Cô giáo trẻ 8X và 9 năm gắn bó với vùng cao

Bố mất khi Thu Nguyệt học cấp 2, mẹ mất khi chị đang là sinh viên năm 2, Nguyệt đã gắng gượng vươn lên học tập, vượt qua nỗi mất mát lớn lao. Tốt nghiệp, chị viết đơn xin lên vùng cao dạy học, tình nguyện dạy cho học sinh người dân tộc thiểu số…
Vượt lên số phận
Tôi gặp Nguyễn Thu Nguyệt trong buổi giao lưu thơ Tết Nguyên Tiêu do Câu lạc bộ thơ Lê Thánh Tông Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức. Thu Nguyệt dự buổi giao lưu với vai trò là hội viên đồng thời cũng là người dẫn chương trình. Chị có đôi mắt đượm buồn, ẩn chứa nhiều tâm sự, nhưng khuôn mặt cương nghị, rắn rỏi. Tranh thủ thời gian ít ỏi chị xuống thị trấn để tham dự cuộc thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, tôi hẹn gặp chị vì “muốn nghe kể chuyện vùng cao”. Nhưng quan trọng hơn, là nghe câu chuyện của cô giáo trẻ nhiều tâm huyết với học sinh xã vùng cao Hòa Bình.
Qua chuyện trò, tôi được biết Nguyệt sinh năm 1980, lớn lên trên mảnh đất Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Gia đình chị có truyền thống trong ngành giáo dục, bố mẹ đều là giáo viên.
Khi Nguyệt đang là một học sinh cấp 2, bố chị đột ngột ra đi, để lại người vợ lam lũ với bốn đứa con thơ đang tuổi ăn học. Hoàn cảnh kinh tế vốn đã rất khó khăn giờ đây toàn bộ gánh nặng gia đình lại đổ dồn lên đôi vai gầy của người mẹ.
Thương mẹ, cô bé Nguyệt tự nhủ phải học thật giỏi. Năm học lớp 12, Nguyệt là một trong những học sinh tiêu biểu của huyện Hoành Bồ được tham dự thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Rồi cô thi đậu vào khoa văn của Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh. Khi Nguyệt đang học năm thứ 2 thì một biến cố nữa ập xuống: mẹ chị đột ngột ra đi. Nhờ tình yêu thương của bạn bè, thầy cô, Nguyệt đã dần gượng dậy, vững tin vào cuộc sống. Sau khi ra trường, cô viết lá đơn dài hơn 2 trang giấy, tha thiết xin được lên vùng cao dạy học.


Hiện nay, Thu Nguyệt là giáo viên Trường PTCS Hòa Bình, Hoành Bồ, Quảng Ninh. Ba năm liền chị đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và 2 năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
“Mảnh trăng thu tỏa sáng giữa rừng”
Năm 2001 khi bước chân vào Trường PTCS Hòa Bình, Hoành Bồ, Nguyệt và một anh giáo viên trẻ khác được phân công dạy cho một lứa học sinh lớp 6. “Chúng tôi gọi đó là lớp 6 “nhô”, vì lớp học có đầy đủ các đối tượng, lớn bé, già, trẻ. Đã vậy sĩ số lại luôn trong tình trạng “thụt thò”, học sinh lố nhố, nghịch ngợm”, Nguyệt kể.
Những năm ấy, xã Hòa Bình còn nghèo lắm, điện, đường, trường, trạm đều rất thiếu thốn. Để vận động học sinh đến lớp, có những hôm cô giáo Nguyệt phải vượt hàng chục cây số đường rừng, con suối ghồ ghề sỏi đá, bàn chân đau nhức như muốn tóe máu. Thế nhưng chưa một lần chị nản chí. Suốt 9 năm qua, chị vẫn miệt mài tới từng thôn xóm vận động học sinh đến lớp, đất rừng Hòa Bình dường như nơi nào cũng đã in dấu chân chị. Chị Nguyệt cho biết, muốn vận động được phụ huynh cho con em đi học thì phải sống gần họ, hiểu được văn hóa, tập quán của bà con thì mới thuyết phục được họ, chỉ cho họ thấy tầm quan trọng của việc học chữ, đến trường. Bản thân chị cũng phải học ngôn ngữ địa phương để có thể dễ dàng tiếp cận với học sinh, với bà con nơi đây để tiếp cận và hiểu được họ nhiều nhất.
Chị kể với tôi, dạy học ở miền núi đã khó thì dạy học cho học sinh là người dân tộc thiểu số lại càng khó hơn gấp bội, vì hầu hết các em đều không có nền tảng kiến thức. Các em học theo kiểu “nhảy cóc” do nghỉ học nhiều, việc tiếp thu kiến thức mới rất khó khăn. Đã vậy, điều kiện vật chất, sách vở, dụng cụ học tập đều thiếu thốn. Để kèm cặp thêm cho học sinh, chị còn vận động các em đến nhà riêng, cô trò chen chúc ngồi học ngay dưới căn bếp lụp xụp.
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng chị Nguyệt có không ít kỷ niệm đẹp với học sinh. Có lần khi Nguyệt đang trên đường đến lớp dạy học, một em học sinh quần áo xộc xệch, nhếch nhác từ đâu đến dúi vào tay cô giáo một bó hoa rừng rồi chạy biến đi. Thì ra vì mải đi hái hoa trên núi để tặng cô mà em học sinh này bị ngã đến mức bẩn hết cả quần áo. Lúc ấy, chị Nguyệt đã rất xúc động.
Trong 9 năm gắn bó với học sinh xã Hòa Bình, chị vẫn tự nhủ phải trau dồi kiến thức. Dù ở vùng sâu, vùng xa nhưng Nguyệt vẫn thường xuyên cập nhập thông tin về phương pháp giảng dạy để không bị lạc hậu. Ba năm liền chị đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và 2 năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, Nguyễn Thu Nguyệt còn tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn trường cũng như các hoạt động văn hóa – xã hội tại địa phương và trong huyện. Hiện tại, chị là hội viên trẻ nhất của Câu lạc bộ thơ Lê Thánh Tông Hoành Bồ.
Với tình yêu nghề giáo tha thiết và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, Nguyễn Thu Nguyệt như vầng trăng sáng giữa núi rừng, là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ thanh niên thời hiện đại.


Trần Lâm