Canh thức cầu nguyện trước lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2


ROMA. Tối ngày 30-4, giáo phận Roma đã tổ chức một buổi canh thức chuẩn bị tinh thần cho lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2 vào sáng chúa nhật 1-5-2011.

Hàng chục ngàn tín hữu đã tham dự buổi canh thức tại khu vực Circo Massimo, xưa kia là trường đua thời La Mã. Buổi cầu nguyện dài 2 tiếng rưỡi, bắt đầu lúc 8 giờ tối và kết thúc lúc 10 giờ rưỡi, gồm có 2 phần:

- Phần đầu là tưởng niệm được khai mào với nghi thức: 30 bạn trẻ của các giáo xứ Roma rước bức ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma (Salus Populi Romani) lên lễ đài, trong khi ca đoàn Adonaj hợp xướng bài “Hỡi Mẹ Từ Bi” bằng tiếng Ba Lan.

Tiếp đến là các chứng từ được lần lượt trình bày, xen kẽ là các bài thánh ca và đoạn Video gợi lại những giáo huấn, lời nói và cử chỉ của Đức Gioan Phaolô 2, qua sự giới thiệu của nữ ký giả Safiria Leccese, ca đoàn giáo phận Roma cùng với Nhạc viện Thánh Cecilia đảm trách phần thánh ca.

Chứng từ đầu tiên là của bác sĩ Joaquin Navarro Valls, nguyên Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, nữ tu Marie Simon Pierre, người được khỏi bệnh Parkinson một cách lạ lùng nhờ Đức Gioan Phaolô 2 trong đêm 2 rạng ngày 3-6-2005, ĐHY Stanislaw Dziwisz, nguyên bí thư của Đức Cố Giáo Hoàng trong 40 năm trời.
Phần thứ I kết thúc với bài ca “Totus Tuus” được sáng tác nhân dịp kỷ niệm 50 năm linh mục của Đức Gioan Phaolô 2.

- Phần thứ II của buổi canh thức là cử hành Kinh Mân Côi, 5 mầu nhiệm Sự Sáng, với lời dẫn nhập do chính Đức Cố Giáo Hoàng biên soạn.

ĐHY Vallini đã tóm lượt về con người và hoạt động mục vụ của Đức Gioan Phaolô 2. Việc đọc 5 chục kinh Mân Côi được nối với 5 Đền thánh Đức Mẹ trên thế giới và có kèm theo một ý chỉ cầu nguyện rất được Đức Gioan Phaolô 2 quan tâm:

- Đền thánh Lagniewkini, Cracovia Ba Lan: cầu cho giới trẻ
- Đền thánh Kawekamo, Bugando bên Tanzania: cầu cho gia đình
- Đền thánh Đức Bà Liban, Harissa, cầu cho việc truyềngiảng TinMừng
- Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe, Mêhicô, cầu cho hy vọng và an bình của các dân tộc
- Sau cùng là Đền thánh Fatima, Bồ đào nha, cầu cho Giáo Hội
Trong phần kết, nơi canh thức đã được nối qua truyền hình với Dinh Tông Tòa, ĐTC đã xuất hiện để đọc kinh kết thúc và ban phép lành cho mọi người.
Sau buổi canh thức, có 8 thánh đường ở Roma được mở cửa suốt đêm để các tín hữu có thể cầu nguyện suốt đêm trước Mình Thánh Chúa.

Chứng từ của ĐHY Dziwisz

ĐHY cho biết Đức Gioan Phaolô 2 cảm thấy mình là người Roma “đến tận cùng, đến độ ngày ngây ngất nhìn Roma từ cửa sổ phòng của Ngài ở dinh Tông Tòa, không bao giờ nhìn ngắm thành này cho đủ qua đôi mắt và trong tâm hồn của Ngài. Ngài là người Roma đến độ mỗi tối trước khi đi ngủ, ngài chúc lành cho Roma, nhìn Roma đầy ánh điện từ phòng ngài và làm dấu thánh giá trên thành này. Ngài là người Roma đến độ luôn giữ một bản đồ Roma trong tầm tay, và chỉ rõ những giáo xứ đã viếng thăm và những xứ ngài chưa thăm viếng được. Vì thế, tối hôm nay, tôi nghĩ Ngài cũng ở với chúng ta, đặc biệt hài lòng, tươi cười và chúc lành”.

ĐHY Dziwisz cũng bày tỏ xác tín: “Sở dĩ hôm nay Ngài được phong chân phước, vì ngài đã là thánh khi còn sống, ngài là thánh đối với cả chúng tôi những người sống gần ngài. Tôi biết rằng ngài là một vị thánh. Tôi biết điều đó từ lâu, khi ngài còn sống và cả trước khi được chọn làm Giáo Hoàng. Tôi biết điều đó khi tôi bắt đầu sống cạnh ngài. Không có một vị Giáo Hoàng riêng tư khác với một vị Giáo Hoàng công khai. Ngài vẫn luôn như vậy, luôn luôn như thể trước mặt Chúa.”

“Phần lớn thời gian trải qua với ngài, ngài giữ im lặng, vì đó là thái độ ngài ưa thích. Ở với Đức Gioan Phaolô 2 có nghĩa là yêu thích sự thinh lặng của ngài. Là cộng tác viên, là bí thư của ngài, trước tiên có nghĩa là bảo đảm cho ngài khoảng không gian quan trọng, sự di chuyển tự do, bảo vệ khoảng trống tự do của ngài, trong đó trước tiên có khoảng không gian và thời gian dành cho Thiên Chúa. Ngài tìm Chúa, và không bao giờ tỏ ra mệt mỏi ở với Chúa, trong mọi hoàn cảnh: cả khi ngài nghiên cứu hay ở giữa dân chúng, ngài ở với Thiên Chúa một cách rất tự nhiên. Cầu nguyện đối với Đức Gioan Phaolô 2 là hô hấp. Khi ngài nói về Chúa Giêsu Kitô, ngài không làm gì khác hơn là kể kinh nghiệm của ngài”.


G. Trần Đức Anh OP