-
Moderator
B - Bước tới chân trời mới
Lễ Hiển Linh 2009 - Năm C
BƯỚC TỚI CHÂN TRỜI MỚI
Thưa quí vị.
Những tư tưởng đầu tiên xuất hiện trong đầu óc tôi khi suy gẫm về lễ Chúa Hiển linh là các đạo sĩ phương đông và bài thơ tôi rất ưng ý: "Cuộc hành trình của các đạo sĩ " của thi sĩ T. S. Eliot. Thi sĩ đã nối kết sự sinh ra và cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu, sự sống và cuộc hành trình về cõi vĩnh hằng của các đạo sĩ. Bài thơ là tự truyện của một trong ba đạo sĩ với những dòng cuối cùng như sau:
"Tôi nhớ lại, tất cả những điều đó đã xảy ra lâu rồi. Nhưng nếu được đi con đường cũ lần nữa, tôi sẽ cất bước ra đi. Phải chăng bằng chính nó mà người ta được dẫn đến cái chết hoặc sự sống thiêng liêng? Chắc chắn đã có một sự hạ sinh chẳng nghi ngờ gì nữa. Chính tôi đã chứng kiến sinh nở và cái chết nhiều lần. Tôi nghĩ chúng khác nhau. Nhưng lần này sự sinh ra là một biến cố quá ư nhức nhối. Nó giống như giây phút hấp hối đầy cay đắng cho mọi người. Nó là tử thần, là cái chết của chúng ta. Chúng tôi đã trở về các vương quốc của mình. Nhưng chẳng được an vui trong niềm tin cũ. Chúng tôi cảm thấy bồn chồn, chung quanh toàn người xa lạ, bám víu vào các ngẫu tượng của họ. Chúng tôi thà chết cho niềm tin này. Như thế chẳng sung sướng, hạnh phúc hơn sao?"
Để có thể lên đường, Các đạo sĩ đã phải giã từ gia đình, xóm làng, ngai vàng, quang cảnh quen thuộc ấm cúng để đến miền đất hoàn toàn xa lạ, đầy khó khăn, nguy hiểm, bất định. Như thế, cuộc hành trình của họ không thuần tuý vật chất. Nó đòi hỏi cả tinh thần. Sự thay đổi không nguyên về nơi chốn mà cả về phần tâm linh. Những gì là quen thuộc, bây giờ trở nên xa lạ. Những kinh nghiệm của các đạo sĩ phương Đông cũng là những kinh nghiệm của chúng ta, nếu muốn lên đường tìm kiếm Thiên Chúa nhập thể. Ngay cả khi chúng ta vẫn ở lại nơi chốn cũ, không phải khăn gói dõi theo một ngôi sao thể lý nào. Nói chung mọi cuộc đời chân chính đều đòi hỏi thay đổi liên tục. Sơ cứng não trạng là chết chóc về phần tâm linh. Hãy dời bỏ những gì đang mục rữa và can đảm đối mặt với cái mới, cái bất trắc. Đó là quy luật biện chứng của trời đất, vũ trụ. Chúng ta không có lựa chọn nào khác. Nguyên tử luôn luôn chuyển động. Bám vào quá khứ là không có tương lai. Vậy dầu muốn dầu không, hãy để quá khứ trôi vào dĩ vãng.
Dĩ nhiên, cần một núi can đảm để dám chấp nhận cái mới, và hứng chịu hậu quả của nó. Thánh Augustinô nói: "Chúng ta không hề có một thành trì vững bền ở thế gian" (De civitate Dei). Ngài nói về cuộc đời bây giờ và mai hậu. Do đó, dầu ở đời này, chúng ta sống cố định trong một thành thị, làng mạc hay một ngôi nhà suốt cuộc đời, chúng ta vẫn luôn đi trên một hành trình vô tận và người bạn cùng đi là Đổi Thay. Nói một cách cụ thể, nhân loại toàn là những kẻ mục tử, cắm lều tại nơi nào đó, rồi lại nhổ lều bỏ đi đến nơi khác xa lạ, liên tục di chuyển, liên tục làm mới từ đầu. Cho nên, chúng ta nhận các đạo sĩ làm tổ sư là hợp lý. Bởi các vị cũng liên tục là khách hành hương. Không hành hương chúng ta bắt đầu rữa nát! Tự mãn là vô lý, bởi loài người đang ở trong tiến trình hoàn thiện: Homo fit, non est (người ta sinh ra để hoàn thiện, không phải đã hoàn thiện rồi). Châm ngôn khôn ngoan của người xưa là thế. Cuộc hành trình của các đạo sĩ có vài đặc điểm rõ nét. Thứ nhất, họ không bị ép buộc phải ra đi, mà đã tự ý lựa chọn cuộc viễn trinh. Họ là những kẻ tìm kiếm. Thứ hai, họ đã nhìn lên trời, nghe trong lòng có tiếng gọi, trông thấy một viễn tượng lạ và một lời hứa hẹn mơ hồ. Họ mạnh dạn cất bước ra đi vào nơi bất định để được gặp "Vua Do thái mới sinh ra."
Cuộc sống mỗi người chúng ta cũng là một tiến trình tìm kiếm chân lý và sự thiện! Chúng ta đang ở giai đoạn nào, địa điểm nào đây? Cái gì đã thúc đẩy chúng ta tới đây? Cuộc viễn chinh của chúng ta đúng hướng hay đã chệch đường? Coi chừng chúng ta chạy nhanh lắm, nhưng trật đường rồi, do đó càng chạy càng xa mục tiêu chẳng bao giờ tới đích,. Con đường của chúng ta là hy sinh hay hưởng thụ? Mới đây một chị bạn đã viết cho tôi một lá thư dài đầy an ủi. Chị kể rằng hôm tháng ba vừa qua, chị phải trải qua một cuộc giải phẫu ung thư. Một cuộc hành trình dài đầy gian khổ mà chị chẳng muốn, chồng chị, các con, các cháu chị cũng chẳng ưa! Họ lo lắng từng giây phút về sự chữa chạy, về sức khoẻ của chị. Nhưng chị chỉ nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong những ngày đen tối đó. Ngôi sao dẫn đưa các đạo sĩ đến gặp "Vua Do thái mới sinh" là ánh sáng duy nhất hướng dẫn chị và gia đình vượt bể khổ trần gian. Cho nên giờ này tôi cũng ước ao ngôi sao hay ánh sáng đó dẫn dắt mỗi linh hồn và cộng đoàn trên hành trình riêng của mình. Chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa nếu ánh sáng đó lại là Đức Kitô chúng ta cử hành trong thánh lễ này. Bằng không, nếu ánh sáng đó cần thay đổi hoặc làm cho sáng hơn thì xin Chúa Giêsu Thánh Thể thực hiện công việc đó tức ngự vào linh hồn mỗi người tràn đầy hơn trong buổi thờ phượng ngày hôm nay. Bởi lẽ vắng Ngài là vắng sự sáng và sự sống (When the Lord went out the light and the life went out, too!).
Ngược lại, chúng ta chỉ kinh nghiệm những biến động xôn xao như hôn quân Hêrôđê mà thôi! Tưởng rằng mình đang làm theo thánh ý Chúa, phân biệt tỏ tường đâu là lành thánh, đâu là sa đoạ, mà kì thực chỉ là ổn định trong những cái giả tạo, không muốn ra khỏi tổ kén của mình để có được sự thay đổi cần thiết. Cách đây ít lâu, tôi có cơ hội quen biết một doanh nhân danh tiếng, 50 tuổi đời, đã dời bỏ công việc nhiều lợi lộc của mình để trở thành một giáo viên quèn cho mấy đứa nhóc trong làng. Ông nói để có được ý nghĩa, tức một dấu ấn cho thế hệ tương lai. Ông muốn cuộc đời ông phải là một cái gì khác, giá trị hơn tiền bạc nhiều. Tôi lại gặp một thanh niên học thức, có bằng cấp cao, tốt nghiệp nhiều trường kỹ thuật, người ta đề nghị anh một vài vị trí béo bở trong các xí nghiệp, nhưng anh đã quyết định ghi tên vào chủng viện để trở thành mục sư cho giới trẻ. Người thứ ba là một goá phụ, bà đứng dậy từ đau thương của mình, thành lập một nhóm thăm viếng kẻ liệt, nhất là các tang gia, cống hiến cho họ một "ngôi sao", an ủi họ trong những giây phút đen tối và tuyệt vọng. Không giống Hêrôđê chỉ tra hỏi xuông về con trẻ Giêsu, những người này và muôn vàn linh hồn tốt lành khác đã quyết tâm bó gói lên đường dõi theo vì sao chỉ đạo bước vào cõi vô định, những miền đất xa xôi, những tương lai mờ mịt, đòi hỏi nhiều đổi thay và hy sinh. Tuy nhiên, cách nào đó, họ đã tìm thấy "Đấng cứu thế mới sinh" và dâng lên Ngài những lễ vật mọn hèn của lòng mình. Không liều lĩnh, họ chẳng có hạnh phúc như vậy.
Đến đây, một loại người lữ hành khác nẩy ra trong tâm trí tôi. Số là ban sáng tôi nhận được một gói bưu phẩm gởi từ địa phận Austin, Mỹ, do văn phòng mục vụ Tây Ban Nha chuyển. Trong gói đồ có lá thơ của Đức Giám Mục Thomas Wenski (phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ) về tuần lễ "Di dân ". Tuần lễ từ Chúa Nhật mồng 5 đến 11 tháng Giêng, 2003. Lá thơ cho biết: tổng số Di dân trên thế giới là hơn 15 triệu. Một con số khủng khiếp. Hầu hết phải tạm trú trong các lều vải và trước mắt chẳng có giải pháp khả thi nào để ổn định họ. Trong khi đó quốc hội Hoa Kỳ chỉ nhận 70 ngàn người cho năm 2002. Năm 2003 chỉ phỏng 40 ngàn.
Các người nhập cư hợp pháp cũng như bất hợp pháp phải trốn chạy khỏi quê hương mình vì lý do an minh hay đói khổ. Nhưng khi đến nước này lại bị các chủ nhân ông khai thác, bóc lột sức lao động. Các Giám mục nêu ra những khốn khổ của họ như tính dễ bị tổn thương, sợ hãi bị phát giác và trục xuất, xa cách gia đình lâu dài, bị các cư dân địa phương nghi ngờ, kì thị trong cách đối xử hay thù ghét, kể cả hành hung. Sau biến cố 11.9. 2001 hiện tượng bài ngoại gia tăng cường độ trên khắp nước Mỹ. Chủ đề của tuần lễ Di dân năm nay là: Tất cả anh chị em mới đến đều là quà tặng cho chúng ta. Rõ ràng chủ đề có liên quan chặt chẽ với ngày lễ hôm nay, và Đức giám mục Wenski đã muốn làm rõ tính kế thừa giữa các đạo sĩ cũ và mới. Phúc âm thách đố tín hữu Hoa kỳ nhìn thấy trong các di dân gương mặt của Chúa Giêsu và như vậy chấp nhận họ là ruột thịt với mình. Rất nhiều người nhập cư có đạo Công giáo, chia sẻ đức tin và trách nhiệm với chúng ta, làm cho giáo hội địa phương thăng tiến mạnh mẽ cả phẩm lẫn lượng. Nói chung, hầu hết những ai đến nước Mỹ để tìm kiếm tự do và cơ hội kinh tế tốt đều làm giàu cho quốc gia này rất nhiều. Một khi chúng ta gạt bỏ được sợ hãi, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó, khỏi cần minh chứng.
Thường thường những di dân hoặc người tạm trú cảm thấy rất cô đơn trên đất lạ. Họ phải trải qua những kinh nghiệm tâm lý tai hại như nhút nhát, sợ sệt, sốc văn hoá, vật lộn để sống còn với các nhóm dân thiểu số khác, tranh dành viện trợ của các hội từ thiện, cộng đồng tôn giáo, hay của chính phủ. Vì thế, hội đồng Giám mục đề nghị thiết lập chương trình tiếp đón tại các giáo xứ. Nghĩa là, tại các giáo hội địa phương có những nhóm mục vụ, các uỷ ban phụng vụ, chăm lo bác ái, xã hội, công lý, đón tiếp.. . để nâng đỡ những người mới đến. Mỗi địa phận cũng nên có văn phòng Di dân để chỉ đạo các hoạt động trên cho hiệu quả. Riêng về mục vụ các bí tích, thánh lễ phải được chú tâm đặc biệt hơn, bởi đa số di dân chưa thông thạo ngôn ngữ địa phương nơi họ đến cư ngụ. Cũng nên tổ chức các buổi viếng thăm, uống trà chung, huấn nghệ cho các thanh niên thiếu nữ để họ có thể dần dần tự lập và hội nhập với kinh tế, văn hoá chung. Tóm lại, nên giúp đỡ các người mới tới tối đa theo khả năng có thể, đừng để họ cảm thấy lẻ loi, bị bỏ rơi. Noi gương Các đạo sĩ, chúng ta dõi theo ngôi sao dẫn đàng, mạnh dạn bước tới những chân trời mới của lòng yêu thương, bác ái.
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp đỡ chúng con nhận ra Chúa trong những thân phận lạc loài, những người di cư, các kẻ chạy trốn nghèo đói, chiến tranh, áp bức, truy nã...
Xin cho chúng con biết vui vẻ đón tiếp họ như đón tiếp chính Chúa. Xin cho chúng con nhận ra ơn Chúa trong họ, bất kể là ai phiêu bạt đến xứ sở này.
Giải phóng chúng con khỏi ích kỷ, sợ hãi và biết chia sẻ với họ nguồn tài nguyên phong phú Chúa ban cho đất nước chúng con, để một mai chúng con được nghe Chúa phán: "Nào những kẻ được Cha ta chúc phúc, hãy đến vui hưởng Vương quốc... vì xưa ta đói các ngươi đã cho ăn..." ( Mt 25).
Chúng con cầu xin trong danh thánh Chúa Cha, qua quyền năng Chúa Thánh thần. Amen.
Lm Jude Siciliano, OP.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules