Cô sinh viên khiếm thị tìm ánh sáng trên giảng đường
Vượt lên trên bệnh tật nghiệt ngã, cô sinh viên khiếm thị Trương Thị Hoài Hạnh (lớp Tâm lý giáo dục 3, Trường ĐH Sư phạm Huế), vẫn kiên trì học tập tốt và cống hiến cho xã hội bằng những hoạt động tình nguyện tích cực. Lúc sinh ra, Hạnh cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Cô con gái út của gia đình có ba anh em ở miền quê Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) rất được mọi người yêu mến bởi khuôn mặt kháu khỉnh và dễ thương. Nhưng khi Hạnh vừa tròn 3 tuổi, một trận ốm nặng đã làm đôi mắt em mờ hẳn đi. Thị lực của Hạnh chỉ còn 20%, hai khoé mắt đau buốt và nhức như có ngàn mũi kim chích. Thương con, bố mẹ Hạnh vay tiền đưa em vào bệnh viện mắt Sài Gòn chữa trị. Qua hai lần phẫu thuật, mắt Hạnh không còn đau nhức nhưng thị lực ngày càng suy giảm. Không gục ngã trước đau đớn và bệnh tật, trở về nhà, Hạnh vẫn đến trường với cặp kính 15 độ.
Năm lên lớp 7, Hạnh và gia đình lại chịu thêm nỗi đau, khi bố vĩnh viễn rời xa 4 mẹ con. Bi thương và nước mắt dồn nén làm đôi mắt Hạnh trầm trọng hơn. Hạnh phải nhập viện phẫu thuật lần hai tại bệnh viện Kim Long (Huế). Sau lần ấy, đôi mắt em không còn cảm nhận được ánh sáng mặt trời. “Hạnh không còn thấy lờ mờ những con chữ như trước đây nữa dù đã ngồi rất gần. Khi không gắng gượng được nữa, mình chuyển sang học chữ Brai”, Hạnh tâm sự. Ở quê không có trường dạy chữ nổi nên Hạnh phải khăn gói một mình lên thành phố học.
Khi Hạnh sắp bước vào kì thi đại học, căn bệnh ở mắt lại tái phát, em phải nằm điều trị tại bệnh viện, cơ thể ngày càng gầy gò, xơ xác. Ước mơ tới giảng đường càng trở nên gian nan, vất vả. Mặc dù cơ thể mệt mỏi và hai mắt tê buốt nhưng Hạnh vẫn cắn răng chịu đựng để bước vào phòng thi. Hình ảnh của bố và đôi mắt ngóng chờ của mẹ đã cho Hạnh thêm niềm tin và nghị lực trong ngày “vượt vũ môn”.
Đậu vào Trường ĐH Sư phạm Huế với số điểm cao (17,5 điểm), Hạnh là một trong những sinh viên có điểm đầu vào cao nhất lớp Tâm lý giáo dục 3. Nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt cô sinh viên khiếm thị sau những ngày vật lộn với nỗi đau và nước mắt. Ngày ngày bước lên giảng đường nhờ bàn tay giúp đỡ của bè bạn, Hạnh luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để học tốt. Qua ba học kì, điểm tổng kết của Hạnh luôn ở mức cao, em đạt học bổng của khoa và nhà trường. Đó là quà tặng có ý nghĩa nhất với người mẹ đang nhọc nhằn mưu sinh nơi quê nhà.
Trương Thị Hoài Hạnh trên giảng đường đại học.
Khép lại mặc cảm bệnh tật, Hạnh hăng hái tham gia vào các hoạt động tình nguyện ở trường và trung tâm bảo trợ trẻ em, làng trẻ Hòa Bình, tích cực hiến máu nhân đạo. Những hoạt động ấy đã giúp Hạnh lấy lại sự nhanh nhẹn và hoạt bát vốn có của mình.
Bóng tối đã không thể cướp đi niềm tin và khát vọng được sống cống hiến của cô sinh viên khiếm thị nơi giảng đường ĐH Sư phạm Huế.
Bài và ảnh: Phong Nguyên