SAY KHÔNG VÌ RƯỢU

Nhà văn học Âu Dương Tu thời Bắc Tống đã có làm thái thú Trù Châu. Hồi ấy thành Trù Châu hướng tây nam có một ngọn núi Lang Da phong cảnh rất đẹp, trong núi có một cái đầm nước trong gọi là “suối Nhưỡng”, bên suối nước có một cái đình theo truyền thuyết thì cái đình này do một hòa thượng tên là Trí Tiên ở trong núi dựng nên, Âu Dương Tu lại đặt tên cho cái chòi này là “Túy Ông đình”.

Âu Dương Tu thường cùng với khách đến đình này uống rượu, nhưng chỉ cần uống một chút thôi thì đã say rồi, vậy thì tại sao phải uống rượu chứ ? Bởi vì “say không vì rượu”, uống rượu hoàn toàn không phải là mục đích chủ yếu, mà là mượn rượu để tìm hứng thú thanh tao, đến đình là để thưởng thức phong cảnh đẹp của sơn thủy, tha hồ ôm lấy thiên nhiên bao la mới mẻ vào lòng.

(Túy Ông đình ký)

Suy tư:

Có người say vì uống quá nhiều rượu, nên mất cả lý trí chửi vợ đánh con làm rộn hàng xóm; có người say không vì rượu nhưng vì người đẹp, cho nên sa đà trong hoang dâm mất hết tư cách, mất cả tiền bạc lẫn hạnh phúc của gia đình; có người say không vì người đẹp nhưng vì tiền, cho nên có nhiều lần họ đánh mất danh dự sĩ diện để được tiền; có người say không vì tiền nhưng say máu, cho nên họ giết người không ghê tay, đánh người không mỏi tay và quan trọng nhất là khi say máu thì không còn tính người nữa, vì lương tri đã cất cánh bay xa khỏi tâm hồn của họ rồi.

Non nước hữu tình làm cho người ta say trong cảnh thiên nhiên của trời đất như thế nào, thì người Ki-tô hữu cũng biết say trong men tình ái của Chúa Giê-su Ki-tô như vậy, bởi vì khi rước lễ là họ được kết hiệp với Ngài trong bí tích Thánh Thể: suối nguồn của yêu thương.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.