CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN


Chủ đề: Học cùng Ðức Giêsu sự Hiền lành và Khiêm tốn
"Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm tốn"
(Mt 11,29)



I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Ðức Giêsu không những dạy chúng ta về đời sống đức tin, về những nhân đức siêu nhiên, mà còn dạy chúng ta cách sống nhân bản. Làm theo giáo huấn của Ngài, chúng ta sẽ trở thành những con người rất dễ thương dễ mến và do đó sẽ dễ thành công trong cuộc đời. Hôm nay Ðức Giêsu dạy ta học gương của Ngài sống hiền lành và khiêm tốn. Chúng ta hãy lắng nghe giáo huấn của Ngài và xin Ngài giúp ta thực hành được giáo huấn ấy.

II. Gợi ý sám hối

Rất nhiều lần chúng ta nóng nảy, hung dữ với kẻ khác.
Rất nhiều lần chúng ta kiêu căng: coi trọng mình và coi khinh kẻ khác.
Rất ít khi chúng ta để ý xem Chúa đã sống như thế nào để tập sống theo gương Chúa.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Dcr 9,9-10)

Năm 333, Alexandre Ðại đế chiến thắng đế quốc Babylon và đưa đế quốc Hy lạp lên ngôi bá chủ. Nhiều người do thái tự hỏi "Phải chăng đó là Vua Messia mà Thiên Chúa gởi đến?", "Nếu không phải như thế thì phải chăng Vua Messia sẽ đến cũng giống như Alexandre hùng mạnh này?"

Ngôn sứ Dacaria trả lời: Ðấng Messia sẽ đến cũng là một vì Vua nhưng với nhiều khác biệt rất cơ bản:

Ngài không phải là một vị vua chiến tranh, mà là vua hòa bình.
Ngài không kiêu kỳ, mà rất khiêm tốn
Ngài rất hiền lành: không thích giết chết mà chỉ muốn cứu độ.

Hình ảnh tiêu biểu về Vua Messia là Ngài không cởi trên lưng ngựa mà trên lưng lừa.

2. Ðáp ca (Tv 144)

Những đức tính của Vua Messia cũng chính là những đức tính của Thiên Chúa: "Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa".

3. Tin Mừng (Mt 11,25-30)

Văn mạch: Sau một thời gian rao giảng, Ðức Giêsu đã gặt hái được những thành công nhưng cũng gặp phải nhiều thất bại. Thất bại là nơi những người tự nghĩ mình là thông thái, như biệt phái, luật sĩ và gần đoạn Tin Mừng này nhất là dân ở các thành ven bờ Biển Hồ (Mt 11,20-24); còn thành công là nơi những người nghèo nàn, ít học, thu thuế, tội lỗi... Ngài gọi chung họ là "những kẻ bé mọn".

Phần đầu của đoạn Tin Mừng này ghi lại lời Ðức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha. Trước hết, Ngài nhìn nhận tất cả những thành công và thất bại ấy đều theo đúng kế hoạch của Chúa Cha. Kế đến, khi nhìn lại những thành công và thất bại ấy, Ðức Giêsu khám phá ra rằng chính Chúa Cha đã đặc biệt yêu thương những kẻ bé mọn nên đã cho họ đón nhận Tin Mừng của Ngài. Việc Chúa Cha yêu thương mặc khải cho những kẻ bé mọn khiến Ðức Giêsu cảm động và vui mừng, vì thế Ngài lớn tiếng cảm tạ và ca tụng Chúa Cha.

Sang phần thứ hai của đoạn Tin Mừng này, Ðức Giêsu kêu gọi mọi người hãy mang lấy "ách" và "gánh" của Ngài. Theo cách nói Do Thái, "mang ách của ai" là học với người đó; còn "gánh" thì ám chỉ lề luật. Nói tóm lại, Ðức Giêsu kêu mời mọi người hãy học với Ngài và đón nhận luật của Ngài:

Học với ngài: học gương hiền lành và khiêm tốn
Ðón nhận luật Ngài là luật yêu thương

4. Bài đọc II (Rm 8,9.11-13) (Chủ đề phụ)

Ðây là lập luận thứ ba cho luận đề "được công chính hóa nhờ đức tin".

Cốt tuỷ của lập luận: trong con người có hai khuynh hướng đối nghịch nhau, một muốn làm lành và một muốn làm ác. Con người chỉ có thể tìm được sự thống nhất nội tâm nhờ ơn của Thánh Thần.

Áp dụng: Kitô hữu đã được Chúa Thánh Thần đến ở trong mình cho nên đã có một cuộc sống mới, cho nên họ đừng sống theo cuộc sống cũ nữa:

Cuộc sống cũ là sống theo xác thịt. Cuộc sống đó sẽ dẫn đến cái chết.
Cuộc sống mới là sống theo Thánh Thần. Nó sẽ dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

Thánh Augustinô đã tự thuật rằng chính đoạn thư này của Thánh Phaolô đã giúp Ngài hoán cải.

IV. Gợi ý giảng

1. Thế nào là "hiền lành?"

Trong nguyên bản Hy Lạp, thánh Matthêu dùng chữ praus. Chữ này có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Như thế, "hiền lành" bao gồm một tâm thế bên trong và một cách phản ứng bên ngoài.

- Tâm thế bên trong là luôn êm ái hoà nhã: nghĩ về người khác thì nghĩ tốt, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Ðón nhận những lời nói và cách cư xử của người khác đối với mình thì không thành kiến, biết phải quấy, sẵn sàng đối thoại, chấp nhận sửa đổi.

- Phản ứng bên ngoài: nhẹ nhàng, tôn trọng, không thô bạo.

Chúa Giêsu hiền lành: trong lòng Ngài luôn yêu thương người khác (đặc biệt là những người khốn khổ hèn mọn), luôn muốn điều tốt cho người khác (nhất là muốn cứu độ người ta), không thành kiến đối với những người mà xã hội quen coi là xấu xa tội lỗi; lời nói và hành động của Ngài luôn tỏa ra sự dịu dàng, nâng đỡ, khích lệ, ủi an. Ngài không nặng lời, không lên án. Ngài chủ trương sống bằng tình thương, Ngài không bạo động.

2. Thế nào là "Khiêm tốn"?

Trong nguyên bản Hy Lạp, thánh Matthêu dùng chữ tapeinos. Chữ này có nghĩa là chấp nhận "đứng thấp", "ở dưới", "bị hạ xuống", hoặc tự ý xuống thấp, ở dưới.

Căn bản của khiêm tốn là biết mình "là" thế nào: từ đó không muốn tỏ ra hơn cái "là" ấy và giả như người khác có coi mình kém hơn cái "là" ấy thì mình cũng không màng tới. Ðiều quan trọng là sống thanh thản và thành thật đúng với cái "là" của mình.

Dụ ngôn của Ðức Giêsu về những chỗ ngồi (Lc 14,7-11) giúp ta hiểu rõ hơn về thái độ khiêm tốn đối với danh dự:

Danh dự của ta không phải do ta tranh dành mà có: Khi được mời đi ăn cưới thì đừng tự ý dành chỗ nhất.
Danh dự của ta là do chính cái "là" của ta tạo cho ta: chủ tiệc thấy ta xứng đáng chỗ nào thì sẽ đặt ta vào chỗ đó.
Nhất là danh dự của ta là do Thiên Chúa sắp xếp cho ta: chủ tiệc cưới trong dụ ngôn này là chính Thiên Chúa. Ngài sẽ mời ta vào chỗ Ngài xếp đặt.

3. Cuộc hoán cải của Augustinô

Augustinô là một thanh niên có tư chất thông minh nhưng lỡ đi lạc đường. Về phương diện trí thức, Augustinô ỷ mình thông thái, dùng kiến thức của mình để truy tìm những học thuyết uyên bác. Kết quả là lạc vào bè rối Manikê. Về phương diện luân lý, Augustinô sống buông theo theo những đòi hỏi của xác thịt. Kết quả là một cuộc sống tội lỗi.

Một hôm, trong lúc tâm hồn trống rỗng vô vị, Augustinô bỗng nghe một tiếng từ đâu đó vang lên "Tolle et lege" (Hãy cầm lấy và đọc). Augustinô thấy trước mặt một quyển Thánh Kinh. Ngài cầm lên, mở ra và gặp ngay đoạn thư này của Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma: đừng sống theo xác thịt nữa mà hãy sống theo Thánh Thần.

Cuộc hoán cải của Augustinô đã được dọn đường nhờ sự cầu nguyện và ăn chay hãm mình của mẹ ngài là bà Mônica. Nhưng chính câu Thánh Kinh này là yếu tố quyết định thay đổi cuộc đời Augustinô.

4. "Hãy đến với Ta"

Hãy đến với Ta. Chúa bảo tôi như thế. Nhưng tôi đáp lại: Con không dám, vì con bất xứng.
Hãy đến với Ta. Chúa lặp lại. Tôi lại đáp: Con sợ.
Hãy đến với Ta - Nhưng con đâu có hẹn trước với Chúa.
Hãy đến với Ta - Hiện giờ con không rảnh.
Hãy đến với Ta - Tôi không còn lý do gì từ chối nữa.

Chúa nói tiếp:
Con hãy đến.. hãy ngồi xuống... hãy trút bỏ gánh nặng trên vai... Hãy ngồi dưới bóng cây im mát của Cha... Hãy giải khát bằng dòng nước trong lành của Cha... Ở bên Cha, con sẽ được nghỉ ngơi, sẽ thấy an bình.

Tôi thưa: "Ách của Cha thật là êm ái. Gánh của Cha thật là nhẹ nhàng". (Flot McCarthy)

V. Lời nguyện cho mọi người

CT: Anh chị em thân mến

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: "Anh em hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường". Với ước muốn nên giống Chúa, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.

1. Hội Thánh là một bà mẹ hiền / luôn hết lòng yêu thương và tận tình chăm sóc con cái của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / cảm nghiệm được một cách rõ rệt tình thương bao la của Hội Thánh.

2. Chúa Giêsu nói / "Phúc thay ai xây dựng hòa bình / vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu / biết sống tinh thần tám mối phúc thật / nhờ đó / họ có thể trở thành những người kiến tạo hòa bình.

3. Trong đời sống thường ngày / khi gặp buồn phiền hay đau khổ / nhiều người đã đặt niềm tin không đúng chỗ / do đó bị lừa bịp và bị thiệt hại hết sức nặng nề / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang gặp thử thách / chỉ chạy đến cùng Chúa để được Người nâng đỡ ủi an.

4. Chúa ghét kẻ kiêu căng / nhưng thương người khiêm tốn / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn biết noi gương Chúa Giêsu / sống hiền hậu và khiêm nhường.

CT: Lạy Chúa Giêsu, để nên hoàn thiện như Chúa Cha trên trời theo lời mời gọi của Chúa, chúng con phải lắng nghe Lời Chúa dạy và thực thi mệnh lệnh Chúa truyền. Xin Chúa thương ban ơn trợ giúp, để chúng con làm trọn những gì Chúa đòi hỏi nơi chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh Lễ

- Trước kinh Lạy Cha: Ðức Giêsu thường xuyên cầu nguyện với Chúa Cha và Ngài cầu nguyện rất sốt sắng. Chúng ta hãy kết hợp tâm tình với Ngài dâng lên Chúa Cha lời kinh sau đây.

- Trước rước lễ: Ðức Giêsu đã mời gọi: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng". "Ðây Chiên Thiên Chúa..."

VII. Giải tán

Trong Thánh lễ hôm nay, Ðức Giêsu đã mời gọi chúng ta học gương hiền lành và khiêm tốn của Ngài. Trong tuần này, chúng ta hãy cố gắng sống hiền lành và khiêm tốn theo gương Chúa.


Lm. Carolô Hồ Bạc Xái