Từ Một Lần Gặp Gỡ (17): SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN
Giữa thế giới thích chạy theo những trào lưu và tương đối hóa mọi sự, bạn có dám nói lên lòng xác tín về niềm tin của mình vào Chúa Giê-su không? Bạn có khao khát có một đức tin trưởng thành đến nỗi dù cho bao người khác không tin thì bạn vẫn tin? Đức tin không phải là một đồ vật đi tìm để có, và cũng không tự nhiên mà có. Đức tin trước hết là một ân huệ của Thiên Chúa ban không, và bạn cần giơ tay ra để đón lấy. Tuy vậy, để giơ tay ra cũng cần phải tập. Biết bao lần bạn chuẩn bị giơ tay ra nhưng rồi thụt tay lại, vì bao nhiêu lý do: vì sợ, vì nao lòng, vì những nghi ngờ…
Các bạn trẻ thân mến,
Sống là phải có niềm tin. Bạn có thể tưởng tượng được một người nào đó sống mà không tin vào bất cứ một ai và vào bất cứ một điều gì không? Một khi đã dám đưa thức ăn vào miệng, thì giả thiết là người ta đã phải tin rằng thức ăn không gây hại cho họ. Một khi đã bước chân đến trường, thì giả thiết họ tin vào tri thức của những người đi trước. Sự tin tưởng là điều thiết yếu làm nên cuộc sống. Cuộc sống phong phú không phải làm nên từ sự nghi ngờ, nhưng nó xuất phát từ một lòng tin nào đó. Sở dĩ người ta nghi ngờ một điều gì bởi vì họ tin rằng còn một điều gì khác đúng hơn, dù nó còn đang ẩn khuất.
Tuy nhiên, dường như cuộc sống hiện đại với những tương quan chằng chịt, thật ảo lẫn lộn làm cho người ta không thể tin tuyệt đối vào người khác, và thay vào đó là tương đối hóa mọi chuyện. Vì thế, thái độ của người ta trước cuộc sống là không hẳn là không tin, nhưng là tin một cách hời hợt; và đối tượng của niềm tin cũng thay đổi như chong chóng. Trong một bầu khí xã hội chập chờn, bấp bênh như thế, bạn có thấy mình có nhu cầu cần một ai đó để bạn đặt trọn niềm tin tưởng?
Niềm tin không phải là thứ mà người ta muốn là có. Nó cũng không phải chỉ ở trạng thái “có” hoặc “không”. Nhưng niềm tin luôn được tích lũy từ nhiều kinh nghiệm khác nhau, cho đến một lúc người ta có thể nói “tôi tin người này” hoặc “tôi tin vào điều kia”, dù cho nhiều người khác không tin như thế. Đó là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng, và giờ đây niềm tin ấy đã trở nên trưởng thành.
Chúa Giê-su đã không đòi những người đến cầu cứu Ngài phải trả công cách hậu hĩnh cho Ngài, nhưng Ngài đòi nơi họ một đức tin trưởng thành. Với các môn đệ, Ngài không đòi họ phải thi thố những tài năng kiệt xuất, nhưng Ngài đòi họ hãy “tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Với một đức tin đủ mạnh, ông trưởng hội đường Giaia đã đến cầu xin Đức Giê-su cứu con gái của ông đang bệnh nặng. Thế rồi, trên đường cùng với Chúa trở về, người nhà của ông đã chạy đến báo là “con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa”. Những người này đã hết hy vọng. Còn Chúa, Chúa khuyến khích và cũng là đòi hỏi nơi ông trưởng hội đường một đức tin trưởng thành: “ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Giờ đây, với một đức tin trưởng thành, mặc cho những người khác không tin, ông vẫn cứ tin là con ông sẽ sống (x. Mc 5, 21 – 43). Thực ra, trong bước đường cùng, không còn chỗ nào để bám nữa, ông đã tuyệt đối bám vào Chúa. Nhưng dù sao, kinh nghiệm này sẽ giúp đức tin của ông ngày càng trưởng thành hơn.
Bạn thân mến,
Giữa thế giới thích chạy theo những trào lưu và tương đối hóa mọi sự, bạn có dám nói lên lòng xác tín về niềm tin của mình vào Chúa Giê-su không? Bạn có khao khát có một đức tin trưởng thành đến nỗi dù cho bao người khác không tin thì bạn vẫn tin? Đức tin không phải là một đồ vật đi tìm để có, và cũng không tự nhiên mà có. Đức tin trước hết là một ân huệ của Thiên Chúa ban không, và bạn cần giơ tay ra để đón lấy. Tuy vậy, để giơ tay ra cũng cần phải tập. Biết bao lần bạn chuẩn bị giơ tay ra nhưng rồi thụt tay lại, vì bao nhiêu lý do: vì sợ, vì nao lòng, vì những nghi ngờ…
Bạn cũng có lý khi không dại gì trao thân cho một người chưa quen biết. Vì thế, Thiên Chúa không muốn bạn tin vào Ngài cách mù quáng. Ngài muốn bạn biết Ngài, tiếp xúc với Ngài để có kinh nghiệm về Ngài. Từ đó, bạn mới tín nhiệm Ngài và tin tuyệt đối vào Ngài. Tương quan luôn là điều quan trọng để xây dựng niềm tin.
Dù thế nào đi nữa, tin người ta luôn có một cái giá của nó. Nhiều khi tin người khác đem lại quá nhiều rủi ro làm cho bạn không dám tin nữa. Riêng với Chúa, lắm lúc bạn thấy mình đi trong đêm tối mà không thấy Chúa đâu cả. Những lúc ấy, có nhiều người đã ngã lòng, còn bạn thì sao? Nếu ông Giaia nhìn thấy con ông chết mà ngã lòng, ắt hẳn con ông sẽ không sống lại. Hy vọng nơi ông cứ dần tắt, và bóng tối cứ dai dẳng đeo bám, nhưng ông vẫn tin là phía cuối căn hầm dài của bóng tối thì ánh sáng sẽ xuất hiện. Ông đã có lý khi tin tuyệt đối với Chúa Giê-su. Tuy nhiên, dù ông đã tin nhưng ông còn cần được củng cố thêm đức tin nữa.Qua nhiều lần đi trong đêm tối rồi lại được thấy ánh sáng, đức tin sẽ ngày một trưởng thành hơn, vì nó được thanh luyện bởi chính sự tín nhiệm.
Thiên Chúa không đối xử với bạn như đối xử với một đứa con nít, hễ khóc là cho ăn mà không đòi nó phải suy nghĩ. Không, Thiên Chúa muốn xử đối với bạn như với một người lớn. Thật không lạ, khi bạn mới theo Chúa thì Ngài cho biết bao kẹo ngọt, nhưng dần dần đêm tối, thập giá lại xuất hiện và bắt bạn phải chịu đựng nhiều hơn. Bởi vì Ngài coi bạn như một người lớn. Ngài muốn bạn cùng cộng tác để tìm ra giải pháp, và hơn thế nữa suy tư về chính vấn đề của mình. Như thế, bao lâu còn đang đi tìm giải pháp thì bấy lâu còn đang đi trong đêm tối. Nhưng sau những kinh nghiệm đêm tối, bạn sẽ thêm tín nhiệm Ngài vì Ngài không bỏ bạn.
Khi tin người ta mới có niềm hy vọng, dù đó là tự tin hay tin vào người khác. Một khi đã loại bỏ thái độ tin tưởng, người ta không thể tìm thấy điều gì sáng sủa hơn là cái nhìn tiêu cực khi đối diện với vấn đề. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy tin vào Ngài. Khi đã tin vào Ngài chúng ta sẽ có tự tin để làm mọi chuyện khác, đến nỗi có thể chuyển núi dời non (Lc 17, 5-6). Đức tin sẽ lớn dần sau những lần chúng ta tiếp xúc và tín nhiệm Thiên Chúa. Dù sao, đức tin vẫn là một mầu nhiệm và “phúc cho những người không thấy mà tin” (Ga 20, 29).
Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta
và giúp chúng ta dám bước theo Ngài dù đôi khi đường đời vẫn còn trong đêm tối.
Xin Chúa cũng giúp chúng ta biết quý trọng lòng tin và sự tín nhiệm,
để trong đời sống hằng ngày,
chúng ta cũng cho người khác thấy rằng “tôi để tin và đáng để tín nhiệm”!
Hà Thanh Bình