CHIẾN ĐẤU ĐỂ VÀO CỬA HẸP


Is 66, 18-21; Dt 12, 5-7.11-13; Lc 13, 22-30

Người ta vẫn thường nói rằng cái gì do công khó của mình làm nên nó mới quý còn cái gì không phải do mồ hôi nước mắt của mình làm ra thì cũng như không. Chuyện hết sức đơn giản, cũng với sống tiền đó nhưng với những người lao động đổ mồ hôi sôi con mắt mới có được thì người sử dụng nó mới cảm nhận được cái quý của những đồng tiền như vậy. Ngược lại, những người không vất vả mà có số tiền đó họ sẽ không trân trọng những đồng tiền ấy.

Với con người, vật chất đồng tiền thì ai ai cũng quý cả nhưng người ta vẫn đề cao những ai vất vả lao nhọc để có tiền hay vật chất.

Con người, với lòng tin thì quê hương của mình không phải ở cái trần gian tiền tài, danh vọng và dục vọng này. Lòng tin của những người tin đó là Nước Trời. Như vậy, Nước Trời là nơi rất quý và rất trân trọng. Chúa Giêsu đã nhiều lần ví Nước Trời như thửa ruộng kia có chôn một viên ngọc quý và người thương gia đã phải bán tất cả những gì mình có được để mua thửa ruộng có viên ngọc quý ấy. Hôm nay, nói về ơn cứu độ, về Nước Trời thì Chúa Giêsu lại dùng một hình ảnh hết sức thực tế đó là cánh cửa. Thường thì ai cũng thích cửa thật lớn để ra vô cho thoải mái nhưng Chúa Giêsu lại ví cái cửa đi vào Nước Trời lại là cửa hẹp.

Một lần nữa Luca xác định Chúa Giêsu đang "trên đường lên Glêrusalem". Một nhận xét có tính thần học hơn là địa lý. Chúa Giêsu đang tiến gần đến Thành Thánh, nơi chính Ngài phải đi trước qua "cửa hẹp". “Cửa hẹp” Chúa Giêsu phải đi qua đó là chính cuộc khổ nạn. Qua cuộc khổ nạn sẽ dẫn đưa anh em mình vào dự tiệc Nước Trời. Sau đó, Ngài còn tuyên bố trong câu 33: "Tôi phải tiếp tục đi, vì một Ngôn sứ mà chết ngoại thành Giêrusalem thì không được ".

Chính lúc đó một người đối thoại vô danh - Luca viết: "Có kẻ "- hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? ". Một vấn nạn thường được đưa ra tranh luận giữa các kinh sư và luật sĩ thời đó : kẻ thì bảo" mọi người Israel sẽ được dự phần vào thế giới đang đến", người khác lại quả quyết "chắc chắn số kẻ bị hư mất sẽ nhiều hơn số người được cứu ".

Theo thói quen thường làm trong tình thế tương tự, Chúa Giêsu tránh không trả lời trực tiếp câu hỏi có tính lý thuyết của người đối thoại, nhưng mượn một dụ ngôn, trong trường hợp này là dụ ngôn Cửa Hẹp, Người đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ cho thính giả mọi thời, xưa cũng như nay. Thay vì đoán xa đoán gần về số lượng ít hay nhiều kẻ sẽ được chọn, tốt hơn họ nên lo cho phần rỗi của chính mình một cách sao cho thật thiết thực. "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào người nói rõ như thế. Động từ được Thánh Luca dùng ở đây và được dịch là "Hãy chiến đấu”. Như vậy đủ thấy tầm quan trọng mà Chúa Giêsu dành cho kiếp sống hiện tại của con người.

Câu chuyện hết sức bình dân về cánh cửa được Chúa Giêsu ví và chúng ta cũng vừa nghe Thánh Luca thuật lại : Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? " Người bảo họ: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”.

Không dừng lại ở chuyện vào cửa ấy nhưng Chúa Giêsu còn nhấn mạnh chuyện cánh cửa ấy mở và khép như thế nào : "Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào! , thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư ? Ta không biết các anh từ đâu đến! Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính! "Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isaac và Giacob cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. "Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót."

Bởi cánh cửa, cái cửa chật hẹp ấy, sẽ được "khoá" lại, nên người ta cần phải khẩn trương đón nhận lời dạy của Chúa Giêsu và đem ra thực hành. Thời giờ không còn nhiều. Không hề có chế độ ưu tiên trong việc tham dự bàn tiệc Nước Trời. Đâu phải cứ thuộc giống nòi Abraham, '"từng được ăn uống trước mặt Ngài", từng được nghe Ngài giảng dạy trên các đường phố của mình, là đương nhiên được Chúa Giêsu, vị chủ nhà, mở cho vào khi gõ cửa. Nhưng là phải biết đón nhận lời loan báo nước Trời và mau mắn hoán cải, nếu không sẽ phải nghe tiếng trả lời từ trong nhà : "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính ".

Có những kẻ dệt mộng lớn là được cầm chiếc vé vào Nước Trời nhưng mộng ấy đã bị vỡ. Thật đau đớn vỡ mộng cho những kẻ tưởng rằng cứ thuộc về dân của Chúa là đương nhiên nắm chắc trong tay tấm vé vào dự bàn tiệc Nước Trời. Họ sẽ phải đứng ngoài cánh cửa đã khép kín, trong lúc cả một đám đông dân ngoại "từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa".

Và để hoạ lại lời tiên tri của ông già Simêon: " Cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng những kẻ đứng chót (dân ngoại) sẽ lên hàng đầu, và cả những kẻ đứng đầu (dân Đo Thái) sẽ xuống hàng chót". Lời cảnh báo được gởi đến trước hết cho những thính giả Do thái cư ngụ ở Giuđê là Galilê trong những năm 28-30 ... Tuy nhiên chúng ta đừng quên: những lời của Phúc Âm luôn luôn mang tính hiện tại và nhằm mời gọi một sự hoán cải. Không thể có một thứ ơn cứu độ dọn sẵn cho những Kitô hữu không lo thực hành ngay việc canh tân liên lỉ đời sống mình.

Nước Thiên Chúa là một thực tại mầu nhiệm. Nước ấy hiện diện như một hạt giống bé nhỏ đang vươn lên thành cây cao bóng cả. Nó được vùi vào trong bột như chút men làm dậy cả khôi bột. Để được đự phần vào nước ấy, con người phải để cho Nước ấy biến đổi, phải để cho men của Nước ấy làm dậy bột. Nước chỉ đóng vai kẻ ngoài cuộc hay kính nhi viễn chi thôi thì không đủ phải bước vào, mà cánh cửa lại chật hẹp, nó chỉ mở ra cho những ai nỗ lực bước qua. Chúa Giêsu đã đến giữa nhân thế, và loài người. có thể lui tới gặp gỡ người: '"chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, là Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi". Nhưng như thế không đủ. Nhưng sau đó phải bước theo Chúa, phải vào trong Nước Trời qua chính cửa hẹp đó, nếu không sẽ mãi là kẻ xa lạ : "Ta không biết các anh từ đầu đến".

Đi qua cửa hẹp để vào Nước Thiên Chúa không nhất thiết ưu tiên cho những ai đã từng gần gũi với Ngài và thậm chí không phải là thấy mặt Ngài theo kiểu diện đối diện. Dụ ngôn trực tiếp nhắm đến tất cả các dân tộc đã sinh ra người trên đời trong đó có mỗi người chúng ta. Thuộc thành phần "từ đông tây nam bắc đến dự tiệc, chính chúng ta cũng dễ dàng tháo lui không dám bước qua cửa hẹp. Hành trình của sự hoán cải không có lối đi vòng nào khác: "Cút di cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính". Chỉ có một thứ giấy thông hành thôi đó là phải hoán cải cuộc đời. Chính sự hoán cải ấy sẽ cấp cho chúng ta quyền công dân của Nước Trời. Khi điều đó được sáng tỏ, chúng ta mới thấy mọi thứ giả tạo sẽ lộ nguyên hình: "Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót".

Dựa vào lời dạy của Chúa Giêsu, Thánh Luca muốn đưa ra câu trả lời chính xác cho một tình huống khá cụ thể, trong đó kẻ thuận người chống về vấn đề dân ngoại xin gia nhập Hội Thánh. Người thuận thì cho rằng Nước Thiên Chúa luôn mở rộng cho tất cả những ai tìm kiếm và muốn bước vào. Người chống thì chủ trương phải thuộc thành phần ưu đãi, nghĩa là phải được cắt bì theo luật Do Thái mới được gia nhập. Lời giáo huấn của Chúa Giêsu hết sức rõ ràng. Lời ấy đụng đến và gây vấp phạm đến tất cả những ai từng bám vào những đặc ân và ngoại lệ, những bảo hiểm an toàn dành cho những tín hữu "ngoan đạo".

Dẫu là cửa có hẹp đi chăng nữa nhưng nó vẫn đủ rộng để đón mời mọi người và mỗi người. Ngược lại, lối thênh thang thì lại không thênh thang như người ta tưởng. Để lọt được vào trong cửa hẹp, đòi phải có lời đáp trả của tình yêu Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta được nghe nhắc lại tầm quan trọng của đức tin và việc sống đạo, mà chủ yếu là thực hành hai giới răn chính mà thực tế chỉ là một giới răn tình yêu. Cần phải lên án cả lối nhìn nghiêm khắc của phái Khắc Kỷ lẫn chủ trương dễ dãi buông thả của phái Hưởng Thụ, cả sự bối rối sợ hãi lẫn thái độ thoải mái vô tư.
Hãy dẹp sang một bên mọi tính toán suy nghĩ lo lắng vu vơ mà trở về với thực tại đời mình. Điều quan trọng là chúng ta trở về với căn cốt của nguồn mạch Tin Mừng. Chính nơi đó người ta tìm được tất cả những gì mình phải là và phải làm và nhất là phải phấn đấu qua cửa hẹp để được vào Nước Trời và thành "công dân Nước Trời".


Anmai, CSsR