CHIẾC ÐINH CONG




Chủ đề: "Ðáp lại lời Chúa bao gồm ba việc: Nhận lãnh, gìn giữ và mang nó ra thực hành"


John Powers. Một tiểu thuyết gia ở Chicago có viết quyển sách nhan đề "The Unoriginal Sinner and the Ice Cream God".

Tác phẩm này kể về một cậu bé tên Tim Conroy. Cậu đang trong thời kỳ tăng triển, một thời tăng triển gai góc. Ngày nọ Tim tâm sự với một người bạn: "Tớ xuất thân từ một gia đình công giáo, nhưng cậu biết sao không? Càng sống đạo tớ càng tồi tệ hơn".

Ðôi khi tất cả chúng ta đều có cảm nghĩ giống Tim. Có thể chúng ta không trở nên tồi tệ hơn, nhưng chúng ta cũng chả khá lên bao nhiêu. Qúi vị hãy nghĩ xem: khi được 25 tuổi, chúng ta đã nghe đọc và cắt nghĩa Lời Chúa phải được khoảng độ một ngàn lần, thế mà sau đó, tại sao chúng ta vẫn không tiến bộ hơn trước? Câu trả lời có lẽ nằm nơi dụ ngôn của Chúa Giêsu trong Phúc Âm hôm nay.

Người nông dân trong dụ ngôn là Chúa Giêsu. Hạt giống là Lời Chúa. Những nơi hạt giống được gieo xuống là vệ đường, đá, gai, đất tốt, ám chỉ các kẻ nghe Lời Chúa. Một vài người chối bỏ lời ấy thẳng thừng. Số khác thì nhận lấy và sau đó thì chối bỏ. Còn số khác nữa thì nhận lãnh, tích chứa và đem ra thực hành.

Ðiều quan trọng cần ghi nhận là chỉ có một trường hợp Lời Chúa bị chối thẳng thừng và triệt để. Trong ba trường hợp còn lại. Lời Chúa đều được vui vẻ đón nhận. Vấn đề không hệ tại việc đón nhận Lời Chúa, mà hệ tại việc tích chứa và mang nó ra thực hành. Vì thế, có tất cả ba bước để đáp trả lời Chúa là: đón nhận, tích chứa và thực hành lời ấy.

Chúng ta hãy xem kỹ từng bước một.

Bước thứ nhất là nghe Lời Chúa. Chúng ta có thể gọi đây là bước của trí não. Bước này bao hàm việc chăm chú lắng nghe đọc và giải thích Kinh Thánh.

Bước thứ hai là trân trọng tích giữ Lời Chúa. Bước này có thể được gọi là bước của trái tim, bao hàm việc ghi sâu vào lòng lời ta vừa nghe, và suy nghĩ xem có cách nào áp dụng lời ấy vào cuộc sống và làm sao để lời ấy biến cuộc sống của chúng ta nên tốt đẹp hơn. Bước thứ hai này không nhất thiết xẩy ra tại giáo đường. Nó có thể khởi sự tại giáo đường nhưng thường kéo dài suốt tuần lễ sau đó khi chúng ta suy nghĩ về Lời Chúa đã được nghe hôm Chúa nhật.

Bước thứ ba là đem Lời Chúa ra thực hành. Nếu chúng ta gọi bước thứ nhất là bứơc của "trí não", bước thứ hai là bước của " trái tim", thì chúng ta có thể gọi bước thứ ba là bước của "linh hồn". Bước này bao hàm việc tác động lên những gì trí óc chúng ta lãnh nhận và con tim chúng ta tích chứa gìn giữ.

Thánh Phaolô cố ý bàn về bước của "linh hồn" này như sau:
"Lời Chúa... sắc bén hơn bất kỳ chiếc gươm hai lưỡi nào. Nó phân chia hồn linh, cốt tủy, thấu suốt tư tưởng và ý định trong lòng" (Dt.4,12).

Như thế, có tất cả ba bước liên quan đến việc nghe Lời Chúa: bước "trí não" (lãnh nhận), bước "trái tim" (tích chứa gìn giữ) và bước "linh hồn" (đem ra thực hành).

Câu chuyện sau đây minh hoạ cho ba bước nêu trên:

Có một người đàn ông tên Bill. Ông ta là một nhà thầu khoán nổi tiếng. Dần dà do công việc dồn ép nên Bill đã đâm đầu vào rượu chè và chẳng bao lâu sau, ông đã tách lìa mái ấm gia đình, đồng thời sự nghiệp ông lâm vào tình trạng đổ vỡ.

Một hôm,đang lúc đi bộ xuống phố, tình cờ Bill cúi mắt nhìn xuống. Bên vệ đường có một chiếc đinh cong queo rỉ sét. Bill tự nghĩ: "Cái đinh này đúng là hình ảnh của ta, ta cũng rỉ sét cong queo như nó. Ta chỉ còn là đồ vô dụng chỉ có nước quẳng đi không khác gì cái đinh ấy". Nghĩ thế, Bill cúi xuống nhặt chiếc đinh lên bỏ nó vào túi. Về đến nhà, Bill lấy búa đập nó thẳng lại, đoạn dùng giấy nhám chà lớp rỉ sét đi. Sau đó, Bill đặt chiếc đinh này bên cạnh chiếc đinh mới. Ông cảm thấy khó phân biệt được sự khác biệt giữa hai chiếc đinh ấy. Thế là một tư tưởng loé lên trong trí Bill. Cuộc đời ông có thể uốn thẳng, đánh bóng trở lại giống chiếc đinh nọ. Tuy nhiên không phải dễ dàng! Liệu ông có thể chịu được những cú gõ chát chúa và sự chà xát không? Bill quyết định làm thử...

Hiện nay Bill đã đoàn tụ với gia đình và trở lại với công việc xây cất. Ông rất quý chiếc đinh cũ rỉ cong queo mà ông đã nhặt ở vệ đường đúng vào lúc cam go nhất của đời ông. Mãi đến hôm nay, Bill vẫn còn giữ chiếc đinh ấy trong ví của ông.

Nhìn lại toàn bộ câu chuyện của Bill, chúng ta có thể nhận ra ba bước nói trên:

Bước thứ nhất hay bước "trí não", là lúc Bill nhận thức được chiếc đinh cong queo rỉ sét đúng là hình ảnh của chính ông. Bước thứ hai tức bước "trái tim", là khi Bill dùng búa gò thẳng chiếc đinh và dùng giấy nhám đánh cho sạch, đồng thời nhận ra mình cũng có thể làm y như vậy đối với cuộc đời mình. Bước thứ ba tức là bước "linh hồn", là lúc Bill thực hành những đổi thay trong cuộc sống của mình nhờ đó ông được hồi phục trọn vẹn.

Nếu chúng ta lỡ rơi vào trường hợp giống như trường hợp cậu bé Tim Conroy trong tiểu thuyết của Jonh Power, thắc mắc tại sao mình không là những Kitô hữu hành đạo tốt hơn, thì bài Phúc Âm hôm nay có thể mang lại cho chúng ta một sứ điệp quan trọng.

Có lẽ chúng ta không khá hơn bởi vì chúng ta không biết đáp lại Lời Chúa bằng cả trí óc, bằng cả trái tim và bằng cả linh hồn chúng ta. Sứ điệp bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi gương Bill, đáp lại Lời Chúa giống như cách thức của Bill: đó là nhận lãnh, tích chứa và mang ra thực hành.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu là Ðấng gieo lời Thiên Chúa, xin giúp chúng con nhận biết rằng lãnh nhận lời Ngài mà thôi thì chưa đủ. Xin giúp chúng ta biết tích chứa và mang lời ấy ra thực hành nữa.

Lạy Chúa Giêsu là Ðấng gieo lời Thiên Chúa, xin giúp chúng con đáp trả lời Ngài không chỉ với tất cả trí óc và trái tim và còn với tất cả linh hồn chúng con nữa./.



Cha Mark Link, S.J.