GIÊSU – VUA TÌNH YÊU

2 Sm 5, 1-3; Cl 1, 12-20; Lc 23, 35-43


Chúng ta không được sống thời phong kiến để thấy được mặt vua, thấy được triều đình … Thế nhưng, qua những dòng sử ghi lại, ít nhiều gì chúng ta cũng có thể hình dung ra khuôn mặt của các vị vua trần gian. Những vị vua ấy được đặt lên, được trao vương quyền hay kế vị vua cha để lãnh đạo dân nước.

Qua trang sách Samuel, chúng ta thấy nền quân chủ của Israel có các vị vua đứng đầu để lãnh đạo dân. Một trong những khuôn mặt sáng giá lãnh đạo Israel đó là vua Đavít. Trang sách chúng ta vừa nghe thuật lại chuyện Đavít được xức dầu tấn phong để trị vì dân Chúa.

Cuộc đời vua Đavít hết sức đặc biệt. Ông đã để lại những trang sử hết sức hoành tráng cho đời. Cuộc đời của ông nổi trôi biết bao nhiêu thăng trầm. Ông là một vị vua lỗi lạc tài ba nhưng rồi cũng không tránh những khiếm khuyết của đời mình. Vì đàn bà, vì phụ nữ ông đã làm cho thân thế và sự nghiệp của ông hoen ố khi ông đan tâm giết Uria để chiếm đoạt bà Bétsabê. Thế nhưng, ông may mắn hơn những người khác là ông đã biết hoán cải cuộc đời của mình để rồi quay lại với Thiên Chúa.

Sau Đavit và cho đến tận bây giờ, nhiều và nhiều vua được mời gọi, được tấn phong để lãnh đạo dân của Chúa. Lẽ ra các vị vua ấy chân nhận nơi cuộc đời của Đavit như là bài học cho đời mình nhưng không, bao nhiêu vị vua đã mờ mắt vì danh, vì tiền và vì tình.

Rốt cuộc, cuộc đời của những vị vua ấy chẳng ra làm sao cả.

Giữa những vị vua của trần thế, của cuộc đời bỗng dưng nổi bật một khuôn mặt một vị vua khác các vua chúa trần gian đó chính là vua Giêsu. Vua Giêsu ấy đến trị vì trần gian nhưng lại không trị vì trần gian theo cung cách của các vị vua khác nhưng trị vì trần gian bằng cuộc đời phục vụ. Đỉnh điểm của cuộc đời phục vụ ấy chính là trên đỉnh đồi Gôngôta, vua Giêsu đã chết cho trần gian để trần gian được sống, được cứu độ.

Thật khó để mà cảm nhận được cuộc đời, được lối hành xử của vị vua Giêsu. Chỉ có những ai chiêm niệm, sống mật thiết với vị vua ấy thì mới nhận ra. Bằng chứng là vị vua ấy đã đến trong trần gian này nhưng con người đã chối bỏ và thậm chí là đã loại trừ ra khỏi trần gian. Thánh Phaolô đã chân nhận, đã cảm nhận được hình ảnh của vị vua Giêsu trong cuộc đời của mình để rồi trong thư gửi cộng đoàn Côlôsê Ngài đã nói :

Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha,
đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp
của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng.
Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm,
và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái;
trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.
Đức Ki-tô đứng hàng đầu
Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,

là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,

vì trong Người, muôn vật được tạo thành

trên trời cùng dưới đất,

hữu hình với vô hình.

Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng

hay là bậc quyền năng thượng giới,

tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng

nhờ Người và cho Người.

Người có trước muôn loài muôn vật,

tất cả đều tồn tại trong Người.

Người cũng là đầu của thân thể,

nghĩa là đầu của Hội Thánh;

Người là khởi nguyên,

là trưởng tử

trong số những người từ cõi chết sống lại,

để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.

Vì Thiên Chúa đã muốn

làm cho tất cả sự viên mãn

hiện diện ở nơi Người,

cũng như muốn nhờ Người

mà làm cho muôn vật

được hoà giải với mình.

Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,

Thiên Chúa đã đem lại bình an

cho mọi loài dưới đất

và muôn vật trên trời.

Thánh Phaolô đã khẳng định rằng chính nhờ máu của Người đổ ra trên thập giá đó mới đem lại bình an và hòa giải cho muôn loài dưới đất và muôn vật trên trời. Máu Chúa Giêsu đổ trên thập giá không phải là máu của hận thù, của ghen ghét nhưng là máu của tình yêu, máu của sự tha thứ.

Quả thật, nếu như Thánh Phaolô khẳng định như vậy thì cuộc đời của vị vua này khác hẳn những vị vua của trần gian. Vua Giêsu – Vua Tình Yêu đã sinh ra, đã sống và đã chết cho trần gian này vì tình yêu và cho tình yêu.

Trang Tin mừng Thánh Luca vừa thuật lại cho chúng ta giờ phút cuối cùng của vị vua Tình Yêu này. Trước khi chết, lính tráng chế giễu, tên gian phi cạnh bên cũng chế giễu. Nhục nhã thay khi một con người có quyền vì lẽ là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa nhưng lại chịu nhận bản án nhục nhã cùng với hai tên gian phi. Có quyền đấy chứ, có khả năng đấy chứ nhưng Chúa Giêsu đã hạ mình thật thẳm sâu để đón nhận cái chết trên thập giá bằng sự vâng phục tuyệt đối với Chúa Cha.

Chính cái chết tình yêu ấy đã minh chứng cho tình yêu của vua Giêsu trên cuộc đời này.

Một điều hết sức đặc biệt nếu chúng ta để ý. Cũng gian phi nhưng khiêm hạ trước Chúa, chân nhận Chúa là Chúa thì anh chàng gian phi bên tay phải của Chúa được bước vào trong Vinh Quang của Chúa như lời Chúa hứa.

Cuộc đời của chúng ta có thể chìm nổi gian manh như tên gian phi. Cuộc đời của chúng ta có thể trôi nổi, phong ba như vị vua Đavit tham tình, tham dục nhưng nếu chúng ta khiêm tốn trước Tình Yêu cao cả của Giêsu thì tất cả những yếu đuối, những chuệch choạc của cuộc đời của chúng ta cũng được hóa giải và cuối cùng chúng ta cũng sẽ được vào hưởng nhan Thánh Chúa như anh trộm lành vậy.


Anmai, CSsR