CHÚA NHẬT 33 TN B - LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam: Như Hạt Lúa Miến Gieo Vào Lòng Đất

NHƯ HẠT LÚA MIẾN GIEO VÀO LÒNG ĐẤT

2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29; Rm 8, 31b-39; Lc 9, 23-26

Nhạc chiến thắng vang dậy rền trời

Dòng máu thắm tô đẹp tuyệt vời còn lưu danh thiên thu.

Đây những anh hùng Việt Nam trung thành theo gương Chúa Giêsu.

Gươm đao thêm dũng chí, nhục hình thêm can trường từng lớp lớp tiến ra pháp trường …


Bài hát thường dùng trong phần nhập lễ các thánh tử đạo với cung điệu dồn dập, oai hùng đã dẫn cộng đoàn dân Chúa vui hơn, phấn khởi hơn. Hôm nay, cùng với Giáo Hội, dân Chúa, cách riêng tại Việt Nam long trọng mừng kính ông bà tổ tiên của mình, những người mong trong mình dòng máu đỏ, làn da vàng đã ngã xuống để tử đạo, để minh chứng lòng tin của mình vào Chúa.

Với Việt Nam, hạt giống Lời chỉ mới nảy nở, chỉ mới mọc lên non kém 4 thế kỷ thôi nhưng mà có không biết bao nhiêu vị anh hùng đã ngã xuống để minh chứng cho Lời mà các vị anh hùng đã tin nhận.

Lời minh chứng cho lòng tin vào Chúa đã được gợi lại trong các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay. Lời ấy đã xác tín rằng có một Thiên Chúa thật để rồi ai tin nhận Chúa thì phải trả một giá thật lá đắt, giá ấy có thể đến mức cuối cùng là tử đạo.

Trang sách Macabê mà chúng ta vừa nghe hết sức quen thuộc. Dường như chỉ mới mở đầu vài dòng của trang sách Macabê thì ta sẽ nghe được, sẽ thấy được, sẽ cảm nhận được lòng tin của cuộc tử đạo của 7 anh em nhà nọ. Câu chuyện tử đạo của bà mẹ và 7 người con thật hấp dẫn, thật lôi cuốn người đọc cũng như người nghe.

Với luật Môsê, luật ấy cấm ăn thịt heo nhưng vua Antiôkhô đã không tin vào Chúa và phản ứng của ông để chống lại Chúa bằng cách tìm bắt những ai tin vào Chúa vi phạm luật của Chúa.

Đầu tiên, để thách thức, để hăm doạ, vua đã ra lệnh cắt lưỡi người anh cả và lột da người anh cả trước mắt bà mẹ và các em. Tưởng chừng với hành vi độc ác ấy vua sẽ bắt bà mẹ cũng như các con của bà ấy khước từ Thiên Chúa, nhưng không, Thay mặt cho anh em mình, một người lên tiếng nói: "Vua muốn tra hỏi chúng tôi cái gì ? Vua muốn biết điều gì ? Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi."

Phải nói hình ảnh đẹp nhất trong đại gia đình ấy chính là hình ảnh của người mẹ, bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình."

Thật tuyệt vời, mẹ đã tuyên xưng lòng tin vào Đấng tạo Hoá một cách hết sức tuyệt vời. Không chỉ tuyên xưng mà bà còn chế nhạo tên bạo chúa và dùng tiếng mẹ đẻ nói với anh những lời sau đây: "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."

Câu chuyện kết thúc hết sức đẹp với hình ảnh tử vì đạo của bà mẹ cùng 7 đứa con yêu của bà.

Làm sao mà bà mẹ ấy cùng 7 đứa con can đảm đổ máu đào nếu không được bắt đầu từ hạt giống Lời. Hạt giống Lời đã gieo vào lòng của bà cũng như các con của bà để bà cũng như các con đã minh chứng lòng tin đã gieo vào lòng bà cùng các con.

Hạt giống đức tin của bà mẹ cùng 7 người con đã gieo vào lòng đất. Trước mắt của vua Antiôkhô thì những hạt giống ấy sẽ chết qua cái hành động gian ác giết người của ông, nhưng không, những hạt giống ấy đã trổ sinh ra những bông lúa nặng trĩu hạt.

Từ thời Cựu Ước, những hạt giống đức tin đã gieo vào lòng đất và đã nảy sinh hoa trái. Đến thời Tân Ước cũng vậy, giữa biết bao nhiêu nghịch cảnh của con người, của nhân loại, hạt giống đức tin vẫn mọc. Dù khó khăn, dù gian khổ đến mức nào đi chăng nữa thì hạt giống ấy vẫn mọc.

Nhớ lại một chút về thân thế sự nghiệp của tác giả thư gửi tín hữu Rôma mà chúng ta vừa nghe. Một con người bách hại Giêsu cho đến tận cùng, chà đạp Giêsu đủ mọi cách nhưng cuối cùng đã quỵ hàng trước một Thiên Chúa toàn năng và đã trở về với Ngài. Phaolô không những đã quay trở lại mà còn nhiệt tình đến độ dám đổ máu để minh chứng lòng tin vào Chúa Giêsu. Thật là khó trước một con người mới ngày hôm qua đi bắt Chúa mà ngày hôm nay lại rao giảng một Đức Giêsu chịu đóng đinh. Dẫu là khó nhưng với lòng tin, Phaolô đã bất chấp, dù gươm giáo, dù tù đày miễn sao Đức Giêsu được rao giảng. Với tâm thư mà chúng ta vừa nghe Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Rôma, chúng ta sẽ thấy được phần nào lòng tin của Phaolô:

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 31b-39).

Đi theo Chúa là như vậy, đi theo Chúa sẽ bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh nhưng qua những cam go thử thách ấy, những ai theo Đức Kitô sẽ toàn thắng.

Đi theo Đức Kitô thì phải vác thập giá nặng nề của đời mình và thậm chí mất mạng sống. Với người đời, thì cần lắm cái thân xác 70, 80 ký lô nhưng cái thân xác nặng nề ấy chẳng là gì cả nếu như mất cái mạng sống đời đời mà Chúa Giêsu nói trong Tin mừng theo Thánh Luca hôm nay. Không phải là thân xác nhưng còn cả thế giới này nhưng mà cuối cùng phải thiệt thân và đánh mất mình thì sẽ được gì ?

Những tấm gương của các bà mẹ trong sách Macabê, tấm gương của tông đồ Phaolô và cách thiết thực nhất là hình ảnh Con Chiên bị người ta giết chết phải chăng là hình ảnh của hạt lúa miến gieo vào lòng đất nhưng đã sinh thật nhiều bông hạt.

Các Thánh Tử đạo - tiền nhân của chúng ta - là những người đã đón nhận hạt giống Lời từ Chúa cũng như những gương hy sinh tử đạo từ các thánh đã sống và đã liều mất mạng sống mình. Là con cháu của các Ngài, chúng ta nghĩ sao về lối sống, lối hành xử của các Ngài ? Chúng ta có can đảm trở thành hạt lúa miến gieo vào lòng đất hay không.

Thi thoảng được nghe bài hát “Chúa ơi ! Thân con là thân lúa miến, gieo vào dòng đời và mục nát với thời gian. Bông lúa vàng kết thành tấm bánh và thân con trở thành hiến vật, nguyện dâng Cha của lễ đời con …”. Tâm tình ấy rất hay và thực tế vì như Chúa Giêsu đã nói nếu như hạt lúa mà cứ trơ trọi giữa cuộc đời thì sẽ không sinh bông hạt nhưng nếu nó chết đi và thối đi thì nó sinh nhiều bông hạt.

Cha ông, tiền nhân của chúng ta, nhiều người đã chết, đã đổ máu đào mình ra để cho hạt giống Lời được sinh sổi nảy nở trên mảnh đất Việt này.

Một Anrê Phú Yên, một Annê Lê Thị Thành, một Vinhsơn Liêm, một Phaolô Tống Viết Bường đã không ngần ngại đổ máu mình để minh chứng cho lòng tin vào Chúa.

Máu máu đào của Thầy Anrê đã làm cho Cha Ðắc Lộ hết sức khâm phục, và cùng với cha bao nhiêu người khác được biết đến và khâm phục đức tin kiên cường của người Việt Nam. Hiện tại ở Macao có một nhà thờ giữ hài cốt các vị tử đạo thời kỳ này và có lưu trữ hồ sơ án phong Á Thánh cho Thầy Anrê.

Theo niên hiệu tử đạo và tuổi tác thì có lẽ thầy sinh vào năm 1625. Theo tài liệu hoạt động của Cha Ðắc Lộ chúng ta có thể suy đoán là thầy được rửa tội năm 1641 và được khấn trong bậc thầy giảng năm 1643 tại Hội An. Thầy Anrê đã được thụ huấn với Thầy Inhaxio, truởng đoàn các thầy giảng.

Ngày 25-7 vào khoảng trưa, lính đến nhà Cha Ðắc Lộ để bắt Thầy Inhaxiô theo lệnh của ông Nghè Bộ, nhưng cả hai đã xuống thuyền với ý định lên chào thăm ông, vì nghe tin ông từ kinh mới về. Thầy Anrê hôm ấy tình nguyện ở nhà để săn sóc cho một thầy khác đang ốm. Trước những hành động hung hăng phá phách của lính, Thầy Anrê điềm nhiên nói với họ: "Nếu các ông muốn bắt Thầy Inhaxiô thì vô ích, vì thầy không có ở nhà. Còn nếu muốn bắt tôi thì cứ bắt, vì tôi cũng là người Kitô và còn là thầy giảng nữa. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho Thầy Inhaxiô. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được".

Từ khi có tin báo giờ tử đạo đã gần, thầy thầm thĩ đọc kinh Tin, Cậy, Mến và kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và Mẹ Maria luôn mãi. Tới giờ, lính đến điệu thầy ra pháp trường. Một tên lính đi đầu thỉnh thoảng rao lệnh: Vì theo đạo Bồ Ðào Nha nên phải phạt. Còn một người lính khác thì đánh thanh la. Thầy Anrê đeo gông, đi giữa đám lính cầm giáo mác sẵn sàng. Bọn lính đi rất nhanh và họ đi qua tất cả các phố lớn ở Dinh Chiêm trước khi ra cánh đồng lớn. Khi tới nơi, Cha Ðắc Lộ xin nói vài lời nâng đỡ. Thầy Anrê quì dưới đất, từ chối tấm chiếu mới mà Cha Ðắc Lộ trải ra. Lý hình tháo gông và Thầy Anrê nói lời từ biệt với mọi người: "Hỡi anh chị em, chúng ta hãy trung tín với Chúa Kitô cho đến hết hơi, cho đến trọn đời".

Từ năm 1680 có nhiều cuộc bắt bớ tại các địa phương: Kẻ Voi năm 1680, Kẻ Hẹ năm 1684, Trại Chùa, Kiên Lao, Giao Thủy năm 1685, Vang Va năm 1686, Trại Dâu, Cát Vang... Nguyên nhân của những vụ sách nhiễu này cũng vì lương dân bắt người Công Giáo góp tiền xây Chùa hoặc cúng thần phật. Cũng có khi vì người Công Giáo không tham dự việc thề trung thành lấy tên thần làng. Một lý do khác nữa là người Công Giáo họp nhau đông, nhất là khi có đám tang, làm cho người lương ghen tức. Nạn nhân của những vụ bắt bớ này là các cha Việt Nam hay thầy giảng, có khi cả những chức việc trong họ đạo.

Riêng tại Kiên Lao có đông Công Giáo nhất tại Bắc Việt, khoảng 4.000 người, gần như toàn tòng, giáo dân hội họp đông đảo. Một hôm cha sở bị lính bắt, có hơn 200 bà về nhà lấy dao, gậy túm vào đánh quân lính để giải thoát cho cha sở. Quan sở tại liền cử 30 chục lính cừ khôi với đầy đủ khí giới để bắt lại cha và ba hòm đồ đạo. Một trong 30 người lính là người có đạo đã ngầm báo cho các cha. Các bà Công Giáo biết vậy liền mang các đồ đạo gửi tại các nhà người bạn bên lương. Lính giận dữ đánh túi bụi cả lương lẫn giáo. Thấy vậy ông Emmanuel đứng ra can, họ liền bị đè xuống đất đánh mười hai roi. Nhưng ông vẫn can đảm không cung khai nơi cha xứ ẩn trốn cũng như chỗ dấu các đồ đạo. Quan trấn ra lệnh bắt giải tám người chức việc đến. Vừa thấy họ, ông nói với các quan án: "Ðó là những người Công Giáo. Họ là những người khó sửa trị hơn hết mọi người khác. Họ không sợ hãi mà nói rằng mình là người Kitô. Không muốn sống mà muốn chết là người Kitô".

Thế đấy ! Dòng máu tử đạo của dòng giống Lạc Hồng cứ đổ ra. Không phải ngày xưa mới có chuyện tử đạo nhưng ngày hôm nay, niềm tin của nhiều kitô hữu vẫn được mời gọi để bày tỏ giữa một thế giới vô thần, một thế giới chạy theo vật chất.

Những năm vừa qua, qua các biến cố Thái Hà, Khâm Sứ … chúng ta thấy lòng tin của kitô hữu vẫn hào hùng, vẫn bất khuất.

Tạ ơn Chúa vì hạt giống Lời của cha ông đã truyền lại cho con cháu.

Hôm nay, mừng kính các Ngài, chúng ta cùng xin Chúa qua lời chuyển cầu của các bậc anh hùng tử đạo Việt Nam ban thêm lòng tin cho mỗi người chúng ta để chúng ta cũng can đảm minh chứng lòng tin vào Chúa như các Ngài. Xin cho có nhiều hạt lúa miến gieo vào mảnh đất Việt thân thương này để từ đó có nhiều và nhiều người nữa vững tin vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.


LM. Anmai, CSsR