Tôi nghĩ bạn đã biết rồi, lễ Hiển Linh là ngày Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại, cho toàn thể thế giới biết đến Ngài và đến thờ lạy Ngài.
Nhưng tôi lại cứ thắc mắc là tại sao những nhà chiêm tinh, những nhà khoa học, những nhà thiên văn học người Do Thái ở gần ngay Bethlehem lại không khám phá ra sự xuất hiện của ngôi sao lạ mà chỉ có ba nhà chiêm tinh ở tận bên Phương Đông thấy mà thôi?
Có phải những nhà chiêm tinh ở Phương Đông thông minh, nhạy bén và tinh mắt hơn những chiêm tinh gia và những nhà thiên văn học người Do Thái chăng? Tôi không nghĩ như vậy!
Thế nhưng sau khi đọc qua đoạn Kinh Thánh của thánh Matthew kể về cuộc hành trình của ba nhà chiêm tinh tới Bethlehem thì tôi mới khám phá ra một lý do khiến Thiên Chúa chỉ tỏ mình ra cho ba nhà chiêm tinh ngoại giáo tận bên phương Đông: Đó là sự ĐƠN SƠ.
Mời bạn cùng với tôi đọc vài đoạn trong bài Phúc Âm của thánh Matthew để thấy sự ĐƠN SƠ của ba nhà chiêm tinh gia như thế nào nhé!
* Khi ngôi sao đột nhiên biến mất, khi các ngài mất sự hướng dẫn của ánh sao thì họ đã đi vào hoàng cung để hỏi vua Hê-rô-đê đang ngồi trên ngai vàng rằng: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2:2). Bạn thấy ba nhà chiêm tinh của chúng ta có đơn sơ không? Có ai lại đi hỏi vị vua đang trị vì dân Do Thái rằng vua mới sinh ra của dân Do Thái ở đâu không? Hỏi như vậy thì có khác nào nói với Hê-rô-đê rằng Hài Nhi kia mới là vua đích thực của dân Do Thái, còn ông là vua ... giả mạo! Mất chỗ đeo giây chuyền như chơi chứ bộ!
* Khi nghe vua Hê-rô-đê dặn dò “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người" (Mt 2:8), thì ba vị chiêm tinh gia lập tức tin vua Hê-rô-đê như tin kinh Tin Kính vậy! Bạn nghĩ thử xem, nếu ba nhà chiêm tinh, sau khi chứng kiến cảnh “nhà vua … triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu” (Mt 2:2) và thấy thái độ bối rối của ông ta, sau đó lại đổi giọng ngọt ngào nói rằng "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." thì các ông phải biết rằng đó là một âm mưu có dụng ý xấu chứ? Đàng này các ông phải đợi cho đến lúc thiên thần báo mộng thì lúc đó mới vỡ lẽ ra âm mưu ác độc của vua Hê-rô-đê và mới “tìm lối khác mà về xứ của mình” (Mt 2:12) thì quả thật, quả thật họ quả là quá đơn sơ!
* Chưa hết, khi ba nhà chiêm tinh đến gặp Hài Nhi nằm trong máng cỏ cùng với bà mẹ trẻ quê mùa, tầm thường, họ liền “sấp mình thờ lạy Người… mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến [Hài Nhi]” (Mt 2:11). Bạn cứ ngẫm nghĩ thử mà xem, đường đường là những người có thế giá và địa vị cao trong xã hội (wise men, kings, astrologers...) mà họ lại phủ phục sấp mình trước một đứa bé mỏng manh, yếu đuối cùng với một bà mẹ quê mùa trong một khung cảnh nghèo xơ nghèo xác và hôi hám bẩn thỉu toàn mùi bò, lừa. Ba vị chiêm tinh gia của chúng mình cũng chẳng hề nêu thắc mắc, cũng chẳng đặt vấn đề hay lý luận “Con vua mà sao không có lính gác, vua chúa gì mà nghèo te tua như vậy?...” thì bạn thấy tâm hồn của họ có đơn sơ không? Đơn sơ quá đi chứ lại!
Thế còn tôi và bạn thì sao? Trên hành trình đức tin đi tìm Chúa, chúng mình đã có được một tâm hồn đơn sơ giống như ba nhà chiêm tinh xưa không? Khó trả lời quá phải không bạn? Thật vậy!
* Khi tôi gây bè, kéo cánh, kiếm cách hạ nhục, làm mất danh dự, bôi bác, vu oan cáo vạ, hoặc kiếm cách khống chế người khác thì lúc ấy sự đơn sơ không hề có trong tôi.
* Khi tôi lợi dụng bục giảng, dùng nó như là một khẩu đại bác để pháo ông này, bắn bà nọ, độp anh chị kia... thì lúc ấy sự đơn sơ của tôi đã bị bắn ra khỏi tâm hồn mất rồi!
* Khi tôi mở miệng nói những lời nói có ẩn ý xấu, châm chích người này, chia rẽ người kia, gây hiểu lầm, gây đau khổ cho người nọ… thì khi ấy, sự đơn sơ đã từ giã tôi ra đi không kèn, không trống!
* Khi tôi ghen tương, tị hiềm, gian dối, lừa bịp, mánh mung, mạt sát, hạ nhục, văng tục, chửi thề, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, đánh con, đập vợ, chửi chồng, hỗn láo, bất hiếu với cha mẹ, ăn nhậu, bài bạc, bê trễ việc bổn phận … thì đó là dấu chỉ đời sống của tôi chẳng đơn sơ chút nào cả.
Bạn thân mến, Thiên Chúa chỉ tỏ mình ra cho những ai có tấm lòng đơn sơ, hiền hậu và khiêm hạ mà thôi! Chính Chúa Giêsu đã nói:
* Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ [tức là sống đơn sơ], thì sẽ chẳng được vào Nước Trời (Mt 18:3).
* Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn (Luke 10:21).
Vâng thưa bạn, chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ và ngay chính mới được nhìn thấy Chúa bởi vì chính Thiên Chúa là mẫu gương của sự đơn sơ: Nơi Ngài hạ sanh, căn nhà Ngài trú ngụ, khi Ngài đi rao giảng, nơi Ngài chịu tử nạn, nấm mồ chôn Ngài... Hỏi thử có ai sống và chết đơn sơ như Chúa Giêsu không?
Khi bạn và tôi sống đơn sơ, thành tâm và trung tín trong việc đi tìm Chúa thì chắc chắn Ngài sẽ tỏ mình ra cho tôi và bạn thấy rõ sự hiện diện của Ngài trong từng biến cố vui buồn của cuộc đời.
Thế nhưng, thú thật với bạn, sống một đời sống đơn sơ giữa một thế giới đầy dẫy những phức tạp và đảo điên này thì không phải là một chuyện đơn giản! Bạn và tôi sẽ phải trả một giá khá đắt đấy! Người ta sẽ cười nhạo, chê bai chúng mình là khờ khạo, khinh thường và nhìn chúng mình bằng những ánh mắt không mấy thân thiện. Thế nhưng xin bạn đừng quên những người sống đơn sơ và khiêm nhu là những người hạnh phúc, họ sẽ gặp nhiều sự lành lắm. Thật đấy! Người có tâm hồn đơn sơ thì...
* Ít có kẻ thù, ai mà lại để bụng và chấp mấy người sống quá đơn sơ và bị coi là khờ khờ chứ?
* Sống trong an vui và hạnh phúc bởi vì người có tâm hồn đơn sơ không phải mệt óc lo cho những chuyện trả thù, trả đũa và chẳng để bụng giận dỗi ai cả, nằm xuống là ... ngủ.
* Được Thiên Chúa yêu thương và ban cho khả năng nhận ra sự hiện diện của Ngài trong những biến cố vui buồn, trong những thăng trầm khổ ải và cả trong những biến đổi đau thương của cuộc sống.
Bạn có muốn sống đơn sơ không? Hãy tập ngay từ bây giờ đi. Chúng mình hãy tạo cho mình một lối sống càng đơn sơ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu:
Trong cách ăn nếp ở:
* Đừng đua đòi, bon chen, đừng mua sắm những loại quần áo cầu kỳ, sang trọng đắt tiền! Đừng mua sắm xe đẹp, nhà to, tàu thuyền xịn chỉ vì muốn người ta khen ngợi.
* Đừng kén ăn, đừng chê bai những món ăn do chồng, do vợ, do cha mẹ, ông bà đã vất vả nấu nướng dọn trên bàn ăn. Cũng đừng lãng phí sức khỏe và tiền bạc cho những chai rượu mạnh đắt tiền, hay dùng những món ăn cao lương mỹ vị nơi những nhà hàng sang trọng!
Trong cách giao tiếp:
* Đừng ba hoa bốc phét, đừng nổ văng miểng, đừng nói những lời mỉa mai, chua cay, châm chích, đay nghiến... Nói năng đơn sơ thôi, đừng nịnh hót, đừng bợ đỡ ca tụng người khác nhưng trong lòng thì không ưa họ.
* Đừng thêm đừng bớt, đừng bịa đặt thêm mắm thêm muối, đừng cho thiên hạ ăn bánh vẽ với thịt lừa nhưng “hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không” (Mt 5:37).
* Đừng khoe khoang, đừng ngạo mạn trong những lúc thành công, khi được người khác khen ngợi, tán tụng... nhưng hãy thưa với Chúa một cách thật đơn sơ: “Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô duyên, chỉ làm việc bổn phận của con mà thôi!” (Lc17:10).
* Khi lầm lỡ, lúc phạm phải những lỗi lầm xúc phạm đến chồng, vợ, cha mẹ, con cái, tha nhân ... bạn hãy chân thành nói lên hai tiếng XIN LỖI. Khi phạm tội, hãy chạy ngay đến với Chúa qua bí tích Giải Tội và đơn sơ nói với Ngài: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha” (Lc 15:18).
Cầu chúc bạn thành công trong việc tập luyện sống một đời sống đơn sơ. Nếu chúng mình cậy trông vào ơn Chúa và cố gắng luyện tập thì chắc chắn sự đơn sơ sẽ ở với chúng mình bởi vì “Con người do Thiên Chúa làm nên, vốn [rất] đơn sơ [và] ngay thẳng...” (Gv 7:29).