1. XUẤT XỨ

Năm 1953 trên một nhật báo xuất bản ở Hà-nội, có kể huyền thoại về vua thứ nhì triều Nguyễn Việt-Nam là Minh-Mệnh (1791-1840), một đêm có thể giao hoan 6 lần. Sau 6 lần giao hoan với 6 bà phi tần đó, thì 5 bà thụ thai sinh ra 5 người con. Sỡ dĩ vua Minh-Mệnh đang là người bị bất lực, phục hồi sức khỏe lạ lùng như vậy, vì ngài được danh y đương thời cắt cho một thang thuốc bổ.

Huyền thoại viết ra người đọc không nắm vững vấn đề, tưởng rằng với một thang thuốc duy nhất, có thể tạo cho con người một thần lực tuyệt vời đến độ đang là người bất lực, mà một đêm có thể giao hoan 6 lần, sự giao hoan đó không cần cố gắng miễn cưỡng, hơn nữa dồi dào sinh lực, đến độ trong 6 cuộc giao hoan, 5 cuộc kết quả thụ thai. Sau đó vua Minh Mệnh trở thành ông vua rất mạnh về , có 147 người con.

Sự thật như thế nào? Vấn đề là không có gì huyền bí cả. Vua Minh-Mệnh bị chứng phong thấp (Tý-chứng) đã trị khỏi, rồi được bổ dưỡng mà có sức lực như trên. Các lương y đương thời (1953) sau khi đọc bài báo trên, bèn mang huyền thoại trong y-sử Việt-nam về y-sư Trần Ngạn-Xuân trị bệnh cho vua Minh-Mệnh ra kể, nhưng không vị nào biết rõ thang thuốc đó nội dung có những vị gì ? Bào chế ra sao ?

Thế rồi người ta căn cứ vào sự thực, vua Minh Mệnh có 147 người con, mà kết luận : Bài báo kia đúng chứ không sai đâu.

Năm 1955, Thủ-tướng Ngô Đình-Diệm đảo chính Quốc-trưởng Bảo-Đại, một đơn vị quân đội tiến vào hoàng cung cố đô Huế. Viên chỉ huy quân đội không ngăn cấm được quân sĩ, nên nhiều bảo vật bị lấy cắp đi mất, còn sách vở, tài liệu, thì vất bừa bãi. Triều đình có hai nơi tàng trữ thư tịch mật là : Quốc-sử quán và Tôn-nhân phủ . Quốc-sử quán là nơi chứa sách vở, tài liệu liên quan đến việc triều chính, sử ký và địa dư học. Tôn-nhân phủ là cơ quan tối cao của hoàng tộc, có trách nhiệm kiểm soát nhà vua, có trách nhiệm đề cử những vị vua kế vị. Tôn-nhân phủ chứa tất cả tài liệu tối cơ mật của triều Nguyễn, mà chỉ người thân thích trọng yếu hoàng gia được biết mà thôi. Trong những tài liệu cơ mật của triều Nguyễn, có một số y-án do danh y triều Nguyễn là Nguyễn Miên-Thanh (1830-1877) biên chép. Nguyễn Miên-Thanh là con thứ 51 của vua Minh-Mệnh, ông nổi tiếng là thần-y đương thời. Nguyễn Miên-Thanh đã chép tất cả những bí ẩn về bệnh lý của hoàng cung triều Nguyễn.

Từ cuộc binh biến đó sách vở hoàng cung bị lọt ra ngoài, người ta mới được biết rõ về phương thuốc xưa kia vua Minh-Mệnh uống, thang thuốc ấy không phải là thần dược gì lạ lùng, mà đã có nguồn gốc rất sâu sa. Nguyễn Miên-Thanh chép còn thiếu sót, so với sư phụ ông là Trần Ngạn-Xuân đã chép.

Bẵng đi 13 năm sau, năm 1966, trên nhật báo Sống, xuất bản tại Sài-gòn, nhà văn Chu Tử (Chu Văn-Bình) trong mục Ao thả vịt có viết giản lược rằng ông được một ẩn sỹ tặng cho thang thuốc bổ thận của vua Minh-Mệnh xưa kia, tên là Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử . Chu Tử còn giải thích : Sau khi vua Minh-Mệnh xử dụng, một đêm nhà vua có thể giao hợp 6 lần, trong 6 lần đó, sau sinh ra 5 người con.

Xét thang thuốc mà nhà văn Chu Tử chép trên Sống thì thiếu một vị và cách pha chế thì cũng khác xa với cổ nhân. Từ đó trong dân gian Việt-nam người ta cứ pha chế uống bừa bãi, cho rằng bổ thận tráng dương. Họ không biết rõ tại sao lại có những vị thuốc ấy. Những vị thuốc ấy tác dụng như thế nào ? Bản chất thang thuốc từ đâu mà có, công dụng ra sao? Có người uống vào thu được kết quả, có người uống vào chỉ thấy ngon mà không có hiệu quả gì. Lại cũng có người uống vào thì tuyệt hẳn đường sinh dục, vài người lăn đùng ra chết !

Năm 1978, các đồng nghiệp ARMA, IFA đã cùng chúng tôi thử nghiệm lại rồi đem giảng dạy. Hiện nay trong nước cũng như bên Hoa Kỳ, nhiều cơ sở thương mại căn cứ vào tài liệu này pha chế ra bán, cũng có nơi lại chế thành viên.

Vậy lai lịch thang thuốc đó như thế nào?

2. NGUỒN GỐC

Nguồn gốc thang thuốc có nhiều tên, những tên dùng trong y-học gọi là Phục dương đại bổ tửu . Thang thuốc có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 12.

2.1. Thiền-sư Minh Không

Niên hiệu Hội-tường Đại-thánh thứ 6 (1115) Thiền-sư Nguyễn Minh-Không (tức Lý Quốc-sư) chữa chứng bất lực cho vua Lý Nhân-tông (1066-1128) và Sùng Hiền hầu (sinh 1068), vì cả hai anh em các ngài đều bị chứng bất lực. Nguồn gốc của chứng bất lực đó do vua cha là Lý Thánh-tông (1023-1072) đã bị bất lực, được ngài Minh-Không trị khỏi, nhưng đến đời các con là vua Nhân-tông và Sùng-Hiền hầu vì dâm đãng quá độ mà bị bất lực nữa. Thiền sư Minh-Không chẩn mạch cho hai ngài. Cả hai bị thận âm, thận dương đều hư, nên ngâm rượu thang thuốc gồm 17 vị.

2.1.1. Lý triều đệ tam hoàng đế thang

Thang thuốc này còn có tên là Lý triều đệ tam hoàng đế thang. Vì vua Lý Thánh-tông là vị vua thứ ba của triều Lý.

2.1.2. Thành phần

Thang thuốc này gồm có

- 6 vị đại bổ huyết.

Trong y học Á-châu bổ huyết tức là bổ âm. Bởi theo học thuyết âm dương thì huyết thuộc âm. Đó là các vị :

Sa-sâm, Thục-địa, Bạch-thược, Đương-qui, Câu-kỷ-tử và Đào-nhân.

– 6 vị bổ khí.

Bổ khí tức là bổ dương. Đó là các vị :
Nhân-sâm, Đại-táo, Cam-thảo, Đỗ-trọng, Bạch-truật, Tục-đoạn.

– 2 vị làm cho hoạt huyết.

Tức làm cho huyết lưu thông tốt, là:
Xuyên-khung, Đại-hồi.

– 3 vị bổ tỳ.

Theo y-học Á-châu, muốn bổ dương thì phải bổ tỳ. Bởi tỳ là gốc của hậu-thiên-khí, bổ tỳ để cho ăn uống ngon miệng, tiêu hóa tốt. Đó là :
Trần-bì, Nhục-quế, Phục-linh.



1 vị đại bổ nguyên dương (thận dương).

Làm cho sinh tinh tủy cực kỳ mãnh liệt là:
Lộc-nhung.

Cộng chung là 18 vị. Hai anh em vua Lý đều khỏi chứng bất lực, nhưng nhà vua thì không thể có con trai, còn Sùng-hiền hầu thì có con.

Phương thuốc này, được lưu truyền dưới các tên sau :

– Minh-Không bổ dương thang,
– Nhân-tông phục dương đại bổ thang,
– Lý triều đệ tam (hoặc tứ) hoàng đế thang.

Hồi đó vua Nhân-tông cũng như Sùng-hiền hầu đều được phục hồi sinh lý. Cả hai đều có nhiều con. Nhưng vua Nhân-tông chỉ sinh công chúa, mà không sinh hoàng tử. Sùng-hiền hầu thì có cả thế tử lẫn quận chúa. Vua uống tới 25 thang. Sùng-hiền hầu uống 15 thang.

Dưới đây là phân lượng dùng cho vua Nhân-tông và Sùng-hiền hầu. Phân lượng thứ nhất là của vua Nhân-tông, phân lượng thứ nhì là của Sùng-hiền hầu.
1. Sa-sâm 1 tiền 1 tiền
2. Thục-địa 2 tiền 1,5 tiền
3. Bạch-thược 2 tiền 1,5 tiền
4. Đương-qui 3 tiền 3 tiền
5. Cam kỷ-tử 3 tiền 2 tiền
6. Đào-nhân 3 tiền 1 tiền
7. Nhân-sâm 1,5 tiền 1 tiền
8. Đại-táo 1,5 tiền 2 tiền
9. Cam-thảo 1 tiền 1 tiền
10. Đỗ-trọng 2 tiền 2 tiền
11. Bạch-truật 2 tiền 2 tiền
12. Tục-đoạn 2 tiền 2 tiền
13. Xuyên khung 2 tiền 2,5 tiền
14. Đại-hồi 1 tiền 1 tiền
15. Trần-bì 1,5 tiền 2 tiền
16. Nhục-quế 2 tiền 1,5 tiền
17. Phục-linh 2 tiền 3 tiền
18. Lộc-nhung 2 tiền 2 tiền

Thang thuốc này tùy theo từng bộ phận trong người mạnh hay yếu, tùy theo biến chứng, tùy theo thời khí của bệnh nhân mà cho vị nào nhiều hay ít, được lưu truyền xử dụng trong suốt triều nhà Lý, sang đầu triều Trần. Các y gia sau Lý Quốc-sư có sửa đổi đôi chút, nhưng căn bản vẫn nguyên vẹn. Kết quả tốt. Nhưng phải chẩn đoán cho đúng là Thận dương và âm đều hư thì mới dùng được. Nếu thận-âm hư mà dùng thì nguy hiểm, nhất là những người bị chứng âm-hư sinh nội nhiệt như : Tai kêu, áp-huyết cao (HTA), v.v... mà dùng thì tai vạ không nhỏ.

Thang thuốc trên chỉ dùng trong trường hợp thận dương hư hoặc Thận âm, thận dương đều hư mà thôi.

2.1.3. Cách pha chế

Thông thường thì ngâm rượu làm hai nước. Nước thứ nhì giảm hiệu năng 2 phần. Vậy những vị khá giả hoặc sống ở Mỹ-Úc, thuốc rẻ thì chỉ nên ngâm một nước thôi.

a. Nước thứ nhất

– Khi cắt thì yêu cầu dược phòng gói thành 2 gói. Một gói lớn gồm 16 vị, một gói gồm 2 vị Nhân-sâm, Lộc-nhung.
– Dùng 200 đến 300 g đường phèn, bỏ vào 2 lít nước đun sôi, chờ đường tan thì để nguội.
– Nghiền 16 vị gói lớn dập dạp, lớn khoảng hạt ngô. Rồi bỏ vào nước đường.
– Ngâm khoảng 3 đến 4 giờ.
– Đổ 2 lít rượu nếp trắng trên 40 độ (Rượu đế, rượu đậu nành, rượu chuối đều được). Nếu không có thì dùng Thiệu-hưng tửu, Mai-quế lộ.
– Để vào chỗ ấm áp, khô ráo. Tuyệt đối không được chôn dưới đất, hoặc cất vào nơi lạnh, ẩm ướt.
– Mỗi ngày đảo một lần.
– Sau 20 ngày thì gạn nước cốt ra. Nếu khá giả thì đổ bã đi. Bằng tiếc thì ngâm nước thứ nhì.
– Bỏ nước cốt vào bình khác, bấy giờ mới ngâm nước cốt với Lộc-nhung, Nhân-sâm.
– Sau khi ngâm 7 ngày thì bắt đầu uống.

b. Nước thứ nhì.

– Dùng 100 g đường phèn vào 1 lít nước đun sôi.
– Để nguội, rồi đổ bã vào ngâm. Sau 7 ngày thì đổ vào 1 lít rượu ngâm tiếp trong 20 ngày. Sau đó vớt bã vứt đi.
– Nước này lại ngâm với Lộc-nhung, Nhân-sâm.

2.1.4. Hiệu năng

Bổ thận dương,
Sinh tinh, ích tủy.

2.1.5. Chủ trị

a. Dùng bồi bổ sức khỏe,

Những người không bệnh, tình trạng âm dương thăng bằng, dùng phương thuốc này vô hại. Hơn nữa làm tăng tiến sức khỏe, giữ được tuổi xuân (của cả quý ông, quí bà).

Đừng ngại ngùng, khi dùng thuốc này thấy:

– Người nóng lên, tim đập mau, (trong lúc say).
– Ăn ngon.
– Tinh thần minh mẫn,
– Làm việc bằng trí óc hiệu quả tăng.
– Cường độ tăng.

Ghi chú dành cho các vị bác sĩ :

Những người âm dương thăng bằng khi thử nghiệm máu, tất cả đều bình thường. Sau khi uống liền 3 thang thì thấy :

– Hồng cầu tăng.
– Bạch cầu giảm.
– T3-TSH đều tăng.
– Glycémie tăng.
– Cholestérol bình thường.
– Triglycéride bình thường.

Tuy tăng, giảm nhưng vẫn ở trong tình trạng giới hạn.





b. Chủ trị, (Chỉ định)

Thận dương hư hoặc dương hư theo y học cổ truyền.

– Sắc mặt trắng bệch,
– Sợ lạnh, chân tay lạnh (Huyết áp thấp, nhiệt độ trong người thấp,
tim đập chậm),
– Tinh thần mề mệt,
– Lưng đau, gối mỏi,
– Bất lực : Dương vật không cử, hoặc cử mà không kiên.
– Nữ thì bào cung lạnh, không thụ thai.
– Chất lưỡi lợt, rêu lưỡi trắng.
– Mạch trầm-tế vô lực.

Theo y học Á-châu, công năng của thận như sau:

Tàng tinh, chủ cốt, sinh tủy, thông não.

Khi thận dương hư sẽ sinh ra:

– Nam bất lực sinh lý. Nữ lãnh cảm.
– Bần tinh (Oligospermies), tinh nhược (Asthénospermies) hoặc cả hai (Oligo-Asthénospermies).
– Xương cốt suy nhược: Người lớn mệt mỏi, trẻ con chậm lớn, xương kêu lọc cọc, đi đứng khó khăn, tuổi già lưng còng.
– Răng là xương, vì vậy răng yếu, không bóng.
– Óc không được bồi dưỡng, kém linh hoạt, tinh thần thất thường.

Thận khai cùng ở nhị âm, quan của thận là tai,

Khi thận dương hư suy sinh ra:

– Tiện bí.
– Tiểu tiện bất lợi (Tiểu đêm, tiểu vặt, vãi đái, trẻ con đái dầm).
– Vãi đái (Incontinence),
– Tiền liệt tuyến suy nhược (Prostatite).
– Tai điếc.

Hoa của thận là tóc.

Khi thận dương hư suy sẽ sinh ra chứng rụng tóc (Còn chứng tóc bạc sớm là do thận âm hư).

c. Phần dành cho các vị bác sĩ

Chúng tôi dùng rượu này trị bệnh phụ nữ, rất hữu hiệu trong trường hợp sau:

– Xáo trộn hormone, vì thần kinh, vì suy nhược.
– Phụ nữ không thụ thai, do cơ thể suy nhược (Infertilité).
– Phụ nữ trong thời kỳ mới thụ thai bị nôn mửa, suy nhược.
– Tử cung co giật khi mang thai ( Contractions ultérines).
– Tử cung bị sa (Prolapsus génital.)
– Kinh nguyệt không đều.
– Thời kỳ chuẩn mãn kinh (Pré-ménopauses.) Tuy nhiên phải cẩn thận, đã có nhiều tai nạn: Khi phụ nữ sắp đến thời kỳ mãn kinh, không ngừa thai, uống rượu này sẽ thụ thai.
– Sản phụ thiếu sữa.

2.1.6. Dụng pháp, dụng lượng

– Ngày uống hai lần làm rượu khai vị.
– Mỗi lần uống từ 10 tới 20 cl. Không nên uống quá 40cl một ngày.
– Uống nguyên chất. Tuyệt đối không nên uống với nước đá.
– Khi uống, tuyệt đối trong ngày không uống bất cứ loại rượu nào khác, kể cả bia. Nước ngọt thì được.
– Đàn ông, đàn bà; già, trẻ đều uống được. Phụ nữ mang thai, trong thời gian hành kinh cũng uống được.

2.1.7. Cấm kỵ

Các trường hợp sau đây không nên uống rượu này:

– Thận âm hư, âm hư nội nhiệt.
– Nhiệt chứng (tim đập nhanh trên 90 lần một phút).
– Huyết áp cao.
– Khi bị nhiễm trùng tạm ngừng. Sau khi trị nhiễm trùng khỏi thì uống trở lại được. (Cảm mạo, nhiễm trùng đường hô hấp, tiểu tiện, siêu vi gan, AIDS-SIDA) v.v.)
– Trong thời gian xử dụng rượu không nên ăn, uống thức mát (Rau má, đậu xanh, giá sống, khổ qua, hoa cúc v.v.)
– Ung thư phổi, gan.
– Tai biến mạch máu não (AVC).
– Đây là loại rượu làm tăng khả năng , vì vậy các nhà tu nên tránh, để giữ thanh quy, ngũ giới. Tuy nhiên các vị tu sĩ của Hồi-giáo, của Tin-lành thì... tha hồ!



2.2. Công chúa Thủy-Tiên

Năm 1294 Thuỷ-Tiên Công-chúa (1254-1359), dưỡng nữ của Hưng-Đạo vương, phu nhân của danh tướng Phạm Ngũ-Lão (Sự thực tước phong của Ngài là Thạc-hòa Đoan-duệ, hiếu khang công chúa) trị bệnh cho vua Trần Anh-tông (1267-1320) đã xử dụng lại. Vua Anh-tông nhà Trần nhân vì bị huyết-hư, tỳ-dương, thận dương hư nên bị chứng phong-thấp. Công-chúa dùng châm cứu để khu phong, tán-hàn và trục-thấp.

Nguyên tắc trị phong-thấp bằng dược Á-châu hay châm-cứu học, thì chỉ trị cho khỏi đau, nếu khéo giữ gìn, thì bệnh khó tái phát. Còn không thì bệnh tái phát rất dễ dàng. Trị bệnh thì chỉ có khu phong, tán-hàn là dễ, còn thấp thì không bao giờ trục tuyệt cả. Loại tà này vẫn còn ở dưới một mức độ nào đó, nên khi ra ngoài, gặp hàn, gặp phong, là bị tái phát ngay. Bởi vậy sau khi Thủy-Tiên Công-chúa dùng châm cứu trị cho nhà vua, thì lại dùng thang thuốc của Minh-Không thiền-sư để bổ dưỡng Thận-dương, bổ-huyết và bổ-khí để bệnh không tái phát. Tuy nhiên trong người nhà vua vẫn còn bị ngoại tà phong, hàn, thấp cho nên bà đã dùng 5 vị để trị phong-thấp đó là :

Thương-thuật, Khương-hoạt,
Tần-gia, Hổ-cốt, Mộc-qua.

Vì vậy thang thuốc đang từ 18 vị tăng thành 23 vị. Hiệu năng cũ là bổ thận-dương hoặc cả thận dương và thận âm nay trở thành thang thuốc : Bổ dưỡng thận dương, thận âm, bổ khí, bổ huyết và trừ Phong-thấp ở mức độ thấp. Chủ trị bây giờ thành :

– Trị chứng bất lực do di chứng của phong-thấp.
– Hoặc trị chứng bất lực cho những người ở vùng hàn-đới.

Bởi người ở vùng hàn-đới thì không thể nào không mắc phải chứng phong-thấp, nhưng bệnh ở mức độ thấp nên không phát tác đau ốm. Tóm lại, thang thuốc trị chứng bất lực có 8 phần, thì trị phong thấp 2 phần.

Những người bị chứng âm hư nội nhiệt như đã nói trên, hoặc huyết áp cao, đang thời gian nhiễm trùng, cảm cúm thì không nên dùng.

2.3. Các y gia đời Lê

Năm 1433, con trưởng của vua Lê Thái-tổ là quận vương Lê Tư-Tề (1408-1438) nhân vì trọn đời niên thiếu theo vua cha chinh chiến, nên bị chứng bất lực như vua Trần Anh-tông xưa kia. Thiền sư Trần Quang-Từ (1384-1462) lại dùng thang thuốc trên chữa cũng khỏi. Thang thuốc được dùng nhiều trong suốt thời nhà Lê gần 400 năm.

3. PHỤC DƯƠNG ĐẠI BỔ TỬU

Năm 1824, vua Minh-Mệnh bị chứng phong thấp. Nguồn gốc do ngài cư ngụ ở vùng nhiệt đới (Gia-định) suốt thời thơ ấu, lại bôn ba vất vả vì theo phụ hoàng là vua Gia-Long chinh chiến nhiều. Y-sư Trần Ngạn-Xuân dùng thang thuốc Phong thấp tửu (xem phần thứ 3, chương thứ 5) trị phong thấp cho nhà vua. Trong thang thuốc này cũng có những vị trị phong thấp và một số ít vị bổ dưỡng. Khi nhà vua gần khỏi chứng phong thấp thì chứng bất lực cũng khỏi, nhà vua vẫn uống thuốc, nhưng đêm đêm vui chơi với cung nga. Y-sư Trần Ngạn-Xuân phải dọa nhà vua rằng : Thang thuốc mà nhà vua dùng uống chỉ để trị phong thấp mà thôi. Nhà vua cần uống hết hai thang trị chứng phong thấp. Khi chứng này gần tuyệt, bấy giờ y-sư mới thực sự trị chứng bất lực cho nhà vua. Nhà vua hỏi tại sao chỉ mới uống phong thấp mà ngài đã thèm phòng sự ? Y-sư trả lời rằng : Chứng phong thấp của nhà vua, một là do thuở thiếu thời Nguyên khí suy, lao khổ, ở trong vùng nóng, rồi lớn lên ở vùng lạnh (Huế), bởi vậy bệnh càng nặng. Chính phong, hàn, thấp làm cho cơ thể tổn hại thêm, thành ra bất lực. Trong thang thuốc trị phong thấp thì có đến 8 phần trị bệnh và có 2 phần trị bất lực tức bổ dương. Khi trị phong thấp thì cơ thể không bị tà khí làm ngăn trở, nên tình dục trở lại, được thêm 2 phần bổ thận dương nữa, nên nhà vua cảm thấy người khỏe mạnh. Sự thực sự khỏe mạnh đó chưa phục hồi. Đợi sau khi nhà vua uống hết hai thang thuốc trị phong thấp, rồi lại được uống hai thang thuốc bồi bổ cơ thể nữa thì mới thực sự khỏe mạnh.

Bị dọa, nhà vua không còn dám phòng sự nữa, cứ kiên tâm uống thuốc, nhưng thực sự ngài rất thèm phòng sự, mà không dám, sợ bị bất lực vĩnh viễn như y-sư dọa. Sau khi uống hết thang thuốc trị phong thấp thứ nhì, y-sư cho nhà vua uống thang thuốc mà thành phần như sau :

Lấy thang thuốc của Thủy-Tiên Công-chúa, mà thêm vào một số vị.

3.1. Thành phần

Những vị thêm vào là:

– 3 vị trị phong thấp: Phòng-phong, Độc-hoạt, Hồng-cúc.

– 1 vị đại bổ can, thận : Hà-thủ-ô.

Như vậy thành phần cuối cùng của thang thuốc mà vua Minh-Mệnh được uống là :

Phục dương đại bổ tửu

– 8 vị bổ thận-âm, bổ huyết và tinh khí :

Sa-sâm 5 tiền, Thục-địa 5 tiền, Đương-quy 5 tiền, Kỷ-tử 1 tiền, Đào nhân 5 tiền, Xuyên khung 3 tiền, Bạch thược 5 tiền, Hà-thủ-ô 5 tiền.

– 10 vị đại bổ nguyên dương (Thận dương),

Đại táo 5 tiền, Cam thảo 2 tiền, Đỗ trọng 3 tiền, Tục đoạn 2 tiền, Bạch truật, 3 tiền Trần bì 3 tiền, Nhục quế 3 tiền, Đại hồi 2 tiền, Nhân sâm 4 tiền.Lộc nhung 5 tiền.

– 9 vị trị Phong thấp:

Thương thuật 2 tiền, Hồng cúc 2 tiền, Khương hoạt 2 tiền, Tần gia 2 tiền. Hổ cốt 2 tiền, Phục linh 3 tiền, Phòng phong 3 tiền, Độc hoạt 2 tiền, Mộc qua 2 tiền.

Cộng chung 27 vị nặng 8 lượng 6 tiền (268,75 g)

Tóm lại diễn tiến của thang thuốc từ khởi thủy là Minh-Không thiền sư cho đến y-sư Trần Ngạn-Xuân như sau :

Minh-Không . Xử dụng 18 vị để trị chứng bất lực, không con cho 2 vị đời Lý vào năm 1115. Thuốc chỉ trị chứng bất lực nguồn gốc do di truyền. Đời cha đã bất lực, đời con phòng sự quá độ bị bất lực và không con. Thang thuốc bổ cả thận âm, lẫn thận dương. Kết quả hai bệnh nhân khỏi bất lực, nhưng chỉ 1 người có con.

Thủy-Tiên Công chúa . Xử dụng thang thuốc của Minh Không, để trị chứng bất lực do di chứng của phong thấp. Bởi bệnh nhân là vua Trần Anh-tông bị bất lực, mới sinh phong-thấp nay dùng châm cứu trị phong-thấp, rồi thêm 5 vị trị phong-thấp vào thang thuốc bổ thận của Minh-Không để trị chứng bất lực và một phần phong-thấp còn lại trong cơ thể. Nhà vua khỏi bệnh có nhiều con.

Trần Quang-Từ . Dùng lại thang thuốc của Thủy-Tiên Công-chúa trị chứng bất lực cho quận vương Lê Tư-Tề. Nguyên do chứng bất lực là bị phong-thấp đưa đến như vua Trần Anh-tông. Kết quả : Bệnh nhân khỏi hẳn.

Trần Ngạn-Xuân . Xử dụng thang thuốc của Thủy-Tiên công-chúa trị chứng bất lực cho vua Minh-Mệnh (1824), nhân nhà vua bị phong-thấp sinh bất lực. Y-sư thêm vào ba vị nữa đó là Phòng-phong, Hồng-cúc, Độc-hoạt để trị phong-thấp và một vị đại bổ thận-can nữa là Hà-thủ-ô.Vua Minh-Mệnh khỏi bệnh có 147 con.

Tương truyền sau khi uống hết thang thuốc bổ, khi y-sư Trần Ngạn-Xuân thấy nhà vua có thể phòng sự được, đồng ý cho nhà vua nhập hậu cung.Vua Minh-Mệnh trong một đêm đã phòng sự với sáu người cung nga. Sau đó 6 người cung nga đã thụ thai và sinh ra 7 người con, bởi có một người sinh đôi... Huyền thoại đó truyền ra ngoài, dân chúng gọi thang thuốc đó là Nhất dạ lục giao sinh thất tử , nghĩa là một đêm giao hợp 6 lần sinh 7 người con. Nhưng chính ra thang thuốc có tên là Phục dương đại bổ tửu .Trong bẩy người con đó có 5 hoàng tử, 2 công chúa. Vì đương thời trọng nam, khinh nữ, nên người ta còn gọi là Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử .

3.2. Cách pha chế

3.2.1. Nguyên tắc tổng quát

Khi cắt thuốc, yêu cầu gói làm bốn gói.

– Các vị Hà-thủ-ô, Nhân-sâm, Lộc-nhung gói làm ba gói khác nhau . Đây là phần ngâm sau.
– Gói thứ tư, gồm tất cả các vị còn lại tất cả gói chung một gói. Đây là phần ngâm trước.

3.2.2. Cách ngâm rượu

a. Các vị ngâm trước mang nghiền dập dập ra, lớn bằng hạt bắp là được không cần thiết nghiền nhỏ thành bột. Thục địa không nghiền được thì thái nhỏ ra.

b. Lấy 2 lít nước đun sôi với 200-300 g đường phèn. Nếu không có đường phèn, thì thay bằng đường thẻ cũng được. Tất cả các loại đường khác đều không dùng được.

c. Sau khi đun sôi để nguội.

d. Đổ tất cả số thuốc ngâm trước vào nước đường. Nhớ để nguội mới ngâm, ngâm khi nước còn nóng thì hỏng. Ngâm khỏang 6-12 giờ thì đổ vào 2 lít rượu thật ngon (45 độ trở lại). Nếu không có rượu trắng (Nếp) thì ngâm với Mai-quế-lộ, Thiệu-hưng tửu càng tốt. Tất cả các loại rượu khác đều không dùng được. Người Pháp có loại rượu trắng là Eau de vie dùng để ngâm các loại hoa quả, tuyệt đối không nên dùng thứ này, không ích lợi, mà còn có kết quả ngược lại nữa.

e. Sau 7 ngày thì chắt lấy nước cốt, bỏ bã ra.

– Nước cốt lại ngâm với những vị ngâm sau là Hà-thủ-ô, Nhân-sâm, Lộc-nhung.

Không nên ngâm nước cốt với cả ba loại ngâm sau, mà phải căn cứ vào bệnh lý.

Muốn biết mình nên dùng vị nào trong ba vị Hà-thủ-ô, Lộc nhung, Nhân-sâm thì xem phần Phân tích dược lý.

f. Sau khi gạn nước cốt, thì bã còn lại cũng dùng được. Đun sôi 100 g đường phèn, để nguội, đổ vào với bã, đổ thêm vào 1 lít rượu loại như trên. Cứ ngâm như vậy càng lâu, càng tốt. Đợi sau khi uống hết nước cốt thứ nhất thì lại vớt bã ra lấy nước cốt thứ nhì, ngâm với loại ngâm sau (Hà-thủ-ô, Lộc-nhung, Nhân-sâm) nói ở trên. Nước thứ nhì không tốt bằng nước thứ nhất.

Nếu có phương tiện (nhiều tiền) thì không cần phân làm hai nước. Ngay khi ngâm nước thứ nhất để trong vòng một tháng mới vớt ra, ngâm với các vị ngâm sau, bã thì bỏ đi.

4. CÁCH TÀNG TRỮ

– Ngâm trong một bình thật kín, nút kín, nếu để bay hơi, thuốc mất một phần công hiệu.
– Nên cất vào những chỗ ấm áp,
– Tuyệt đối không được cất vào những chỗ ẩm ướt, lạnh lẽo.
– Khi uống cũng tuyệt đối cấm uống với nước đá. Bởi bản thân tên là Phục dương đại bổ tửu chuyên về bổ dương, mà để vào chỗ ẩm ướt, lạnh lẽo hoặc uống với nước đá là loại âm hàn làm mất công hiệu của thuốc. Trước đây có một vị lương-y không rõ nguyên lý dược tính, mang thuốc đi chôn dưới đất, bởi vậy khi dùng, mất gần hết công hiệu.

5. HIỆU NĂNG

Đại bổ khí huyết, đại bổ thận.
Trừ di chứng phong-thấp.

6. CHỦ TRỊ

6.1. Chủ trị tổng quát

– Các chứng Phong-thấp nhẹ, thỉnh thoảng mới phát.
– Sau khi trị phong-thấp bằng các phương pháp khác, uống bản tửu thì bệnh sẽ không tái phát. Những độc khí của phong-thấp trong người sẽ được trục ra ngoài hết. Hoặc dùng bản tửu trị chứng phong-thấp cùng một lúc với những phương pháp khác (Tây dược, các loại thuốc Bắc, Nam, châm cứu, giác hơi, tẩm quất.)
– Những người sợ lạnh, cư trú ở vùng nhiệt đới, mới đến vùng hàn đới, cần uống để bảo vệ sức khỏe, giữ được độ ấm trong người, chống trả với khí hậu lạnh.
– Những người cần làm việc dưới nhiệt độ lạnh : Như nông dân, trong phòng lạnh, làm việc ngoài trời lạnh, cần uống chống lạnh.
– Các chứng đại tiện lỏng kinh niên, sôi bụng kinh niên, ăn uống đầy ứ khó tiêu, bao tử lạnh. Hoặc tỳ không chịu làm việc sinh ra đại tiện chảy. Tóm lại tất cả các bệnh sinh ra ăn khó tiêu, bao tử, ruột lạnh sinh ra đại tiện lỏng, phân màu bạc, v.v.
– Phụ nữ bị huyết trắng sinh ra đau bụng kinh, không thụ thai, kinh nguyệt tới trễ.
– Các chứng lãnh cảm của phụ nữ.
– Các chứng sinh ra gầu nhiều, tóc rụng vì ở vùng khí hậu lạnh.
– Các chứng sinh ra bàn chân, bàn tay lạnh người lạnh, sợ lạnh.

6.2. Chủ trị các của đàn ông, bất lực dưới các hình thức sau :

– Khi phòng sự, lúc đã chuẩn bị, thì dương vật lại bị uỷ thoái (Cbk tức cử bất kiên).
– Tinh xuất quá sớm (Bệnh gà).
– Còn trẻ (dưới 30 tuổi) mà nhịp độ giao hoan thưa (1 tuần trở đi mới giao hoan được 1 lần).
– Bất lực do hàn lãnh, do bao tử, ruột lạnh.
– Bất lực do di chứng hay do chứng phong-thấp.
– Bất lực do làm việc dưới khí hậu lạnh lẽo.
– Bất lực do di chứng bệnh tật như những người ở tù ra, bị đánh đập...
– Bất lực do tâm lý :chán nản không muốn giao hợp (Dcl tức dương cử lãn).
– Bất lực do tuổi già hoặc thời niên thiếu trác táng (rượu, gái) quá độ. Thông thường những người từ 30 tuổi trở đi, thì thận-khí bắt đầu suy, kể cả nam lẫn nữ. Cần uống để phục hồi tuổi xuân : Yêu đời, và tái phòng sự được. Bởi vậy bản dược thường tự coi là thuốc hồi xuân, trường sinh bất lão.
– Các chứng phù thủng, người đầy nước. Những người mập nước, uống vào nước sẽ bị tống ra ngoài.

6.3. Bổ dưỡng

Dùng cho người đau mới khỏi, sản phụ mới sinh. Kiệt sức.

7. DỤNG PHÁP, DỤNG LƯỢNG

Mỗi ngày uống khoảng 10 cl đến 20 cl. Không nên uống quá 40 cl mỗi ngày. Muốn uống thêm, nên hỏi thầy thuốc gia đình.

Uống làm rượu khai vị, trước bữa ăn.

Uống vào buổi sáng trước khi đi làm việc ở nơi lạnh lẽo.

8. CẤM KỴ

Bởi là một loại thuốc đại bổ dương, nên các trường hợp sau đây cấm uống :

– Các bệnh nhiễm trùng. Đợi sau khi hết bệnh hãy uống.
– Các chứng cảm mạo.
– Các chứng táo bón (Đi cầu phân cứng).
– Các chứng huyết áp cao (HTA).
– Nhiệt chứng (Mạch nhảy trên 90 lần một phút).
– Các chứng đái đường loại nặng.
– Trong khi dùng thuốc trụ sinh, (Antibiotiques) hay Cortisone ngừng uống bản tửu.
– Âm hư, dương thăng. (Xem biểu hình cấm kỵ ở phần trên nói về Lý triều đệ tứ hoàng đế thang).

9. PHÂN TÍCH DƯỢC LÝ

Bản dược thuộc loại đại bổ toàn cơ thể.

9.1. Gồm 8 vị đại bổ thận âm, bổ huyết, bổ tinh khí

Những vị này bổ huyết trong trường hợp huyết hư như thiếu máu, thiếu hồng huyết cầu, hoặc trong máu có những bất thường. Bổ thận âm, bởi thận âm chỉ sinh ra xương, tủy, não, nên bổ thận âm sẽ làm cho xương, tủy được bổ sung, dùng cho người già yếu xương cốt yếu, người làm việc sức lực nhiều xương cốt mỏi. Hoặc bệnh phong thấp làm cho xương cốt tổn hại. Bổ thận âm tức bổ não, trị chứng già hay quên, hoặc vì bất cứ lý do gì trí nhớ giảm thiểu, làm việc trí não, đầu óc mệt mỏi.

Vì đại bổ thận âm, nên những người thiếu tinh khí, nhất là phụ nữ âm hộ bị khô do lớn tuổi, sẽ được bổ dưỡng, nam thì bần tinh ( Asthénospermies, Oligo-spermies), lâu ngày mới phòng sự được một lần. Những người bị bệnh mụn, nhọt do huyết hư. Phụ nữ kinh nguyệt ít đưa đến không con, hoặc mất kinh quá sớm, hoặc kinh kỳ tới trễ.

9.2. Gồm 10 vị đại bổ thận dương tức bổ dương, bổ khí

Những vị này làm cho phụ nữ hết lãnh cảm, tử cung nóng lên, trị được huyết trắng và đau bụng kinh. Nam thì dương vật khó cử, hoặc cử mà không kiên, được bổ dương khí giúp dương vật cử dễ dàng, cử cứng, chắc. Bổ dương tức làm nóng cơ thể lên, người cảm thấy khỏe mạnh, làm nóng bao tử, ruột, chống được các chứng tiêu chảy, phù thủng. Dương khí làm con người chống được lạnh, người linh mẫn, hoạt động làm việc được nhiều.

9.3. Dùng để trừ tà khí

Nếu bản dược chỉ có các vị bổ âm, bổ dương không, thì là một thứ bổ âm, dương, nhưng thêm vào 9 vị trừ phong thấp, mà vị trừ Phong thấp nào cũng có tính chất làm nóng cơ thể, cho nên bản dược thiên về bổ dương cực mạnh, mới gọi là Phục dương đại bổ tửu. Trong 9 vị, có vị để khu phong, có vị để trừ thấp, nhưng vị nào cũng làm nóng cơ thể tức tán hàn. Phong thấp do phong, hàn, thấp nhập vào cơ thể mà thành. Như vậy trong 9 vị đều làm nóng cơ thể cả, mà còn giải phong, và nhất là trừ thấp. Trừ thấp làm nóng cơ thể, thì nước trong người sẽ được tống ra ngoài, bởi vậy người bị phù thủng trị cũng được. Hàn và thấp thường làm cho bao tử lạnh, ruột lạnh sinh ra đại tiện chảy, phụ nữ bị huyết trắng, bởi vậy 9 vị này hợp với các vị bổ dương trên, thành một thứ trị hàn thấp, phong thấp sinh ra đau nhức, huyết trắng và phù thủng, đại tiện rất tốt.

Riêng ba vị thuốc gói riêng để ngâm sau thì tác dụng khác nhau rất nhiều. Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà dùng, chứ không nên tham lam dùng cả một lượt.

Nhân-sâm.

Tính vị: Cam (ngọt), vi khổ (hơi đắng), vi ôn (hơi ấm).
Qui kinh: nhập tỳ, phế kinh.
Công hiệu : Đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích khí, định thần ích khí, sinh tân (Nước nhờn trong người).

Lộc-nhung.

Tính vị : Cam (ngọt), hàm (mặn), ôn (hơi ấm).
Quy kinh : Nhập can, thận kinh.
Công hiệu : Bổ can, thận ; ích tinh huyết.

Hà thủ ô.

Tính vị: Khổ (đắng), vi ôn.
Quy kinh : Nhập can, thận kinh.
Công hiệu: Bổ can, ích huyết .

– Cả ba vị đều có tính chất vi ôn ( hơi ấm), tức là làm nóng thiên về bổ dương cả. Nhưng nhân-sâm thì nhập tỳ-kinh, phế-kinh. Còn 2 vị kia thì nhập can, thận-kinh.

Vậy :

– Bệnh nhân ăn ít, hô hấp khó khăn, bị bệnh phổi, mũi, thì cho dùng Nhân-sâm. Ngâm thêm với Nhân-sâm thì phế, tỳ sẽ mạnh hơn lên, hơi thở dễ dàng, ăn uống ngon miệng. Khi tỳ, phế mạnh thì hậu thiên khí (Gồm khí trời và thực vật ăn uống mà thành) mạnh lên do vậy trí nhớ tăng.

– Lộc-nhung dùng trong trường hợp thận yếu, can yếu đưa đến mắt nhìn vật không rõ, làm cho mạnh thận dương, sinh ra nhiều tinh khí, gân cốt mạnh. Bởi vậy bệnh nhân thiên về bất lực, ít tinh, gân cốt yếu thì dùng.

– Hà-thủ-ô thiên về bổ huyết nhiều hơn. Vậy bệnh phụ nữ kinh nguyệt ít, đàn ông gầy gò, hoặc sau khi bị bệnh lâu ngày thì dùng đến.

Những người bị bao tử lạnh, đau bụng tiêu chảy thì không nên dùng Hà-thủ-ô. Nhất là những người bị bệnh phổi, bị bệnh có đàm, bị nhức trong người nhiều tránh dùng Hà-thủ-ô.

Lộc-nhung đắt gấp mấy lần Nhân-sâm, tuy nhiên chính Nhân-sâm cũng không rẻ cho lắm. Nếu muốn đỡ tốn tiền thì dùng các vị pha trước cũng đủ, không cần thiết đến các vị pha sau. Trước đây chắc vua Minh-Mệnh bị chứng phong-thấp hành hạ lâu ngày, khiến cho thận hư, can hư, huyết hư quá đáng nên y-sư Trần Ngạn-Xuân mới phải dùng 3 vị pha sau.

Tóm tắt

– Bệnh nhân yếu phổi, ăn ít thêm Nhân-sâm.
– Bệnh nhân bệnh nặng hơn bất lực hoàn toàn hoặc già, trẻ con chậm lớn thêm Lộc-nhung.
– Bệnh nhân người gầy gò, tinh huyết khô, nhất là tóc sớm bạc thêm Hà-thủ-ô.

Hà-thủ-ô dùng để trị những người đầu sớm bạc do thận hư. Người ta thường huyền thoại hóa đi rằng Hà-thủ-ô có thể cải lão hoàn đồng, làm đầu bạc hóa đầu xanh, đó là nói quá đi. Thực sự Hà-thủ-ô chỉ làm ngừng bạc tóc mà thôi.

Còn nếu bệnh nhân quá hư nhược, bất lực, phong-thấp thì dùng cả ba thứ ngâm sau.

Từ sau năm 1955 trong dân gian Việt-nam thường truyền tụng thang thuốc rượu thuốc vua Minh-Mệnh, hoặc Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử, nhưng thang thuốc không thấy nói hai vị quan trọng là Hà-thủ-ô và Lộc-nhung. Thực sự bổ thận, chữa bệnh bất lực thì nhân-sâm không tốt bằng hai vị kia. Thang thuốc bỏ mất hai vị kia, thì công hiệu bổ thận giảm đi một nữa. Có lẽ người phổ biến thang thuốc không có đủ tài liệu, chỉ nắm được một phần, hoặc giả họ muốn dấu, mà chỉ phổ biến có vị nhân-sâm, khiến cho bệnh nhân ăn ngon.

Thang thuốc khởi đầu do Lý Quốc-sư Nguyễn Minh-Không có tên là Lý Quốc Sư Đại bổ tửu, do Lý Quốc-sư trị cho vua Lý. Thang thuốc Thủy-Tiên Công-chúa trị cho vua Trần gọi là Thủy-Tiên trường thọ tửu hay Đông-a phục dương tửu, hay Trường xuân tửu. Đến y-sư Trần Ngạn-Xuân cải sửa, trị cho vua Minh-Mệnh được gọi là Nhất dạ lục giao sinh Thất tử hoặc Phục dương đại bổ tửu , nhưng trong dân chúng lại gọi là Rượu thuốc vua Minh-Mệnh hoặc Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử.

10. KẾT LUẬN

Phương thuốc cổ thời, từ thế kỷ thứ 12, lưu truyền sửa đổi mãi cho đến thế kỷ thứ 19 thì không sửa đổi gì nữa. Sở dĩ nó bị coi là thang thuốc bí truyền, vì chỉ nằm trong những gia đình quý tộc.

Hiện ở đâu có người Việt là thang thuốc này được lưu truyền, pha uống bừa bãi, không hiểu nguyên do tại sao, nhất là thiếu mất ba vị căn bản.

Chúng tôi đã phân tích, thử nghiệm lại, và được dùng rất rộng rãi trong giới các bác sĩ Âu-Mỹ châu, sau khi tốt nghiệp các đại học y-khoa, đã thấy một số bất lực y-học hiện tại, nên tìm về y-học Á-châu giải quyết. Thang thuốc đã giúp cho việc trị bệnh rất nhiều, kết quả rất tốt. Các bác sĩ ở Châu-âu thường trị chứng phong-thấp cho bệnh nhân bằng châm cứu, nhưng không biết làm thế nào cho chứng này hết tái phát, bởi châm cứu mà bổ dưỡng thì rất khó khăn, nhất là đối với người già. Bởi vậy thang thuốc này được dùng tới. Bệnh nhân bị chứng bất lực do phong-thấp ở mức độ thấp, chưa đến trình độ sưng nhức, hoặc di chứng phong-thấp làm cho bất lực, các bác sĩ không biết làm sao giải quyết, nên đã trở về với thang thuốc trên kết quả thực toàn vẹn.

Gần đây người ta hoặc dùng phương thuốc của Quốc-sư Minh-Không, hoặc của Công-chúa Thủy-Tiên, hoặc của Y-sư Trần Ngạn-Xuân, rồi ngâm rượu bán, hoặc chế thành viên, với những tên khác nhau, nhưng không hướng dẫn tận tường, khiến người mua dùng mà không kết quả, hơn nữa có nạn tiền mất không phải tật mang, mà chết oan uổng:

– Hoàng đế đại bổ tửu,
– Trường xuân tửu,
– Rượu bộ vua Minh-Mạng.
– Minh Mạng hoàng đế hoàn.
– V.v. và v.v.

BS Trần Đại Sỹ