Chúa Nhật II Phục Sinh - Về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa


PHÚC THAY NHỮNG NGƯỜI...


Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần... các môn đệ đang tụ họp." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà....

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cho ta hai lần hiện ra của Đức Giêsu Phục sinh, trong vòng tám ngày. Tự nhiên, chúng ta thích để ý đến cuộc hiện ra lần thứ hai, cuộc hiện ra dành “cho Tôma"; bởi vì chúng ta thường đồng hoá với ông, để thấy trên thực tế mình cũng gần với một kẻ nghi ngờ, "một kẻ yếu tin" và có thể tìm gặp nơi ông một thứ biện minh cho thái độ thiếu lòng tin của ta.

Nhưng thái độ đồng hoá với Tôma không thể ngăn cản chúng ta đọc toàn bộ bản văn.

Trước hết, chúng ta cần ghi nhận, việc Đức Giêsu sống động hiện ra vào "Chúa nhật", ngày thứ nhất trong tuần có phải vì ngẫu nhiên không? Như chúng ta quá biết, các Kitô hữu tiên khởi không phải ngày nào cũng quy tụ. Họ còn phải lo đời sống riêng hằng ngày. Họ không thể lúc nào cũng cùng nhau hiện diện được. Vì thế, Đức Giêsu Phục sinh đã hiện đến trong khung cảnh buổi họp mặt hàng tuần của họ. Có thể chúng ta mắc sai lầm khi coi đức tin như một việc hoàn toàn có tính riêng tư thuộc phạm vi cá nhân mỗi người. Thực sự, việc Đức Kitô phục sinh hiện diện được nhận biết, cảm nghiệm trong khuôn khổ một cuộc gặp gỡ tập thể. Họ "cùng nhau” hiện diện, tụ họp, trong Giáo hội.

Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông.

Lúc thánh Gioan viết trình thuật trên cũng là thời gian Giáo hội gặp sợ hãi vì bách hại. Các môn đệ của Đức Giêsu có thói quen tụ họp nay ở nhà này, mai ở nhà khác. Họ tiếp đón nhau, cùng nhau kiểm điểm: Có bao nhiêu cuộc rút lui, có bao nhiêu người bỏ đức tin, bỏ nhóm. Họ cũng sợ hãi. Họ đóng cửa, cài then. Nhưng vào mỗi Chúa nhật, thì "Chúa nhật thứ nhất" này, dấu chỉ của phòng Tiệc ly lại được đổi mới: Đức Kitô sẽ lướt qua cách mầu nhiệm giữa các người thuộc về Ngài, nơi họ đang ở; tại Ê-phê-xô, Cô-rin-tô, Giêrusalem, Rôma. Phải, mỗi Chúa nhật, là ngày phục sinh! Lạy Chúa, Chúa đang hiện diện ngay giữa cuộc đời chúng con. Chính Chúa làm cho chúng con được sống. Cho dù không thấy Chúa, chúng con vẫn tin. Lạy Chúa, ngày nay, vì sợ hãi chúng con cũng thích đóng kín cửa. Chớ gì, khi Thần Khí thổi đến, mọi bức tường vây hãm chúng con sẽ sụp xuống và lại đến thời chúng con ca vang? Nào chúng ta hãy mở cửa cho Đức Kitô Phục sinh.

Trước khi suy niệm sâu xa hơn Đoạn Tin Mừng trên, chúng ta hãy tự hỏi, Đức Kitô muốn giải phóng và Phục sinh chúng ta khỏi tình trạng bế tắc nào, khỏi tình trạng sợ hãi nào, khỏi tình trạng đóng cửa cài then nào, khỏi tình trạng "chết chóc" nào. Đó có thể là tội lỗi, thử thách về sức khoẻ, những điều gây khổ đau và tuyệt vọng, khó khăn về gia đình, nghề nghiệp... Đó là nơi họ ở đều đóng kín cửa!"

Đức Giêsu nói: "Chúc anh em được bình an!”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Chúc anh em được bình an".

Niềm vui Phục sinh, niềm vui Kitô hữu, không thể là niềm vui dễ dàng, niềm vui tự phát, niềm vui đột nhiên nâng cao chúng ta, khi mọi sự đều khả quan, sức khoẻ tốt, tuổi trẻ đầy sinh lực, kinh doanh thành đạt, quan hệ bạn hữu và gia đình thoải mái. Thực sự, niềm vui sống lại là niềm vui chỉ đến "sau” sợ hãi! Đó là niềm vui và sự bình an phát sinh từ một tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng (cái chết của một kẻ bị đóng đinh) và kể từ nay trở đi không gì có thể cướp đi khỏi họ: Đó là niềm vui và sự bình an nhờ lòng tin nơi Đức Giêsu.

Mỗi buổi họp mừng Chúa nhật. như hôm nay, Đức Giêsu lại chúc bình an cho ta qua tiếng nói của linh mục: "Bình an của Chúa ở cùng anh chị em". Và Công đồng Vatican II lập lại nghi thức "chào chúc bình an" của truyền thống xa xưa: các Kitô hữu được mời gọi trao bình an cho nhau, nhân danh Đức Kitô. Bắt tay, ôm hôn, mỉm cười với nhau, trong khi miệng trao đổi: "Bình an của Đức Kitô!". Đó không phải là cử chỉ tầm thường nhưng là thái độ "trở nên Đức Kitô”đối với người bên cạnh “khi nhiều người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ”.

Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.

Đó! Chúng ta đâu có ngờ rằng Chúa đã phát biểu như thế! Chính Đức Giêsu đang tuyên bố lại với chúng ta những lời trên. Dù tôi có là một người tồi tàn đáng thương, nhưng tôi vẫn là Đức Giêsu được sai đến với anh chị em tôi y như "Người" đã được Chúa Cha sai. Chúng ta không nên lướt nhanh những lời trên, đừng quá vội liên hệ với Tôma, kẻ nghi ngờ. Nhưng hãy để ý đến lời của Đức Giêsu trên đây. Hãy tìm hiểu trách nhiệm cao cả mà Người trao phó cho ta: "sứ vụ của Đức Kitô được uỷ thác cho Giáo hội, cho chính tôi. Tôi là kẻ được Đức Giêsu sai đi như Người đã được Chúa Cha sai đến: Tôi cần phải khám phá ra ý nghĩa của hai từ Latinh và Hy Lạp, rất tiếc "không được dịch ra": "sứ vụ” có nghĩa "sai gửi" (do từ Latinh là missub) và từ "tông đồ" có nghĩa là "kẻ được sai đi" (do từ HyLạp là apostolos), khi tôi gặp một người nào đó, cùng làm việc với tôi, hay trong môi trường sống hằng ngày, tôi không chỉ hiện diện với họ nhân danh tôi hay theo ý tôi nhưng tôi được Đức Kitô sai đến với họ, nhân danh Người và theo ý Người, như thế Chúa Cha đã sai Đức Giêsu như thế! Tôi cần phải loan báo cho bạn một sứ điệp của Đức Giêsu: chính Người sẽ nói với bạn điều tôi sắp nói với bạn. Người đang sống trong tôi. Tôi là môi miệng, là thân thể của Người, đang kề cận với bạn, để mạc khải cho bạn tình yêu của Chúa Cha.

Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần".

Đó là ân huệ của Thần Khí, là "cuộc tạo dựng mới". Thần Khí của Đức Giêsu được thông truyền cho các môn đệ của Người. Đức Giêsu đã chết, đã trở về với Chúa Cha. Đến lượt các Kitô hữu tiếp tục công việc của Người! Họ là những người mang hơi thở sống động, mang Thần Khí của Người. Họ sắp tiếp nối công trình của Người. Thánh Phaolô nói: "Anh em là Thân thể của Đức Kitô. Anh em là Đền thần của Thánh Thần". Còn thánh Gioan minh chứng cho ta, Đức Giêsu tiếp tục cử chỉ của Creator Spiritus. Lạy Thần Khí tác tạo, xin hãy đến!”.

Theo thánh Gioan, Lễ Hiện xuống, đó là buổi chiều Ngày Phục sinh: cốt yếu mọi hoạt động của Đức Giêsu sau khi Người chiến thắng tử thần, đó là ân huệ của "Thần khí đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ trong cõi chết" (Rm 8,11). Trong kinh Tin kính, ta tuyên xưng về Thần Khí: Ngài là Đức Chúa, là Đấng ban sự sống". Thần Khí được trao ban cho con người vào buổi chiều Phục sinh, sẽ tỏ hiện cách công khai rực rỡ năm mươi ngày sau đó vào Lễ Hiện xuống. Đó là thần khí của Thiên Chúa vừa biểu lộ quyền năng của mình, để lôi kéo Đức Giêsu ra khỏi quyền lực của tử thần và mạc khải Người là Con Thiên Chúa nhờ biến cố Phục Sinh. Xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa" (Rm 1,4).

Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.

"Thắt buộc" và "tháo cởi"; "Tha giải" và "cầm giữ" tội lỗi. Đó chỉ là hình thức ngữ pháp theo kiểu nói A-ra-mên: Theo đó, người ta dùng hai từ nghịch nghĩa nhau để xác định mạnh hơn một thực tại, và nhấn mạnh đến từ mang tính tích cực. Như thế, trong khi trao ban Thần Khí của mình, Đức Giêsu cũng thông truyền cho các môn đệ quyền "tháo cởi con người khỏi sự ác". Từ nay, ngay tại trần gian này, họ đã là người mang "lòng thương xót của Thiên Chúa" nhờ Đức Giêsu là hiện thân? "Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.". Các Kitô hữu được trao uỷ cho chính sứ vụ mà Đức Giêsu tự nhận là của mình, lúc Ngài hiện diện tại Hội đường Nadarét, khởi đầu tác vụ: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố một năm hồng ân Chúa, trả lại tự do cho người bị áp bức (Lc 4, 18- 19). Tôi có là người mang Thần Khí đó, Thần Khí giải phóng, Thần Khí ban sự sống, Thần Khí yêu thương và tha thứ nhân danh Đức Giêsu không? Tha thứ là một ân huệ Phục sinh.

Một người trong nhóm Mười Hai, tên là Tôma, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến... Ông ta nói với họ: "Nếu tôi không thấy... tôi chẳng có tin".

Đó là một "kẻ đến chậm". Ông đến sau buổi gặp gỡ.

Trong Tin Mừng, Tôma luôn tỏ ra là một người chỉ tin vào lương tri của mình. Ông thực sự nghi ngờ cả thái độ dấn thân liều mạng của Đức Giêsu. "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu' (Ga 14,5). Khi Đức Giêsu nói đến sự phục sinh cho Ladarô, thì Tôma chỉ thấy hiện lên sự chết (Ga 11,15-16).

Tám ngày sau... Đức Giêsu lại đến và nói: Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đừng cứng lòng nữa...".

Dù đã Phục sinh, Đức Giêsu vẫn tỏ ra khôi hài! Trong suốt một tuần lễ, Người đã để cho Tôma bề ngoài xem ra có lý lắm. Nhưng lúc này tôi thấy như Đức Giêsu vừa mỉm cười khiêu khích, vừa nói với Tôma. Người có vẻ đang nói với ông: Này anh bạn đáng thương của tôi ơi, anh cứ tưởng tôi đã chết và hết hiện hữu, khi anh quả quyết với các bạn hữu rằng anh chẳng có tin đâu... nhưng chính lúc đó, tôi vẫn hiện diện cách vô hình, chứng kiến các anh đàm luận. Tuy nhiên, tôi đã không tỏ mình ra cho anh, ngay lúc đó. Ôi Thiên Chúa thật là kiên nhẫn, Người làm chủ thời gian của Người.

Ông Tôma thưa với Người: "Lạy Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của con".

Đó là tiếng kêu biểu lộ lòng tin của một người không cần đến "sờ chạm" nữa. Ông đã hiểu rằng, Đức Giêsu, dù bề ngoài không thấy, vẫn hiện diện đó? Người có mặt ngay cả vào giờ phút họ nghi ngờ xao xuyến.

Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.

Một mối phúc, mối phúc cuối cùng. Người ta không thể "thấy" được những thực tại siêu việt nhất của Thiên Chúa. Chỉ có "đức tin" mới dẫn chúng ta vào những thực tại đó. Và đó là hạnh phúc đích thực.


Noel Quesson