Văn hóa Thần truyền: Không tham lam và giữ gìn tiết tháo

Bài của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 12-11-2007] Trong văn hóa Thần truyền người ta cho rằng: làm người quý ở chỗ biết giữ gìn chí nguyện và tiết tháo, sẵn sàng vì đạo lý và chính nghĩa, đứng vững vàng giữa bao nhiêu thử thách và cám dỗ của thế gian. Muốn xây dựng được tiết tháo như thế, cần nhất là tiết chế dục vọng và tâm tham của bản thân. Dưới đây xin trình bày vài mẩu chuyện xưa kể về Khổng Tử và các học trò của mình không ham muốn những thứ đồ bất nghĩa, giữ gìn tiết tháo như thế nào.
Khổng Tử có một lần đến bái kiến Tề Cảnh Công. Vua Tề ban cho ông vùng đất Lẫm Khâu để làm nơi an dưỡng, nhưng Khổng Tử từ chối không nhận. Ra khỏi hoàng cung, Khổng Tử nói với các học trò của mình: “Ta nghe nói quân tử có công mới có thể nhận lộc. Hiện nay ta du thuyết Cảnh Công, Cảnh Công không thực hiện chủ trương của ta, lại ban Lẫm Khâu cho ta, ông ấy thực là không hiểu gì ta cả!”. Thế là từ biệt và rời khỏi nước Tề.
Tằng Tử, còn có tên là Tằng Tham, là một học trò của Khổng Tử. Ông luôn mặc quần áo rách nát. Vua nước Lỗ phái sứ giả đến ban cấp cho ông một miền đất để làm ấp phong. Gặp mặt ông sứ giả nói: “Bây giờ xin mời Ngài thay đổi quần áo vậy!”. Tằng Tử không chịu nhận. Sứ giả rất nhiều lần đến trao đất phong cho ông, Nhưng Tằng Tử vẫn không chịu nhận.
Sứ giả nói: “Đây không phải là tiên sinh Ngài yêu cầu người khác, mà là người khác tới dâng tặng cho Ngài, vì sao Ngài không chịu nhận lãnh vậy?”.
Tằng Tử nói: “Tôi nghe nói, tiếp nhận quà tặng của ai thì sẽ sợ đắc tội với người ấy, cũng làm cho người ấy sinh lòng kiêu ngạo. Cho dù nhà vua ban thưởng cho tôi mà không biểu lộ vẻ kiêu ngạo, nhưng tôi sao không sợ đắc tội với ông ấy cho được?”.
Cứ như thế, cuối cùng Tằng Tử vẫn không tiếp nhận ấp phong. Khổng Tử nghe chuyện, khen: “Đức hạnh được như Tằng Tham, đã đủ để bảo toàn được tiết tháo rồi”.
Tử Tư là cháu nội của Khổng Tử. Tử Tư ở nước Vệ vô cùng nghèo khổ, trên người chỉ có mỗi chiếc áo lót cũ nát, ngay cả áo ngoài cũng không có, 20 ngày chỉ ăn được 9 bữa cơm. Điền Tử Phương nghe chuyện, bèn phái người tới biếu ông một bộ quần áo bằng lông chồn trắng để chống rét, nhưng sợ ông không chịu nhận, bèn cố ý nói: “Tôi tặng đồ cho người ta, liền quên ngay. Tôi trao cho người ta thứ gì, thì cũng giống như đánh rơi mất”. Nhưng Tử Tư mãi từ chối không nhận.
Điền Tử Phương nói: “Tôi có mà ông không có, vì sao ông không chịu nhận?”.
Tử Tư nói: “Tôi nghe nói, cho người ta của cải không hợp với bổn phận, vượt quá phép tắc thì chẳng thà đem của ấy ném xuống khe núi. Tôi mặc dù bần hàn, nhưng không muốn lấy chính thân mình để làm cái khe núi ấy, cho nên không dám tiếp nhận”.

----------------------------------------------------------------
Chuyên mục: Văn hoá truyền thống