21. Nêu bày ý nghĩa ẩn kín của bộ sách Từ Bi Kính


Sát kiếp thê thảm trong thời gần đây xưa nay chưa từng nghe thấy. Xét đến nguyên do đều do ăn thịt mà ấp ủ thành, nghĩa là: Ăn thịt là nhân gây nên sát kiếp, sát kiếp là cái quả của việc ăn thịt, rồi quả lại tạo nhân, nhân lại cảm quả, xoay vần giết lẫn nhau để ăn thịt, trọn chẳng có lúc nào ngưng, chẳng đáng buồn ư? Nỗi thảm sát kiếp ai nấy cùng kinh sợ, nhưng nỗi thảm sát sanh ăn thịt, ai nấy cùng vui! Thật chẳng khác gì tự giết mình để ăn thịt và tự giết cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc để ăn thịt vậy. Do đó, kinh Nhập Lăng Già dạy: “Hết thảy chúng sanh từ vô thủy đến nay, luân hồi trong sanh tử chẳng ngơi. Không ai chẳng từng làm cha mẹ, anh em, con cái, quyến thuộc, thậm chí bè bạn, người thân ái, kẻ hầu hạ, qua đời khác phải thọ những thân cầm thú. Sao lại bắt lấy những con vật trong số ấy để ăn thịt?” Lỗi hại của sự ăn thịt chẳng thể kể xiết!

Các thiện sĩ ở Tuyền Châu[14] muốn vãn hồi sát kiếp nên lập ra Đại Đồng Phóng Sanh Hội. Phóng sanh chính là muốn cảm phát lòng từ bi của mọi người, từ đó chẳng nỡ ăn thịt. Đã không ăn thịt thì hiện tại chẳng tạo sát nghiệp, tương lai chẳng phải chịu sát báo. Tuy nói là yêu tiếc sanh mạng loài vật, nhưng thật ra là nhằm bảo vệ sẵn cho bản thân mình. Nếu mọi người cùng mang chí này, khó gì chẳng cảm được thiên hòa. Nếu người phóng sanh cứ phóng sanh, kẻ ăn cứ ăn thì những con vật được thả chỉ hữu hạn, những con vật bị ăn là vô cùng, tiêu trừ sát nghiệp cho cá nhân phóng sanh thì được, chứ chưa thể tiêu trừ sát nghiệp cho những người đồng phận được. Vì thế, thâu tóm những lời lẽ khuyên răn rõ ràng dễ hiểu của cổ nhân, [soạn thành bộ sách] đặt tên là Từ Bi Kính (Gương Từ Bi) lưu truyền khắp trong làng xóm, ngõ hầu người thấy nghe đều dấy lòng từ bi, đều cùng kiêng giết, đều cùng ăn chay hòng vãn hồi kiếp vận, cùng hưởng thái bình. Do vậy, tôi bèn lược thuật lỗi hại của việc ăn thịt để phụ trợ. Nguyện những ai ăn thịt sẽ nghĩ loài vật như chính mình, nghĩ chính mình [đang lâm cảnh khổ] giống như loài vật, nghĩ như thế lâu ngày ắt sẽ bị sức ép đến nỗi ăn thịt cũng chẳng dám, há còn vì mong cầu thỏa mãn bụng miệng đến nỗi tế thần, cúng giỗ tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, đãi khách nếu dùng món chay là không được, cứ phải sát sanh mới được ư?



22. Trình bày nghĩa lý ẩn kín của việc xây kèm tháp của ni sư Thanh Liên thuộc am Đại Thành vào phần mộ cha mẹ họ Đường



Ai cũng đều có thể là Nghiêu - Thuấn, ai cũng đều có thể làm Phật, bởi con người có cùng một cái tâm này, tâm cùng một lý này. Những kẻ không làm được đều là hạng tự cam phận kém hèn, chẳng nỗ lực cho nên mới không làm được, chứ không phải là thật sự không thể làm được! Lễ Kinh nói: “Uống ăn, trai gái là điều con người ham muốn nhất; chết chóc, nghèo khổ là điều con người chán ghét nhất”. Nhưng đã có chí làm Nghiêu - Thuấn, làm Phật thì chẳng đem điều chán ghét nhất đổi lấy điều ham muốn nhất. Do vậy, Khổng Tử nói: “Chí sĩ, nhân nhân vô cầu sanh dĩ hại nhân. Hữu sát thân dĩ thành nhân[15]” (Bậc có chí, người có đức hạnh tốt đẹp chẳng cầu sống để làm hại đến lòng nhân, có người hy sinh để thành tựu điều nhân). Mạnh Tử nói: “Sống cũng là điều ta ham muốn, mà nghĩa cũng là điều ta ham muốn. Nếu hai điều ấy chẳng cùng trọn vẹn được thì bỏ cái sống để giữ lấy cái nghĩa”.

Đối với bà ni Thanh Liên ở am Đại Thành tôi có cảm xúc sâu xa. Ni sư vốn vợ ông X… ở Tây Giao, Võ Tấn[16], xuống tóc từ lúc còn trẻ, tinh tu phạm hạnh, được thiện tín xa gần kính ngưỡng. Năm Hàm Phong thứ 10 (1860) đời Thanh, giặc vây hãm Thường Châu, ni sư mặc ca-sa lễ Phật, nhảy xuống ao trước am. Đến khi giặc tràn đến, thôn lẫn am đều thành cuộc đất hoang vắng. Mấy ngày sau có hai ông Uông và Thiệu ngầm trở về thăm dò, thấy xác ni sư nổi trên mặt ao. Hai ông ngưỡng mộ đức đẹp, tiết tháo trong sạch của ni sư nên đợi đến lúc đêm khuya, vớt xác lên, chôn tạm dưới nền am. Mười sáu năm sau, nhằm lúc Quang Tự cải nguyên[17] (1875), cha của ông Đường Đà là Tuân Chi mất, mẹ ông Đà là bà Trâu Cung Nhân[18] tom góp được mấy chục ngàn [đồng] mua đất làm phần mộ, tức là nền am Đại Thành khi ấy. Người trong thôn muốn bán đất bèn lén đem hài cốt ni sư đem chôn trong khu mộ địa [bà Trâu] vừa tậu, đắp thành một nấm mộ nhỏ. Trâu Cung Nhân xét kỹ nguồn cơn, chẳng những không tỵ hiềm, trái lại còn sanh lòng tin tưởng, ngưỡng mộ. Mỗi dịp tế lễ, tảo mộ, anh em ông Đà cũng cúng tế mộ ni sư luôn. Thuở ấy, Trâu Cung Nhân tuổi còn đang thanh xuân, cam phận nghèo, thủ tiết, vì chồng nuôi dạy con cái, gia kế chẳng dư dật, phải siêng năng khâu vá, thêu thùa, giặt giũ quần áo cho người ta để sống qua ngày. Khi ấy, anh của ông Đà là Quang Thịnh mười một tuổi, ông Đà mới chỉ lên năm, em gái vừa lên ba, lênh đênh cô khổ không sao nói nổi. Trâu Cung Nhân gắng sức bươn chải nuôi dạy con khiến cho anh em ông Đà đều thành người có đức hạnh tốt đẹp. Hoàn cảnh của bà tuy khác với ni sư Thanh Liên, nhưng đức đẹp, trinh tâm chẳng thua kém ni Thanh Liên! Đến năm Quang Tự hai mươi tám (1902), Trâu Cung Nhân qua đời, được hợp táng cùng ông Tuân Chi. Anh em ông Đà đi làm việc nơi khác, hơn hai mươi năm chưa cùng tế lễ, tảo mộ.

Đến năm Dân Quốc thứ 10 (1921), anh ông Đà từ quan trở về quê, ông Đà cũng thường từ Thượng Hải trở về đất Thường cùng nhau tế lễ, tảo mộ, tìm mộ phần ni sư không được, hỏi chủ đất thì được biết do không tiện cho việc cày cấy, đã dời sang ruộng dâu. Ông Đà bàn cùng anh là Quang Thịnh: “Hiện thời vẫn còn có người biết được đức của ni sư, cho nên còn có ý niệm bảo vệ, gìn giữ [phần mộ]. Nếu không tính kế, sau này khó tránh được nỗi thảm mộ bị dời, xương cốt bị bộc lộ. Huống chi hai vị Uông và Thiệu mạo hiểm để chôn lén, hằng năm mẹ chúng ta dẫn anh em mình đi cúng tế. Nếu bỏ qua việc này không quan tâm đến thì chẳng những phải thẹn với hai vị Uông và Thiệu mà còn đắc tội rất lớn đối với mẹ chúng ta; làm sao bọn ta chịu đựng được nổi!” Do vậy, bèn lựa ngày tốt, dời về chôn chung trong phần mộ cha mẹ. Lại còn lập một tòa tháp đá, viết chữ to “Đại Thành Am Thanh Liên Ni Sư Chi Tháp” (tháp của ni sư Thanh Liên thuộc am Đại Thành), đề ở mặt sau rằng: “Ni sư đắp ca-sa tuẫn nạn, chí hạnh của ngài đáng tưởng nhớ, nên dời di cốt về chôn trong mộ phần cha mẹ chúng tôi, chỉ mong người đời cùng nhau gìn giữ”. Ý của ông Đà là tính kế lâu dài phòng sau này con cháu dời đi nơi khác, hoặc không còn ai nối dõi, không thể không cầu người đời gìn giữ cho!

Có kẻ can gián, cho là không hợp lẽ, ông Đà nói: “Bà ni này chính là vị Tăng tu hành chân thật trong nhà Phật. Lúc còn sống được xa gần kính ngưỡng, khi giặc sắp tràn đến, liền đắp ca-sa tự nịch[19], chẳng kém những bậc đức đẹp, nghĩa sĩ thời cổ cho lắm! Huống chi mẹ tôi rất khâm phục ni sư, thường bảo anh em tôi cúng tế. Nay đem chôn trong phần mộ của cha mẹ cũng giống như thỉnh cao Tăng về nhà cúng dường, có gì là không được? Hơn nữa, vị ni sư này đức đẹp, tiết tháo trong sạch, có lẽ đã siêu phàm nhập thánh, nếu cha mẹ chúng tôi thường được thân cận sẽ được nương nhờ từ lực ngài liền được cao siêu tam giới, gởi thân nơi chín phẩm sen. Do vậy, lòng cha mẹ tôi được vui sướng!” Mạnh Tử coi ‘phú quý chẳng dâm, bần tiện chẳng đổi chí, oai vũ chẳng khuất phục’ là bậc đại trượng phu. Như bà ni đây thoạt đầu bỏ điều ham muốn lớn lao là “ăn uống, trai gái” để trường trai thờ Phật, tinh tu phạm hạnh, khi mất thì có tiết tháo lớn lao “tự giết mình để thành tựu điều nhân, bỏ mạng sống để giữ nghĩa”, ngõ hầu chẳng phụ tánh linh của chính mình, chẳng gây tỳ vết cho sự giáo hóa của Phật, nêu gương cho trời - người, dứt thói tục suy đồi đời Mạt, chẳng đáng gọi là bậc trượng phu trong nữ giới hay sao? [Ni sư] đáng để Đường Đà dựng tháp, lại còn cầm “y câu”[20] cầu khắp các danh nhân đề lời tán thán hòng phát huy u quang nơi đức hạnh ngầm kín của bà ta, mong sao thế đạo khỏi suy đọa vậy. Do đó, tôi bèn nêu bày nghĩa lý ẩn kín như thế đó.

Xem đầy đủ tại đây :

http://niemphat.net/Luan/anquangvs/anquang16.htma