Sức mạnh của phong trào thắp nến cầu nguyện


Phỏng vấn mục sư Christian Fuehrer, nhân kỷ niệm 20 năm phong trào thắp nến cầu nguyện do mục sư phát động tại Leibzig dẫn đến biến cố bức tường Berlin sụp đổ tháng 10 năm 1989

Hồi tháng 10 năm 2009 hàng triệu người tại Đức đã tham dự các lễ nghi kỷ niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ khai mào cho sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô. Tuy nhiên ít người nhớ tới một sự kiện quan trọng: đó là phong trào đốt nến cầu nguyện của cuộc cách mạng ôn hòa dẫn đưa tới sự sụp đổ của chế độ cộng sản Đông Đức đã bắt đầu bên trong một nhà thờ của thành phố Leibzig bên Đông Đức. Và một trong những người phát động và lãnh đạo phong trào đốt nến cầu nguyện ấy là mục sư Christian Fuehrer, cha sở nhà thờ thánh Nicola của Giáo Hội Luther trong tỉnh Leibzig.

Mục sư Fuehrer sinh năm 1943 và đã là cha sở nhà thờ thánh Nicola từ năm 1980 tới 2008. Trong suốt cuộc đời mình mục sư Fuehrer đã đấu tranh cho ba mục tiêu chính là công lý, hòa bình, và bảo vệ thụ tạo, như mục sư kể lại trong cuốn sách tựa đề ”Leibzig 1989”. Cuốn sách này cũng mới được xuất bản bằng tiếng Ý và hồi đầu tháng Giêng vừa qua mục sư Fuehrer đã được ”Hiệp hội công giáo dân chủ văn hóa” tỉnh Brescia bắc Italia mời diễn thuyết về đề tài này.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn mục sư về diễn tiến phong trào thắp nến cầu nguyện tại nhà thờ thánh Nicola nói trên.

Hỏi: Thưa mục sư Christian Fuehrer, sự cáo chung và sụp đổ của Bức Tường Berlin đã khởi đầu như thế nào?

Đáp: Chúng ta phải quay trở lại đàng sau nhiều năm nữa, tức vào năm 1981. Hồi đó Giáo Hội Tin Lành Đông Đức và Tây Đức đã họp nhau để xem phải làm gì hầu ngăn chận việc đặt các hỏa tiễn nguyên tử tầm trung tại Âu châu. Chúng tôi đã in truyền đơn và bắt đầu phát động chiến dịch ”Mười ngày cầu nguyện cho hòa bình”, bắt đầu từ mùng 8 tháng 11. Mỗi ngày chúng tôi khai triển một đề tài khác nhau, và sau cùng là buổi cử hành phụng vụ có rất đông người trẻ tham dự, kể cả người trẻ không có niềm tin tôn giáo. Tất cả xảy ra chung quanh một cây Thánh Giá bằng gỗ trong nhà thờ thánh Nicola. Mỗi tham dự viên cầm một ngọn nến sáng và tiến lên đặt bên cạnh Thánh Giá. Chúng tôi muốn suy niệm sự kiện tại sao người ta lại đóng đanh một người trên thập giá. Ai có đức tin thì đọc lên một lời cầu nguyện, ai không có đức tin thì có thể nói lên tư tưởng của mình. Các người trẻ, đặc biệt những người lần đầu tiên bước chân vào một nhà thờ cảm nhận được ngay rằng đây là khoảng trống của quyền tự do diễn tả.

Hỏi: Sau đó thì chuyện gì đã xảy ra thưa mục sư?

Đáp: Đó là các năm dậy men đòi tự do dân chủ rất lớn. Bên Tiệp Khắc thì có nhóm ”Hiến Chương 77”; bên Ba Lan năm 1982 có công đoàn Solidanocs được thành lập. Giới trẻ trong thành phố Leibzig thấy rằng phong trào đốt nến cầu nguyện cho công lý, hòa bình và bảo vệ thụ tạo mười ngày trong năm là qúa ít, không đủ. Họ đặt vấn đề với Hội đồng mục vụ giáo xứ. Và thế là chúng tôi đã quyết định tổ chức đốt nến cầu nguyện mỗi tuần một lần vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ hai. Tín hữu và dân chúng thành phố Leibzig không phải là những người duy nhất đốt nến cầu nguyện cho công lý, hòa bình và bảo vệ thụ tạo. Nhưng chúng tôi là những người đã liên tục duy trì thói quen này từ ngày đó cho đến nay. Cả bây giờ nữa, 20 năm sau ngày Bức Tường Berlin và chế độ cộng sản Đông Đức sụp đổ, chúng tôi vẫn tiếp tục đốt nến cầu nguyện.

Ngày mùng 8 tháng 10 năm 1989 tại Leibzig đã có hơn 70.000 người tham dự buổi đốt nến cầu nguyện cho công lý, hòa bình và đó đã là khúc rẽ lớn. Chúng tôi đã ra khỏi mọi nhà thờ và đường phố tràn đầy một dòng thác người tay cầm nến sáng trên tay. Trước đám đông người cầu nguyện đó các lực lượng an ninh của Nhà Nước cộng sản Đông Đức không biết phải phản ứng ra sao, mặc dù trước đó họ đã báo trước là sẽ có một cuộc đàn áp đẫm máu như tại Thiên An Môn bên Trung Quốc. Sau này một sĩ quan quân đội đã thú nhận rằng họ đã được chuẩn bị để đối phó với mọi sự, nhưng không được chuẩn bị để đối phó với lời cầu nguyện và ánh nến sáng. Sau buổi đốt nến cầu nguyện đông đảo lần đầu tiên mà không xảy ra bạo lực đàn áp từ phía công an cảnh sát Nhà Nước đó, trong các thành phố khác của Đông Đức, các sáng kiến thắp nền cầu nguyện cũng gia tăng và cứ thế trào dâng cho tới khi được phép chính thức, thì trong buổi đốt nến cầu nguyện tại Berlin đã có nửa triệu người tham dự. Chính phong trào đốt nến cầu nguyện ấy đã làm thành cột sống cho cuộc cách mạng ôn hòa khiến cho Bức Tường Berlin sụp đổ kéo theo sự cáo chung của chế độ cộng sản tại Đông Đức, sau đó tại các nước Đông Âu khác và trong toàn Liên Bang Xô Viết.

Hỏi: Thưa mục sư, mục sư đã từng sống dưới chệ độ đức quốc xã, rồi dưới chế độ cộng sản và chế độ tư bản. Mục sư thấy cái gì nguy hiểm nhất cho đức tin của tín hữu?

Đáp: Dưới thời đức quốc xã, tôi đã chỉ là một chú bé và đã không có nhiều kỷ niệm, cả khi tôi nghĩ rằng nó đã là nguy hiểm tồi tệ nhất đối với nước Đức. Chủ nghĩa xã hội thực thụ, từ góc cạnh lý thuyết là một hệ thống gần gũi với Kitô giáo nhất, nhưng chỉ trên lý thuyết mà thôi, vì trong thực tế nó đã phạm các sai lầm rất nghiêm trọng. Chỉ xin đơn cử hai sai lầm trong tất cả các sai lầm khác: đó là những người theo xã hội chủ nghĩa đã nuốn hủy bỏ Thiên Chúa và họ đã hoàn toàn quên đi tội lỗi trong chiều kích con người. Họ đã nghĩ rằng chỉ cần nhồi sọ lý thuyết cho đủ là con người sẽ tự động trở nên tốt lành. Khi thấy không thể thay đổi con người với lý thuyết của họ, họ bắt đầu ngày càng trở thành sắt máu và tàn bạo hơn nhằm bắt buộc con người đi theo con đường họ muốn. Đã có sự leo thang bạo lực: xây tường chia đôi thành phố Berlin, đàn áp, lực lượng mật vụ Stasi tung hoành. .. tất cả đều diễn tả bạo lực của một chế độ coi các công dân của mình là những người không có khả năng hiểu biết và ước muốn. Vì thế chỉ có Nhà Nước là có ý chí quyết định thay cho tất cả mọi người. Nhưng chủ thuyết duy vật và chủ thuyết vô thần đó đã không hấp dẫn được dân chúng. Sau cùng cuộc cách mạng từ bên dưới, từ người dân đã khiến cho chế độ cộng sản sụp đổ.

Ngày nay chúng tôi đang ở trong một tình trạng, trong đó người ta không nói là phải hủy bỏ Thiên Chúa nữa, mà là mua Thiên Chúa. Chủ thuyết duy vật của thế giới tư bản có sức thu hút rất lớn. Hình thức nhà nước tuyệt diệu là chế độ dân chủ đáng có được một hệ thống kinh tế tốt đẹp hơn là hệ thống tư bản. Hiện nay cuộc khủng hoàng kinh tế tài chánh đã chứng minh cho thấy hệ thống tư bản không có tương lai. Tội nguyên tổ của chế độ tư bản là tiếp tục thúc đẩy con người tới chỗ không thỏa mãn, vì nó thúc đẩy con người ngày càng có nhiều tiền hơn.

Hỏi: Như vậy thì có thể làm gì bây giờ, thưa mục sư?

Đáp: Làm cho mọi người biết sứ điệp Tin Mừng, củng cố một nền kinh tế liên đới và có trách nhiệm, phát triển một tâm thức dựa trên sự chia sẻ với nhau và cho nhau. Nhất là chúng ta phải làm cho các người và các dân tộc khác được chia sẻ điều kiện sống sung túc của chúng ta. Một xã hội được xây dựng trên đức mến, đức tin, và đức cậy sẽ tự động trở thành một xã hội liên đới, trong đó chúng ta cảm thấy có trách nhiệm đối với các anh chị em khác. Một cách mâu thuẫn, tôi thấy nhiệm vụ này ngày nay khó thực hiện hơn là khi chúng tôi còn sống đưới chế độ xã hội chủ nghĩa: sự sung túc khiến cho việc thông truyền các giá trị này trở thành khó khăn hơn.

Hỏi: Giới trẻ ngày nay chưa sinh ra khi Bức Tường Berlin sụp đổ. Tương quan của họ với đức tin ra sao thưa mục sư?

Đáp: Chúng tôi biết hai hình thức của chế độ vô thần: một hình thức đến từ qúa khứ có dấu vết của xã hội chủ nghĩa, và một hình thức đến từ xã hội sung túc. Chúng tôi đã thầy rằng khi kể lại cho người trẻ nghe những gì chúng tôi đã làm và kiểu chúng tôi chống lại tư tưởng một chiều do chế độ áp đặt, người trẻ đã rất là say mê. Ý thức của họ được thức tỉnh. Đối với chúng tôi điều quan trọng đã là luôn luôn kết hiệp lời cầu nguyện với hành động, và đây là kiểu tốt đẹp nhất cả đối với việc thông truyền đức tin cho các thế hệ mới nữa.

Hỏi: Đâu đã là tương quan mà mục sư và các tín hữu Luther đã có đối với vị Giáo Hoàng người Ba Lan là Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị và vị Giáo Hoàng người Đức là Đức Đương Kim Giáo Hoàng?

Đáp: Đối với chúng tôi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã là người rất quan trọng. Vị Giáo Hoàng Ba Lan đã bắt đầu các chuyến viếng thăm định kỳ tại Ba Lan và đã trợ giúp mọi tín hữu kitô sống bên kia bức màn sắt. Sau cùng người cộng sản đã phải đầu hàng và chấp nhận thực tại của một Giáo Hội quy tụ chung quanh Đức Giáo Hoàng, và điều này cũng đã giúp kitô hữu Đông Đức chúng tôi.

Ngày nay các sự việc đã khác và có vài hiểu lầm. Tất cả đều biết rằng Đức Thánh Cha Biển Đức Thứ XVI đã có một qúa khứ bảo thủ. Các lời của ngài đã gây thương tích cho chúng tôi, khi ngài khẳng định rằng các Giáo Hội tin lành không phải là các Giáo Hội tận gốc rễ. Thế rồi Ngài đã tìm cách làm dịu bớt bằng cách sửa lại kiểu nói này. Việc chọn nữ Giám Mục Margot Kaesermann làm Chủ Tịch các Giáo Hội Tin Lành Đức đã tái đẩy mạnh cuộc đối thoại đại kết. Sau khi được bầu, bà Margot đã tái xác nhận cần đẩy mạnh cuộc đối thoại đại kết với Giáo Hội Công Giáo, vì những gì hiệp nhất hai Giáo Hội thì nhiều hơn là những gì chia rẽ. Đối với chúng tôi điều quan trọng là đừng dừng lại, cả khi từ Roma có các dấu chỉ ít khích lệ đi nữa.

Hỏi: Cuộc đối thoại đại hết hiện tiến triển như thế nào thưa mục sư?

Đáp: Chúng tôi thường hoạch định các sinh hoạt chung với các Giáo Hội Kitô khác. Ngoài ra nhà thờ thánh Nicola của chúng tôi là nhà thờ của thành phố; mọi chiều Chúa Nhật đều có lễ nghi phụng vụ công giáo. Tôi còn nhớ có một lần chúng tôi tụ họp nhau tại nhà thờ chính thống, với sự tham dự của đại diện các Giáo Hội Kitô. Mỗi người đem theo vật thân thương và ý nghĩa nhất của truyền thống riêng. Đại diện chính thống đem theo một bức icone hình vẽ trên gỗ, các anh em công giáo đem theo bình hương, các anh em Luther đem sách Kinh Thánh. Mọi người chờ vị đại diện Giáo Hội Calvin. Vị này đến tay không và nói ”Tôi đem theo đức tin”. Nhưng sau khi buổi cử hành kết thúc mọi người đều xác tín là đã cử hành Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.


(Jesus Gennnaio 2010, trang 51-53)
Linh Tiến Khải