Những ngôi sao bay… ngược
Trong giới showbiz, hầu như bất cứ diễn viên hay ca sĩ nào sau khi đã chiếm được tình cảm của khán thính giả trong nước thì sau đó đều muốn thực hiện bước tiếp theo trong sự nghiệp của mình bằng cách mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên trong làng nhạc pop rock không hiếm những trường hợp sao bay… ngược, nghĩa là những nghệ sĩ tìm được sự nổi tiếng từ nước ngoài trước rồi mới được công nhận ở quê hương mình.
Trường hợp mới nhất là Justin Bieber, một hiện tượng của năm 2010. Nhí nhảnh, trẻ trung, “xinh” không thể tả, cậu chàng 16 tuổi người Canada này đang gây sốt khắp mọi nơi. Năm 2010 đang chứng kiến nhiều làn gió trẻ mượt mà và cái tên Justin Bieber đang là đại diên ưu tú nhất. Thế nhưng trước khi thành danh ở Mỹ thì cái tên Justin Bieber lại không được biết đến nhiều ở Canada quê hương cậu. Phải đến khi Billboard của người Mỹ xướng danh cho album My World 2.0 trở thành quán quân trên Top 200 thì người Canada mới bắt đầu lên cơn sốt Bieber. Và cũng phải đến khi album này có được một số phận đẹp như truyện cổ tích ở Đức, New Zealand, Pháp hay Thụy Sĩ cùng với đó là những show diễn liên tục ở nước ngoài với nghẹt đầy fan hâm mộ thì ở quê nhà Bieber mới được xem như một niềm tự hào mới.
Justin Bieber chỉ được biết đến ở Canada sau khi đã thành danh ở Mỹ
Huyền thoại The Beatles
Hầu như những fan của âm nhạc đều ít nhiều biết rằng tứ quái huyền thoại The Beatles là ban nhạc Anh đã chinh phục nước Mỹ và cả thế giới trong suốt thập niên 1960. Nhưng trước khi trở thành thần tượng ở quê nhà, bốn chàng trai Beatles đã tạo được tiếng vang lớn ở Hamburg, Đức. Với đội ngũ ban đầu bao gồm 5 thành viên, nhóm nhạc non choẹt the Silver Beatles đã khá chật vật trong việc mưu sinh ở quê nhà Liverpool nên đã chuyển “địa bàn hoạt động” của mình sang khu “đèn đỏ” Reeperbahn thành phố Hamburg của Đức để chơi nhạc. Sau hơn 2 năm chơi nhạc đến 18 tiếng đồng hồ một ngày ở các hộp đêm nổi tiếng ở đây như Top Ten Club hay Kaiserkeller, nhóm The Beatles mới có cơ hội trau dồi tài năng của mình. Chính những thủy thủ và lính Anh đồn trú tại Hamburg đã mang cái tên The Beatles trở lại quê hương của họ. Khi trở về chơi nhạc ở Liverpool, một người chủ quán bar ở đây, vẫn tưởng The Beatles là một nhóm nhạc Đức, đã khen họ rằng: “Các bạn nói tiếng Anh tốt lắm!”.
Không chỉ có nhóm The Beatles, nhiều huyền thoại âm nhạc khác cũng thành công bằng con đường “mang chuông đi đánh xứ người” trước tiên. Anh em nhà Gibb của nhóm Bee Gees bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình từ năm 1958 từ thời niên thiếu ở Manchester, Anh quốc. Tuy nhiên, sự nghiệp âm nhạc của nhóm chỉ bắt đầu phát triển khi gia đình Gibb di cư sang Úc và sinh sống ở đó suốt 9 năm trời. Trong suốt thời gian đó, nhóm Bee Gees đã phấn đấu trở thành ban nhạc hàng đầu của xứ chuột túi với chương trình truyền hình riêng hàng tuần. Và khi single Spicks and Specks của họ đạt hạng nhất tại Úc năm 1967, nhóm quyết định quay về Anh để cạnh tranh với thần tượng The Beatles.
Một nhóm nhạc Anh nữa cũng thành danh ở nước ngoài là nhóm hard rock huyền thoại, Deep Purple. Hai đĩa đơn đầu tiên của nhóm: Hush và Kentucky Woman là những bài “hit” ở Mỹ nhưng không gây được chút tiếng tăm gì ở Anh. Mãi đến khi tay bass Roger Glover và ca sĩ Ian Gillan vào nhập bọn năm 1969 thay thế cho Nick Simper và Rod Evans, Deep Purple mới được quê hương đón chào. Kể cũng lạ, trong khi hàng trăm ban nhạc Anh thời kì đó tìm đủ mọi cách để đặt chân đến Mỹ và ghi dấu ở đây thì Deep Purple lại trở thành sao ở Mỹ trước khi được biết đến ở Anh.
Nhóm nhạc vĩ đại nhất của Anh quốc nhưng lại biết đến từ Đức
Cây guitar lừng lẫy người Mỹ Jimi Hendrix của Mỹ cũng rơi vào trường hợp “bụt chùa nhà không thiêng” tương tự. Sau nhiều năm chật vật mưu sinh ở New York với vai trò nhạc công của nhiều nhóm nhạc địa phương, chàng trai Jimi Hendrix khăn gói vượt Đại Tậy Dương sang London để xây dựng sự nghiệp của mình, đó là năm 1966. Tại đây, anh được tay bass Chas Chandler của nhóm Animals nhận làm người quản lí. Cùng với Mitch Mitchell và Noel Redding, Jimi Hendrix thành lập nhóm Jimi Hendrix Experience (JHE) để cạnh tranh với nhóm hard rock người Anh rất nổi tiếng thời đó, Cream. Nhóm JHE lập tức tạo nên cơn sốt ngay lập tức ở Anh và một năm sau đó, Jimi Hendrix cùng nhóm nhạc của mình trở về Mỹ trong festival âm nhạc Monterey bất hủ. Từ sau buổi diễn đầy “lửa” (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), dân Mỹ mới biết rằng chàng thanh niên da đen đã đốt cây đàn của mình trên sân khấu kia là một báu vật của họ.
Trào lưu mới trong thời đại phẳng
Tất nhiên một ca sĩ Pháp có thể được biết đến ở Nam Phi thông qua Internet, một ca sĩ Việt Nam vẫn được nghe ở Mỹ bởi những mạng xã hội nổi tiếng. Nhưng để thấy thành công như cậu chàng Justin Bieber (nhờ Youtube) thì chưa có nhiều ví dụ chứng minh. Trong khoảng hơn một thập niên qua, làng nhạc Mỹ hay châu Á vẫn chứng kiến nhiều trường hợp nổi danh từ ngoài biên giới nước mình.
Năm 1996, khi giới teen ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác điên đảo với những Everybody hay Get Down của năm chàng trai trẻ A.J, Brian, Kevin, Howie và Nick của nhóm nhạc Backstreet Boys, một boys-band được thành lập tại Orlando, Florida theo hình mẫu New Kids On the Block của thập niên 1980, thì ngay tại nước Mỹ hầu như chẳng ai biết đến Backstreet Boys là ai. Ra đời từ năm 1993, với hàng loạt bài “hit” trên các bảng xếp hạng châu Âu và châu Á, năm chàng trai dễ thương xứ cờ hoa đã phải chờ đến năm 1998 để được giới trẻ Mỹ chào đón tại quê nhà. Hai boys-band khá đình đám khác của Mỹ là 98 Degrees và N’Sync cũng giống như Backstreet Boys, thành công trên khắp thế giới rất lâu trước khi có thể tấn công vào những bảng xếp hạng tại chính nước Mỹ.
Giới trẻ MTV của những năm cuối thập niên 1990 của thế kỉ trước chắc hẳn vẫn còn nhớ đến ca khúc Snow on the Sahara với video clip khá ấn tượng của cô ca sĩ người Indonesia Anggun và đôi bàn tay uyển chuyển mềm mại. Hiếm người biết được một sự thật rằng, sau hai album bằng tiếng Indonesia không mấy thành công ở quê nhà, cô đã mạnh dạn sang Pháp định cư và bắt đầu gây được sự chú ý trên trường quốc tế bằng những ca khúc tiếng Anh và tiếng Pháp. Và hiện nay Anggun là một giọng hát rất được nể trọng.
Trào lưu “tấn công từ bên ngoài biên giới” vẫn tiếp tục diễn ra nhưng nó cho thấy rằng đây chưa hẳn là một đường vòng quá khó đi. Sự thành công luôn có những khắt khe của nó và các nghệ sĩ luôn theo đuổi những ước mơ đến cùng dù phải đi qua bao chông gai thử thách vẫn luôn nhận được sự tôn trọng của mọi người.
Thể thao & Văn hóa Online