Bạn có biết Thánh Gia Thất cũng đã phải trải qua những sóng gió, những thử thách và đau khổ y như mỗi gia đình của chúng ta không?
Mời bạn cùng với tôi điểm qua những biến cố rất đặc biệt trong Phúc Âm qua đó bạn sẽ thấy bức tranh cuộc đời của Thánh Gia Thất cũng được đan dệt bằng những sợi chỉ của HẠNH PHÚC và ĐAU KHỔ giống hệt như những bức tranh đời sống gia đình của bạn và của tôi.
HẠNH PHÚC khi chàng thanh niên Giuse làm lễ đính hôn với cô Ma-ri-a
(Luke 1:27).
ĐAU KHỔ bởi vì trước khi hai người về chung sống thì “Maria đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se …định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1:19).
HẠNH PHÚC khi nỗi lo lắng của Giuse được sứ thần giải tỏa
“Này Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1:20).
ĐAU KHỔ vì phải sống trong một hoàn cảnh thiếu thốn, khó nghèo. Nghèo đến độ phải “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.(Luke 2:7).
HẠNH PHÚC khi chứng kiến cảnh các nhà chiêm tinh tới quỳ xuống trước Hài Nhi và
“sấp mình thờ lạy [và] mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2:11).
ĐAU KHỔ vì đang nửa đêm cả gia đình phải chỗi “dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập ... vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi” (Mt 2:13-14)..
HẠNH PHÚC khi gia đình được cấp visa hồi hương
"Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi”(Mt. 2:20).
ĐAU KHỔ vì Giuse và Maria nghe lời tiên tri của ông Simêon về số phận của con trẻ "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng ... Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà" (Luke 2:33-35).
HẠNH PHÚC khi cả hai ông bà chứng kiến cảnh
“Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Luke 2:40).
ĐAU KHỔ vì trên đường về “không thấy con đâu [và chạy đôn chạy đáo đi tìm suốt] ... ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ” (Luke 2:41-50).
HẠNH PHÚC khi gia đình được hưởng những ngày tháng hạnh phúc, an vui, đầm ấm và nhất là con trẻ “Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Luke 2:51-52).
ĐAU KHỔ vì nghe người ta chê cười và nhạo báng con của mình “đã bị mất trí ... bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và ... dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ ... ” (Mc 3:21-22).
HẠNH PHÚC khi Maria được nhiều người khen ngợi, tán tụng
"Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Luke 11:27).
ĐAU KHỔ vì con của mình bị bắt, bị tra tấn, bị hành hạ, và bị kết án như là một tội phạm "Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” (Jn 19: 15).
HẠNH PHÚC khi thấy sự hiếu thảo của con, trước lúc lâm chung còn chăm sóc, lo lắng cho mình:
“Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh.’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:27).
Bạn thân mến, nếu bạn đồng ý với tôi là bức tranh cuộc đời của Thánh Gia Thất được đan dệt bằng những sợi chỉ ngang dọc củcủaHẠNH PHÚC và ĐAU KHỔ thì mời bạn cùng với tôi suy nghĩ thử xem “Tại sao bức tranh ấy lại đẹp, lại toàn vẹn, không tả tơi, te tua và tơi tác trước những sóng gió và bão táp của cuộc đời như vậy?” Những chất liệu nào đã gìn giữ bức tranh cuộc đời của Thánh Gia Thất được bền đẹp như vậy?
Tôi nghĩ có hai chất liệu sau đây:
* Thứ nhất là trong mọi biến cố vui buồn của Thánh Gia Thất, luôn luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu.
* Thứ hai là trong những lúc sóng gió, bão táp xô đẩy, trong những lúc phải đối diện với những bất công, buồn phiền và đau khổ thì thánh Giu-se và Đức Mẹ chỉ biết THINH LẶNG.
Thật vậy, SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA GIÊSU trong các biến cố vui buồn của Thánh Gia Thất và đức tính THINH LẶNG.của thánh Giuse và Mẹ Maria chính là những chất liệu gìn giữ bức tranh của gia đình các ngài được trọn vẹn và không bị phai nhòa trước những sóng gió và bão táp của cuộc đời. Bạn xem thử có đúng không nhé!
* Khi chàng thanh niên Giuse nghe tin vị hôn thê của mình có thai thì anh rất bình tĩnh, không la ó, không nổi cơn tam bành, cũng không đi tố giác cô hay ngồi rên rỉ “Khóc cho vơi đi những nhục hình, nói cho quên đi những tội tình, đời con gái cũng cần dĩ vãng mà em tôi chỉ còn tương lai...” nhưng chỉ âm thầm định tâm lìa bỏ cô Maria một cách kín đáo (Mt 1:19).
* Ðang nửa đêm lạnh lẽo, Giuse bị thiên thần đánh thức, dựng dậy bắt đi vượt biên, ông chẳng nói, chẳng than phiền, cũng chẳng càm ràm, nhưng vui vẻ trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập (Mt. 2:14).
* Khi phát hiện ra con trẻ bị thất lạc, hai ông bà không la ó, không chửi nhau, không đổ lỗi cho nhau nhưng chia nhau ra đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc (Lc 2:44). Rồi khi không thấy con đâu, thì hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm. Khi tìm được con rồi, thánh Giuse chẳng nói gì cả, chỉ có mẹ Maria nói một câu ngắn gọn: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!"(Lc 2:48).
* Còn nữa, khi chứng kiến những sự kiện lạ lùng trong đời: con mình được các mục đồng hát mừng, các chiêm tinh gia đến thờ lạy, Maria chẳng nói gì cả, không khoe khoang, cũng không tự mãn. Ngay cả khi nghe những lời sấm từ ông Simeon về những đau khổ của mình và của con trẻ, Maria chỉ ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng (Lc 2:19, 51) .
Bạn có muốn bức tranh của gia đình bạn được toàn vẹn và không bị phai nhòa và không bị hủy hoại bởi những sóng gió và bão táp của cuộc đời này không? Bạn hãy MỜI CHÚA GIÊSU vào trong gia đình của bạn và hãy tập THINH LẶNG hay nếu có nói thì NÓI ÍT thôi! Tôi bảo đảm bức tranh của gia đình bạn sẽ mãi mãi tồn tại và nguyên vẹn như bức tranh của Thánh Gia Thất.
* Khi vợ hay chồng của bạn lớn tiếng hay nặng lời với bạn vì một chuyện nào đó, dù đúng, dù sai, bạn hãy lập tức nhắm mắt lại, đừng nói gì cả và hãy thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin gìn giữ miệng lưỡi con để con khỏi thốt lên những lời nói không hay không đẹp!”
* Khi phải đối diện với những đau khổ, thử thách: vợ ốm, chồng đau, con bị tai nạn, thất nghiệp ... bạn hãy lập tức nhớ đến thánh Giuse, hãy cố gắng GIỮ THINH LẶNG cầu xin Chúa ban cho bạn sự bình tĩnh và sáng suốt để chấp nhận, để thưa lên hai tiếng XIN VÂNG như Đức Mẹ khi xưa.
* Khi bạn bất bình với chồng, với vợ, với con cái, với cha mẹ... ví dụ như con cái không vâng lời, vợ hay đi shopping về trễ, chồng uống rượu, chồng hay vợ bị tai nạn xe… xin bạn hãy GIỮ THINH LẶNG, đừng nói gì cả. Hãy vào phòng đóng cửa lại, quỳ xuống xin Chúa ban cho bạn ơn bình an.
* Khi gặp những đối xử bất công, bị hiểu lầm và ngay cả khi bị thử thách, khi gặp khó khăn, bạn hãy mời Chúa Giêsu vào trong tâm hồn của bạn. Phải nài nỉ Người giống như hai môn đệ trên đường Emmaus rằng “Xin Thầy ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24:29).
Trong lúc mặt bạn đang nóng bừng, chân tay run lẩy bẩy, tim mạch của bạn đang đập loạn cào cào, và đang làm việc overtime thì bạn chớ có dại dột nói lời nào cả bởi vì lúc này bạn nói là nói sai. Tôi và bạn, chúng mình hãy tập thinh lặng hay NÓI ÍT thôi! Bạn cũng đừng làm gì trong lúc này là bởi vì bạn sẽ làm bậy. Có bao giờ bạn giương buồm ra khơi lúc bão tố không? Chắc chắn là không rồi!
Bạn đừng quên! Năng nói thì năng lỗi, càng nói nhiều, càng la lối, than phiền, than thân trách phận nhiều bao nhiêu thì bức tranh của gia đình bạn càng dễ bị rách và bị nhàu nát bấy nhiêu. Chớ có dại!
Cuối cùng, để có sự hiện diện của Chúa trong gia đình và để có thể noi gương Thánh Gia Thất nói ít, nghe nhiều, bạn và tôi phải biết cậy trông vào Chúa, phải cậy dựa nơi Ngài bởi vì Ngài đã phán: “Không có Thầy các con không làm được chi hết!” (Ga 15:5). Muốn cho bức tranh của gia đình được toàn vẹn và đẹp mãi, chúng mình hãy:
1. Siêng năng tham dự Thánh Lễ, xưng tội, và năng rước lễ bởi vì Chúa đã hứa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:56).
2. Tham dự các giờ Chầu Thánh Thể ở nhà thờ, tham dự những buổi học hỏi và chia sẻ Thánh Kinh bởi vì “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Qua những giờ Chầu Mình Thánh Chúa và học hỏi, chia sẻ Kinh Thánh bạn và tôi sẽ có cơ hội ngỏ lời mời Chúa Giêsu vào ở trong nhà của chúng mình.
3. Dành ra khoảng 5-10 phút thinh lặng mỗi ngày để lắng nghe tiếng gõ cửa của Chúa Giêsu. Hãy mau mắn mời Ngài vào ở trong gia đình của bạn: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:20).
Cầu chúc bạn một năm mới hạnh phúc, bình an, thánh đức, tràn ngập niềm vui và VẠN SỰ NHƯ ...Ý CHÚA!