VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU, CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cộng đồng quốc tế đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền của con người như một nghĩa vụ trường kỳ.
Khoản Một và Hai của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã khẳng định: tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay cã hội… đều hưởng mọi quyền lợi và tự do được công bố trong Bản Tuyên Ngôn.
Trong 21 khoản đầu của Tuyên Ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách công bằng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hoặc đầy ải trái phép, quyền không bị can thiệp độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, được cư trú, được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.
Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng những quyền lợi và tự do căn bản của nhau. Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì dù không có chiến tranh đẫm máu, con người cũng chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo.
Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của mọi Kitô hữu, vì chúng ta tin rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và tất cả đều được cứu rỗi bằng chính máu của Đức Kitô. Với ý thức ấy, người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mỗi người, nhất là những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội ruồng bỏ…
Chúa nhật thứ II Mùa Vọng bắt đầu đưa chúng ta đi vào vương quốc lý tưởng mà Chúa Giêsu thiết lập cho nhân loại ngay từ ở trần gian này. Mở đầu với bài sách Isaia, phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết, bằng những ngôn từ giàu tình cảm và hình tượng, Tiên tri Isaia miêu tả sự xuất hiện của Đấng Messia và vương quốc của Ngài. Đó là một vương quốc loại trừ hận thù và sự dữ, chỉ có tình yêu, công lý và hòa bình hiển trị.
Dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, dân Do Thái sống trong sự chờ đợi Đấng Thiên Sai, thuộc dòng dõi Vua Đavit và Giêsê. Khi đến, Ngài sẽ phân xử mọi nước và thiết lập thời đại thái bình. Ngài xét xử mọi người, và rộng rãi cách đặc biệt với người nghèo khó. Nhưng người nào trong tộc Đavit sẽ là Đấng Thiên Sai? Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng Mt 3,1-12 đã trả lời cho dân Israel . Họ tuôn đến với ông, xin ông làm phép rửa. Họ chấp nhận cả những lời khiển trách nặng nề. Nhưng Gioan vẫn yêu cầu mọi người phải sám hối hơn nữa, để chịu được phép Rửa bởi Thánh Thần và bằng lửa.
Cả bài sách Tiên tri Isaia và bài Tin Mừng đều muốn chúng ta hiểu hơn về Đấng sẽ đến. Chính Ngài sẽ là Đấng xét xử mọi người. Đó là viễn tượng ngày thế mạt hơn là về ngày Giáng Sinh. Vì thế, chủ đích của Mùa Vọng vẫn là hướng lòng chúng ta về ngày Con Người sẽ đến trong ngày sau hết. Tuy nhiên, chúng ta nhìn vào ngày Chúa Giáng Sinh như tương lai gần, để chuẩn bị tương lai cuối cùng.
“Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến”, sứ điệp của Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng tương ứng với lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”. Sự hoán cải mà Chúa Giêsu đề ra là hoán cải của tâm hồn, của con tim, của tư duy và cách nhìn. Sám hối canh tân là một đòi hỏi khẩn thiết. Lời của Thánh Gioan hôm nay thúc bách con người phải hành động ngay. “Cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây, cây nào không sinh trái tốt sẽ phải chặt đi và cho vào lửa”.
Người Việt Nam chúng ta có lẽ đã quen thuộc với hai chữ “đổi mới”. Năm này tháng nọ, lúc nào người ta cũng hô hào đổi mới, nhưng dường như đâu vẫn vào đấy. Điều đó xem ra cũng đễ hiểu, bởi vì người ta chỉ hàn gắn những rạn nứt bên ngoài, còn sự rạn nứt thẳm sâu trong lòng người, thì họ không bao giờ nghĩ tới.
Thánh Gioan Tẩy Giả cũng đã cảnh cáo những người Biệt Phái và những người tự phụ mình là con cái Abraham: Hãy sám hối, hãy làm việc lành, chớ tự phụ, vì Thiên Chúa cũng có thể khiến những hòn đá thành con cái Abraham. Không có bất cứ một miễn trừ nào nếu không biết thành tâm sám hối sống theo thánh ý Chúa. Như thế việc là con cháu Abraham, là Dân riêng của Chúa không phải chỉ là tên gọi, một danh xưng hay một ân sủng, nhưng là một nỗ lực của con người sống xứng đáng với những gì đã lãnh nhận, nghĩa là lúc nào cũng phải sống đúng phẩm giá đã được Thiên Chúa trao ban.
Là tiền hô của Đấng Cứu Thế, Thánh Gioan có rất nhiều uy tín, nên được nhiều người tìm đến nghe ông rao giảng và xin chịu phép rửa, nhưng không vì thế khiến ông có ảo tưởng về mình hay có tham vọng mờ tối. Thánh Gioan đã sống đúng vai trò của mình là người dọn đường cho Đấng đến sau ông. “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người”. Sống ơn gọi làm người là sống đúng phẩm giá của mình. Nếu phép rửa của Gioan là phép rửa giục lòng người ta ăn năn sám hối, thì phép rửa của Đức Giêsu mới thực sự làm biến đổi con người trở thành tạo vật mới: Con Thiên Chúa. Vì là Con Thiên Chúa, nên con người mang phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật. Nhờ vậy, con người có khả năng nhận biết, yêu mến và đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Rôma một cách sống động: hãy biết cảm thông đón nhận nhau theo gương Đức Kitô, Đấng đã đến cứu độ tất cả mọi người không phân biệt cội nguồn văn hoá, Do Thái hay dân ngoại. Một khi đã tin theo Đức Kitô thì phải tạo dựng trong cộng đoàn của mình sự hiệp nhất trên nền tảng đức tin và đức ái. Như Gioan Tẩy Giả, ngay hôm nay, chúng ta cũng phải trở nên những “tiền hô” dẫn đường chỉ lối cho người khác, được liên kết với nhau trong Mầu nhiệm Nhập thể, qua lối sống hay qua cách cư xử đối với những người chúng ta có dịp gặp gỡ. Sống như thế, chúng ta sẽ thấy ơn cứu độ của Đấng Cứu Thế đang triển nở trong tất cả mọi người. Khi ấy vương quốc Tình Yêu, Công Lý và Hoà Bình của Ngài thực sự hiển trị.
Phanxicô Xaviê