“CHÍNH ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN”

(Suy niệm nhân lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu)

“Cho ăn”, “nuôi sống”, là bổn phận cụ thể nhất nơi những người làm cha mẹ trong gia đình. Thử nhìn một vòng thế gian sẽ thấy không có cha mẹ nào lại được miễn khỏi phải bận tâm về việc nuôi sống những đứa con của mình.

Nhìn về những nước chậm tiến, những vùng sâu, vùng xa, vùng quê nghèo, sẽ thấy việc lo cho con cái có được “cái ăn” và được ăn đầy đủ, quả là một thách đố không nhỏ.

Những ngày sau 1975, những lát khoai cõng lác đác vài hạt cơm trắng, cái củ nần luộc đến bảy nước rồi ăn vẫn còn ngứa cả miệng, những lát mì khô hầm nhừ từ đêm trước rồi quết dẻo với mấy hạt lạc rang cho dễ nuốt qua ngày, vài con cá khô mốc sì tranh mua ở cửa hàng nhà nước…, đã vậy, cha mẹ còn phải bấm bụng nhịn cho con có được bữa no tạm bợ.

“Chính anh em hãy cho họ ăn”

Khi cho con cái “cái ăn”, người làm cha mẹ phần nào hiểu ra rằng con cái đang sống chính sự sống của mình, đang ăn chính thịt máu của mình. Và ngược lại, làm con cái, không ai có thể phủ nhận việc mình đã được sinh thành và dưỡng nuôi bằng chính thịt máu của cha của mẹ.

Mẹ đang gầy guộc đi, vì đã hiến mình cho con cái. Cha đang tàn tạ đi, vì một đời tận tụy cho con.

Tôi muốn nói rằng: Bí Tích Thánh Thể đang được cử hành ngay trong nhà bạn, trong nhà tôi đấy. Chính những người làm cha, làm mẹ đang dâng Thánh Lễ hằng ngày, và cũng chính họ là của lễ cho Thiên Chúa để nuôi đàn con của mình. Họ vừa là chủ tế, vừa là chính lễ tế.

Động lực nào đã thôi thúc con người ta không chỉ chu toàn bổn phận làm cha mẹ, mà còn chu toàn một cách hiến tế thánh thiện ? Đối với những gia đình không Công Giáo, ý nghĩa hiến tế có vẻ mơ hồ, hoặc theo một trật tự tự nhiên Chúa đã đặt, nhưng đối với các Kitô Hữu Công Giáo, thì thiết nghĩ, phải vượt lên trên cái tự nhiên ấy, vì động lực thôi thúc họ tự hiến cho con cái chính là:

- Lời Chúa Giêsu dạy hôm nay: “Chính anh em hãy cho họ ăn”

- Mình Máu Thánh Chúa Giêsu họ đã lãnh nhận nơi bàn tiệc Thánh Thể, để rồi họ ý thức sâu xa rằng, chính mình cũng phải trở nên của ăn cho con cái, cho người khác nữa.

Như thế, thiết nghĩ, mỗi động tác tình yêu và hy sinh trong gia đình của các tín hữu để nuôi sống con cái, sẽ trở nên Thánh Lễ thường nhật của những Tư Tế Cộng Đồng đang hiệp thông với các Tư Tế Thừa Tác trên toàn cầu, cùng trong một Thầy Cả thượng phẩm đời đời là Đức Giêsu Kitô.

“Chính anh em hãy cho họ ăn”

Càng kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong tâm tình hiến tế, càng năng ăn Thịt và uống Máu Chúa Giêsu qua việc rước lễ, mỗi người càng khám phá ra được Sức Sống Thần Linh đang linh hoạt trong cuộc sống mình từ lời ăn tiếng nói, đến cả những việc phải làm vì tình yêu, và lại càng khám phá ra những phép lạ kỳ diệu của Thánh Thể và của ơn hiến tế.

Hãy nhìn lại những phép lạ Thánh Thể trong đời sống các gia đình, phép lạ từ những cái ăn:

- Phép lạ từ những củ khoai, củ sắn, củ nần, của những ngày gian khổ nay đã trở nên những cử nhân, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, hoặc giản dị chỉ là những con người bình thường trong xã hội nhưng luôn có ích cho Thiên Chúa, hoặc đã trở nên những Nữ Tu, Linh Mục ngay trong chính gia đình mình.

- Phép lạ từ những Thánh Lễ trên đường bán bong bóng như bán cả hơi thở, bán cháo lòng như bán cả cõi lòng, bán hột vịt lộn như bán cuộc sống luôn sẵn sàng thích nghi, gánh cả hàng rong như gánh cả tương lai con trên đường quê ra phố chợ, nay đã được thấy cái ấm no hiện tại và tương lai ngời sáng của con cái mình.

- Phép lạ từ những Thánh Lễ trên đường ra ruộng, lên nương rẫy, trên sóng nước, vào rừng sâu, trong tiệm ăn, ngoài công trường, và cả bên vệ đường, nay đã thấy con cái thành gia thành thất đúng theo lề luật Chúa.


Vâng, không thể mơ tưởng một sự giàu có vô bổ nào khác, nhưng hãy ngộ ra rằng “Bánh đã hóa ra nhiều” ngay trong gia đình ta, những tấm bánh kết tinh từ những hy hiến đẫm mồ hôi nước mắt của mẹ của cha.

Hãy tạ ơn Chúa luôn luôn và tiếp tục làm cho cơm bánh hóa ra nhiều, để nuôi sống không chỉ người trong nhà mà còn biết bao nhiêu người đang đói. Đó chính là ý hướng Thánh Thể, nếu không nói là một đòi hỏi công bằng của Thánh Thể.

“Chính anh em hãy cho họ ăn”

Vì họ đang đói. Có những người đang thực sự đói của ăn phần xác chung quanh chúng ta giữa một xã hội phân cấp càng ngày càng chênh lệch, “kẻ ăn không hết, người làm không ra”. Họ đang cần một sự chia sẻ thực sự, một ổ bánh mì buổi sáng, một gói mì tôm buổi tối, một chén nước sạch, một chút ánh sáng đủ soi căn nhà ẩm thấp tồi tàn, một manh áo, một tấm chăn qua cái lạnh mùa đông…

“Chính anh em hãy cho họ ăn”

Có những người đang đói niềm hy vọng, đang đói tình thương yêu, sự cảm thông. Cũng có những người đang đói công lý, đói tự do, đói nhân quyền, đói nhà cửa, đói gia cư, đói cái chữ...

“Chính anh em hãy cho họ ăn”

Là Kitô hữu Công Giáo, thấp nhất là Giáo Dân, đã không thể đứng về phía những người giàu có quyền lực, giàu có vật chất mà dửng dưng trước những cái đói đang nhan nhản nơi tha nhân, của đồng bào, của các Kitô hữu khác, huống chi là các Đấng các Bậc cao cấp trong Hội Thánh lại có thể làm cho cái đói khát ấy ra tồi tệ hơn, lần hồi mà dẫn đến cái chết lạnh lùng. Dứt khoát tôi sẽ không tin là có thể nào lại ra nông nỗi như vậy được. Vì làm như thế, thì làm sao còn gọi được là sống Bí Tích Thánh Thể trong hành trình Đức Tin của mỗi người tin ?

Thánh Thể Chúa Giêsu phải là nội lực cho tất cả những hy hiến trong đời sống các tín hữu, vừa thôi thúc vừa hỗ trợ, lại còn phát sinh những phép lạ vĩ đại cho mỗi tín hữu và cho cả cộng đồng nhân loại. Từ đó, cuộc sống trở nên Thánh Lễ từng phút giây trong đời người, không chỉ cử hành Bí Tích trên bàn thờ, mà cử hành ngay trên đường ra phố chợ, trên đường tới những đau thương bi đát nhất trong cuộc đời.

Làm sao anh em có thể ăn thịt của tôi, uống máu của tôi nếu tôi không chấp nhận bị nghiền nát và hóa thân nên tấm bánh ngọt ngào, nên ly rượu thơm ngon ?

Làm sao tôi có thể cho anh em ăn những của thần linh, của ăn đem lại sự sống đời đời, khi tôi lại sống chỉ bằng những của ăn hay hư nát ?

Làm sao tôi có thể trở thành Máu Thịt Chúa Giêsu cho mọi người, khi tôi vẫn còn giữ cho mình một ngôi vị phàm tục ở đời cho muôn năm danh vọng, một sự vinh thân phì da, luôn sợ trầy trụa thương tích, cứ mải bận tâm lo cho mình một chỗ an thân, sợ đổi chủ, sợ bị kế vị, sợ phải nhường ngôi ?

Nếu có thật như thế thì chỉ là vì tôi chưa dám đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Thánh Thể, một Đức Giêsu bằng lòng chịu chết cho thế gian chúng ta, trong đó có cả tôi nữa, được sống.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con biết yêu mến, gắn bó, và luôn khao khát rước lấy Thánh Thể Chúa, làm sức mạnh cho cuộc sống hiến dâng của chúng con, nơi gia đình, ngoài xã hội và trong Giáo Hội. Amen.


PM. CAO HUY HOÀNG, 03.6.2010