http://saoplus.blogspot.com

Hôm qua 29/4, Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ đã công bố bản báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo thế giới. Trong số 13 quốc gia bị xếp vào danh sách cần quan tâm đặc biệt về những vi phạm quyền tự do tôn giáo, gọi tắt là danh sách CPC, có 8 nước nằm trong danh sách năm ngoái và 5 nước được thêm vào hoặc đưa trở lại vào, trong đó có Việt Nam.

Theo bản báo cáo, chính phủ Hà Nội tiếp tục áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt và vẫn gây ra nhiều vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo. Uỷ ban tự do tôn giáo quốc tế nhắc lại là sau thời gian bị nêu tên trong danh sách CPC từ 2004 đến 2006, Việt Nam đã cam kết với chính phủ Mỹ cải thiện tình hình tự do tôn giáo, và đã có một số hành động tích cực đối với các cộng đồng tôn giáo, đã thả nhiều tù nhân lương tâm. Thế nhưng, nhiều cá nhân tiếp tục bị giam cầm vì những hoạt động ôn hòa cho tự do tôn giáo; các viên chức của chính quyền và công an vi phạm quyền tự do tôn giáo vẫn chưa bị trừng phạt đích đáng; hoạt động tôn giáo độc lập vẫn còn bị xem là bất hợp pháp.

Theo Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế, trong khi tình hình đối với một số cộng đồng tôn giáo được cải thiện, thì với các tổ chức tôn giáo khác như Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Hòa Hảo, Cao Đài độc lập, Tin Lành và một số tín đồ Tin Lành và Phật giáo thuộc sắc tộc thiểu số, tình hình vẫn không có gì thay đổi.

Bản báo cáo của Ủy ban tự do tôn giáo nhắc lại là, những tranh chấp về đất đai giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền Việt Nam vào năm ngoái đã dẫn đến nhiều vụ bắt bớ, hăm doạ, sách nhiễu và bạo lực đối với những giáo dân và tu sĩ tham gia cầu nguyện. Ủy ban cũng nhắc lại vụ giải tán Tăng Thân Bát Nhã ở Lâm Đồng. Bản báo cáo của ủy ban này còn ghi nhận là chính quyền tiếp tục hăm doạ và giam cầm những nhà đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo, như luật sư Lê Thị Công Nhân, vừa mãn hạn tù nhưng còn đang bị quản thúc tại gia; như linh mục Nguyễn Văn Lý, hiện được tự do tạm để chữa bệnh.

Tóm lại, theo Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế, rút tên Việt Nam khỏi danh sách CPC là quá vội vã. Theo ủy ban này, chính quyền Obama nên xem việc đưa tên Việt Nam vào danh sách CPC là một công cụ linh động để đạt được những cải thìện có thể lượng định được về tự do tôn giáo, nhưng vẫn không cản trở tiến bộ về những mặt khác trong quan hệ Mỹ-Việt.

Trong bản báo cáo, Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế cũng đã chỉ trích chính quyền tổng thống Obama là ngày càng bớt quan tâm đến việc bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới.

http://saoplus.blogspot.com/2010/05/vietvatican07.html