CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH C

Vị Mục tử nhân lành


A. DẪN NHẬP

Chúa nhật thứ tư mùa Phục sinh của ba chu kỳ niên lịch phụng vụ được mệnh danh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Nghệ thuật Kitô giáo thuở xưa thường phác họa Đức Giêsu như Đấng Chăn Chiên Lành. Hình ảnh người chăn chiên đã được mô tả trong Cựu ước về Thiên Chúa như là Đấng chăn dắt dân Người (Tv 22). Người Do thái cổ xưa là dân du mục, vì thế văn chương của họ là những sách Cựu ước cũng thường đề cập đến đời sống chăn nuôi, du mục. Chính Đức Giêsu cũng dùng những hình ảnh về chăn nuôi quen thuộc để dạy ta những chân lý thiêng liêng về đạo giáo.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã xưng mình là Chủ Chăn. Ngài có đàn chiên để chăn dắt. Đàn chiên của Ngài có những đặc tính như Ngài đã tuyên bố: ”Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”(Ga 10,27). Đàn chiên của Ngài có những đặc tính khác với đàn chiên của những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái lúc bấy giờ. Những đặc tính đàn chiên của Ngài là: biết lắng nghe chủ chăn, nhận biết chủ chăn và bước theo chủ chăn.

Đức Giêsu, Đấng Chăn Chiên Lành, không trực tiếp điều khiển đoàn chiên dưới thế này, Ngài dùng các vị đại diện trong Giáo hội là Đức Giáo hoàng, các giám mục và các Linh mục mà hướng dẫn thay cho Ngài. Chính Ngài đã khẳng định với các Tông đồ: ”Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khước từ các con là khước từ Thầy”(Lc 10,16). Vì thế, nếu chúng ta đã gọi các vị lãnh đạo trong Giáo hội là chủ chăn, chúng ta có trách nhiệm phải yêu mến, thành tâm lắng nghe sự hướng dẫn của các ngài để đến với Chúa, và nhờ đó, sẽ được dẫn tới cuộc sống đời đời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 13,14.43-52

Một khúc quanh quyết định cuộc đời Tông đồ của thánh Phaolô. Trước tiên Phaolô và Barnabê loan báo Tin mừng cho người Do thái tại Antiochia miền Pysidia, nhưng rồi các ngài đã phải sớm chấm dứt việc rao giảng vì người Do thái tỏ ra “ghen tức” khi thấy một số đông dân ngoại cũng quan tâm đến Tin mừng (Cv 13,45).

Hai vị Tông đồ quyết định rời hội đường và dứt khoát đến với dân ngoại, không quên nhắc lại lời tiên tri về sứ mạng toàn cầu của Người Tôi Tớ đau khổ (Cv 13,47)

Do vậy, dân ngoại đã hân hoan đón nhận Tin mừng và tôn vinh Thiên Chúa. Lời Chúa được lan tràn ra khắp miền ấy.

+ Bài đọc 2: Kh 7,9.14b-17

Trong một cuộc thị kiến, thánh Gioan tông đồ đã thấy một đoàn người thật đông đảo. Họ là dân Thiên Chúa đã khải hoàn. Đoàn người đông đảo này:

- Họ rất đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ.

- Họ đứng trước ngai Con Chiên, Đấng đã cứu độ muôn dân qua cái chết của Ngài.

- Con Chiên sẽ dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.

+ Bài Tin mừng: Ga 10, 27-30

Đức Giêsu tự giới thiệu mình là một vị Mục tử, một vị Mục tử tuyệt vời. Ngài biết rõ từng người chúng ta, Ngài bảo vệ và sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Vấn đề là: chúng ta có tin tưởng bước theo Ngài không ?

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Bước theo vị Mục tử

I. ĐỨC GIÊSU LÀ MỤC TỬ

1. Bối cảnh

Bài Tin mừng hôm nay rất ngắn, được trích ra từ cuộc tranh luận với người Do thái trong dịp Lễ Lều, nhân dịp kỷ niệm ngày thanh tẩy Đền thờ thời Maccabêô.

Đức Giêsu đang ở Giêrusalem trong dịp lễ này. Tại đây xẩy ra cuộc tranh luận với người Do thái về vấn đề Người có phải là Đấng Thiên Sai không, và cuối cùng Người đã xưng mình là Con Thiên Chúa bằng cách tuyên bố rằng: Cha Người ở trong Người và Người ở trong Cha trong sự hiệp thông trọn vẹn đồi sống và việc làm (Lc 10,22-41).

Bài Tin mừng hôm nay là một phần trích trong cuộc tranh luận và ghi lại lời Đức Giêsu quả quyết Người đồng bản tính với Chúa Cha.

Trước khi trả lời dứt khoát Người đồng bản tính với Chúa Cha, Đức Giêsu tuyên bố sự khác biệt nhau giữa người Do thái và “chiên của Người”, tức là những kẻ tin theo Người.

Đối với người Do thái, những lời Người nói và những việc Người làm là các phép lạ, không đủ thuyết phục họ, vì xét cho cùng họ có dã tâm và không muốn tin. Ngược lại, chiên của Người là những người biết ngoan ngoãn đón nhận, vì họ không cần đến nhiều dấu lạ bên ngoài để làm điều kiện cho việc đi theo Người.

Như vậy, Đức Giêsu khẳng định Người là Mục tử và Người có đàn chiên để chăn dắt và Người đưa họ đến cuộc sống đời đời mà không ai có thể cướp khỏi tay Người được.

2. Hình ảnh người chăn chiên trong Cựu ước

Hình ảnh người chăn chiên không chỉ là một hình ảnh đẹp ở vùng thôn quê mà nó còn có ở trong Thánh Kinh. Trong khắp vùng Đông phương cổ, các vua chúa thường tự coi mình như mục tử chăn dắt dân nước. Chính Giavê cũng đóng vai trò đó khi giải thoát dân riêng khỏi Ai cập: ”Người lùa dân Người đi ví thể đàn chiên, Người dẫn dắt chúng như đàn cừu ngang qua sa mạc” (Tv 78,52).

Đavít, một trong những nhà lãnh đạo chính trị đầu tiên của Israel, là một cậu chăn chiên tại Belem (1S 17,34-35). Ông Vua lý tưởng của tương lai, Đức Messia, Đavít mới, cũng được loan báo như một “Mục tử”: “Ta sẽ chỗi dậy một mục tử duy nhất, Người sẽ chăn dắt chúng. Đó là Đavít, tôi tớ của Ta” (Ed 34,23).

Chăn nuôi súc vật từng bầy là nghề chính của dân Do thái. Các tổ phụ vĩ đại của họ từ Abraham, Isaác, Giacob, Maisen, Đavít… đều là mục tử.

Do đó, người Do thái đã diễn tả về Thiên Chúa như là một mục tử nhân hậu, luôn hết tình yêu thương đàn chiên (Tv 22; Gr 31,10; Ed 24,11-16). Và Đức Giêsu đã tự mạc khải như là một Mục tử tuyệt với (Ga 10,11-14). Rồi đi xa hơn nữa, Người đã bầy tỏ cho nhân loại biết chính Người là Thiên Chúa (Ga 10,27-30).

II. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA MỤC TỬ

Những đặc tính của vị Mục tử được tóm gọn trong câu nói của Đức Giêsu: ”Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”(Ga 10,27). Ở đây, ba động từ được Đức Giêsu nói lên, là những động từ tác động rất phù hợp với con người: nghe, biết và theo.

1. Chiên nghe tiếng người chủ chăn

Ngày nay, tại Palestine, cũng còn có thể chứng kiến được cảnh chăn chiên mà Chúa Giêsu đã từng chứng kiến 2000 năm qua. Cảnh những người mục tử Bedouin mang những đàn chiên của họ trở về nhà từ những cánh đồng cỏ khác nhau sau một ngày đi ăn cỏ. Thường vào lúc hoàng hôn, các đàn chiên khác nhau cùng kéo về qui tụ ở một chỗ uống nước. Chúng trà trộn lẫn lộn với nhau tù 8 hay 9 đàn nhỏ trở thành một bầy chiên lớn. Mặc dù lẫn lộn chung với nhau nhưng những chủ chăn không hề lo sợ chiên bị lạc. Đến giờ ra về, mỗi chủ chiên thổi lên một tiếng gọi riêng biệt – một tiếng còi, tiếng tiêu, tiếng sáo, hay tù và – thì những con chiên trong đàn sẽ tự động rời khỏi đám đông theo đàn của mình mà về chuồng. Chúng tự biết chúng thuộc về đàn nào, chúng nghe tiếng gọi của người chủ chăn và đi theo. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”(Ga 10,27) (Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 171).

Nghe Chúa chính là lắng nghe Lời Chúa qua Kinh Thánh, nơi giáo huấn của Giáo hội, và những ơn soi sáng nơi tâm hồn mình. Nghe Chúa chính là để có một mối tương giao thân tình với Người, và nhất là để tin vào Người. Thánh Phaolô viết: ”Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17) hay “Đức tin nhờ nghe: Fides ex auditu (Ga 3,2).

2. Chiên và chủ chiên biết nhau

Chiên rất thân thiện với chủ chăn. Khi đàn chiên đang nằm ngủ êm đềm, người chủ chiên có thể bước đi ngay giữa đàn chiên mà không gây rối loạn hay gây mất ngủ cho con nào cả. Trong khi đó chỉ một bước chân của người lạ mặt xâm nhập vào chuồng chiên đang lúc chiên nằm ngủ cũng đủ gây kinh hoàng và hoảng hốt cho cả đàn chiên. Dường như chiên đã coi người chủ chăn như một thành phần rất thân thuộc của chúng. Và sự liên hệ mật thiết phát triển dần dần đến độ chủ chăn có thể phân biệt và hiểu tiếng kêu của từng con chiên, tiếng kêu đau thương hay tiếng kêu hoan lạc. Chiên nghe lệnh của người chủ chăn để biết khi nào đi kiếm ăn hay lúc nào lên đường trở về nhà. Ngoài ra, người chủ chăn còn biết cả tên gọi và đặc tính của từng con chiên nữa.

“Biết” trong Kinh Thánh, từ ngữ này trước hết không mang một ý nghĩa tri thức. Chính tình yêu mới làm cho ta nhận biết người nào đó một cách đích thực, đến nỗi đoán được cả tâm tính họ. Sự thân mật, sự hiểu biết lẫn nhau, yêu mến sâu xa, hiệp thông tâm hồn, trí não, thể xác… là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng (St 4,1).

Biết Chúa không chỉ là học hỏi và suy niệm theo nghĩa tri thức, mà là hiểu biết sâu xa, yêu thân tình đến nỗi kết hợp cả thân xác lẫn tâm hồn. Chính tình yêu mới làm cho chúng ta nhận biết Chúa một cách đích thực, đến nỗi đoán biết cả thánh ý Người.

Sự biết chí tình chí thiết này thực sự đã được thể hiện với hai thánh nữ Catarina và Têrêsa Hài đồng Giêsu. Catarina là người mù chữ chỉ học nơi Thánh tâm Chúa Giêsu và trở thành tiến sĩ Hội thánh. Têrêsa cũng chẳng học trường nào, chỉ học nơi tình yêu Chúa Giêsu Hài đồng, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong làm tiến sĩ Hội thánh tháng 08/1997 trong đại hội giới trẻ tại Paris.

3. Chiên thì theo chủ chăn

Những người chăn bò thường đi sau đàn bò dùng roi quất lên mình bò để lùa chúng đi thành đàn với nhau. Đối với chiên thì hoàn toàn khác hẳn. Người mục tử luôn đi trước để hướng dẫn đàn chiên theo sau. Nếu người chăn chiên đi đàng sau đàn chiên giống như chăn bò, chiên sẽ chạy tán loạn vì không biết đường đi. Chúng muốn được hướng dẫn, được bảo vệ và che chở.

“Theo” đó là một hành động không có gì là thụ động cả, nhưng diễn tả một thái độ tự do: đính kết toàn thân một người nào đó vào thân phận một kẻ khác. Theo nghĩa là gắn bó với Đức Giêsu mời gọi: ”Hãy theo Ta”(Ga 1,42).

Đi đâu cho thiếp đi cùng,

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng tiếp cam.

Theo Chúa chính là một thái độ hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân, và trao phó thân phận cho duy một mình Người. Theo Chúa cũng là từ bỏ như Phêrô bỏ chài lưới, vợ con, cha mẹ và mọi sự để theo Thầy; như Matthêu bỏ địa vị, tiền của để theo Chúa; như Mađalena bỏ đường tội lỗi bước vào đời sống mới. Đó là đổi đời, từ bỏ nếp sống cũ, một cuộc tái sinh vào đời sống mới.

III. TÂM TÌNH VỊ CHỦ CHĂN

1. Tận hiến cho đoàn chiên

Người chủ chăn rất tha thiết với đàn chiên, họ coi đàn chiên như một phần trong thân thể mình. Họ không yên tâm khi một con chiên đi lạc. Họ không đành lòng bỏ con chiên bị thương mà không băng bó. Họ đã sẵn sàng vác cho chiên trên vai khi không đi được hoặc khi bị đi lạc.

Khi kẻ làm thuê trông coi con chiên, thì lũ cho sói không gặp rắc rối nào trong việc rình bắt đàn chiên. Ngay khi kẻ làm thuê nhìn thấy một con chó sói đang tiến lại gần, thì hắn ta liền bỏ rơi đàn chiên. Hắn chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là cứu thoát bản thân mình mà thôi. Người chủ tốt của đàn chiên không làm như vậy. Họ bảo vệ đàn chiên chống lại sự tấn công của chó sói, thậm chí họ còn sẵn sàng liều mất mạng sống của mình nữa.

Đức Giêsu, Chúa chiên nhân lành, Đấng đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Mạng sống của Người không bị lấy đi, cũng không phải theo lệnh Chúa Cha. Chính Người đã tự ý trao ban, và trao ban một cách vui lòng. Người tự hiến cho đoàn chiên để mang chúng về đồng cỏ của sự sống đời đời. Hình ảnh cha thánh Đamien, tông đồ người hủi, đã nói lên tình thần tận hiến cho đàn chiên, những con người phong cùi xấu số bị bỏ rơi.

2. Chiến đấu bảo vệ đàn chiên

Người mục tử Đông phương là một người du mục đáng gờm, một thứ lính chiến, có khả năng bảo vệ đàn vật mình khỏi thú dữ… gấu hay sư tử đến để cướp đoạt một con chiên khỏi đàn (1S 17,34-35).

Đavít kể lại cho vua Saulê trước khi giết được tướng Goliat của quân Philitinh: ”Hồi tôi tớ bệ hạ chăn chiên cho thân phụ, hễ sư tử hay gấu đực tha con chiên nào, tôi liền rượt bắt, đánh nó và cướp con chiên khỏi miệng nó. Nếu nó cự lại, tôi liền nắm lấy râu đánh và giết nó tức khắc. Tôi tớ bệ hạ đã giết sư tử cũng như gấu đực thì cũng sẽ thanh toán tên Philitinh không cắt bì này như vậy vì nó đã dám nhục mạ đạo quân của Thiên Chúa hằng sống”( 1Sm 17tt).

Đavít đã nêu gương hy sinh, vật nhau với sư tử, với gấu đực, để cướp lại một con chiên bị đem đi. Đavít vì tha thiết với bầy chiên, nên không ngần ngại đánh nhau với sư tử và gấu đen để cướp lại chiên. Đức Giêsu khi nói: ”Không ai cướp được chúng” đã nghĩ đến cuộc giao chiến khốc liệt mà Người phải đương đầu trong cuộc khổ nạn, để đối phương “không cướp được” một chiên nào khỏi tay Người. Khác với kẻ chăn thuê, thường chạy trốn trước sói sữ, Đức Giêsu sẽ phó nộp và đành mất mang sống mình vì chiên của Người (Ga 10,12-15).

3. Không bỏ rơi đàn chiên

Người chăn chiên rất tha thiết với đàn chiên, lo lắng cho đàn chiên hết mình, không bao giờ để một con chiên nào bị bỏ rơi. Dụ ngôn con chiên lạc đã chứng tỏ điều đó: ”Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”(Lc 15,4-7).

Chung quanh chúng ta hay ngay trong đời sống chúng ta có những hiện tượng rời bỏ hàng ngũ, bất trung thường xẩy ra, thì chúng ta nghĩ thế nào ? Thưa đó là những hiện tượng tự nhiên vì đó là mầu nhiệm của tự do. Nhưng một điều chúng ta cần biết đó là không khi nào Chúa ruồng bỏ ! Chỉ có con người rời bỏ bàn tay Chua. Và ngay khi con người rời bỏ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tìm liên hệ lại: dụ ngôn đứa con hoang đàng đã chứng tỏ điều đó (x. Lc 15).

4. Ban cho chiên sự sống đời đời

Con chiên đi theo chủ chăn thì sẽ được dẫn đến đồng cỏ xanh tươi đảm bảo sự sống. Cũng vậy, nhưng ai thực sự đi theo Chúa, tức là để Chúa dẫn dắt, thì sẽ được bảo đảm đưa đến sự sống đời đời.

Sự sống này, một đàng không thể mất được, vì đã được chính Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống bảo đảm. Đàng khác, cũng không bị ai cướp đi được, vì một khi đã được Chúa dẫn dắt thì không còn sợ vấn đề Người không đủ khả năng chăm sóc và bảo vệ sự sống của đàn chiên nữa.

Trong một bài giảng, thánh Cyrillô thành Alexandria đã giải nghĩa câu “Ta ban cho chúng sự sống đời đời” như sau: ”Đừng hiểu sự sống này chỉ là chuỗi ngày nối tiếp nhau mà chúng ta dù là người tốt hay xấu cũng đều sở hữu sau khi sống lại, nhưng phải hiểu đây là sống trong niềm vui. Ta cũng có thể hiểu “sự sống” này theo nghĩa bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô tháp nhập chúng ta vào chính sự sống của Người, các tín hữu được thông phần vào chính xác thịt Người, như lời Người phán: ”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời”(Ga 6,54).

IV. NHIỆM VỤ CỦA ĐOÀN CHIÊN

Chúa Giêsu không thể trực tiếp hướng dẫn mọi Kitô hữu, nhưng Người đã dùng các vị đại diên là hàng giáo phẩm và giáo sĩ để thay quyền Chúa mà hướng dẫn. Vì Chúa đã nói với các tông đồ: ”Ai nghe các con là nghe Ta”(Lc 10,16).

Chúng ta hãy đọc một đoạn mà công đồng Vatican II nói về các Linh mục: ”Thi hành chức vụ của Chúa Kitô là Đầu và là Chủ chăn theo phận vụ mình, các Linh mục nhân danh Giám mục tụ họp gia đình Thiên Chua như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần các ngài dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha. Để thi hành thừa tác vụ này cũng như các thừa tác vụ khác, các Linh mục được trao ban quyền thiêng liêng để kiến thiết Giáo hội. Trong việc kiến thiết này, các Linh mục phải theo gương Chúa Kitô mà đối xử rất nhân đạo với hết mọi người…(Sắc lệnh về Linh mục, số 4)

Chúng ta thường gọi những người lãnh đạo trong Giáo hội là mục tử hay chủ chăn. Chúng ta đang sống dưới sự hướng dẫn của các ngài, chúng ta hãy tin tưởng các ngài, vì đức tin bảo cho chúng ta biết: Chính Chúa Giêsu, Mục tử tốt lành đích thực, đang trực tiếp chăn dắt chúng ta qua những người lãnh đạo trong Giáo hội, là Đức Giáo hoàng, các Giám mục, Linh mục. Vì thế, chúng ta có bổn phận nghe theo sự hướng dẫn của các ngài, công tác với các ngài, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của chúng ta, để duy trì và xây dựng đoàn chiên nhỏ bé là gia đình mình, tập thể mình đang sống, đang làm việc và đoàn chiên rộng lớn hơn là Giáo hội.

Một lần nữa chúng ta hãy lặp lại lời Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: ”Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khước từ các con là khước từ Thầy”(Lc 10,16). Qua câu Kinh Thánh này, chúng ta có thể khẳng định rằng vâng nghe các vị lãnh đạo trong Giáo hội là vâng nghe Chúa, và như vậy, đây là một nhiệm vụ không tthể thiếu được, vì như người ta nói:

Cá không ăn muối cá ươn,

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.


(Ca dao)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm