567. Thư trả lời cư sĩ Vưu Tuyết Hạnh



Đã lâu chưa gặp gỡ, chợt nhận được thư, [cảm thấy] an ủi lắm. Lệnh thân[7] là Trầm Cố Thị đã muốn quy y, hãy nên khuyên cụ phải quyết định cầu sanh Tây Phương, đừng nên cầu phước báo trời người trong đời sau đến nỗi giống như những kẻ có quyền lực trong hiện thời thì đáng buồn lắm! Nay đặt pháp danh cho cụ là Ký Tây, nghĩa là tín nguyện niệm Phật, mong mỏi vãng sanh Tây Phương. Xin hãy tùy tiện dùng năm đồng hương kính để làm công đức là được rồi [đừng gởi cho Quang nữa]. Nghe nói Mã Khế Tây cũng sống trong [Cư Sĩ] Lâm. Trong khoảng mùa Xuân Quang thấy Ấn Quang Truyện do ông ta viết, Quang liền xé đi, thiết tha răn dạy vĩnh viễn không được lưu truyền nữa. Đến mùa Thu lại thấy ông ta đưa cho hòa thượng Tuyết Đậu, Quang lại xé đi, thống trách: “Nếu vẫn còn lưu truyền, sẽ đuổi ra khỏi Cư Sĩ Lâm để khỏi quấy nhiễu đại chúng trong [Cư Sĩ] Lâm! Ấn Quang mắc tội gì mà lại có thứ đồ đệ quy y bịa chuyện như thế đến nỗi người thấy kẻ nghe đều thóa mạ?” Các hạ và Quang tâm giao nhiều năm; do ông ta đã khâm phục, ngưỡng mộ đạo đức các hạ thì các hạ hãy nên răn nhắc ông chú trọng thực tiễn, đừng dùng miệng lưỡi phô trương hư danh kẻo vĩnh viễn mang nhục và mắc tội lỗi vậy!



568. Thư trả lời cư sĩ X…



Nói đến bệnh lạ thì ấy chính là oán nghiệp đời trước (Cõi đời thường viết sai chữ Oán (怨) thành Oan (冤). Oan (冤) là oan khuất, còn Oán (怨) là thù vậy). Bệnh do oán nghiệp thì đừng nói thầy thuốc trong cõi đời chẳng thể chữa trị được, dẫu thần tiên cũng không cách nào cứu vớt được! Nếu ông có thể sanh lòng hổ thẹn lớn lao, sửa lỗi trước, từ nay tu tập, dùng tâm chí thành khẩn thiết để xưng niệm thánh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” thì trước hết những oán nghiệp trong đời trước ấy sẽ do Phật hiệu mà mau chóng tránh xa, kế đến họ được nương vào Phật lực thoát khổ siêu sanh, chắc chắn chẳng đến nỗi [oan khiên] vẫn ràng buộc y như cũ. Nhưng nếu tâm chẳng chí thành và sanh lòng sửa lỗi cũ, từ nay tu tập, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thì tâm của chính mình sẽ gần gũi với tâm của quỷ, trái nghịch với tâm Phật. Dẫu niệm Phật đôi chút vẫn khó cảm ứng được. Ấy là vì tâm chính mình chẳng thành, chẳng chánh, chứ không phải là do Phật không linh, không hiệu nghiệm!

Ông đã phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện, tu học Lục Độ, thì trước hết phải thực hiện từ nơi bản thân và trong gia đình. Tự thân thì cảnh phi lễ đừng nhìn, lời phi lễ đừng nghe, tiếng phi lễ đừng nói, chuyện phi lễ đừng làm, ngăn lòng giận, chặn lòng dục, đánh đổ ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa, thấy người hiền mong được bằng, thấy kẻ khác chẳng hiền trong lòng tự phản tỉnh; trong gia đình thì trọn hết tình nghĩa, trọn hết bổn phận, như hiếu thảo với cha mẹ, kính anh, nhường em. Phàm trong là người nhà, ngoài là làng nước, đều đối đãi bằng lòng chân thành, trọn chớ nên mang ý niệm khinh khi, dối gạt, lăng nhục. Lại hãy nên thương xót người đời ngu si, dùng nhiều cách khuyên dụ để họ đừng giết hại sanh mạng để khỏi phải chịu khổ giết hại lẫn nhau [để báo thù] trong vị lai. Lại khuyên họ thường niệm Phật hiệu cầu sanh Tây Phương, sẽ chẳng đến nỗi lại sanh trong thế giới Sa Bà khổ não này để [tiếp tục] luân hồi lục đạo, trọn chẳng có buổi ngoi đầu ra được!

Nay gởi cho ông một gói Văn Sao gồm ba bộ, một bộ tự giữ, hai bộ kia tặng cho kẻ có tín tâm, biết cung kính, thông văn lý. Pháp tắc tu trì đã nói rõ trong ấy. Nếu muốn dễ hiểu rõ, xin hãy đọc trước lá thư gởi cho bà Từ [Phước Hiền]. Tiếp đó xem thư gởi cho ông Cao Thiệu Lân, Trần Tích Châu. Cuối cùng mới đọc hai mươi mấy lá thư gởi cho cư sĩ X… ở Vĩnh Gia sẽ tự biết đầy đủ. Văn tuy chất phác, kém cỏi, nhưng ý vốn lấy từ kinh luận của Phật, của Tổ rồi dùng những lời lẽ rõ ràng, nông cạn để giảng rõ, chứ trọn chẳng có lời nào bịa đặt. Nếu có thể y theo đó tu trì thì thân tâm sẽ thanh tịnh, nghiệp chướng tiêu trừ, đến khi lâm chung vãng sanh Tịnh Độ siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, thì những oán gia trong đời trước ấy quả thật là bậc đại đạo sư [hướng dẫn] ông thoát ra biển khổ. Họ cũng sẽ nương theo sức tu trì của ông mà lìa khổ được vui. Ấy gọi là “lấy bệnh làm thuốc, biến oán thành ân”. Nếu chẳng phát tâm chân thật, sợ rằng sự báo oán sẽ chẳng phải chỉ có như vậy mà thôi đâu!

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstam...tambien15.htma