-
Moderator
N - Nhân ngày nhà giáo, xin chia sẻ lại với các bạn trẻ: HỌC
Nhân ngày nhà giáo, xin chia sẻ lại với các bạn trẻ
HỌC
a-TRI THỨC
Người Trung Quốc có câu nói rất là ý nghĩa: “Học đến già, sống đến già” Có nghĩa là học hoài,học mãi, học cho đến già, râu tóc bạc phơ cũng còn học. Mùa thi đại học năm nay (1999) tại Đài Loan, có một cụ già 84 tuổi, tay xách nách mang…sách đi học với tụi con cháu, được báo chí coi như mẫu mực của tri thức. Con người ta ai cũng sống đến già thì chết, như thế cũng có nghĩa là học cho đến chế thì thôi! Đúng là một câu thành ngữ rất có ấn tượng.
Sực học thì vô cùng, xã hội thì phức tạp, khoa học kỹ thuật thì phát triển nhanh như phù thủy biến hóa, mà đời người thì có hạn. Vì thế, có người học cả đời không biết mệt, càng học càng thấy mình chưa học, và thấy mình chưa học thì phải học, như vậy không phải là họ học cả đời sao? Và cũng có người mới học xong một vài môn căn bản không đủ để dằn túi mà đi đâu cũng khoe khoang, lòe loẹt với mọi người rằng mình đã học xong tất cả rồi. Nhưng một tờ báo đọc cũng không hết vài dòng chữ, và không bao giờ rờ tới một quyển sách nào khác, ngoại trừ duy nhật một quyển sách giáo khoa.
Tại trường đại học tôi có quen biết một vài bạn trẻ, đối với họ, việc học rất là quan trọng, ngoài việc học chính thức ở nhà trường, họ còn đọc rất nhiều sách báo. Những giờ nghỉ, họ “ngồi lì” cả ngày trong thư việnb để đọc các tác phẩm văn chương và sách kỹ thuật, vậy mà họ vẫn cảm thấy mình lạc hậu. Tôi cũng thấy rất nhiều linh mục, ngoài việc nghiên cứu thánh kinh, soạn bài giảng, các vị ấy còn đọc những tác phẩm “đời”, vì các vị ấy cho rằng, cần phải cặp nhật hoá kiến thức mới mong hướng dẫn các “con chiên” có tri thức trong họ đạo của mình, mà không sợ bị họ nói: “Chuyện này (chuyện của ngoài xã hội) các cha biết gì mà nói”.
Học không phải là lãnh nhận tấm bằng tốt nghiệp rồi đem nó “gác lên giàn khói”, rồi thỏa mãn với cái “mảnh giấy vô tri” ấy mà không thèm học hỏi thêm trong cuộc sống đời thường, không thèm ngó ngàng đến một quyển sách, một tờ báo, thì coi như mất đi nửa cuộc đời. Đáng tiếc thật!
Cái gì cũng phải học, ở đời cái gì cũng đáng để cho chúng ta học, đừng nói tôi không có thời gian đến trường để học, đó là một cách học để lấy bằng cấp, để “coi” trình độ chuyên cần, học lực của người đi học, nhưng cũng có khi chưa chắc là đúng 100%, bởi vì có nhiều người lúc đi học thì ngồi xe con (loại xe 4 chỗ ngồi sang trọng mà các nhà báo hay nói) có tài xế lái, thay vì lái đến trường học, thì lái “lộn đường” đến nhà hàng, vũ trường, cà phê máy lạnh, hát karaoke gác tay với mấy em. Rồi đến kỳ thi khảo, điểm danh cả nửa ngày mà chẳng thấy mặt mũi đâu, nhưng rồi họ cũng có tấm bằng tốt nghiệp loại ưu như ai vậy. Học như thế thì ở nhà làm vườn để học trồng rau cải, nuôi gà vịt phụ cho vợ con e rằng có ích cho gia đình và cho nước nhà hơn.
Chúng ta cũng đừng nói là không có thời gian để học. Có rất nhiều bạn trẻ, sau một ngày làm việc vất vả, tối đến lại cắp sách đến trường học thêm ngoại ngữ, trau dồi kiến thức, hy sinh những tiệc trà, hy sinh những giờ bên người yêu, đúng là những mẫu gương đáng để cho chúng ta khâm phục.
Hồi tôi còn ở phân viện dòng tại Việt Nam, cứ mỗi ngày chủ nhật là các anh em trong dòng được ra các giáo xứ giúp, có giáo xứ mời anh em đến sinh hoạt cho thiếu nhi, có anh em thì về giúp cho cha bố của mình. Có một thầy nọ, mỗi lần đi giúp xứ xong trở về nhà khoe với tôi rằng hôm nay cha bố cho trăm ngàn đồng xài chơi, lần khác thì cho vài chục ngàn mua đồ lặt vặt, chứ chưa hề nghe thầy ấy nói cha bố nhắc nhở học hành thế nào, hoặc khuyên bảo ra sao trong đời sống tu trì của mình, hoặc truyền đạt kinh nghiệm đời sống linh mục cho mình !!
Trái lại có những cha bố thì không những quan tâm đến việc học, mà luôn quan tâm đến đời sống tu trì của đứa con mà mình chịu trách nhiệm cho đi tu, dù nó phục vụ nơi đâu chăng nữa. Tôi may mắn được một vị linh mục đỡ đầu, ngài đúng là một nhà mô phạm. Trong mười ba năm giúp xứ cho ngài, hình như mọi khả năng tiềm tàng trong tôi đều nhờ ngài mà phát triển, khi giao công việc cho tôi, ngài không bao giờ thúc ép, không bao giờ kiểm soát, mặc tôi muốn làm như thế nào đó thì làm, miễn là không sai chủ đề, khônng lạc đạo và tăng thêm sự hiểu biết cho giáo dân là tốt. Nhưng không phải vì thế mà ngài không quan tâm đến công việc của tôi làm, cứ mỗi lần tôi “bí”, thì ngài đã chuẩn bị hỗ trợ, hoặc những lúc mệt quá tôi làm qua loa cho xong, thì ngài nhẹ nhàng chỉ cho tôi những cái chưa tốt, bởi vì ngài biết tôi chỉ có thể làm tới sức đó mà thôi. Ngài luôn nhắc nhở tôi phải học, học để làm và làm để học, và cách học đầu tiên của tôi là đọc báo, và nếu như ngày nào mà tôi không đọc sách hay báo, thì con người tôi uể oải giống như thiếu càphê vậy. Tôi vẩn còn nhớ mãi câu nói của ngài nói với tôi: “Cần phải học, không học họ sẽ khinh”. Họ chính là những người trong giáo xứ đã học xong lớp mười hai (tú tài) thời trước, rất ngang tàng với trình độ cao-trung của mình. Hôm nay tôi cũng muốn nói với các bạn trẻ như thế, cần phải học, học như thể chưa bao giờ được đi học, học cách hăng say, học với mục đích rõ ràng: Phục vụ.
Chúng ta nói là không có thời gian để học, nhưng chúng ta có rất nhiều thời giờ ngồi lai rai trong quán cà phê hàng tiếng đồng hồ mà không biết chán, con đường đến trường tuy gần mà xa, nhưng con đường đến vũ trường, quán nhậu tuy xa mà gần. Thế mới biết, xa hay gần không phải tại không gian, địa hình hay địa thế, mà chính là tại lòng của ta vậy.
Học để biết, học để thực hành cái mình biết, đem cái học để giúp ích cho mình, cho gia đình và cho xã hội, chúng ta gọi là thực hành. Học mà không thực hành thì không phát huy được cái hay cái tốt của cái đã học, học và hành thì phải luôn đi với nhau như hình với bóng. Cầm cái văn bằng bác sĩ trong tay mà không đi thực tập, không thực hành nghề bác sĩ, thì làm sao mà chữa cho người bệnh được, và chính bản thân cũng không dám tự tin nơi mình nữa, thì sao gọi là bác sĩ lành nghề được?
Bất kỳ học môn gì, nghề gì, việc gì, cũng đều phải thực hành mới mong “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” được. Không ai đến chữa bệnh nơi một bác sĩ còn non tay nghề, cũng chẳng ai đến nhà người nghèo để vay mượn vàng bạc cả, nhung người ta chỉ đến chữa bệnh nơi bác sĩ giàu kinh nghiệm, và phó sinh mạng mình trong tay họ.
Sự học nói mãi không cùng, chỉ mong chúng ta biết lợi dụng thời gian, hoàn cảnh và mọi phương tiện để học tập, để mở mang kiến thức, thêm tri thức cho mình và để mình khiêm tốn hơn. Tại sao lại khiêm tốn hơn? Tại vì càng học càng cảm thấy mình ngu, càng thấy mình cần phải học, thì làm sao mà vênh vênh tự đắc, kiêu ngạo với anh em mình chứ ?
Tôi có tham dự môt buổi lễ tốt nghiệp cho các sinh viên thần học tại viện Thần học của trường Đại học Phụ nhân ở Đài Loan, trong bài phát biểu của mình, linh mục viện trưởng (dòng Tên) viện Thần học đã nói: “Sau ba năm học, với những lần thi cử, những lo lắng, những vui buồn, hình như chúng ta cảm thấy mình hiểu rất ít trong những gì mình đã học được…” Ngài là một chuyên gia về khoa luân lý (là giáo sư của tôi về môn luân lý sự sống) kiến thức thâm sâu, đã khiêm tốn phát biểu như thế để nhắn nhủ các sinh viên linh mục, các tu sĩ nam nữ và cả giáo dân, luôn tìm tòi nghiên cứu và phát huy những gì mình đã gặt hái được tại viện thần học này.
Như vậy, có phải càng học càng cảm thấy mình dốt không chứ?
b- ĐẠO ĐỨC
Học để mở mang kiến thức, thêm tri thức cho mình là một điều may mắn cho gia đình và cho xã hội, đây là phương diện tri thức mà ai cũng muốn đạt thành.
Nhưng có một thứ tri thức vượt trên mọi tri thức của con người mà chúng ta cần phải học, đó là đạo đức.
Xã hội càng phát triển, khoa học kỹ thuật càng tiến bộ vượt bậc, thì đạo đức cần phải đứng vị trí hàng đầu trong mọi lãnh vực. Người Trung Quốc họ ít dùng chữ “nhân đức” để chỉ về một người có tính hạnh tốt nào đó, mà họ dùng hai chữ “đạo đức”, khi gặp một người đạo hạnh tốt, họ nói: anh là người đạo đức, chứ không nói: anh là người nhân đức.
Theo tôi, ngườ đạo đức là người có đầy đủ Nhân, Trí, Dũng. Nhân để biết tha thứ, bao dung, đó là rộng lượng. Trí để nhìn xa thấy rộng, để biết việc mình làm, đó là khôn ngoan. Dũng để hành động, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự bất bình mà không sợ bị trù dập, gọi là dũng cảm.
Các bạn trẻ thường cho rằng, chỉ có các linh mục, các bà xơ, các thầy tu, hoặc những người già cả cao niên mới có đạo đức, còn những người trẻ thì không thể nào luyện tới mức độ đạo đức ấy được ! Các bạn trẻ thường quan niệm rằng, đạo đức là ngồi “lỳ” cả ngày trong nhà thờ để đọc kinh, đạo đức là không bao giờ nở một nụ cười với anh em, vì họ phải tạo cho mình một bộ mặt nghiêm nghị như một nhà mô phạm thứ thiệt. Đó không phải là đạo đức, bởi vì, có nhiều người ngồi lì cả ngày trước tượng Đức Mẹ Maria trong nhà thờ mà cầu nguyện, nhưng vừa bước ra khỏi nhà thờ, thì một tay bịt mũi, một tay xua xua người ăn xin trước cổng nhà thờ, miệng thì nói lẩm bẩm: “Đồ dơ dáy, hôi quá”. Cũng có người làm bộ mặt nghiêm trang trước công chúng, trước mặt mọi người, nhưng ngồi thật “chăm chỉ” trước bộ phim ___ trong quán cà phê đèn mờ.
Tôi rất phục các bạn trẻ lăn lộn với trẻ em bụi đời, vô gia cư, các bạn trẻ nhóm Thảo điền, các sinh viên trẻ trong những đợt hè đi về các vùng quê xa xôi, hẻo lánh, để đem ánh sáng văn minh, đem chữ nghĩa cho những người dân ở đó, vậy thì, đó có phải là đạo đức không? Đạo đức quá đi chứ!
Nhưng cũng có những người thay vì đem chữ nghĩa cho người khác, thì lại đi ăn cắp chữ nghĩa của người khác làm của mình. Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, có nhiều nhà văn “kiếm hiệp” mọc lên như nấm gặp mưa, họ viết văn bằng cách cạo các địa danh, tên tuổi của các nhân vật trong truyện, thay vào một cái tên mới, và đề tên tác giả là tên mình. Lúc tôi còn ở Sài gòn, đọc báo có biết ông nhạc sĩ T …kiện ông nhạc sĩ W…vì đã ăn cắp nhạc của ông mà in thành sách, phát hành băng nhạc, mà không chịu “thông qua” ông ta một tiếng. Đó gọi là ăn cắp bản quyền, đối với các nước văn minh như Mỹ, Pháp…họ có luật báo chí, luật về bản quyền, thì những chuyện ăn cắp bản quyền như thế sẽ bị kiện cho đến ngồi tù, sạt nghiệp. Bởi vì,đó là ăn cắp trí tuệ của người khác làm của mình, sửa đổi một vài địa danh, nhân vật trong truyện, sửa một vài nốt nhạc của bản nhạc gốc, và đề thật lớn: tác giả Hồ mộng X…Hoặc đề bên trên dòng nhạc: Nhạc và lời của Trịnh thanh J…như vậy, đố các bạn, đây có phải là đạo đức không? Chắc chắn là không, bởi vì những người này không có Nhân, không có Trí và cũng chẳng có Dũng. Nếu họ có Nhân thì họ không đi ăn cắp tri thức của anh em chị em, mà ăn cắp tức là chiếm đoạt của người khác làm của mình. Nếu họ có Trí thì họ sẽ dùng trí tuệ của mình mà sáng tác bản nhạc mới hay viết tác phẩm hay hơn. Nếu họ có Dũng, thì họ sẽ dũng cảm thà chịu chết đói chứ không kinh doanh ăn cắp bản quyền, hoặc dũng cảm chịu thua thiệt anh em bạn bè vì mình không thể làm hay hơn họ được.
Học cao, kiến thức nhiều, mà không có đạo đức thì sẽ gây đau khổ cho gia đình, cho xã hội, người ta thường gọi hạng người này là gian hùng. Nhưng nếu có đạo đức mà không có tri thức, thì chỉ bảo vệ được thân mình mà thôi, chứ không giúp ích được cho ai gì cả.
Muốn có tri thức thì cần phải học, và muốn có đạo đức thì không những phải học tập mà còn phải thực tập và sống nữa. Chúng ta có thể nói: tri thức và đạo đức như xác và hồn, nó cần phải tồn tại trong con người chúng ta. Như thức ăn và nước uống mà mỗi ngày chúng ta cần phải dùng để được tăng thêm sức khoẻ và để sống mạnh.
Đài Loan là một đảo quốc theo chủ nghĩa “Tam dân” của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn: Dân tộc, dân sinh, dân quyền, và quyết chí đạt cho được “tam dân” này, và họ đã đạt được, giờ đây họ đã trở thành một đảo quốc rất giàu có, rất tri thức, họ có đày đủ “tam dân”. Nhưng phát triển “tam dân” mà không có nền tảng là đạo đức để nâng đỡ “tam dân” ấy thì hậu quả là gì. Coi tin tức trên tivi, không giết người thì cũng cướp của, chính phủ lên tiếng báo động về đạo đức xuống cấp trầm trọng, cần phải làm lại từ đầu, nhưng làm thế nào được, một trăm kênh truyền hình liên tục phát mỗi ngày 24/24 đủ thứ phim dâm loạn, chết chóc, cướp của, giết người, mà ai coi cũng được, không hạn chế tuổi tác. Chỉ cần đóng tiền (rất rẽ) cho công ty truyền hình bắt một sợi dây cáp vào truyền hình thì tha hồ mà coi. Coi các chương trình vui chơi của các nghệ sĩ thì quái đản hơn nữa, tục tỉu chịu không nỗi…Nhưng đối với họ, thì đó là giải trí văn minh kiểu Mỹ. Theo thống kê của bộ y tế Đài Loan năm 1996, thì mỗi ngày có khoảng 36 ngàn vụ phá thai trên toàn quốc. Các ông nghị viên thì cãi nhau, có nên cho phép phá thai vào tháng chín hay không? Tại sao là tháng chín mà không phải là những tháng khác? Bởi vì tháng chín là tháng tựu trường, mọi học sinh sinh viên đều đến trường, mà trong ba tháng hè, các cô cậu du hí với nhau, có bầu thì phá bỏ để đi học chứ; có cô học sinh, sinh viên nào dám mang cái…trống phía trước mà đi học và có nhà nào dám nhận con dâu miệng còn hôi sữa?
Rất giàu có, rất tri thức, rất dân chủ, nhưng không có căn bản đạo đức thì xã hội sẽ đảo lộn tùng phèo, gia đình chẳng còn kỷ cương gì cả.
Người có đạo đức thì như cây cao bóng mát, ai cũng thích ngồi dưới gốc của nó mà nghỉ ngơi, hóng mát, sau khi làm việc mệt nhọc. Người không có đạo đức thì như gai nhọn, chẳng giúp ích gì cho xã hội, ai thấy cũng phải tránh.
Đạo đức là nền tảng của hoà bình.
Tri thức là chim bồ câu trắng trên nền tảng ấy./.
(Trích trong: "Trò chuyện với các bạn trẻ" của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules