Chúa nhật 2 Mùa Vọng - năm A
Is 11, 1-10; Rm 15, 4-9; Mt 3, 1-12
KHIÊM NHƯỜNG DỌN MÌNH ĐÓN ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN
Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót, là một Thiên Chúa của Tình Yêu. Bằng chứng về lòng thương xót, bằng chứng về tình yêu cứ trải dài trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử nhân loại.
Con người, ngay tự thuở ban đầu đã quay lưng lại với Ngài nhưng Ngài thì ngược lại. Ngài không quay lưng lại nhưng Ngài bằng mọi cách cho bằng được để tiếp cận với con người, để bày tỏ tình cảm của Ngài với con người. Thật ra mà nói cũng có những lúc giận lắm khi lòng con người trở nên chai, trở nên cứng trước tình yêu ấy nhưng mà Ngài giận thì giận nhưng mà thương thì cũng càng thương.
Tình thương, lòng thương xót của Thiên Chúa tỏ hiện rõ nét nơi cuộc đời của các ngôn sứ.
Lật lại những trang Thánh Kinh, phảng phát đâu đó hình ảnh của các ngôn sứ thật dễ thương.
Có thể ban đầu, chưa hiểu được tình yêu của Chúa nhưng nhận ra một tình thương bao la đại hải để rồi các ngôn sứ sau khi đã nhận tình yêu ấy đã can đảm, đã mạnh dạn lên đường loan báo Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
Trong sấm ngôn của Hôsê, Giavê như muốn nhắc lại tình sử của Người dành cho Israel:
“Thuở Israel còn là trẻ bé, Ta đã mến thương,
và từ Aicập, Ta đã gọi con Ta.
Người ta (cũng) đã gọi chúng. Thế là chúng đã lìa Ta.
Phần chúng, chúng đã tế cho các Baal,
chúng đã huân yên kính ngẫu tượng.
Chính Ta, Ta đã tập đi cho Ephraim.
Ta bồng bế chúng trên cánh tay Ta.
Nhưng chúng nào có biết là chúng đã được Ta săn sóc.
Ta lôi kéo chúng, với dây tình người, với thừng chão yêu thương.
Với chúng, Ta ở như những người nhấc con đỏ lên tận má mình.
Và cúi xuống trên nó, Ta mớm cho nó ăn" (Hs 11, 1-4).
Trong tình sử ấy, bất chấp sự xấu xa bội phản của Israel, Giavê đã bước vào mối tình thâm sâu với Israel, đã đính hôn và kết hôn với Israel, để Israel mãi mãi thuộc về Giavê, và thuộc về một mình Người mà thôi:
"Cho nên, này Ta dụ dỗ nó, đem nó vào sa mạc,
và kề lòng Ta nói khó với nó" (Hs 2:16).
"Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi,
Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng công chính,
Công minh, nhân nghĩa, xót thương.
Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng đức trung tín,
Và ngươi sẽ biết Giavê" (Hs 2, 21-22).
Có thể nói được rằng ngôn sứ Hôsê là người đã trình bày tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại bằng ngôn ngữ của liên hệ phu phụ giữa Giavê với dân Israel một cách tha thiết đậm đà hơn cả. Hôsê khởi đầu sứ vụ ngôn sứ trong thời Vua Jeroboam II ở vương quốc phía Bắc (783-743 BC), tiếp tục hoạt động trong các triều kế tiếp và có lẽ kết thúc trước năm 721 BC. Ông đã cưới một người vợ tên là Gômer, và người vợ này đã bỏ ông. Ông vẫn yêu quí và đã nhận về sau khi đã thử luyện.
Kinh nghiệm đau thương này của Hôsê đã trở thành một hình ảnh cho cách cư xử của Giavê đối với dân Người. Hôsê là người đầu tiên đã diễn tả liên hệ giữa Giavê và Israel trong ngôn ngữ của một cuộc hôn nhân. Sứ điệp của ông gây ảnh hưởng sâu đậm trong Cựu Ước và trong lời kêu gọi của các ngôn sứ sau này về một tôn giáo của tấm lòng, của con tim.
Các ngôn sứ Jeremiah, Ezekiel và Isaia tiếp tục dùng ngôn ngữ của tình yêu phu phụ để diễn tả liên hệ giữa Giavê và Israel. Các tác giả Tân Ước cũng dùng ngôn ngữ ấy để diễn tả liên hệ giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Trong truyền thống tu đức và thần bí của Giáo Hội, liên hệ phu phụ cũng được dùng để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và mỗi linh hồn.
Ơn gọi của Giêrêmia cũng hết sức đặc biệt. Thiên Chúa thương Giêrêmia một cách lạ lùng.
Giêrêmia – một con người đã cảm nhận được Chúa đã mạnh tay với ông như thế nào. Thiên Chúa đã kêu gọi ông làm ngôn sứ và để rồi từ một con người nhút nhát, thích sống đơn sơ âm thầm bỗng chốc phải trở thành người nói Lời Chúa nhưng những lời ấy lại gây sự khó chịu cho dân vì toàn tiên báo những tai họa. Trong nỗi đau khổ vì bị mọi người lên án ông như muốn tố cáo lại Thiên Chúa, vì chính Chúa đã “quyến rũ” đã “mạnh hơn” và “đã thắng” để giờ đây ông phải nói những điều này dù trước đó ông đã từ chối làm ngôn sứ.
“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con,
và con đã để cho Ngài quyến rũ.
Ngài mạnh hơn và Ngài đã thắng.” (Gr 20, 7a)
Đứng trước tình yêu bao la của Thiên Chúa, ông cảm thấy mình bị tổn thương, bị đau khổ khiến ông muốn từ bỏ, không muốn bước theo nữa. Nhưng vị ngôn sứ đầy đau khổ này vẫn không thể chối bỏ được Đấng mà ông yêu, vì thế dù ông có cảm thấy thế nào đi nữa ông vẫn không thể cưỡng lại được lời mời gọi của Đức Chúa :
“Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,
âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (20, 9b)
Lời Chúa có một sức mạnh đến lạ lùng khiến ông không nói không được, lời đó cứ như “ngọn lửa bừng cháy trong tim ông” (20, 9b), nó thấu cả vào trong “xương cốt”, vâng, một cảm giác “âm ỉ” diễn ra sự thúc giục mạnh mẽ đến mức làm ông phải cảm thấy ông phải nói.
Có thể nói Lời Chúa đối với ông giống như một sự sống, Lời Chúa đặt để vào miệng ông thật mạnh mẽ, làm dậy lên cả cuộc sống với ông, gắn bó như thể là ngày nào ông còn sống thì ông cần phải nói Lời Chúa. Cách dùng so sánh Lời Chúa của ông khiến chúng ta được quyền nghĩ như vậy. Nhưng một mặt khác ta cũng thấy, chính Lời Chúa đã khiến ông gặp nhiều đau khổ và bị người đời tránh xa. Trong sách Giêrêmia ta cũng thấy chỉ có một lần ông nhìn nhận Lời Chúa khiến ông vui sướng :
‘Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ,
làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh.’ (15,16)
Isaia cũng vậy, được chọn, được lựa trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Ngôn sứ Isaia đã loan báo cho dân Israel đang gặp thử thách ngày xưa và cho chúng ta ngày nay về dung mạo của Thiên Chúa Cứu Chuộc sắp đến là vị Thiên Chúa mà con người cần đến, với những lời được trích lại trong bài đọc thứ nhất mà chúng ta vừa nghe : "Chúa lấy công minh mà xét xử người nghèo" (x. Is 11, 1-10).
Đó là những đường nét chính của một vị Thiên Chúa cứu rỗi mà con người mọi thời đại cần đến, một vị Thiên Chúa công bằng trong xét đoán và giàu tình yêu thương, vì Ngài đến để thiết lập cuộc sống hoà bình và hoà hợp cho con người. Cuộc sống ấy được tiên tri Isaia loan báo bằng hình ảnh môi sinh, trong đó sói sống chung với chiên, trẻ nhỏ dám tiếp xúc với các thú dữ. Đó là hồng ân cao cả Thiên Chúa ban cho con người được sống trong cảnh thái bình hoà hợp. Nhưng từ phía con người, họ không được sống ỷ lại để mặc Thiên Chúa muốn làm sao thì làm, nhưng họ phải biết thay đổi cuộc sống của mình mà trở về với Thiên Chúa, đón nhận hồng ân Ngài ban.
Nhắc đến tình yêu Thiên Chúa ban cho dân Người, nhắc đến những người được Chúa chọn để loan báo tình yêu ấy mà quên đi một ngôn sứ của buổi giao thời quả là một điều thiếu sót lớn. Vị ngôn sứ ấy được Isaia loan báo: “Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,sửa lối cho thẳng để Ngài đi.Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40, 3-5; Mc 1, 3; Lc 3, 4-6; Mt 3, 3). Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.
Malakia tiên báo: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con,người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu” (Ml 3,1- 24; Mt 1,10; Lc 1,17;7,27). Lời Ngôn sứ Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.
Sứ Thần Truyền Tin xác nhận: Sứ Thần của Chúa hiện ra với Dacaria, đứng bên phải hương án, xác nhận với ông rằng người con trai của ông sắp chào đời là Gioan Tẩy Giả “Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”(Lc1,17).
Thân phụ của Gioan : Dacaria, dưới tác động của Thánh Thần, Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng “Benedictus” về ơn gọi của người con trai mình “Hài Nhi hỡi, con sẽ đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết, Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76- 77).
Thiên Chúa đã chọn và đã đặt Gioan làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế, là loan báo Tin mừng cứu độ.
Hôm nay xuất hiện trong hoang địa miền Giu-đê và nói : "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."
Gioan không phải là người nói suông nhưng là những lời chân thành, những lời đây là những lời xác tín. Cứ nhìn cách ăn mặc, cách sống và lời rao giảng của Gioan ta sẽ nhận ra điều này.
Cũng như Hôsê, như Giêrêmia, như Isaia và như bao ngôn sứ khác, Gioan đã mặc lấy trong mình tâm tình hết sức khiêm nhường để đón nhận Chúa vào trong cuộc đời. Đấng Cứu Độ trần đã đến thế gian. Điều lạ lùng, điều đặc biệt là Đấng Cứu Độ chỉ đến được với những tấm lòng rộng mở, những tấm lòng hết sức khiêm hạ.
“Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người”. Một con người cao trọng như vậy, với ơn gọi đặc biệt như vậy nhưng Gioan hoàn toàn khiêm tốn trước “Chiên Thiên Chúa”. Không những thế, tại dòng sông Giođan khi làm phép rửa cho Chúa Giêsu Gioan còn nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. Một tâm tình hết sức khiêm hạ để Chúa lớn lên trong Gioan.
Hôm nay, đang sống trong mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta sống tâm tình chờ đón Chúa đến với tâm tình hết sức dễ thương của Gioan Tẩy Giả. Xin cho mỗi người chúng ta nhìn rõ, nhìn kỹ, nhìn sâu hơn nữa vào cuộc đời của Gioan để rồi chúng ta mặc lấy tâm tình khiêm hạ như Gioan để sẵng sàn đón Ơn Cứu Độ vào trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Anmai, CSsR