HOÀ THUẬN

Chiều nay, tôi đi lễ hơi trễ. Vừa bườc vào nhà thờ đã nghe cộng đoàn đọc “Thứ bảy : Ai làm cho người hoà thuận ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy”. Đây là kinh “Phúc thật tám mối” thường đọc vào cuối giờ kinh ngày Chúa nhật, trước khi bước vào Thánh lễ. Có lẽ tại mở đầu mối phúc thứ bảy, sách kinh ghi “Ai làm cho người hoà thuận…”, nên phần lớn chúng ta đều hiểu đó là mối phúc dành cho những ai chuyên chăm đi hoà giải tha nhân, hoà giải anh em, khi họ có những xích mích, bất hoà. Tôi cũng đã hơn một lần làm công việc này, và một lần sém bị cháy tiêu. Chuyện này tôi cũng đã kể trong một bài viết, xin được kể lại : Trong Huynh đoàn tôi có một soeur là đoàn viên. Giữa soeur và anh Trưởng có xich mích rất nặng nề về chuyện tiền bạc của HĐ. Một anh bạn thân rủ tôi đi ‘hoà giải’. Hai chúng tôi đến gặp soeur trước. Vào nhà, mới ngồi xuống ghế, chưa được mời nước, anh bạn tôi đã mở máy thao thao bất tuyệt về sự hoà thuận trong gia đình, trong HĐ, và thật bất ngờ, anh buông một câu : “Chúng ta đừng ngậm máu phun người”. Tôi đỡ không kịp và hậu quả là hai chúng tôi bị soeur đuổi ra khỏi nhà. Tôi cố vớt vát : “Nãy giờ tôi đã kịp nói gì đâu, chị đuổi cả tôi nữa à ? – Đuổi tuốt ! – Để chi vậy ? – Tôi đóng cửa nói chuyện với Chúa”. Đây rồi, may quá ! Tôi chộp ngay lấy câu nói này, lấy tay chỉ vào anh bạn và vào tôi : “Chúa đang ở trong chúng ta, ở giữa 3 chúng ta đây này, sao chúng ta không nói với Chúa, mà còn phải đóng cửa nói với Chúa nào nữa ?”. Tuy kết quả không có ngay lúc ấy, nhưng sau ít ngày, soeur đã “mở cửa” đón nhận sự hoà giải và kết quả đạt được thật tốt đẹp.

Có lẽ vì thấy trong những nguyệt hội của HĐ, soeur rất gay gắt nói anh Trưởng đã không minh bạch vấn đề tiền bạc, nên anh bạn tôi cho rằng soeur đã lên án người khác. Vì thế, anh bạn mới buông một lời khuyên chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”. Thật đúng là hoà giải kiểu khuyên anh em đừng xét đoán, đừng lên án nhau, mà chính mình lại xét đoán, lên án anh em ! Công việc hoà giải là làm sao cho hai bên bớt nóng giận, bớt thành kiến, bớt mặc cảm, sẵn sàng cùng nhau đối thoại trong yêu thương để tìm ra sự thật. Và khi sự thật sáng tỏ, sẵn sàng khiêm tốn nhận lỗi nếu thấy mình sai, và sẵn sàng bao dung tha thứ nếu thấy phần sai nghiêng về đối phương. Tục ngữ Việt Nam có câu : “Lời nói không mất tiền mua. Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ở đây, anh bạn tôi đã không lựa lời, vô tình “gắp lửa bỏ tay người” khiến sự hoà giải đã không thành, mà còn tạo thêm mối bất hoà khác cho mình và người mà mình muốn hoà giải.

Trong những dịp được trao đổi về “8 mối Phúc”, đến mối thứ 7, tôi thường chia sẻ với anh em (và cũng là cách tự nhắc nhở, răn đe bản thân) : Làm cho người hòa thuận là rất tốt, rất nên làm, nhưng coi chừng hoà thuận đâu chưa thấy, đã thấy nảy sinh thêm bất hoà. Tuy nhiên, nếu hiểu “làm cho người hoà thuận” chỉ thuần tuý là công việc đi hoà giải anh em, hoà giải tha nhân khi người ta có xích mích với nhau, thì chưa đủ. Tại sao vậy ? Có lẽ tại trong câu có cụm từ “làm cho người”, đọc lên nghe có vẻ đây chỉ thuần tuý là công việc đi hoà giải tha nhân mà thôi. Thực ra, đây là Lời dạy của Đức Giêsu Thiên Chúa trong “Bài giảng trên núi”, câu ấy được ghi trong sách Tin Mừng thế này : ”Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Muốn xây dựng hoà bình thì bản thân người đi xây dựng phải có một cái tâm hoà bình trước đã, nói khác hơn, muốn hoà giải người, phải tự hoà giải mình trước. Mà, là con người, giữa cái “tâm bất điêu trá” (lòng không gian dối) và cái “tâm điêu trá” (lòng gian dối), giữa cái “thiện tâm” và cái “ác tâm” khoảng cách chỉ mong manh như một … sợi tóc (xc. “Sợi tóc” – cùng tác giả – Trang bài vở <Thanhlinh.net>). Tôi đem những suy nghĩ này vào buổi suy niệm Lời Chúa (CN XXVI/TN-B).

Bài đọc 1 (Ds 11, 25-29) kể câu chuyện 70 kỳ mục được Thiên Chúa ban Thần khí. Trong số 70 vị, có 2 vị (Enđát và Mêđát) cũng được ban Thần Khí nhưng ở lại trong trại mà không tập trung ở Lều chung với các vị kỳ mục khác. Khi các vị được ban Thần khí, liền phát ngôn. Có người báo tin cho ông Môsê là 2 vị ở lại trong trại cũng phát ngôn, ông Giôsuê lên tiếng "Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ! " Nhưng ông Môsê trả lời : "Anh ghen dùm tôi à? Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ ! " Vì ĐỨC CHÚA đã ban Thần Khí của Người trên họ. Cuối cùng, ông Môsê đã vào trại cùng với các kỳ mục Ítraen. Bài đọc 2, Thánh Giacôbê lên án những kẻ làm giàu bằng cách bóc lột, giết hại kẻ khác (“Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại.6 Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” – Gc 6, 5-6). Còn bài Tin Mừng (Mc 9, 38-43, 45, 47-48) thì tường thuật lại : “Ông Gioan nói với Đức Giêsu : "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." Đức Giêsu bảo : "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

Tôi thấy lời nói của ông Môsê với người thanh niên mách lẻo, nghe thật thấm thía : "Anh ghen dùm tôi à? " (thay vì nói thẳng : “Anh ghen tức à ?”). Đức Kitô trong trường hợp này, tỏ ra bao dung gấp bội "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Tại sao vậy ? Vì Đức Kitô là Thiên Chúa, còn ông Môsê cũng chỉ là con người. Con người ta ở đời này có lòng ghen tức, đố kỵ cũng là điều bình thường. Thấy người ta thua kém mình thì dè bỉu khinh chê, thấy người ta làm được hơn mình thì ghen tức đố kỵ đã đành, nhiều khi cứ thấy người ta làm bất cứ một việc gì, cũng tìm mọi cách đả phá, hạ bệ, ấy mới là điều đáng nói. Ghen tức thì hay dèm siểm, chê bai, đi đến chỗ xét đoán, lên án người khác. Mà xét đoán, lên án người khác thì đã quên đi – nếu không muốn nói là đi ngược lại, làm ngược lại – Lời Chúa dạy : “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”. (Luca 6, 37). Xét đoán hay lên án kẻ khác không những đã chỉ “… thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới” (Mt 7, 3),mà còn là dịp “làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã” (Mc 9, 42-50),

Cũng có người cho rằng những xét đoán, lên án anh em có thể là tại cái miệng thiếu khôn khéo vậy thôi, chứ tâm địa cũng chẳng đến nỗi nào, có khi còn ngược lại nữa là khác. Tôi hiểu những biện luận này đã căn cứ vào câu cửa miệng trong dân gian : “khẩu xà, tâm Phật” (miệng rắn, lòng Phật : ác mồm ác miệng vậy thôi, chớ lòng vẫn tốt lành). Đúng là có những trường hợp như thế, nhưng cũng không hiếm cảnh “khẩu Phật tâm xà”. Bình thường thì hiện tượng bộc lộ bản chất, có thể căn cứ vào hiện tương mà nhìn ra bản chất (“Trông mặt mà bắt hình dong, / Con lợn có béo miếng lòng mới ngon” – ca dao, tực ngữ VN). Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp giữa bản chất của sự vật, sự kiện và hiện tượng bộc lộ mâu thuẫn, không đồng nhất (“xanh vỏ, đỏ lòng”, “bề ngoài thơn thớt nói cười, / Mà trong nham hiểm giết người không đao” – Kiều – Nguyễn Du). Thà rằng cứ “khẩu Phật, tâm Phật” hoặc “khẩu xà, tâm xà” (hiện tượng phản ánh trung thực bản chất), thì đỡ biết mấy ! Có lẽ cũng chính vì thế nên mới có câu “C’est la vie !” – “Đời mà !” – còn nếu không như thế thì cuộc đời đã trở thành thiên đàng, bồng lai tiên cảnh hết trơn, chẳng còn gì để nói nữa !

Đời mà ! Vâng, quả có như thế, “Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau." (Mc 9, 49-50), và chỉ còn một cách duy nhất là cầu nguyện và hành động trong niềm cậy trông nơi Thần Khí Chúa : “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa… Amen” (Kinh Hoà Bình).


JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm