Thư viết cho Mẹ




Sinh ra ở một miền quê nghèo, trong một gia đình cũng không được đầy đủ cho lắm! không biết tự bao giờ con đã trưởng thành như bây giờ. Trải qua thời gian, những ký ức có thể còn nhớ và cũng có thể đã quên từ lâu rồi. Mới đây thôi, con còn nhớ rất rõ mẹ vào Sài Gòn thăm con đang lập nghiệp ở đó. Mỗi lần đi chợ mẹ mua bất cứ thứ gì cũng đều xuýt xoa chê mắc, mẹ không quen với cuộc sống của người thành phố, không quen đi chợ thành thị và cũng không quen với không khí ôn ào náo nhiệt ở đây. Tuy nhiên, có một điều mà con luôn chắc chắn rằng: Cuộc đời con luôn luôn có mẹ. Hình bóng mẹ luôn hiện diện, đồng hành với con trong từng giấc ngủ, trên từng bước đi của cuộc đời con…

Ở nơi quê nhà, mẹ luôn vất vả lo toan cho cuộc sống của gia đình, tuy các con của mẹ giờ đây cũng đã lớn. Quanh năm mẹ tất bật với ruộng lúa, bờ ao. Mẹ chỉ quanh quẩn với mấy lũng rau, nhặt từng cành củi khô, đi chợ mua thêm vài con cá là có được bữa cơm đạm bạc rồi. Giữa cuộc sống bộn bề và hiện đại như hiện nay làm cho mẹ bối rối. Mẹ vụng về với những tiện nghi hiện đại, chỉ một tiếng kêu tách của ngọn lửa bếp ga phực lên cũng làm cho mẹ giật mình, rồi cả nồi cơm còn nguyên nước vì mẹ không quen sử dụng. Cái công nghệ của thời kỹ thuật số là như thế đó!

Đến bữa dọn cơm ra, nhìn vào mâm cơm mẹ không nói một lời nào, mẹ ngồi đó như đang chờ đợi một ai hay suy nghĩ một điều gì đó mà không thể thốt ra thành lời. Chắc là mẹ đang thầm vui mừng cho sự thành đạt của các con thì phải? Con nghĩ như thế, mẹ ơi con yêu mẹ biết chừng nào!

Cuộc đời của mẹ có thể nói luôn là một điệp khúc mùa xuân ấm áp của tình mẫu tử, nhưng cũng có lúc là mùa đông, là gian lao khó nhọc. Mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, chỉ vì lo lắng cho các con của mẹ. Nhiều đêm mẹ phải thức trắng vì con lên con sốt, canh giấc ngủ cho con… tất cả những điều đó có ai hiểu thấu và làm được như mẹ đã làm không? Nỗi lo của mẹ vẫn còn đó, mẹ không ngủ được vì thương con, lo lắng cho con. Mẹ ơi! Suốt mấy mươi năm qua con được ăn học và khôn lớn như ngày hôm nay, tất cả cũng nhờ vào đôi bàn tay vàng ngọc của mẹ. Mẹ làm việc từ sáng tinh sương cho tới lúc đêm về, dãi nắng dầm mưa mà có bao giờ con thấy mẹ than vãn một tiếng. Khi bị đau bệnh, mẹ chỉ uống vài viên thuốc qua loa mà không ai biết… Mẹ có biết không? Giờ đây các con của mẹ đã lớn rồi, đã đủ để cảm nhận được tình mẫu tử cao đẹp dường nào. Bây giờ con mới thấy những việc mẹ làm tuy là nho nhỏ, tầm thường thôi, nhưng mẹ đã làm với tất cả lòng yêu thương. Điều này còn lớn và quý giá hơn cả những món quà vật chất, dù có thế nào cũng không sánh bằng tình mẹ thương con; Nhiều lúc con đã bỏ ngoài tai những lời mẹ khuyên, tưởng chừng như là đơn giản thôi, nhưng nó được biểu lộ bằng sự quan tâm, chăm sóc, góp ý và sửa lỗi mỗi khi con sai phạm, đó như là những viên gạch xây nên bức tường vững chắc cho tương lai của con.

Cho đến hôm nay, con của mẹ đã có thể tự mình lo cho gia đình và bù đắp những năm tháng mà mẹ đã phải gian lao vất vả. Nói là bù đắp, nhưng có thể nào sánh được với công ơn sinh thành và nuôi nấng của mẹ; Ngày xưa là thế, bây giờ cuộc sống đã thay đổi nhiều, nhưng con vẫn cần sự an ủi và động viên của mẹ, đó chính là động lực giúp con trưởng thành hơn. Đời người được ví như cỏ hoa, như một dòng suối, phải vượt qua bao nhiêu thác ghềnh, sông rạch, phải trải qua chớp bể mưa nguồn trước khi về với biển khơi. Đời mẹ cũng thế, để nhìn thấy các con có được như ngày hôm nay mẹ cũng đã hy sinh thật nhiều. Chính vì thế mà ca dao có câu “nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ” là thế đó!

Chuyện mẹ nuôi con khôn lớn đã trở thành chuyện bình thường trong xã hội. Không ít người còn cho rằng đây là thiên chức của người mẹ, là bổn phận cao quý của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình. Còn về phần mình, mẹ chẳng bao giờ nhắc đến công lao trời bể ấy. Trái lại, mẹ luôn chịu đựng và chịu đựng tất cả để cho con mình được vui, được khôn lớn một cách đầy đủ nhất, dù có những lúc cái vui ấy là nỗi buồn, là một sự mất mát của người mẹ; Cuộc sống bây giờ đã tốt hơn nhiều, đầy đủ hơn nhiều, muốn ăn gì hay uống gì là có ngay mà không cần phải đợi tới mùa vụ nữa. Nhưng có lẽ những ước mơ tưởng chừng như chẳng bao giờ có được thế mà nay lại trở nên bình thường…

Có nhiều khi thấy mẹ ngồi trầm ngâm một mình trước bàn thờ Chúa, lòng con có cảm giác như mẹ đang thầm cảm ơn Chúa đã ban cho mẹ niềm hạnh phúc là được làm mẹ, được nhìn ngắm các con dần lớn lên theo thời gian trong sự quan phòng của Chúa. Tạ ơn Chúa đã ban cho mẹ có đủ sức khỏe và nghị lực để vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống thường ngày. Nhưng cuộc sống càng hiện đại, con càng có cảm giác như mẹ đang bị bỏ rơi, tuổi già của mẹ gắn liền với nỗi cô đơn, như thấy mẹ không còn quan trọng gì đối với con nữa, vì con đã trưởng thành. Mỗi lúc như thế, con nhớ lại hình ảnh mẹ một thời kham khổ nuôi con bằng từng hạt cơm hay mớ rau do chính tay mẹ vun tưới, dù vất vả mẹ vẫn luôn tươi cười.

Có lần con dành thời gian đưa mẹ đi dạo phố trong một buổi tối đẹp trời, nơi phố thị rực rỡ ánh điện. Có lẽ đây là lúc mà những đứa con như tôi đáp lại sự hiếu thảo và lòng biết ơn đối với mẹ. Nhưng mới đi chưa được bao lâu thì mẹ đã một mực đòi quay trở về, với lý do mẹ không quen không khí ngột ngạt của đường phố đầy bụi và khói xe. Mẹ không quen với âm thanh ồn ào của phố thị. Chắc mẹ chưa quen và sẽ không bao giờ quen được với nhịp sống của con người hiện đại, dù cho mẹ là người đã nâng đỡ, đã động viên để con luôn vững bước trên đôi chân của mình, để con có cơ hội thoát khỏi miền quê nghèo khổ và để con thành đạt trong cuộc sống. Có lẽ bây giờ con đang sống cái hiện thực mà bao lâu nay con và mẹ hằng mong ước, nhưng còn mẹ thì sao? Mẹ sẽ ở lại với quá khứ, với những gì quen thuộc đã gắn bó suốt cuộc đời của mẹ…


Paul. Viết Khôi