LIỀU MẠNG


(bài đã được viết vào Chúa nhật 12TN, năm 2004)

Thánh giá tràn ngập cuộc sống con người. Nói khác, đời là bể khổ. Muốn thoát khổ hay muốn lợi dụng đau khổ cho một mục tiêu nào đó xoay quanh vấn đề nhìn thấy đau khổ như một phương tiện hay một chướng ngại cho cuộc đời. Thế thôi. Đức Giêsu sẽ mạc khải tất cả chiều kích đau khổ trong sứ mệnh cứu độ nhân loại.

TIỀM NĂNG

Khi tìm cách tránh né đau khổ, người ta có thái độ nào nếu không phải là sợ hãi, kinh tởm … Như thế, phải chăng đau khổ không có một ý nghĩa và giá trị nào đối với con người. Đức Giêsu không dạy chúng ta đi tìm đau khổ. Đó là một hoang tưởng. Nhưng Người dạy chúng ta chọn một thái độ trước đau khổ.

Muốn hay không, cuộc đời đầy đau khổ. Có những đau khổ phát xuất từ lòng tham của con người. Nhưng cũng có những đau khổ không tùy thuộc con người. Chẳng hạn, tai nạn, thiên tai. Có khi do tha nhân, chứ không tùy thuộc cá nhân mình. Như thế, diệt dục có chấm dứt nổi đau khổ hay không ?

Đức Giêsu đi vào kiếp người. Người cũng phải chấp nhận tất cả khổ đau của thân phận làm người. Bởi vậy, Người không ngần ngại mạc khải tất cả sự thật về chính mình : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết” (Lc 9:22). Nhưng Người không chịu đau khổ vì đau khổ. Thực vậy, Người buồn rầu khi nghĩ tới đau khổ (Ga 12:27), cầu xin Chúa Cha cất chén đắng (Lc 22:42), và cảm thấy thấm thía đau khổ trên thập giá (Mt 27:46).

Nếu cứ quay cuồng trong đau khổ, Người sẽ không tìm được lối thoát. Dĩ nhiên đau khổ của Người phát xuất từ lòng tham lam và gian ác của con người. Nhưng thay vì tránh né, Người đã mạc khải tất cả bản chất và ý nghĩa đau khổ. Cái chết của Người tuyệt đối cần thiết cho công cuộc cứu độ và vinh quang phục sinh (Mc 8:31-33; Lc 24:25-26). Đau khổ là phương tiện để Người trở thành “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9:20). Từ vị trí này, Người thấy rõ một tương lai rực rỡ mở ra trước mắt. Nghĩa là, sau khi bị giết chết, Người “sẽ trỗi dậy” (Lc 9:22).

Không phải chỉ Người mới trỗi dậy. Nhưng “chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6:5). Chính vì thế, Đức Giêsu mới dám kêu gọi mọi người theo Chúa (x. Lc 9:23). Nếu không theo Chúa, cứ lầm lũi vác thập giá theo ý mình, chắc chắn sẽ không thể nào vào cõi vinh quang phục sinh. Người đã không dừng lại ở biên giới đau khổ, nhưng đã vượt lên trên để mạc khải ý nghĩa của đau khổ hôm nay. Đó chỉ là con đường đưa tới vinh quang, chứ không phải là trở ngại cho bước tiến của con người. Đó cũng không phải là sức mạnh đêm tối phá tan mọi ước vọng con người.

Hơn nữa, cũng như Đức Giêsu, Kitô hữu có thể biến thập giá thành sức mạnh cứu độ cho toàn thể nhân loại. Bởi vậy, Kitô hữu trân trọng từng bước chân theo Thày. Nếu ngã gục dưới sức nặng khổ giá, họ sẽ không thể nào bước vào vinh quang. Phải bước theo Thày, mới có đủ sức mạnh biến khổ đau thành nguồn ơn cứu độ cho chính mình và tha nhân.

Như thế, nhờ đau khổ, Đức Giêsu đã mạc khải chính mình. Cũng chính nhờ đau khổ, Kitô hữu mới có thể biết Chúa là ai. Người không muốn chúng ta đau khổ. Nhưng Người muốn chúng ta tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa khi chạm trán với thực tế cuộc đời. Con người có khuynh hướng tránh đau khổ. Khi gặp đau khổ, họ tự nhiên muốn co cụm lại, chỉ muốn tránh xa mọi người và sống cho riêng mình. Lúc đó, con người tìm mọi cách để cứu mạng sống mình. Nhưng đó không phải là con đường giải thoát. Chỉ có một lối duy nhất đem lại sự toàn vẹn cho con người, đó là liều mất mạng sống vì Thày Chí Thánh (Lc 9:24).

Chỉ khi nào dấn thân tới mức đó, Kitô hữu mới có thể thấy bản chất Kitô hữu là gì (Mt 5:10-12). Cũng như Đức Kitô, các môn đệ sẽ chịu bách hại (Mt 10:24; Ga 15:19-21). Theo Đức Kitô, họ phải từ bỏ chính mình (Mt 16:24; Mc 8:34-35; Lc 9:23), phải học chịu đau khổ bất công (1 Pr 4:15-19), mà vẫn vui mừng (Gc 1:2; 1 Pr 4:13), vì Chúa Kitô (1 Cr 4:9-11; Pl 1:29).

GIẢI THOÁT

Đau khổ dai dẳng nhất trong cuộc sống chính là lao động. Danh lợi và tủi nhục cũng từ đó. Lao động có thể giải thoát, nhưng cũng có thể xích hóa con người. Nhờ đôi tay, con người tạo ra danh lợi. Nhưng cũng chính danh lợi lại trở thành cạm bẫy nhốt chặt con người.

Không bao giờ cái vòng danh lợi buông tha con người. Thật luẩn quẩn ! Con người tưởng chừng lên tới tận mây xanh nhờ sức mạnh danh lợi. Nhưng thực tế họ bị tội lỗi và lòng dạ ích kỷ che mờ lý trí đến nỗi không còn nhìn thấy chương trình quan phòng đầy ắp tình yêu Thiên Chúa. Để tìm lại hình ảnh nguyên thủy, con người cần phải bắt đầu lấy lời Chúa giải cứu việc làm khỏi “lô-gích của lợi nhuận, chia rẽ, nong nả tìm kiếm thêm của cải, lòng tham tích lũy và hưởng thụ,” vì khi lệ thuộc “tài sản phi nhân bản” việc làm trở thành một “ngẫu tượng quyến dũ và bất nhân” (Gioan Phaolô II : Zenit 4/5/2004). Phải bắt đầu công cuộc cứu độ từ chính việc làm, vì việc làm đào luyện và sáng tạo con người về một phương diện nào đó.

Nhưng lao động để làm gì ? Phải chăng lao động chỉ để kiếm ăn ? Nếu đúng thế, con người và loài vật khác nhau chỗ nào ? Thật là luẩn quẩn. Chỉ Thánh Linh mới có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn đó mà thôi. Thật thế, “người lao công Nadarét nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống còn giá trị hơn thực phẩm. Và lao động vì con người, chứ con người không sinh ra để lao động. Cái làm cho cuộc sống cao cả không phải là toàn bộ những gì thủ đắc, cũng không phải loại chuyên môn, hay cấp độ công việc. Con người vô cùng cao cả hơn những sản phẩm họ sản xuất hay sở hữu.” Thực tế, “tâm hồn con người quan tâm quá mức tới đồ ăn áo mặc mà chẳng quan tâm tới những anh em nghèo khổ nhất, con tim bị mù quáng vì của cải, mất khả năng sống liên đới và yêu thương vô vị lợi, khép chặt tâm hồn trước Thiên Chúa và anh em. Bởi vậy, người Kitô hữu, cá nhân hay tập thể, đặc biệt giáo dân, có bổn phận len lỏi vào cơ cấu xã hội để in sâu luật Chúa vào cuộc sống trần thế” (Gioan Phaolô II : Zenit 4/5/2004). Nhờ thế, con người và môi trường sẽ được phúc âm hóa. Ơn cứu độ sẽ chan hòa mặt đất. Hòa bình sẽ đến với nhân loại.


LM Đỗ Văn Lực