Con Có Yêu Mến Thầy Không (Ga 21:1-19, CN III PS)



Con người vốn bá nhân bá tánh. Cùng một sự kiện xảy ra, nhưng mỗi cá nhân lại nhìn vấn đề theo từng nhãn giới khác nhau, diễn đạt riêng với nhiều quan điểm khác biệt.

Chẳng hạn như: đi tham quan thành phố Los Angeles, ngang qua Nhà Thờ Chánh Toà Tổng Giáo Phận, khách du lịch dễ nhận xét Vương Cung Thánh Đường ấy là một building to lớn với kiến trúc tân kỳ hiện đại. Thế nhưng, kitô hữu cư dân địa phương lại nhận định đó là nơi thờ phượng, sinh hoạt Đức Tin hàng tuần của họ; trong khi người thánh thiện lại xem địa điểm ấy là nơi hàng ngày tôi gặp gỡ, tiếp xúc với Thiên Chúa của tôi.

Cũng thế, về thăm quê hương du lịch thành phố Đà Lạt, Việt Kiều hải ngoại dễ nhận ra Đà Lạt là thành phố sương mù, khói sương phủ bàng bạc từ sớm tới chiều. Trong khi đó, nhóm nghệ nhân chăm sóc cây xanh thì cho rằng: Đà Lạt là thành phố đầy hoa thơm cỏ lạ, đồi thông xanh ngát một màu. Ngược lại, giới văn nghệ sĩ thì nhận định: Đà Lạt là thành phố mộng mơ, thiên đường của thung lũng tình yêu.

Mùa Xuân 2007, một sinh viên Hàn Quốc đã dùng súng bắn giết các bạn đồng môn tại trường VT (Virginia Technology) sau đó quay súng kê vào đầu tự sát. Vụ thảm sát gây xôn xao một thời trong dư luận Hoa Kỳ. Du khách hôm nay, có dịp đi qua lại địa điểm ấy, vẫn thấy đó là một trường đại học bình thường; nhưng giới chức quân sự, cảnh sát lại xem đó là nơi xảy ra tội ác học đường khủng khiếp nhất Mỹ Quốc; còn Cha Mẹ sinh viên và cư dân Virginian thì cho đấy là nơi ám ảnh đau thương triền miên.

Cùng một hình ảnh bên ngoài, song chất chứa nhiều nội dung bên trong khác nhau, tùy sự cảm nhận của ngươi xem. Bảy tông đồ đi đánh cá trong bài Phúc Âm hôm nay cũng vậy. Thầy Chí Thánh Giêsu không còn hiện diện và đi rao giảng Tin Mừng với các ông như xưa. Họ trở lại nghiệp cũ, hành nghề đánh cá như thuở nào. Thả mẻ lưới đầu tiên, cá không được bao nhiêu. Tiếp tục đi chài lưới suốt đêm, lượng thu hoạch không đáng kể. Bất ngờ một người khách lạ xuất hiện. đứng bên bờ biển. Ông đề nghị các Tông Đồ thả lưới bên hữu thuyền, kết quả họ thu được mẻ cá lạ lùng vượt ngoài ý muốn.

Lúc ấy, mọi con mắt nhìn người khách lạ, tâm trạng các ngư phủ mang nhiều ý nghĩ khác nhau:
Kẻ yếu tim: thấy người khách lạ mờ mờ ảo ảo, tưởng chừng là Hồn Ma.
Người bình thường: xem vị khách lạ như là người du lịch, đi dạo biển buổi sáng.
Tông Đồ Gioan: nhạy bén, nhận ra ngay “Chính Chúa đó!”, đích thực là Thầy Giêsu rồi.

Bằng cách nào Gioan mau mắn nhận biết người khách lạ ấy, đúng là Thầy Chí Thánh dễ dàng? Thưa: do lòng Mến Chúa nồng nàn. “Người môn đệ Chúa yêu” bao giờ cũng “đã thấy và đã tin” nhanh chóng. Thật vậy, chính Tình Yêu mở mắt Gioan, giúp Gioan thấy được điều mà người khác chưa thấy.

Chúa Kitô Phục Sinh cũng ưu ái hỏi Phêrô lúc này: “Con có yêu mến Thầy không?”. Phêrô phải 3 lần mạnh dạn xác tín: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”(Ga 21:17).

A. Lòng Yêu Mến: một năng lực phi thường.

Thánh Phaolô đã nhấn mạnh: “Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến: cả ba đều tồn tại, nhưng Đức Mến cao trọng hơn cả” (1 Cr 13:13) vì Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả và chịu đựng tất cả.

1. Lòng Yêu Mến thường gia tăng sức mạnh, tăng cường nghị lực giúp con người vượt qua nghịch cảnh, lướt thắng đau khổ.

Sau vụ thảm sát xảy ra ở trường VT (Virginia Technology), một bầu khí u uất bao trùm thành phố Blackburn, VA: các sinh viên thương tiếc 32 bạn học bị chết oan, khắp mọi nơi trong thành phố, cứ đêm về người ta qui tụ thành vòng tròn theo từng nhóm, thắp nến và choàng vai nhau cầu nguyện. Sự liên kết hiệp thông trong tình thương mến các nạn nhân giúp mọi người thắng vượt thương đau.

2. Lòng Yêu Mến như nguồn trợ lực khác thường, giúp con người coi nhẹ đau khổ, biến đau khổ thành niềm vui.

Câu chuyện Món Quà Đêm Giáng Sinh. Đôi vợ chồng nghèo, làm ăn không được dư dả để có tiền mua quà tặng nhau đêm Noel. Bất chợt, Nàng hy sinh bán mái tóc dài để mua tặng chàng đây đeo đồng hồ vốn đã bị mòn, cũ nát. Trong khi đó, Chàng âm thầm mang đồng hồ riêng đi bán, lấy chút tiền mua tặng nàng cái lược đồi mồi. Lễ đêm về, khi hai vợ chồng lấy quà trao tặng cho nhau, thì hỡi ôi! Chàng không còn đồng hồ để đeo dây mới và Nàng cũng không còn mái tóc dài để dùng Lược tốt mà chải nữa. Hai vợ chồng ôm nhau khóc, vì Ai cũng có lòng yêu mến cao độ, dám hy sinh vật qúi giá nhất riêng mình để có tiền mua quà cho người mình yêu.

Thánh Augustinô đã nói: “Trong tình yêu, không còn đau khổ. Và nếu có, đau khổ ấy lại đáng yêu”. Chút hy sinh chân thành trong tình yêu mến có giá trị gấp ngàn lần lời nói yêu thương.

B. Lòng yêu mến của Thánh Phêrô Tông Đồ.

Phúc Âm hôm nay nói rõ: Chúa Giêsu đã 3 lần hỏi đi hỏi lại thánh Phêrô cùng một câu giống nhau duy nhất: “Con có yêu mến Thầy không?”. Nguyên nhân nào Chúa hành động như vậy?

+ Có người cho rằng Phêrô trả lời: “Thưa Thầy, Có” yếu ớt quá, Chúa không nghe rõ, nên Ngài phải hỏi lại nhiều lần như thế.

+ Có nhà chú giải Kinh Thánh giải thích rằng: theo truyền thống văn hóa miền Trung Đông, khi Ai muốn hỏi đi hỏi lại công khai nhiều lần như vậy, người ấy muốn quan trọng hoá vấn đề, có ý nhắm mục đích nói lên tầm quan trọng của vấn đề đang đặt ra.

Thí dụ: Trước khi cử hành Phụng Vụ Phép Rửa, Linh Mục chủ sự đòi buộc thụ nhân phải 3 lần dõng dạc tuyên xưng “Tôi Tin” vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Giáo Hội tông truyền và 3 lần cương quyết xác tín “Tôi Từ Bỏ” Satan và mọi quyến rũ của Satan…

Ở đây, khi lặp đi lặp lại câu hỏi nhiều lần, Chúa Giêsu muốn Thánh Phêrô ý thức, tập trung vào vấn đề mà trước đây Ngài đã trao chià khoá Nước Trời cho ông. Đó là: “Hãy chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thầy”.

+ Một ý kiến khác cho rằng: suốt ba năm làm môn đệ, đi theo Thầy rao giảng khắp nơi:

* Thánh Phêrô đã 3 lần bị Chúa trách mắng:

- người hèn tin, kẻ kém tin (Mt 14:31).

- người u tối, ngu dốt (Mt 15:16).

- Satan (Mt 16:23).

* Thánh Phêrô đã 3 lần chối Chúa (Mt 26:69-75): lúc đầu còn sợ hãi miễn cưởng, sau đó lại ấp úng từ khước, cuối cùng thêm khẳng khái quyết liệt chối mạnh hơn. Đây là lúc Chúa chờ đợi Thánh Phêrô phải 3 lần xác định yêu mến Thầy: từ hời hợt nhẹ nhàng, dần dần chuyển sang ý thức xác tín và sau hết mạnh dạn tuyên xưng bằng tất cả lòng yêu mến trong tâm hồn ông.

Dĩ nhiên, Chúa đã trao sứ vụ Chăn Dắt Đàn Chiên Chúa cho Thánh Phêrô lãnh đạo. Cho dù trong quá khứ, Phêrô đã 3 lần ngượng ngịu chối Chúa, nhưng sau đó Phêrô lại 3 lần tuyên tín “Con mến Thầy” giúp ông vực dậy niềm tin. Sử sách ghi lại: Lòng Yêu Mến Chúa của Phêrô đã thể hiện đến cuối cuộc đời, Ngài can đảm trở lại Giêrusalem để cùng chịu đóng đinh ngược như Thầy Giêsu đã lãnh nhận.

C. Lòng Yêu Mến của kitô hữu hôm nay.

Chúa đã nhiều lần trắc nghiệm Thánh Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” và Ngài cũng sẽ đặt vấn đề với ta: “Con đã yêu mến Cha đến mức độ nào?”.

+ Thực tế, đã lắm lần ta không mến Chúa thật, khi:

* cầu nguyện sớm, tối: cảm thấy boring, ngao ngán.

* đi dâng lễ hàng tuần: có vẻ bó buộc, chán chường, miễn cưởng.

* vác thập giá cuộc đời: xem đó như một cực hình mỗi ngày, mất niềm tín thác nơi Chúa.

+ Bởi thế, hãy tự luyện cho mình có lòng mến Chúa nhiệt tình, khi:

* một ngày không đọc kinh, một tối không cầu nguyện: cảm thấy áy náy, băn khoăn.

* một tuần không đến nhà thờ dâng lễ với Chúa: cảm nhận sự tiếc nuối, mong đợi vô cùng.

D. Lời Nguyện kết thúc.

Lạy Chúa! “ Xin cho con được mến yêu Ngài và xin cho con được bước theo Ngài. Dù tình con chóng tan như làn khói, bàn chân con bé như lá non trên cành” (Lm.Nguyễn Duy). Nhưng con xin được mến yêu Ngài và mong được cùng đi với Ngài suốt đường đời hôm nay. AMEN.


Rev. Dominic Dieu Tran, SDD.