần phi đạo đức đó, họ bắt đầu bị sốt cao, toát mồ hôi và mệt lã từng ngày.
Về cơ bản, tất cả bệnh tật, kể cả sida, ung thư, đến từ suy nghĩ bát phong. Các vấn đề do giao tiếp trong cộng đồng cũng vậy: nếu một người không cố gắng tự kiềm chế, thì các vấn đề phát sinh do giao tiếp, bằng cách này hay cách khác, có thể xảy ra liên tục. Cuộc sống sẽ như địa ngục. Trước khi tái sinh ở địa ngục thật, người đó phải chịu đựng địa ngục ở cõi người này. Có địa ngục ở khắp mười phương. Bạn hoàn toàn cảm thấy như bị nhốt trong bẫy, bị ngộp thở. Thậm chí bạn không thể thở.
Khi ham muốn của bạn không được thoải mãn, khi bạn không thể có được những gì bạn muốn thì đó là lúc thần kinh suy sụp và ý định tự tử sẽ xuất hiện. Mới gần đây một người đệ tử ở Thụy Sĩ đã gặp phải những vấn đề như vậy và đã tự tử. Ông ta tự treo cổ. Tôi cho rằng ông ta có nghe Pháp nhưng không nhập thất hay không thực hành được nhiều. Ông ta có việc làm tốt, kiếm nhiều tiền nhưng ông ta đã có những vấn đề về giao tiếp (quan hệ với người khác bị tồi tệ-ND)
Bạn có thể đã có nhiều lần nghĩ đến việc tự tử, nghĩ đến việc kết thúc đời bạn do bởi các loại vấn đề như thế này. Về cơ bản, đây là nhược điểm của bát phong, của ham muốn. Kadampa geshe Gonpawa, người đã có được khả năng thấy biết siêu việt và nhiều thực chứng khác nữa, đã nói:
Nếu một người nhận được bốn điều ưa thích (trong bát phong) là: được (lợi), sướng, khen, vinh, từ một hành động đươc làm bỡi những suy nghĩ bát phong thì đó chỉ là quả trong đời này mà thôi và sẽ không có lợi lạc gì cho các đời sau. Và nếu bốn điều không ưa đến từ một hành động thì sẽ không có lợi lạc gì ngay cả trong đời này.
Thường thì những hành động từ suy nghĩ bát phong dù có mang lại bốn điều ưa thích thì rốt cuộc cũng sẽ đưa tới bốn điều không ưa thích. Chẳng hạn trong kinh doanh bạn thành đạt từ thành công này tới thành công khác; và vì được thành công bạn sẽ đầu tư kinh doanh nhiều thêm với những suy nghĩ bát phong. Sau một thời gian khi nghiệp lực thành công của bạn kết thúc và nghiệp lực thất bại xảy ra chỉ trong một ngày bạn có thể trở thành kẻ ăn mày. Ngày nay bạn là triệu phú nhưng ngày mai bạn có thể bị khánh kiệt, không biết lấy gì trả tiền nhà hay trang trải cho gia đình. Toàn bộ cuộc đời bạn sụp đổ.
Điều này xảy đến vì để cho suy nghĩ bát phong thúc đẩy hành động. Cho dù bạn sống sung túc nhưng bạn không thoả mãn và bạn lại tiếp tục hành động vì suy nghĩ bát phong. Do đã thành công trong quá khứ, vào một ngày nghiệp lực thành công của bạn cạn kiệt và mọi sự sụp đổ. Có người hôm qua rất giàu có, chẳng phải lo lắng tiền bạc, bất ngờ hôm nay phải lo toan đến việc nhỏ nhất là không biết tiền đâu để nuôi gia đình. Ông ta không thể làm gì, không thể ăn ngủ được.
Ngay cả khi một kẻ ăn cắp đã lấy trộm một. hai, ba lần chẳng hạn, nhưng sự thành công của ông ta không thể tiếp tục mãi được. Bạn cần phải tự kiềm chế ham muốn của mình; bạn cần phải tìm thấy được một mức thoả mãn nào đó. Nếu không dừng, nếu tiếp tục nữa, thì có ngày bạn sẽ thất bại. Bất luận sai lầm gì, nếu cứ tiếp tục tái diễn, chắc chắn ngày nào đó nó sẽ trở thành một vấn đề to lớn. Một nhược điểm khác nữa của ham muốn là cuối cùng sẽ đưa tới chỗ rất ư thất vọng.
Tự giải thoát mình khỏi ham muốn là một sự bảo vệ chắc chắn nhất. Khi dứt bỏ ham muốn một đối tượng hay một người, lúc đó tất cả suy nghĩ bất thiện sẽ không nổi lên được và kết quả là bạn sẽ không tạo ra nghiệp xấu. Và nó cung cấp sự bảo vệ tốt ngoài sức tưởng tượng. Thông thường, vì đam mê một đối tượng đặc biệt, bạn tạo ra rất nhiều nghiệp bất thiện liên hệ đến nhiều chúng sanh hữu tình khác. Dứt bỏ được đam mê đó bạn sẽ ngăn chận được nhân tái sinh vào các đọa xứ.
Sự an lạc to lớn sẽ đến khi bạn giải thoát mình khỏi suy nghĩ về ham muốn. Hãy tập trung vào sự an lạc chân thật này mà bạn có thể kinh nghiệm được ngay lập tức bằng cách tự giải thoát mình khỏi ham muốn. Khi tập trung chú tâm vào sự an lạc này thì sẽ không có vấn đề nào xảy ra. Khi nỗ lực để có được hạnh phúc to lớn này, sự an lạc chân thật này, thì hạnh phúc tạm thời trở nên không hấp dẫn nữa và bạn sẽ từ bỏ nó dễ dàng – y như vứt giấy đã dùng ở trong phòng vệ sinh. Khi thấy biết được như vậy thì không gì đáng lo nếu bạn gặp phải chuyện không vừa ý.
Cho nên như chúng ta thấy, dù có nhiều hay ít vấn đề đi nữa thì chúng ta cũng phải thực hành Pháp, không cách nào khác hơn. Và tu tập Pháp có nghĩa là kiểm soát tâm, kiềm chế ham muốn. Không nói chi đến việc sống khổ hạnh theo sự tu tập Pháp đích thực, nhưng ít nhất để có được sự bình an trong tâm và hạnh phúc đời này cũng như ngăn cản những vấn đề tăng thêm, chúng ta cần kiểm soát ham muốn.
http://www.thuvienhoasen.org/canhcuamannguyen-02.htm#05
CÁNH CỬA MÃN NGUYỆN
Lama Zopa Rinpoche
Việt dịch: Nguyễn văn Điểu
--------------------------
THE SOURCE of AIDS, SUICIDE, and HUNDREDS of PROBLEMS: DESIRE
Page 60-67:
http://books.google.com/books?id=fuY...age&q=&f=false
THE DOOR TO SATISFACTION, page 60-67
by LAMA THUBTEN ZOPA RINPOCHE