Một hãnh diện cho người Việt tỵ Nạn, Dr. Roesler sẽ là Bộ Trưởng Y Tế Đức
Như chúng ta biết, cuộc bầu cử Quốc Hội (QH) Đức vào ngày 27.09.2009 đã kết thúc. Hai đảng lớn CDU và SPD mất đi sự ủng hộ của cử tri. Riêng SPD với ứng cử viên Steinmeier thất bại nặng nề, mất hơn 11% số phiếu. Ba đảng nhỏ thì tăng, nhất là đảng FDP thắng lớn, trở thành đảng mạnh thứ ba sau CDU và SPD tại Quốc Hội Đức.
Sau đây là kết quả của cuộc bầu cử Hạ Viện được công bố ngày 28-09-2009 nhiệm kỳ 2009-2013 (trong dấu ngoặc là kết quả tăng (+) hay giảm (-) so với lần bầu cử 2005):
SPD được 23% (-11,2%)
CDU/CSU 33,8% (-1,4%)
Xanh được 10,7% (+2,6%)
FDP 14,6% (+4,8)
die Linke 11,9% (+3,2%)
Căn cứ vào kết quả trên thì số ghế Thượng nghị sĩ là 622 được phân chia như sau: CDU/CSU: 239 ghế; SPD: 146; FDP: 93; Linke: 76 và Xanh: 68 ghế.
Qua kết quả trên, liên minh cầm quyền lớn giữa CDU/CSU và SPD chia tay. SPD đạt được kết quả bầu cử thê thảm chưa từng có trong lịch sử đảng kể từ khi chiến tranh chấm dứt và sau 11 năm liên tiếp tham chính nay trở thành đối lập tại QH Đức trong 4 năm tới. Không những thế, tham vọng của SPD muốn liên minh với Xanh và Tả Khuynh trước khi bầu cử xảy ra cũng tan thành mây khói. Đảng trưởng SPD, ông Muenterfering bị chỉ trích nặng nề sau đó và cũng đã nhường cho đảng viên trẻ tuổi hơn lên thay thế là ông cựu bộ trưởng môi sinh, Gabriel được tín nhiệm vào chức tân đảng trưởng SPD với hy vọng là sẽ lấy lại uy tín của SPD đối với cử tri Đức trong thời gian tới.
Ước vọng của bà Merkel đã được đáp ứng. Một chính quyền liên bang giữa Liên Đảng CDU/CSU và FDP kể từ 1998 sẽ thành hình và bà Tiến sĩ Angela Merkel sẽ nắm chức vị nữ thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa! Ngay sau khi kết quả được công bố, liên đảng CDU, CSU và FDP tiến hành những cuộc hội đàm để thành lập liên minh cầm quyền. Hôm nay, 23.10.2009, qua nhiều tuần thương thảo, CDU, CSU và FDP đã đả thông được những cách biệt trên mọi lãnh vực như cải tổ về y tế, thuế má, thị trường nhân dụng, xã hội v...v.v... liên minh cầm quyền mới (xem như) cũng đã thành lập xong thành phần nội các của tân chính phủ do bà Merkel lãnh đạo. Theo báo Spiegel và AFP và nhiều thông tấn xã Đức khác loan tin cho biết thì tân nội các của chính phủ do CDU, CSU + FDP cầm quyền gồm có:
* Thủ tướng: Ts Angela Merkel (CDU)
* Ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng: Dr. Guido Westerwelle (FDP)
* Bộ trưởng tài chánh: Dr. Wolfgang Schaeuble (CDU, trước đây là bộ trưởng nội vụ)
* Bộ trưởng gia đình: Ursula von der Leyen (CDU)
* Bộ trưởng nội vụ: Karl-Theodor zu Guttenberg (CSU, trước đây là bộ trưởng kinh tế)
* Bộ trưởng lao động: Franz Josef Jung (trước đây là bộ trưởng bộ quốc phòng)
* Bộ trưởng nội vụ: Thomas de Maizière (CDU)
* Bộ trưởng kinh tế: Rainer Brüderle (FDP)
* Bộ trưởng tư pháp: Dr. Sabine Leutheusser-Schnarrenberger (FDP)
* Bộ trưởng y tế: Dr. Philipp Rösler (FDP)
* Bộ trưởng phát triển: Dirk Niebel (FDP)
* Bộ trưởng giao thông: Peter Ramsauer (CSU)
* Bộ trưởng canh nông: Ilse Aigner (CSU nhưng chưa chắc lắm!)
Thành phần nội các nói trên còn phải được liên minh chấp thuận. CDU/CSU+FDP chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ Viện là 332 ghế, khối đối lập chỉ có 290. Như thế liên minh mới Đen+Vàng lên nắm quyền sẽ dễ dàng thông qua những luật lệ mới mà chính phủ muốn thay đổi nói chung.
Một điểm đáng được lưu ý, Dr. Roesler là bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong tân nội các của bà Ts Merkel, mới 36 tuổi, còn trẻ hơn cả cựu bộ trưởng kinh tế zu Guttenberg!
Thông tấn xã Reuters còn bình phẩm thêm sau khi được biết Roesler đảm nhận chức bộ trưởng y tế Đức. Theo Reuters, qua đó đảng trưởng FDP, Westerwelle muốn kèm chân nhà chính trị trẻ đang lên như diều gặp gió, Dr. Roesler, có thể nói là địch thủ đáng ngại của Westerwelle vì bộ y tế là bộ khó nuốt và nhanh chóng sẽ có nhiều kẻ thù (rasch viele Feinde machen!). Dr. Roesler từng nói, đến 45 tuổi sẽ từ giả chính trường. Câu hỏi này cũng được ban lãnh đạo liên bang FPD đặt ra tại Bá Linh và được Roesler trả lời rõ ràng "đúng vậy"!
Tuy nhiên Roesler cũng không có nhiều thì giờ để suy nghĩ. Bây giớ, trước hết Roesler là Bộ trưởng y tế, một bộ gặp nhiều khó khăn nhất tại Đức. Ngay buổi sáng thứ sáu hôm nay, Roesler còn tường trình kết quả y tế uỷ đạt được cùng với bà Ursula von der Leyen và Babara Stamm của CDU+CSU và buổi chiều thì Roesler trở thành bộ trưởng y tế. Ngay xế chiều cùng ngày, chuyên gia y tế của FDP, ông Daniel Bahr đã khôi hài: "Một bác sĩ mắt với tầm nhìn xa sẽ là bộ trưởng y tế Đức!". Sau đó khi biết Roesler là bộ trưởng y tế Đức thì Bahr tuyên bố: tôi chia vui với Roesler và sẽ hổ trợ ông ta (Roesler)!
Con đường chính trị của Roesler thăng tiến rất nhanh chóng, không ngờ được, bắt đầu tại tiểu bang Niedersachsen. Cựu tỉnh bộ trưởng và cũng là tổng trưởng kinh tế tiểu bang, Walter Hirche là người đã đỡ đầu cho Roesler. Lúc nào Roesler cũng là người trẻ tuổi nhất: Bí thư tỉnh bộ trẻ nhất, rồi đến chủ tịch khối dân biểu, tỉnh bộ trưởng trước khi thành tổng trưởng kinh tế và giao thông tiểu bang Niedersachsen.
Roesler là người đang được thành viên FDP mến chuộng. Ứng khẩu nhanh nhẹn, nhưng đôi khi cũng có thể khôi hài và chính điểm này làm người ta ưa thích. Từ lâu FDP đã lưu ý đến Roesler và xem như là người sẽ kế vị đảng trưởng Westerwelle trong tương lai.
Reuters cũng nhắc lại lý lịch của Roesler. Ông ta mồ côi và rời Việt Nam đến Tây Đức khi vừa mới chín tháng tuổi, được một gia đình Đức nhận làm con nuôi. Hiện nay Roesler lập gia đình, vợ cũng là bác sĩ và có hai con song sinh.
Đối với Westerwelle, theo Reuters thì khi đưa Roesler lên làm bộ trưởng y tế Đức có hai điều lợi cho Westerwelle: Thứ nhất, một chính trị gia trẻ, giỏi của FDP cùng vào tham chính và đồng thời mặt khác, cầm chân một địch thủ đáng ngại có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của mình trong nội đảng FDP với một bộ mà trong thời gian ngắn, Roesler sẽ có rất nhiều kẻ thù. ..
Thay cho lời kết, tôi xin mạn phép ghi lại cảm tưởng per emails của hai chính trị gia FDP mà tôi đã trực tiếp liên hệ nhân dịp tổ chức ngày Hội Ngộ 30 năm người Việt tỵ nạn tại Bayern (02-05-2009) vừa qua. Của Dr. Mattar, chủ tịch khối dân biểu FDP tại Hội Đồng Thành Phố Munich:
"FDP chúng tôi hãnh diện và rất mừng vì có một thành viên là người Việt rất giỏi, có giòng máu Việt, ăn nói hay và lôi cuốn!". Người thứ hai là nghị sĩ tiểu bang Bayern (Baviaria) J. Sandt đã viết khi tôi email cho bà ta hỏi là có thể Dr. Roesler sẽ về Bá Linh đảm nhận chức bộ trưởng kinh tề Đức (?) thì bà Sandt (FDP) cách đây vài tuần sau bầu cử Quốc Hội đã trả lời: "Chúng tôi chưa đề cập đến chuyện ai sẽ nắm chức vụ này hay kia nhưng Dr. Roesler là một trong vài người đã đọc một bài tham luận hay nhất trong kỳ họp ban lãnh đạo đảng FDP tại Bá Linh"!
Người Đức hãnh diện có một nhân tài không mang giòng máu cuả họ, khen một cách rất tự nhiên người chẳng phải tóc vàng mắt xanh. Vâng, Dr. Philip Roesler tuy là người có quốc tịch Đức nhưng lại mang giòng máu Việt. Là người Đức gốc Việt đầu tiên làm đến chức bộ trưởng y tế (không đúng như phỏng đoán của tôi là kinh tế!), một chuyện rất hi hữu trên chính trường Đức.
Đây là một hãnh diện lớn cho cộng đồng người Việt tỵ nạn ở hải ngoại nói chung!
(Lê Ngọc Châu phóng dịch - Nguồn theo báo Spiegel và Reuters 23-10-2009)
Lê Ngọc Châu