PHÚT GIAO MÙA
“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ”,
Nếu chiều mùa xuân năm 1933, trước cái không gian huyền ảo thực hư của Đà Lạt, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã ngẩn ngơ thốt lên những vần thơ ấy,thì chiều hôm nay, trong cái linh thánh của phút giao mùa khi những giờ cuối của năm cũ đang qua đi, nhường chỗ cho một năm mới sắp đến, thì hãy như nhà thơ, chúng ta hãy cùng mấp máy đôi môi: “Ôi lạy Chúa mở cho con đôi mắt, thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi”. Vâng, tình yêu Chúa quá ư kỳ diệu, vượt quá trí hiểu; bao hy sinh cùng lời cầu nguyện của các đấng sinh thành quả thật vô biên.
Tình yêu Chúa quá ư diệu kỳ khi “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải lưu tâm?”, thì chúng ta, những người đang quỳ đây, biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Ngài đã ban cho…
Hồng ân tiếp nối hồng ân, mỗi ngày là một hồng ân: hồng ân bí tích, Mình Máu Chúa nuôi sống, bí tích Chúa ban ơn “cho con được sống và sống dồi dào”; hồng ân Lời Chúa, “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”; hồng ân quan phòng, Chúa ban cho cái ăn, cái mặc, cái để chia sẻ; hồng ân tha thứ, “bao lỗi lầm Chúa phủ che, tội ta làm Chúa ném thật xa”; hồng ân sức mạnh, bình an và niềm vui của Thánh Thần mà nếu không có, tưởng chừng như chúng ta không thể vượt qua, không thể đứng vững trước những tang tóc, nghịch cảnh và xúi quẩy. Rồi kể sao cho xiết muôn ân huệ siêu nhiên cũng như tự nhiên Chúa ban cho Giáo Hội, cho giáo xứ, cho mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình và mỗi người trong những tháng ngày qua. Hãy tạ ơn Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Thứ đến, công ơn bể trời của mẹ cha, “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, các đấng sinh thành còn sống hay đã qua đời mà qua lời cầu nguyện, qua bao mồ hôi nước mắt của các ngài, chúng ta có được ngày hôm nay. Thế mà, “mẹ thương con biển hồ lai láng, con thương mẹ kể tháng kể ngày”.
Nhân ngày cuối năm, chúng ta cùng gẫm suy câu chuyện Cậu Bé và Cây Táo. Có cậu bé kia sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Khi bắt đầu có trí khôn, cậu bé đồng thời cũng sớm nhận ra cây táo đã sừng sững sau vườn nhà mình tự bao giờ. Cậu nào biết, ngày ngày, táo rợp bóng cho cậu cùng chúng bạn vui đùa. Ngày kia, cậu thở than cùng cây táo, “Táo ơi, con buồn quá, con không có gì để chơi cả”. Táo trả lời, “Sao con không leo lên đây, chuyền từ cành nầy sang cành nọ, hái táo mà ăn cho thoả”. Thế là cậu bé rủ thêm chúng bạn ngày ngày leo trên thân táo; và không hơn gì các bạn tinh nghịch khác, một đôi lần, cậu bé dùng đá và gậy đánh vào cành, rạch vào thân… làm táo xây xát đớn đau. Leo lên leo xuống mãi cũng chán, cậu bé đòi táo cho đồ chơi khác, táo ra sức rợp bóng thật um tùm để chim chóc về làm tổ hầu chú bé và các bạn có thể lên bắt những chú chim nhỏ về nuôi. Và qua dòng thời gian, cậu bé lớn lên thật nhanh và hầu như quên hẳn cây táo giờ đây cũng già cỗi theo năm tháng.
Thế mà vào một ngày kia, giờ đã là một thanh niên, cậu bé trở lại khu vườn trước sự ngạc nhiên của cây táo, táo hỏi, “Con còn đến đây làm gì?”, người thanh niên đáp, “Ta cần tiền cưới vợ”. Suy nghĩ một hồi, táo đáp, “Thì con hãy chịu khó ngày ngày hái táo đem ra chợ bán để dồn tiền cưới vợ”. Bẵng một thời gian sống với vợ con, cậu ấy dường như không còn nhớ đến cây táo; rồi một hôm, cậu lại trở về, táo lại hỏi, “Ta còn gì để cho con nữa, con cần gì?”. “Ta cần dựng một căn nhà”. Táo nói, “Ta không còn đủ sức cho quả để con đem bán nữa, thôi con hãy chặt những cành lớn nơi ta để tạm dựng cho mình cùng vợ con một căn nhà”. Thế là cậu bắt đầu chặt không thương xót những cành lớn, vừa đem bán vừa dành đủ gỗ, dựng cho mình một căn nhà, mặc cho táo trơ trọi bên góc vườn tưởng chừng như không ai còn biết đến.
Vậy mà cũng người thanh niên ấy, một chiều kia lại trở về khu vườn, táo lúc này đã mù loà, tai không còn nghe, mắt không còn nhận ra cậu nữa, cậu phải lên tiếng thật to để thổ lộ rằng cậu đã chán ngấy căn nhà gỗ và phải dọn đi nơi khác. Nghe được, táo vẫn hớn hở thì thào, “Thôi, thì con cứ đốn ngả thân ta, lấy gỗ đóng cho mình một chiếc thuyền để xuôi xuống miền nam sinh sống”. Và một lần nữa, cậu lại nhẫn tâm đốn hạ cây táo để thoả ý mình.
Lâu thật lâu, không biết mấy chục năm sau, cậu bé ngày xưa giờ đây tóc đã điểm hoa râm lại trở về bên gốc táo ngày nào, lần nầy không hiểu sao, cậu không nhận ra táo, nhưng táo lại trực giác nhận ra cậu. Người đàn ông ấy không còn đòi hỏi táo điều gì nữa vì táo đâu còn gì để cho, nhưng cậu bé ngày xưa giờ đây quá hối hận khi tìm về gốc táo, tựa lưng vào đó để gẫm suy cuộc đời. Và kìa, táo cảm thấy thật hạnh phúc khi vẫn còn là một chỗ tựa cho đứa con tội nghiệp của mình.
Anh chị em, gốc táo ấy chính là hình ảnh của mẹ cha, đã một đời hy sinh miễn sao cho con được nên người, nên thánh. Niềm vui sướng và hạnh phúc của các đấng sinh thành chính là trở nên nơi nương tựa cho con cái, dù đã ngồi một chỗ như gốc táo già hay đã lão hoá đồng như một trẻ thơ, hoặc cho dù chỉ còn là nấm mộ lạnh ngoài nghĩa trang đìu hiu… Vậy chớ gì mỗi người chúng ta ngày càng biết kính trọng và yêu thương các đấng sinh thành, những gì đã mất hoặc chắc chắn một ngày kia chúng ta sẽ vĩnh viễn không còn.
Chớ gì những lời cuối năm cũng như đầu năm, cũng là những lời cuối đời của mỗi người chúng ta sẽ mãi mãi là “Tạ Ơn Chúa Vì Muôn Ngàn Đời Chúa Vẫn Trọn Tình Thương”.
Lm. Minh Anh (Gp. Huế)