Chúa Nhật 24 Thường Niên Năm C
LÒNG NHÂN
Xh 32, 7-11.13-14; 1 Tm 1, 12-17; Lc 15, 1-32
Có người kia nói lên suy nghĩ của mình sau khi nghiền ngẫm Thánh Kinh rằng đọc xong Thánh Kinh, chỉ giữ lại một trang duy nhất mà thôi. Trang đó là chương 15 của tin mừng theo Thánh Luca mà chúng ta nghe hôm nay. Người có ý tưởng đó có lý của họ khi Chúa Giêsu đã nói về lòng nhân từ, lòng thương xót của Ngài đối với tất cả các tội nhân.
Cảm nhận của người kia thật chính xác về lòng nhân từ, lòng thương xót của Chúa bởi lẽ từ Cựu Ước đến Tân Ước, độc giả đọc tới đọc lui thì thấy thấp thoáng một tình thương bao la đại hải của Thiên Chúa. Có thể nói rằng bao nhiêu lần con người phản nghịch thì bấy nhiêu lần Thiên Chúa lại xót thương. Không chỉ xót thương bình thường mà xót thương nằm ngoài trí tưởng tượng của con người.
Minh chứng cho tình thương, lòng nhân đó hết sức rõ nét qua cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và ông Môsê trên núi khi Môsê lên núi gặp Thiên Chúa. Đức Chúa phán với ông Môsê: "Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Aicập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: "Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Aicập." Đức Chúa lại phán với ông Môsê: "Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn."
Thấy Thiên Chúa giận dữ, Môsê chờ cho Thiên Chúa dịu nét mặt và ông cầu xin "Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Aicập? Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Abraham, Isaac và Israel; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời."
Sau khi nghe lời trần tình của Môsê, Thiên Chúa đã nguôi cơn giận và đã không oán phạt dân như lời Ngài đã răn đe với ông Mosê.
Thánh Vịnh 30 câu 6 đã nói lên tình thương của Chúa :
Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
Chúa Giêsu, vâng lời Chúa Cha và xuống cõi trần gian này để cứu những con người yếu đuối, tội lỗi. Chúa Giêsu đang trên con đường lên Giêrusalem, nơi Người sẽ phải đổ máu để cứu muôn người. Nhiều "người thu thuế và tội lỗi, đến để nghe Người giảng. Những người Biệt phái và kinh sư thì khó chịu "xầm xì với nhau" chống lại Người bởi vì không chỉ "đón tiếp phường tội lỗi". Không chỉ thế, Chúa Giêsu còn "ăn uống đồng bàn với chúng, một hành động chứng minh cho mọi người thấy rằng Ngài “cùng phe với bọn chúng” !
Để trả lời cho những suy nghĩ, những lời xầm xì của Biệt phái và kinh sư Chúa Giêsu nói với họ ba dụ ngôn rất hay về lòng thương xót, lòng nhân từ của Thiên Chúa. Để biện minh cho cách đối xử của mình, Chúa Giêsu nêu lên lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những kẻ tội lỗi. Qua những lời Chúa Giêsu nói và các việc Chúa Giêsu làm, từng là cớ vấp phạm cho đối phương. Chúa Giêsu cho thấy lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đang được thể hiện và hoạt động. Và "tình yêu ấy của Thiên Chúa dành cho tất cả những ai chúng được yêu và cũng chúng đáng yêu, gián tiếp lên án sự cứng cỏi và khắc nghiệt mà những con người "đàng hoàng" hơn kia đã đối xử với họ".
Cả ba dụ ngôn đều nêu bật sáng kiến của Thiên Chúa, Đấng đi bước trước trong việc tìm kiếm tội nhân (hai dụ ngôn đầu) và đã "chạy ra" đón đứa con hoang trở về dụ ngôn thứ ba. Tuy nhiên đỉnh cao của mỗi dụ ngôn đều nằm ở lời mời gọi hãy chung vui vì đã tìm lại được:
Niềm vui của người "chăn chiên" vác "con chiên lạc đã được tìm thấy" trên vai. Mời gọi bạn bè và hàng xóm đến chia sẻ: "xin chung vui với tôi!".
Niềm vui của "người phụ nữ" tìm lại được "đồng bạc đã đánh mất", mời gọi bạn bè và chị em xóm giềng đến chia sẻ: "xin chung vui với tôi !".
Niềm vui của "người cha" khi đứa con trở về, "đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy", mời gọi người con cả cố chấp của mình cùng chia sẻ : "chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ!".
Những người Phariêu và kinh sinh viên cho rằng đón tiếp những kẻ tội lỗi cũng có nghĩa là bỏ rơi những người công chính, là để mặc những con chiên ngoan ngoài hoang địa. Vì vậy, họ coi thái độ xử sự của Chúa Giêsu như một hành động phản lại họ. Như vậy, chính những người này đã tự tách riêng mình ra, đứng ngoài bữa tiệc vui của Chúa Giêsu và những kẻ tội lỗi ăn năn trở lại niềm vui của người khác làm gai mắt họ, trong khi chính họ cũng được mời đến tham dự cuộc vui đoàn tụ của tất cả mọi người. Họ không hiểu rằng niềm vui đoàn tụ không chỉ riêng của con chiên lạc với chủ nó mà thôi, nhưng còn là niềm vui đoàn tụ chung của tất cả các con chiên với nhau, của con chiên lạc với 99 con kia, trong cùng một chuồng chiên, dưới cùng một chiếc gậy chăn của một chủ chiên duy nhất. Niềm vui còn phải được lan rộng ra đến mọi người hàng xóm và bạn bè, nếu không nó sẽ không trọn vẹn. Sẽ không thể có niềm vui đoàn tụ đích thực nếu có ai đó còn đứng ngoài. Tất cả đều được mời, và vòng tròn tham dự còn rộng mở đến tận trời cao, đến các thiên thần của Thiên Chúa. Từ chối chung vui với Chúa Giêsu, không chia sẻ niềm vui của ơn tha thứ được trao ban và đón nhận, chính là khước từ niềm vui Nước Trời, là xầm xì chống lại Thiên Chúa.
Trong một xã hội mà sự ghen tương, hiềm tỵ lên ngôi thì lòng nhân thật hiếm có. Ở giữa xã hội tranh giành hơn thua đó hiện lên một khuôn mặt nhân từ đó là Chúa Giêsu. Con người ấy đã dám đánh đổ mọi phe phái đạo đức và tôn giáo của đất nước mình. Thử tưởng tượng xem: "ông ta đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng". Tất cả bọn chúng tuôn đến để nghe ông ta. Trong lúc phía bên kia là những phần tử ưu tú trong dân về mặt trí thức, nhân đức và lòng đạo: nhóm Pharisêu và các kinh sư, những đấng bậc khả kính, những con người đủ tư cách sửa dạy người khác...
Con chiên bị mất, không hề có chi tiết nào nói nó kêu be be, để gọi chủ. Nó chẳng có công gì xứng đáng để được chủ vác lên vai. Mọi sự đều phát xuất từ người chăn chiên mà "niềm vui trong tim cứ muốn tràn sang đến tất cả. Và cả cõi thiên đình chẳng quan tâm bao nhiêu tới trật tự tốt đẹp nơi bầy chiên ngoan, lại tỏ ra vui mừng rộn ràng khi có một con người biết chỗi dậy và bắt đầu cuộc sống mới? Còn việc trở về của thằng con phung phá, ăn chơi và hư đốn? Tới bước đường cùng hắn mới chịu "hồi tâm suy nghĩ" : dù có cố tìm một lời lẽ gì đó để nói khi về đến nhà, thì chẳng qua chỉ vì đói nên hắn mới chịu mò về đó thôi. Cũng thế, tất cả đều khởi động từ cõi lòng người cha, "trông thấy con từ xa, ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ con và hôn lấy hôn để". Thằng con có ráng ấp úng bài diễn văn tạ tội đã dọn sẵn trong đầu cũng vô ích thôi, bởi lúc này ai nấy đang tưng bừng chuẩn bị dọn tiệc ăn mừng. Có cả tiếng ca tiếng đàn nữa ! Đối diện trước cả hai cánh tốt xấu trên của nhân loại, Chúa Giêsu tuyên bố lòng nhân từ của Chúa dành cho những kẻ bị loại trừ, bị khinh. Chúa là Mục Tử của Israel, là Cha của dân tộc, là người đã chạy đi tìm con chiên lạc và ra đón đứa con hoang trở về.
Thiên Chúa, mà người nhân đức thánh thiện tưởng mình độc quyền sở hữu, kẻ tội lỗi thì nghĩ mình đã quá xa rời, chính Người đã lật đổ mọi thứ học thuyết và mọi lề lối sống đạo có sẵn.
Chúng ta có thực sự tin rằng nơi vị Thiên Chúa ấy có tình yêu mãnh liệt, khiến Người luôn mơ đến một thế giới trong đó mọi người đều là anh em, và làm dậy lên trong Người một niềm vui mong được chia sẻ với tất cả ?
Thánh Phaolô vừa bộc bạch tình yêu, lòng thương xót của mình : Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.
Thiên Chúa ! Đấng chúng ta muốn là quan toà kết tội người khác, nhất là những kẻ thù nghịch, trong lúc chúng ta lại xin Người tỏ lòng nhân từ với chính mình: phải chăng đó là chuyện "hoàn toàn tự nhiên ?".
Do suy nghĩ như vậy, nên giữa chúng ta vẫn xảy ra thói xét đoán lẫn nhau, lên án lẫn nhau.
Nhiều lần nhiều lúc chúng ta vẽ nên, dựng nên một Thiên Chúa để phục vụ lợi ích riêng tư cho cá nhân ta, cho cộng đoàn ta và đó không phải là Thiên Chúa thật. Thiên Chúa thật là Thiên Chúa giàu lòng xót thương nhất là những con người tội lỗi. Chỉ những ai nhận ra tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, và những ai để cho ân sủng ấy chiếm hết đời mình mới cảm nhận được lòng nhân, tình thương xót của Chúa. Khi ấy họ sẽ phản chiếu đời mình ra bên ngoài qua cách ăn nết ở với mọi người xung quanh. Chỉ những người như vậy mới cảm nghiệm được khuôn mặt thật của Thiên Chúa. Ích kỷ, ghen tuôn, thù hận chỉ biết đến mình là điều ai nấy đều không thể chấp nhận cho dù đó là những con người có vẻ đạo đức lắm !
Anmai, CSsR