NHỮNG ĐỒNG BẠC LẺ


Một người Đức giàu có nọ đến nghỉ mát tại một ngôi làng nhỏ bên cạnh bờ biển, dân chúng đa số là các ngư dân nghèo nàn chất phác. Chiều đến người khách lạ đi vào các hàng quán để đổi tiền hầu mua thức ăn và chi trả các thứ cần thiết. Ông vào một quán nhỏ và nhờ người chủ quán đổi cho một tờ giấy bạc 1.000 Đức mã. Đây là lần đầu tiên người chủ quán nhìn thấy một tờ giấy bạc to như thế. Ông lắc đầu và nói với người khách lạ: “Với tờ giấy bạc nầy ông sẽ không mua được bất cứ cái gì ở đây. Ở đây chúng tôi chỉ trao đổi với nhau bằng những đồng bạc nhỏ mà thôi”.

Nhiều người dân làng bu lại để nhìn tờ giấy bạc 1.000 Đức mã. Họ cười nói với nhau: “Làm gì có giấy bạc 1.000 Đức mã”. Những người đánh cá cũng đứng lại biểu đồng tình. Họ nói rằng đồng bạc lớn nhất mà họ chỉ thấy năm ba lần trong đời là tờ 100 Đức mã. Thế là dân làng bắt đầu nghi ngờ về thành tích bất hảo của người khách lạ. Đêm hôm đó, từ cửa sổ của nhà trọ ông nghe có tiếng bàn tán như sau:

“Hắn ta phải là một tên bịp bợm. Trước hết là phải tìm cách tống hắn đi khỏi làng của chúng ta”.

Sáng hôm sau, trước khi mặt trời lên, người đàn ông giàu có đã vội vã ra khỏi phòng trọ. Ông đi đến một đô thị nhỏ cách đó gần một ngày đàng và đổi giấy bạc 1.000 Đức mã ra những đồng bạc nhỏ. Với hai bao tiền đầy cộm, ông thuê xe trở lại ngôi làng. Lần nầy dân chúng tin rằng ông thực sự có tiền và họ đã tiếp đón ông rất tử tế.

Người khách lạ giàu có đã xoay xở khôn khéo và kịp thời để thoát khỏi sự nghi ngờ niềm nở tiếp đón khi ông đổi tờ giấy bạc 1.000 Đức mã thành những đồng bạc nhỏ. Tờ giấy bạc 1.000 Đức mã của ông nhà giàu chẳng có giá trị gì đối với dân nghèo mà còn trở nên nguy cơ cho chính bản thân ông nhà giàu. Cũng thế, thái độ của chúng ta đối với tiền của chỉ đáng tin cậy khi được thể hiện bằng những việc làm cụ thể của bác ái, chia sẻ cho những người nghèo khổ và như thế chúng ta sẽ mua được nhiều bạn hữu.

Hôm nay, khi kể câu chuyện người quản lý biết dùng tiền của để mua chuộc bạn bè, Chúa Giêsu cũng muốn kêu gọi chúng ta hãy dùng tiền bạc mà mua lấy bạn bè, để bảo đảm cho tương lai hạnh phúc. Đây là chuyện khéo léo xoay xở của một người quản lý bất lương. Anh đã lợi dụng cơ hội biển thủ tiền của hoa lợi của ông chủ. Ông chủ cho đòi người quản lý tới tính sổ và sau đó sẽ cho anh ta thôi việc. Thât là một tin bất ngờ như sét đánh. Mất việc làm, anh sẽ đi đâu? Sinh sống như thế nào? Cuốc mướn thì không nổi, ăn xin thì xấu hổ. Vậy chỉ còn một cách là tìm được người để nhờ vả. Anh vội vàng gọi các con nợ của chủ đến. Anh làm ơn cho họ để sau nầy họ sẽ giúp đỡ anh. Anh biến họ nên những kẻ đồng lõa. Và thấy lợi trước mắt, họ đã làm theo anh.

Cứ xử như vậy, đối với chủ bất lương. Nhưng đó là khôn ngoan theo kiểu thế gian. Chúa Giêsu khen sự khôn ngoan đó vì Ngài thấy con cái đời nầy khôn khéo hơn con cái sự sáng. Chúa không khen các việc làm của người quản lý kia, vì anh ta lả kẻ bất lương. Nhưng Ngài phải nhận rằng anh ta không khéo và mau lẹ tháo vát, xoay xở. Và Ngài tỏ ra đau lòng khi nghĩ đến phương diện Nước Trời, ở đây người ta không mau lẹ và khôn khéo như vậy: Chúa Giêsu đã đem ơn cứu độ đến qua lời giảng dạy và gương sáng của Ngài, nhưng sao người ta hững hờ và chậm chạp đến như vậy! Người ta không lanh lẹ mau trí xoay xở đối với Nước Trời như người quản lý bất lương kia mau trí lanh lẹ xoay xở đối với việc ở đời nầy. Đó là điều đau lòng và đáng trách!

Nhưng nếu muốn lanh trí, khôn khéo xoay xở đối với Nước Trời thì phải làm gì? Và đây là điểm chủ yếu của Tin Mừng hôm nay.

Phải bắt chước anh quản lý trong việc khôn khéo tìm cách bảo đảm cho tương lai của mình. Anh quản lý tìm bảo đảm tương lai ở đời nầy, còn con cái sự sáng phải tìm bảo đảm tương lai ở đời sau. Vậy phải làm gì? Tiền của đời nầy có giúp ích được gì không? – Có chứ! Hãy dùng tiền của mà mua sắm kho tàng cho mình ở trên trời mai ngày, nơi không có mối mọt đục khoét và không trộm cướp nào lấy mất được (x. Mt 6,19-21). Ngược lại, nếu chỉ dùng tiền mà tích trữ cho riêng mình ở đời nầy, thì như có lần Chúa đã nói: “Khốn cho kẻ ngu ngốc như vậy, vì khi chết y có thể mang theo được ghì không?” (Lc 12.16-21).

Nhưng thế nào là dùng tiền của để mua sắm kho tàng cho mình ở trên trời?

Theo giáo huấn của Chúa và như các kitô hữu tiên khởi đã thi hành, thì của cải vật chất được ký gởi cho chúng ta không phải để chúng ta giữ làm của riêng và coi nó như thần tượng để tôn thờ, nhưng là để chúng ta san sẻ với anh em, làm cho không ai còn thiếu thốn. Tất cả vất đề nằm trong quan điểm nầy. Người ta phải lựa chọn: hoặc là coi tiền của hoặc là coi nó như của ký gởi để san sẻ giúp đỡ nhau. Nói cách khác, hoặc coi tiền của như thần tượng để tôn thờ, hoặc coi tiền cả như phương tiện để xây dựng hạnh phúc chung cho mọi người.

Cũng như ngôn sứ Amos (Bđ.1), Chúa không chấp nhận được thái độ tham lam tiền của, chỉ biết làm giàu cho mình và không sợ bóc lột người khác. Và tham lam như vậy là chứng tỏ đã coi tiền của là thần tượng, là một thứ tôn giáo. Đúng như lời Chúa dạy: “Không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được”.

Tiền của, vàng bạc là những thứ đem lại giàu sang, sung sướng, nhưng cũng là nguyên do của những phản bội, tráo trở, thất nhân thất nghĩa, bôi đen lòng người. Vì thế, người Kitô hữu xác tín có một đời sau, có một kho tàng thực đang chờ đón chúng ta, chúng ta không thể chấp nhận và sống theo tôn giáo thờ Thần Mammon-ngày nay là Thần Đô-la - tôn đồng tiền làm thần tượng, coi đồng tiền là tất cả, là vạn năng.

Chúng ta hãy đặt tiền bạc trở về đúng vị trí của nó là một tên nô lệ chứ không phải là một chủ nhân ông thì mới hy vọng có một thái độ, một cách cứ xử đúng mức đối với tiền của trong tương quan với tha nhân. Với lời khuyên nhủ của Chúa Giêsu qua dụ ngôn hôm nay, chúng ta hãy kiểm điểm lại thái độ của mình, đồng thời thành khẩn xin Chúa ban cho chúng ta một nghị lực dứt khoát và can đảm để luôn chế ngự được hấp lực của đồng tiền, biết cách sử dụng tiền bạc, của cải trần gian cho tình thương yêu, bác ái và chia sẻ. Như thế là chúng ta gởi vào kho tàng bất diệt trên trời.

Hãy đầu tư tất cả cho cuộc sống mai sau. Hãy hướng tất cả mọi sự vào cùng đích của cuộc sống. Hãy coi trọng con người hơn tiền bạc của cải và trong tình bạn hơn sự giàu sang phú quý. Bởi vì cái gì sẽ tồn tại mãi mãi? Không phải là tiền bạc hay giàu sang mà là tình bạn của con người. Hãy cư xử thế nào để ngày sau luôn có đông đảo bạn hữu chân thành đón rước chúng ta và Cửa Trời hạnh phúc



Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ'