Từ Một Lần Gặp Gỡ (08): Nóng lòng
Các bạn trẻ thân mến,
Sống trên đời, ai mà chẳng có những lúc chờ đợi. Có những cuộc chờ đợi ít được tha thiết, nhưng cũng có những cuộc chờ đợi mà người ta tha thiết đến nỗi nóng cả ruột gan. Lúc ấy người ta không chỉ dửng dưng chờ xem sự việc có xảy đến hay không, nhưng họ thật sự chờ bằng cả con tim và khối óc, tất cả con người của họ dường như dồn hết cho việc chờ đợi. Đó là trường hợp của ông Gia-kêu, người thu thuế, ông nóng lòng chờ đợi được thấy Đức Giê-su, dù ông không biết Ngài là ai, ngoài những chi tiết mà người ta nói với nhau về Ngài.
Tuy nhiên, đối với ông, có quen với Giê-su hay không thì không quan trọng, điều quan trọng bây giờ là phải làm sao tận mắt chứng kiến khuôn mặt và điệu bộ con người ấy. Ông tự hỏi, làm sao mà một người không có gì trong tay lại thu hút người khác đến thế, trong khi ông là thủ lãnh nhóm thu thuế giàu có, vậy mà chẳng ai thèm đếm xỉa tới. Hoá ra ông vẫn cảm thấy sự giàu có của ông chẳng là gì cả, cuộc sống của ông vẫn còn một lỗ trống quá lớn mà của cải và địa vị không khỏa lấp được. Và hình như những câu chuyện mà người ta nói về ông Giê-su đang đụng chạm đến sự trống rỗng ấy nơi lòng ông.
- May quá, có dịp ông Giê-su đi ngang qua, tại sao mình lại không tìm cách nhìn xem… dĩ nhiên là chỉ nhìn xem thôi, chứ ai mà dám mơ được gặp ông ấy!
Và Gia-kêu lên kế hoạch. Ông đã dùng sự khôn lanh vốn có của một thủ lãnh thu thuế để làm sao thấy Giê-su cho bằng được. Sau khi đã có kế hoạch, ông nóng lòng chờ đợi giây phút ấy.
Trong giây phút nóng lòng chờ đợi, Gia-kêu tự nhủ:
- Bình thường mình nóng ruột vì người ta không chịu đóng thuế, chứ có bao giờ mình lại chờ đợi để nghe một người nói về Thiên Chúa đâu. Nhưng thôi mặc kệ, một lần trong đời cũng được.
Gia-kêu đã không cưỡng lại được sự thôi thúc mãnh liệt trong lòng phải được thấy Đức Giê-su một lần trong đời. Nỗi khao khát làm cho ông có sáng kiến, dù đó là một điều rất mạo hiểm: người như ông mà lại trèo lên cây, người ta mà nhìn thấy thì ông chỉ có nước chui đầu xuống đất. Chính ông cũng thẹn vì một người thu thuế, suốt ngày chỉ nghĩ đến tiền, mà lại đi xem Đức Giê-su giảng đạo. Tuy nhiên, lòng khao khát của tâm hồn lớn hơn những gì là lo lắng và sợ sệt.
Giê-su đến và dừng ngay dưới gốc cây ông đang trèo. Gia-kêu cầu mong người ta đừng chú ý đến ông. Ai ngờ, người chú ý đến ông lại chính là Đức Giê-su. Ông ngạc nhiên về thái độ của Ngài. Trước đó, ông đã nóng lòng nhìn xem Giê-su, bây giờ thì Giê-su lại nóng lòng gặp ông: “Gia-kêu xuống mau đi, hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19, 5). Ông không ngờ sự nóng lòng của ông được đáp lại bằng một thái độ ân cần như thế của Đức Giê-su. Và ông cũng không ngờ sự trống rỗng nơi lòng ông chỉ trong phút chốc được lấp đầy. Với niềm hạnh phúc này, sự giàu có của ông chẳng đáng vào đâu nữa. Ông tự nguyện đổi sự giàu có để giữ lại niềm hạnh phúc. Với lần gặp gỡ này, ông đã biến đổi mà chính ông cũng không ngờ, và không lường trước được mọi sự xảy ra nhanh đến thế. Điều quan trọng là giờ đây, tâm hồn ông tràn đầy niềm vui!
Các bạn trẻ thân mến,
Bước sang Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta bước vào “mùa đợi chờ”. Chúng ta chờ đợi gì nơi Mùa Vọng và chờ đợi thế nào? Điều dễ thấy mà đôi khi chúng ta chỉ dừng lại ở đó, là: Mùa Vọng để chúng ta chuẩn bị Mừng Chúa Giáng Sinh như một lễ hội. Nếu Mùa Vọng chỉ để chuẩn bị cho một lễ hội “đến hẹn lại lên” như thế thì Mùa Vọng thật quá tầm thường. Chúng ta không chờ đợi một lễ hội, nhưng là chờ đợi mừng sinh nhật Chúa, nhưng quan trọng hơn, chúng ta nóng lòng mong mỏi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta trở lại trong vinh quang của Ngài như Ngài đã hứa. Cuộc sống của chúng ta trong tư cách là những ki-tô hữu, sẽ đạt đến đỉnh cao khi gặp được Đấng mà chúng ta tôn thờ. Sự chờ đợi này diễn tả bằng thái độ ngóng trông, như phụng vụ vẫn luôn nhắc lại hằng ngày. Chúng ta mong chờ và tỉnh thức để đón Chúa trở lại.
Tuy nhiên, cuộc sống của chúng ta dễ rơi vào điều mà Đức Thánh Cha nói trong bài huấn dụ ngày 13/10 vừa qua: “Tất cả chúng ta đều có nguy cơ sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu” (http://www.radiovaticana.org/vie/Articolo.asp?c=430108). Nếu chúng ta sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, làm sao chúng ta có thể chờ đợi Ngài trở lại. Rồi ai sẽ đến cứu chúng ta? Dường như thế giới ngày nay tự coi mình làm được nhiều điều và không cần đến Thiên Chúa nữa. Có thật là như thế? Hay chúng ta sẽ như Gia-kêu, mải mê đi tìm của cải, danh vọng và thú vui, đến khi có được rồi thì vẫn cảm thấy trống rỗng và vô nghĩa. Gia-kêu đã nhận ra được sự nghèo nàn của cái giàu mà ông đang có, và ông đã nóng lòng đi tìm một sự giàu có khác. Còn chúng ta, chúng ta có cảm thấy thiếu cái giàu mà Gia-kêu thiếu? Và chúng ta có nóng lòng tìm kiếm như Gia-kêu?
Lạy Chúa Giê-su
Mùa Vọng này,
chúng con không đón đợi Chúa trong sự âu lo và sợ hãi,
nhưng ngóng trông Chúa với sự hăng hái và sẵn sàng,
như một người chờ đợi người yêu của mình,
như Gia-kêu mong mỏi gặp được Chúa.
Hà Thanh Bình